Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Đọc sách HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955 – 1975 của NGUYỄN VĂN LỤC


Nhan đề sách gợi một cảm tưởng rất mông lung, dù là nhìn không gian ấy, thời gian ấy thì ai cũng biết là nói về Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng là về những đề tài gì? Nhà xuất bản cho biết: “Tác phẩm của ông có thể gọi là ký sự, là sưu tập, là nhận định, là tạp luận..., nhưng quan trọng hơn hết không phải là tên gọi mà là chính tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Lục đã hiện diện như một chứng nhân và cũng là một nạn nhân.”

Nguyễn Văn Lục, với tư cách là một công dân từ ngày đầu tới ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, đã viết về một số sự kiện liên quan đến chế độ, nhân vật, sự biến... trong hai mươi năm ấy, vẫn theo lời nhà xuất bản, không phải với tư cách một sử gia, học giả, nhà văn hay là một chính khách. Theo chúng tôi, đúng nhất, Nguyễn Văn Lục viết cuốn sách này với tư cách một trí thức tự do, hay chi tiết hơn chút nữa, viết qua lăng kính của một giáo sư Triết học. Qua 16 vấn đề được đề cập, dù là về chính trị, văn học hay báo chí, tác giả luôn luôn có một cố gắng, xuyên qua khảo sát vô số sự kiện và tài liệu, đi tới tận cốt lõi của vấn đề, vốn là thói quen của những người thường sống với các suy nghĩ triết học. Có thể nói với cách viết của ông, đề tài nào cũng lôi cuốn, vì ông rất chịu khó sưu tầm tài liệu rất phong phú “nói có sách mách có chứng”, kèm theo các nhận định riêng của mình.

Trong phần 1, Sinh hoạt chính trị miền Nam, chương “Trí thức miền Nam nhập cuộc” đã đưa ra một vấn đề ít người để ý nhắc tới khi viết về Việt Nam Cộng Hòa. Người ta đã viết nhiều sách khen hay chê Tổng thống Ngô Đình Diệm, về các thành tựu đáng ca ngợi trong việc ổn định tình hình trong thời gian rối ren trước khi nền Cộng Hòa được khai sinh, về Ấp Chiến Lược, về vụ Phật Giáo v.v..., nhưng về trí thức, lớp men của xã hội, thì lại không mấy người quan tâm. Lý do dễ hiểu là phần lớn đều viết dựa trên sự kiện và biến cố, trong khi trí thức là một cái gì gần như vô hình, dù là có ảnh hưởng quan trọng trong một xã hội. Bài này sẽ đề cập riêng về chương “Trí thức miền Nam nhập cuộc”, như một chia sẻ rất trân trọng và tâm đắc với cách đặt và trình bày vấn đề của tác giả. Dĩ nhiên cuốn sách còn nhiều chương rất đáng chú ý, xin được hẹn sẽ đề cập trong dịp khác.

Ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh giữa một tình thế vô cùng khó khăn, nhưng đã ổn định tình hình nhanh chóng và lập nên nền Cộng Hòa cho miền Nam. Nhiều tầng lớp dân chúng, trong đó có trí thức, ủng hộ chính quyền. Giáo sư Vũ Văn Mẫu trong buổi bình minh của chế độ đã có nhận xét là mọi người đánh giá cao Ngô Đình Diệm trong cương vị một tân tổng thống và nhắc đến “quá khứ trong sạch của Ngô Đình Diệm khi làm việc quan, tính tình khí khái của ông khi từ chức thượng thư Bộ Lại trong nội các đầu tiên của Bảo Đại.” Từ giữa đến cuối thập niên 1950 tình hình thật tốt đẹp, mặc dù từ đầu chương, tác giả đã lưu ý tình trạng thiếu vắng trí thức của miền Nam do họ đã bị giết hại quá nhiều do thực dân Pháp và nhất là do Đệ tam quốc tế cộng sản: Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Thạch v.v... Nhưng bù vào đó, rất nhiều trí thức từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, và chính quyền đã cử nhiều sứ giả đi ngoại quốc, tiếp xúc, lôi kéo lớp khoa bảng Việt Nam mới tốt nghiệp ở các nước phương Tây về nước tham gia chính quyền hoặc giảng dạy đại học. Tác giả đã có những ghi nhận chính xác:
“Vào thời gian này, cuộc sống người dân đã có nhiều cải tiến. Về giáo dục, các trường tiểu học, trung học được thành lập từ cấp tỉnh đến quận. Về y tế, mỗi tỉnh đều có trạm y tế và nhà thương. Vấn đề đào tạo giáo viên, y tá, cán sự y tế, giáo sư trung học được đẩy mạnh. Các trường đại học, kỹ thuật, hành chánh, các trường võ bị mỗi năm đã đào tạo một số lượng chuyên viên, sĩ quan đáp ứng đủ nhu cầu.”

Chính quyền đệ nhất cộng hòa đã đặt để những nền tảng vững chắc cho một xã hội ổn định, để từ đó phát triển đất nước. Thế nhưng:
“Nếu những năm đầu của nền đệ nhất Cộng Hòa từng tạo cảm tưởng tổng thống Diệm đang nắm thế mạnh thì diễn biến thực tế cho thấy thời kỳ ổn định chính trị kéo dài không lâu. Năm cuối cùng của thập niên 1950, dấu hiệu bất mãn trong quần chúng đã hiển hiện. Stanley Karnov đi thăm nhiều vùng và nhận thấy dân chúng bắt đầu mất tin tưởng chính quyền vì tình trạng tham nhũng đã thành phổ biến. Những năm tháng tốt đẹp của nền đệ nhất cộng hòa đã rạn nứt.”

Tình trạng rạn nứt đó là có thật và ngày càng trầm trọng. Vì sao đang từ sự tốt đẹp trong những năm đầu, lại bắt đầu manh nha nhiều bất mãn trong dân chúng? Có thể từ hai lý do: khách quan, cộng sản bắt đầu phá hoại, lấn chiếm ở nông thôn, gây tình trạng bất an ninh; chủ quan, chính quyền không thực hiện sự đoàn kết rộng rãi với những nhân vật và đảng phái chống cộng khác đã có mặt ở Việt Nam từ lâu năm, đã từng cọ xát với cộng sản nhiều phen như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v..., khi ông Ngô Đình Diệm còn “lê gót nơi quê người.” Càng ngày chính quyền càng tỏ ra một sự kiêu hãnh cục bộ, khá hẹp hòi, tự thấy mình đầy đủ năng lực từ lý thuyết cần lao nhân vị đến đoàn thể thanh niên thanh nữ cộng hòa, lực lượng giáo dân di cư, và dĩ nhiên của guồng máy hành chánh và quân đội đang nắm trong tay, để không những từ chối đối thoại với thành phần quốc gia đối lập mà còn bắt bớ, giam cầm và cả thủ tiêu.

Tác giả Nguyễn Văn Lục đã có một nhận định rất đúng khi đưa ra việc lên tiếng của nhóm Caravelle như là một phản ứng, một cảnh cáo đầu tiên của giới trí thức trước tình thế đất nước lúc ấy. Đó là “tình trạng bất mãn thực sự công khai hóa vào ngày 26 tháng 4 năm 1960 với sự kiện 18 nhân sĩ trí thức tiêu biểu của miền Nam họp báo tại khách sạn Caravelle phổ biến bản tuyên ngôn gửi tổng thống Ngô Đình Diệm. Ký tên trên bản tuyên ