Nho à báVũ Ánh và phu nhân, Ngô Yến Tuyết |
Khoảng giữa năm 1985, tôi và một vài người nữa được đọc lệnh tha ra khỏi biệt giam. Có thể quyết định này liên hệ tới một cuộc tổng thanh tra các nhà tù của Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Sản diễn ra chỉ nửa tháng sau đó. Tôi không có bằng chứng cụ thể nào để gắn vụ tổng thanh tra này với kế hoạch “đổi mới tư duy” của chế độ, nhưng trước khi bị biên chế từ đội làm lò gạch sang đội “đặc biệt” phải di chuyển vào ở chung với khu tu sĩ, tôi đã bị gọi ra làm việc với an ninh trại và qua những chi tiết trong câu hỏi của viên sĩ quan công an phụ trách an ninh này tôi hiểu rằng đang có một biến chuyển chính trị nào đó khá quan trọng ở bên ngoài.
Trên thực tế, một biến chuyển qua trọng đã xảy ra: cuộc trở mình đổi mới tư duy được thực hiện với một cái nhìn xa hơn của Hà Nội so với đàn anh Liên Xô. Nói cho đúng ra, những nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải chọc thủng nồi nước sôi ở Việt Nam nên tránh được sự sụp đổ như Moscow. Tuy người Việt ở hải ngoại rất không muốn nghe điều này, nhưng đó là thực tế. Phải công bằng mà nói như vậy. Tôi không biết có phải do ảnh hưởng của việc Hà Nội thỏa thuận chương trình Tìm Kiếm Người Mỹ Mất Tích hay chương trình đưa cựu tù nhân cải tạo đi tái định cư ở Hoa Kỳ hay không mà một số anh em chúng tôi được chuyển về một trại gần Sài Gòn hơn, đó là trại Z- 30A Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, một trại mà cuộc sống của tù nhân cải tạo tương đối thoải mái hơn so với A- 20.
Cá nhân tôi, không bao lâu sau khi được gặp mặt mẹ già lần đầu tiên tại trại Z- 30A kể từ năm 1977, nhóm chúng tôi gồm T.D.S, N.C.T và Ng. “đen” lại bị di lý về nhà tù số 4 Phan Ðăng Lưu trước cửa chợ Bà Chiểu năm 1986 để ra tòa vì công an Sài Gòn nắm được bằng chứng chúng tôi bí mật cho ra tờ Hợp Ðoàn ở A- 20. Nhưng khi hỏi cung xong và có bản cáo trạng đòi án chung thân đối với 4 người chúng tôi và theo kế hoạch nhà cầm quyền dự tính đưa ra xử trước tòa ngay sau vụ xử nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Dương Hùng Cường, vào giờ chót Viện Kiểm Sát lại quyết định không truy tố nữa mà đưa chúng tôi trở về trại Xuân Lộc tiếp tục cải tạo trong biệt giam vài tháng trước khi được thả cùm và riêng tôi được thả ra khỏi trại cuối năm 1988 khi trại chỉ còn một nhóm nhỏ tù cải tạo án tập trung.
Tuy nhiên, những trại giam mà tôi đi qua, trước hoặc sau trại A- 20 Xuân Phước chưa biểu lộ tột cùng tính chất địa ngục trần gian của chúng. Cho nên ở đây tôi chỉ ghi lại những chi tiết về những năm tháng phải sống ở tại thung lũng chết Xuân Phước ấy, nơi tôi trải qua đầy đủ những thử thách và những mưu mô hủy diệt con người như một điểm nhấn trong đời tù của mình. Ngày tôi được gọi tên để chuyển trại về Z- 30A Xuân Lộc, người tù thứ 125 qua đời tại bệnh xá phân trại B. Anh là một trong những tù nhân của đội hình sự tại phân trại E được đưa vào bệnh xá để chữa trị lao phổi thời kỳ cuối và vài ngày sau khi chúng tôi đã trở thành nhân số tù nhân cải tạo của Z- 30A, thì tù nhân thứ 126 ở A- 20 cũng qua đời vì bị bệnh suyễn mà không được cấp thuốc để làm giảm nguy cơ tử vong. Người tù đó là Linh Mục Nguyễn Luân, một tu sĩ trẻ trầm tĩnh và rất cương quyết.
Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi ngồi tính sổ cái giá của cuộc lưu đày mà tôi phải trả. Chỉ biết rằng với cá nhân và gia đình tôi, cái giá đó khá đắt. Nhưng không phải vì thế mà tôi ân hận những việc mình đã làm và mặt khác tôi cũng không hề giữ mãi lòng thù hận những người chiến thắng. Khi đặt chân xuống phi trường San Francisco để bắt đầu một cuộc đời mới muộn màng là lúc tôi quyết định tạm xếp lại những ngày tháng đau thương cũ. Tôi cần bắt tay làm việc ngay trong một đất nước thật sự tự do và dân chủ. Trong rất nhiều lá thư từ Mỹ gởi về Sài Gòn, bạn bè tôi sang trước vẫn cứ hay khuyên nhủ: “Nếu mày có sang đây thì việc đầu tiên là mày phải tập tạm quên đi những ngày nhục nhã và đau đớn mà chúng ta từng phải chịu đựng để bắt đầu ngay công việc của mày. Chúng ta chẳng còn tuổi để mà thực hiện giấc mơ Mỹ, nhưng nếu mày không nghe chúng tao thì không thể tồn tại được ở đất nước này đâu.”
Tôi phải thú thực rằng, được định cư ở Hoa Kỳ để làm lại từ đầu vào lúc tuổi đã 51 là một cơ may. Từ ngày đi tù trở về, tôi chưa bao giờ dám mơ đến việc đến được nước Mỹ. Thứ nhất, sống gần bốn năm với nghề lao động chân tay ở Sài Gòn, phải khó khăn lắm tôi mới tự nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình được, làm gì có vàng để nộp cho chủ tàu vượt biển. Thứ hai, sau hơn 13 năm tù trong đó 7 năm nằm biệt giam và phải đối phó với những đòn nhục hình vô nhân đạo nhất, thực tình tôi đã cảm thấy “lạnh cẳng” rồi và luôn luôn tự nhủ lòng mình rằng nếu chúng kè xe honda vào sát chiếc xe đạp hay chiếc xích lô tôi dùng làm phương tiện sinh sống hàng ngày, tôi nhất định phải đương cự bằng mọi giá hoặc là trốn thoát hoặc chết còn hơn lại tiếp tục chết dần mòn trong biệt giam ở một nhà tù nào đó nữa.
Thật may, trong suốt những năm tháng sống ở Sài Gòn trong sự kỳ thị ra mặt của chính quyền địa phương, không có chuyện gì xảy ra cho tôi. Nhà cầm quyền phường từ chối mọi đơn tôi xin di chuyển ra khỏi Sài Gòn để thăm một vài bạn tù sinh sống tại những thành phố khác lấy lý do lệnh quản chế vẫn còn hiệu lực, nhưng họ không tìm cách dồn tôi vào chân tường. Vả lại khi họ thấy một người tù cải tạo mà lúc nào lưng chiếc áo tôi mặc để lao động cũng ướt mồ hôi, có thể anh chàng Vinh “đen” công an phường tôi ở đã chép miệng: “Ồ như thế là cuộc đời thằng này đã chấm dứt vì nó lo miếng ăn hàng ngày cũng đã khốn nạn rồi làm gì mà còn dám manh động nữa.” Một trong những người cậu của tôi, và cũng là một nhà văn khá nổi tiếng trong Hội Nhà Văn ngoài Bắc cũng bị tù 6 năm chỉ vì nhà cầm quyền nghi ông là người theo chủ nghĩa xét lại. Có lần gặp tôi tại Mỹ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Hiệp Hội American Joiner, ông nói như thế này: “So với cháu, ngày tù của cậu chẳng thấm vào đâu. Nhưng cái khốn nạn nhất không phải là thời gian cậu ở trong tù mà là lúc được thả ra ngoài đời. Việc câu thúc con người của họ (Cộng Sản) vào thời đó thật kinh hãi. Cái nghề mọn nhất là ngồi lên yên chiếc xích lô để kiếm sống cũng không được phép, chỉ có cách sống duy nhất là ngồi gấp và dán những bìa carton để làm bao bì ngày chỉ đủ tiền ăn cháo.” Nhưng cậu tôi không chỉ nói ra những câu chuyện như vậy với những người thân. Cậu đã viết nó thành chuyện và dĩ nhiên phải xuất bản ở Hoa Kỳ sau khi các sợi dây trói giới văn nghệ miền Bắc đã được nới lỏng do tình hình đã đổi thay.
Ðôi lần cậu hỏi xem tôi nghĩ như thế nào sau khi đọc các tác phẩm của cậu, tôi chỉ nói cần phải viết ra, không nên giữ trong lòng làm gì khi có cơ hội. Tôi nhấn mạnh với cậu là đến như tôi cũng không thể ngờ được là Đảng của cậu lại đì những cựu đảng viên như cậu đến mức phi nhân như thế, nhất là bà tôi và là mẹ của cậu lại là người từng đem tất cả tài sản vàng bạc cúng vào tuần lễ vàng dành cho cuộc kháng chiến chống thực dân của Việt Minh.
Trích "Thung Lũng Tử Thần" - Người Việt Books xuất bản, 2014
Trích "Thung Lũng Tử Thần" - Người Việt Books xuất bản, 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét