Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

NHÀ BÁO NGUYỄN MẠNH THẮNG ĐỀ NGHỊ KHÔNG TÁI BỔ NHIỆM Ô. ĐINH ĐỨC LẬP

Vụ Đinh Đức Lập: Những "cái nhất" của "cụ" 
Lập (tổng biên tập báo Đại đoàn kết)



Thấm thoắt đã hơn 5 năm trôi qua, kể từ ngày ông Đinh Đức Lập về “trị vì” báo Đại Đoàn Kết. 5 năm qua, biết bao câu chuyện sau này sẽ lưu trong sử sách của lịch sử báo chí Việt Nam. Ông Lập đã “vinh dự” là 1 trong số ít những tổng biên tập báo được “từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” vinh danh tên tuổi (xin xem:
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90inh_%C4%90%E1%BB%A9c_L%E1%BA%ADp).

Tiếc thay, người ta nhớ đến ông Lập là nhớ đến những sai phạm nghiêm trọng chưa bị xử lý. Ông đã làm cho thương hiệu báo Đại Đoàn Kết nổi như cồn, thực hiện đúng lời tuyên ngôn trả lời báo BBC khi cho rằng báo Đại Đoàn Kết thời người tiền nhiệm Lý Tiến Dũng và Đăng Ngọc không hay bằng trước. Ông Lập đã làm cho báo hay hơn khi đi đến đâu cũng thấy người ta nói “À. Hóa ra anh làm ở Tờ “Đại… mất đoàn kết”.

Ông Lập cũng lập “thành tích” trong một nhiệm kỳ mà nhiều lần trong các cuộc họp tại Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tòa soạn bị cán bộ  phóng viên dưới quyền chỉ trích, lên án, đề nghị thay Tổng biên tập (ông Lê Quốc Khánh - Trưởng Văn phòng báo tại Cần Thơ đề nghị thay Tổng biên tập năm 2009 ngay giữa một cuộc họp ở hội trường 46 Tràng Thi, Hà Nội) kể từ ngày mới chân ướt chân ráo vào báo đến nay.

Ông Lập cũng lập thành tích khiến cho tổ chức Công đoàn từ cơ sở báo Đại Đoàn Kết, đại diện Công đoàn phía Nam của MTTQ, Công đoàn viên chức Việt Nam, Tổng liên đoàn lao độngViệt Nam phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi người lao động bị xâm hại. Ông Lập cũng để lại vết nhơ khi tổ chức ghi âm trộm cuộc họp của Ban Thường vụ Công đoàn MTTQ Việt Nam trong buổi nghe báo cáo sai phạm của mình để trả thù người báo cáo…

Thấm thoắt 5 năm, chỉ còn chưa đầy tháng nữa thôi là ông Lập hết nhiệm kỳ. Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng vừa gửi tới những vị lãnh đạo cao nhất của MTTQ Việt Nam lá đơn đề nghị “không làm quy trình tín nhiệm, tái bổ nhiệm Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đối với ông Đinh Đức Lập”. Dưới đây là đơn của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng gửi ngày 29/5/2014.


Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN ĐỀ NGHỊ
KHÔNG LÀM QUY TRÌNH TÍN NHIỆM, TÁI BỔ NHIỆM
TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT ĐINH ĐỨC LẬP

Kính gửi: Ban thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng – Nhà báo – Nguyên Phó Trưởng Ban Văn hóa – Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết; Thường trú: *** ĐT: ***.

Kính thưa quý vị lãnh đạo!

Ngày 3/7/2009, T.M Ban Thường trực UBTWMTTQVN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim đã ký QĐ bổ nhiệm ông Đinh Đức Lập làm Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Thời hạn bổ nhiệm: 5 năm kể từ ngày 6/7/2009. Tức là hết ngày 6/7/2014 này là hết thời hiệu của Quyết định.

Để bảo vệ uy tín, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, uy tín và danh dự của Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam; trên tinh thần dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng chống thanh nhũng, tiêu cực theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống tham nhũng; trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ dân chủ, công bằng, tôi xin kính đề nghị quý vị lãnh đạo Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam không xem xét và cho tiến hành làm quy trình lấy phiếu tín nhiệm để tái bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cho ông Đinh Đức Lập dựa trên những căn cứ dưới đây:

1.           Trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung, lịch sử báo Cứu Quốc, Giải Phóng và Đại Đoàn Kết nói riêng, chưa từng thấy một Tổng biên tập nào mà liên tiếp mắc nhiều sai phạm, nội bộ tổ chức bất ổn dẫn đến tình trạng đơn thư tố cáo, khiếu nại rất nhiều như đối với Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập.  Hơn nửa nhiệm kỳ (từ tháng 5/2012 đến nay) là có đơn tố cáo về nhiều nội dung sai phạm. Đến nay, có nội dung đã được Kết luận, nhưng còn nhiều nội dung chưa được giải quyết.

2.           Trong lịch sử báo chí Việt Nam, chưa từng thấy một Tổng biên tập báo nào, một Ban biên tập báo nào bị chính báo chí bạn phanh phui ra những tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng không thể chối cãi được như đối với ông Lập. Có thể nêu một số báo điển hình có bài vạch rõ sai phạm này như: Báo Người cao tuổi (báo trực thuộc Hội người cao tuổi Việt Nam – Tổ chức thành viên của MTTQ); Báo Tuổi trẻ (trực thuộc Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh – cũng là nằm trong tổ chức của Trung ương Đoàn – Tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam); Tạp chí Người làm báo (trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam – Một tổ chức nghề nghiệp mà báo Đại Đoàn Kết là thành viên, hơn nữa, ông Lập còn có vai trò là Ủy viên Ban chấp hành); Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh (trực thuộc Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM -  cũng là một tổ chức thành viên của MTTQVN). Tại sao những báo, tạp chí có quan hệ mật thiết, máu thịt với MTTQ Việt Nam và với nghề nghiệp thường xuyên như thế buộc phải lên tiếng?. Đến nay, nhiều nội dung mà các báo phản ánh chưa được Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam trả lời.

 3.           Chưa từng thấy trong lịch sử báo chí Việt Nam một Tổng biên tập báo nào lại bị dư luận bạn đọc, cộng đồng mạng xã hội phẫn nộ, công kích mạnh mẽ như đối với Tổng biên tập Đinh Đức Lập. Vụ việc nhức nhối khiến họ đặt thành tên cho tiêu điểm hàng loạt bài viết là “Vụ Đinh Đức Lập”.
 4.           Trong lịch sử báo chí, chưa từng thấy một Ban biên tập báo nào cho đăng bài viết thóa mạ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người đứng đầu cơ quan chủ quản như Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết. Đó là vụ việc Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết cho đăng bài viết “Trách nhiệm” trên số 182 ra ngày 1/8/2011, miệt thị lãnh đạo Đảng, Nhà nước (nơi phát động cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam) và ông Trưởng Ban thực hiện cuộc vận động (Chủ tịch MTTQ Việt Nam). Vụ việc này đã được chính Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn khẳng định là có cơ sở. Vi phạm nghiêm trọng như vậy nhưng Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ lại cho kiểm điểm rút kinh nghiệm.

5.           Trong lịch sử báo chí Việt Nam, chưa từng thấy một Ban Biên tập nào trong hai năm lại có sai phạm về tổ chức nhân sự nhiều như Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết.  Dẫn chứng: Trong đợt bổ nhiệm 5 lãnh đạo Ban của báo cuối năm 2011 thì ngay đầu năm 2012 đã có tới 4 người đã mắc sai phạm nghiêm trọng bị báo chí và đơn tố cáo phanh phui. Đó là trường hợp vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Huy làm Trưởng Ban Tuyên truyền Quảng cáo Phát hành thì bị báo Người cao tuổi phanh phui tội hối lộ, làm giả hồ sơ công tác. Vụ việc bổ nhiệm ông Huy sai trái đã được Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn khẳng định là có cơ sở. Ông Huy đã bị kỷ luật Cảnh cáo Đảng, Cách chức. Trường hợp bổ nhiệm Trưởng Ban Chuyên đề Nguyễn Thị Cẩm Thúy trong khi gian lận bằng cấp cũng đã được Báo cáo số 05-BC/UBKT – ĐU ngày 12/11/2012 của Tổ Kiểm tra Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQ Việt Nam Kết luận: Nguyễn Thị Cẩm Thúy “tiếp nhận và lưu giữ giấy chứng nhận không hợp pháp, tạo dư luận không tốt, gây hoài nghi trong cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến uy tín của Tổng biên tập và Ban Biên tập”. Đến nay, Chi ủy báo Đại Đoàn Kết cố tình bao che không xử lý vụ việc. Cũng chính Bí thư chi bộ Đinh Đức Lập kết nạp Nguyễn Thị Cẩm Thúy vào Đảng trong khi Nguyễn Thị Cẩm Thúy đang bị tố cáo gian lận bằng cấp, tự ý đi Mỹ không có sự đồng ý của Tổng biên tập báo. Sổ Công văn năm 2005 (thời điểm Thúy đi Mỹ) của báo không thể hiện việc giao dịch (thư mời, công văn của báo gửi đi…). Báo cáo số 05-BC/UBKT – ĐU thể hiện Tổng biên tập Lê Quang Trang xác nhận có đồng ý cho Nguyễn Thị Cẩm Thúy đi Mỹ cuối năm 2012. Xác nhận này có giá trị không khi năm 2005 ông Lê Quang Trang không có công văn đồng ý, mà sau khi ông nghỉ hưu được hơn 6 năm mới xác nhận?. Trường hợp ông Đinh Quang Sơn – Kế toán trưởng - Phó Ban Kế hoạch tài chính (cháu ruột ông Lập) bị chính Ban Hỗ trợ dự án xây dựng nhà ở cho CBCNV báo Đại Đoàn Kết kiểm kê quỹ phanh phui thụt két chiếm dụng vốn. Báo Người cao tuổi đã phanh phui vụ việc. Ông Sơn sau đó đã bị kỷ luật thuyên chuyển công tác và Cách chức. Trường hợp Trưởng Ban Công tác Mặt trận Phạm Hằng thì dù biết trước Hằng sẽ đi nước ngoài cùng chồng  nhưng vẫn cố tình bổ nhiệm để sau khi được bổ nhiệm chưa đầy tháng thì Hằng đã bỏ Đảng, bỏ chức, theo chồng ra nước ngoài. Để lấy lòng lãnh đạo và phục vụ lợi ích phe nhóm, Hằng sẵn sàng chấp bút theo chỉ đạo để viết bài báo “Trách nhiệm” thóa mạ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam như đã viết ở trên. Trường hợp ông Nguyễn Văn Hải là lái xe lâu năm của cơ quan nhưng vì không chịu làm lái xe riêng của gia đình cho ông Lập nên đã bị chuyển sang làm bảo vệ. Ông Lập đã cho tuyển một lái xe riêng cho ông và gia đình. Việc điều chuyển lái xe sanglafm bảo vệ và tuyển thêm lái xe khác này đã được Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn khẳng định là có cơ sở và vi phạm Điều 8 Quyết định 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, vẫn chưa thấy xử lý ông Lập và thu hồi số tiền mà ông Lập vi phạm.  Trường hợp Phó Trưởng Ban Văn hóa – Nghệ thuật Nguyễn Mạnh Thắng vì tố cáo nên đã bị trả thù chuyển công tác sang làm Phó Trưởng Ban Kỹ thuật Quản trị mạng dù ông Thắng không có chuyên môn kỹ thuật quản trị mạng. Thay vào vị trí của ông Thắng là một phóng viên của ban khác. Trường hợp Phó Trưởng Ban Đại diện TP. Hồ Chí Minh Hữu Nguyên bị tước quyền phụ trách Ban, không được tham gia họp giao ban đã được Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn khẳng định có cơ sở. Trường hợp Phó Trưởng BanKhoa giáo Đặng Thị Kim Ngân bị ngăn cản không cho thi nâng ngạch cũng đã được Kết luận số 42 KL/MTTW – ĐĐ ngày 7/1/2013 của Đảng Đoàn khẳng định có cơ sở. Trường hợp nhân viên Ban Trị sự Ma Thị Vân quản lý con dấu cơ quan nhưng để cán bộ khác tự ý cầm dấu để đóng dấu lung tung vào nhiều hồ sơ giả mạo mà không bị xử lý. Trường hợp sử dụng nhân viên Ban Trị sự Trịnh Thị Ngọc Thủy nắm toàn bộ sổ sách để vô hiệu hóa Trưởng ban Trần Thị Hà. Rồi sau khi Trịnh Thị Ngọc Thủy nghỉ hưu thì lại cho Trường hợp Trưởng Ban Kỹ thuật Quản trị mạng Vũ Tiến Cường được kiêm thêm chức Phó Ban Trị sự để tiếp tục vô hiệu hóa Trưởng Ban Trị sự Trần Thị Hà. Trường hợp sử dụng phóng viên Lê Anh Đức (từng bị sa thải ở báo khác) đặc cách không thuộc một Ban nội dung nào để hưởng chế độ như một Phó Trưởng ban để phụ trách Tổ Giám sát – Phản biện không có trong mô hình tổ chức đã được Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam phê duyệt

6.           Trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung, lịch sử báo Đại Đoàn Kết nói riêng, chưa từng thấy một Tổng biên tập nào lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm dụng báo Đại Đoàn Kết nhằm mục đích thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân, bệnh hình thức, đánh bóng hình ảnh Tổng biên tập gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và đạo đức người làm báo, làm ảnh hưởng không tốt tới MTTQ Việt Nam là cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn kết như ông Đinh Đức Lập. Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ của Đảng đoàn  MTTQ Việt Nam khẳng định tố cáo này có cơ sở nhưng lại cho ông Lập kiểm điểm rút kinh nghiệm.

7.           Tổng Biên tập Đinh Đức Lập thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tiền quỹ dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên báo Đại Đoàn Kết. Để quỹ bị thụt két, chiếm dụng vốn trong một thời gian dài. Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã có kết luận và gửi Công văn số 336/CAHM ngày 28/5/2013 tới Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị xử lý Tổng biên tập Đinh Đức Lập nhưng đến nay chưa thấy xử lý.

8.           Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết tư vấn và đề nghị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim sai pháp luật, dẫn đến việc ông Vũ Trọng Kim vi phạm việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rõ ràng việc ông Vũ Trọng Kim ký Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT ngày 13/5/2010 chỉ định hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương để đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng khai thác tòa nhà trụ sở báo tại 66 Bà Triệu, Hà Nội là trái Khoản 4 Điều 44 Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

9.           Trong quá trình bổ nhiệm Tổng biên tập Đinh Đức Lập năm 2009 không hề có ý kiến của Ban thường vụ Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rõ ràng việc này.

10.        Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết đã không báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam để giải quyết việc tranh chấp Văn phòng báo tại 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng, nhất là trong việc tự ý nhận 1 tỷ đồng để từ bỏ quyền sử dụng nhà đất của văn phòng. Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã khẳng định điều này. Đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình giải quyết vụ việc này.

11.        Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập đã vi phạm Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010của Thủ tướng Chính phủ trong việc huy động kinh phí, tổ chức trao cúp Tự hào thương hiệu Việt. Báo Người cao tuổi đã có bài điều tra làm rõ. Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã khẳng định tố cáo nội dung này có cơ sở.

12.        Tổng biên tập Đinh Đức Lập lạm dụng chức vụ để tùy tiện cắt chế độ của Ban Đại diện báo tại TP. Hồ Chí Minh. Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã khẳng định tố cáo nội dung này có cơ sở.

13.        Chưa từng thấy có một Ban Biên tập nào lại vô nhân đạo như Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết khi bắt một phóng viên Ban Dân chủ pháp luật và bạn đọc phải chuyển công tác sang Ban Thư ký tòa soạn để phải đi làm cả ngày lẫn đêm trong khi phóng viên này vừa đi làm trở lại sau kỳ nghỉ thai sản, con bé 4 tháng tuổi. Trước tình cảnh đó, phóng viên này buộc phải xin chuyển công tác sang báo khác.

14.        Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết đã để cho tình hình tài chính mất cân đối, nợ nần nghiêm trọng. Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã khẳng định tố cáo nội dung này có cơ sở và đề nghị cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế vào điều tra làm rõ. Đến nay, vẫn chưa thấy Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị sang cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế vào điều tra.

15.        Chưa từng thấy một Tổng biên tập nào lại tạo ra môi trường làm việc khiến cho trong vòng hơn một năm mà gần ba chục cán bộ, phóng viên, những cây bút nổi tiếng của báo Đại Đoàn Kết phải chuyển công tác. Để lấp liếm việc thiếu hụt, ông Lập cho tuyển ồ ạt người mới một cách vô tội vạ.

16.        Chưa từng thấy một Bí thư chi bộ - Tổng biên tập báo  nào lại lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sai khiến thuộc cấp tổ chức thực hiện hoành tráng nghi lễ mê tín dị đoan cầu cúng giải hạn tại trụ sở sau khi 19 Điều Đảng viên không được làm được ban hành như ông Lập. Vụ việc này được tổ chức tối ngày 19/7/2012. Đơn tố cáo đã không được giải quyết dù đã cung cấp hình ảnh. Trái lại, trong Báo cáo số 05-BC/UBKT – ĐU của Tổ kiểm tra Ủy ban kiểm tra Đảng ủy MTTQVN (lưu hành nội bộ Đảng) còn bênh che cho rằng đó là nghi lễ vào dịp Tết để cầu cúng cho Bác Hồ.
  
17.        Chưa từng thấy một Tổng biên tập báo nào lại có những phát biểu hồ đồ, vô chính trị, vô pháp luật, vô nghề nghiệp như Tổng biên tập Đinh Đức Lập. Năm 2009, dù chưa chính thức về báo Đại Đoàn Kết nhưng ông Lập lại tự ý trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài và huyên thuyên tự cao tự đại cho rằng mình sẽ làm hay hơn Tổng biên tập cũ. Năm 2012, ông Lập phát biểu quy chụp vu khống cho hai Ủy viên Bộ Chính trị có tác động đến việc tranh chấp Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng. Giọng nói của ông Lập đã bị ghi âm và phát tán trên mạng. Đến nay, Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn chưa có công văn gửi cơ quan an ninh điều tra làm rõ giọng nói trong clip đó có phải của ông Lập không?. Ông Lập càng làm phức tạp thêm tình hình khi cho đăng tin mập mờ trên báo Đại Đoàn Kết bác bỏ ông không vu khống nhưng không dám bác bỏ giọng nói đó không phải của ông. Trong nhiều bài báo tự ông Lập viết thể hiện sự vô chính trị và non kém về nghề nghiệp. Là Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết - cơ quan trực thuộc Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhưng ông Lập không biết kiểm chứng, phê duyệt đăng bài vu khống Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi cho rằng: Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị xây dựng nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Năm 2013, ông Lập cho đăng bài viết thóa mạ những người tố cáo và vu khống những người tố cáo ông những sai phạm không hề có. Vụ việc này đã được chúng tôi Khiếu nại nhưng Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông chưa giải quyết. Nếu không được giải quyết, theo luật báo chí, chúng tôi sẽ khởi kiện ra Tòa án.

18.        Chưa từng thấy trong lịch sử báo chí Việt Nam một Ban Biên tập báo nào lại vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành Kết luận của Đảng (Kết luận số 42 KL/MTTW – ĐĐ ngày 7/1/2013, Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Thông báo kết luận số 41/TB-MTTW-ĐĐ ngày 8/7/2013 của Đảng đoàn UBTWMTTQVN), quy định pháp luật của nhà nước, tiến hành trả thù hàng loạt người đã và đang tố cáo mình như Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Báo Tuổi trẻ, Tạp chí Người làm báo, báo Người cao tuổi và dư luận xã hội đã lên án mạnh mẽ sự việc này. Các nhà báo đã khởi kiện ra Tòa án. Và trong thời gian tới, các vụ án sẽ được đưa ra xét xử. 

19.        Chưa từng thấy thời điểm nào mà quy định của Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam bị bỏ qua không được xem xét đến như đối với Tổng biên tập Đinh Đức Lập. Đó là việc không  áp dụng quy định củaHướng dẫn số 35HD/ĐĐMTTQVN ngày 4/10/2001 của Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc phân cấp quản lý đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, mục “miễn nhiệm” có ghi rõ: “Trong quá trình giữ chức vụ, cán bộ có sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức nhưng uy tín bị giảm sút thì Đảng đoàn xem xét quyết định miễn nhiệm chức vụ đối với cán bộ đó và bố trí công tác khác không liên quan đến lĩnh vực công tác mà cán bộ đã sai phạm trước đó...”. Sở dĩ có điều này vì ông Vũ Trọng Kim đã cố tình bao che, giải quyết tố cáo sai luật. Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rõ ràng việc này. Báo Người cao tuổi cũng có bài bình luận về Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, và cho rằng: Chỉ riêng những sai phạm trong kết luận này thì ông Đinh Đức Lập ít nhất cũng phải chịu hình thức kỷ luật Cảnh cáo Đảng, Cách chức Tổng biên tập.

20.        Đến nay, nhiều nội dung tố cáo Tổng biên tập Đinh Đức Lập chưa được Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam thụ lý giải quyết. Do đã quá thời hiệu rất lâu mà không được giải quyết nên vì thế, ông Vũ Trọng Kim tiếp tục bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật tố cáo.

21.        Đến nay, ông Vũ Trọng Kim và Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn chưa giải quyết dứt điểm về tổ chức và tố cáo ở báo Đại Đoàn Kết như Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận phải thực hiện trong Quý 1/2014.  

Kính thưa quý vị lãnh đạo!

Trên đây chỉ là một số căn cứ sai phạm của Tổng biên tập Đinh Đức Lập đã được làm rõ. Có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật (dù không đúng quy định về tính chất, mức độ vi phạm), có sai phạm chưa được Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam xử lý. Bên cạnh đó, nhiều sai phạm khác chưa được Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam giải quyết. Một số nội dung sai phạm khác của ông Lập cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền thụ lý. Dù cố tình kéo dài, nhưng những vụ án Tranh chấp Hợp đồng lao động tại báo Đại Đoàn Kết sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Sở dĩ vụ việc sai phạm của Tổng biên tập Đinh Đức Lập bị kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm là do được ông Vũ Trọng Kim – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam bao che. Chúng tôi đã từng làm đơn, gặp trực tiếp trao đổi, kiến nghị ông Kim cho tiến hành hòa giải, giải quyết nội bộ nhưng ông Kim từ chối.

Bởi vậy, việc không tiến hành làm quy trình lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập cho ông Đinh Đức Lập, thay vào đó là điều chuyển công tác sẽ đem lại những lợi ích sau: Tuân thủ kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; Tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam; Bảo vệ  và lấy lại uy tín của Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không bao che cho tiêu cực mà chính Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam có chức năng giám sát, phản biện; Không tiếp tục gây nhức nhối dư luận… Còn nếu vẫn cố tình làm quy trình lấy phiếu tín nhiệm (chắc chắn sẽ được tín nhiệm cao vì cán bộ, phóng viên nào dám làm trái ý muốn ông Lập. Hành động trả thù dã man người tố cáo, người dám phản ứng lại hành vi sai trái, ý muốn của ông Lập như thế nào là tấm gương đã rất rõ ràng) thì kết quả sẽ ngược lại với lợi ích kể trên.

Liệu Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thể làm lơ mãi không giải quyết tố cáo?. Nếu Ủy Ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục kết luận về các nội dung tố cáo sai phạm của ông Vũ Trọng Kim trong việc bao che không giải quyết tố cáo là có cơ sở thì sao?.  Chưa hết, khi bổ nhiệm lại, nếu các cơ quan chức năng và Tòa án phán quyết ông Lập vi phạm pháp luật thì khi đó uy tín của Ủy Ban Trung ương MTTQ ViệtNam sẽ thế nào?. Liệu có lãnh đạo Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam nào tiếp tục mạo hiểm uy tín của mình, của hệ thống MTTQ Việt Nam để cố tình bao che cho ông Lập - người cố tình giẫm đạp lên pháp luật, quy định của Đảng để thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân, lợi ích bản thân, lợi ích nhóm?. Nếu tiếp tục bổ nhiệm ông Lập, thì tương lai báo Đại Đoàn Kết sẽ như thế nào?.

Kính thưa quý vị lãnh đạo!

Trên cơ sở phân tích kể trên, chúng tôi rất mong quý vị lãnh đạo xem xét, giải quyết và trả lời chúng tôi.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
                                                                    
                                                          Hà Nội ngày 29 tháng 5 năm 2014
Nơi nhận:                                                                             Người làm đơn
-Bí thư Đảng đoàn,
Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân
-Ban Tuyên giáo Trung ương
-Bộ Thông tin truyền thông
-Cục Báo chí
-Đảng đoàn UBTWMTTQVN                                        Nguyễn Mạnh Thắng
-Các Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN
-Ban Thường trực UBTWMTTQVN
-Đảng ủy UBTWMTTQVN
-Các Ban của UBTWMTTQVN


Bài do nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng gởi tới blog HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét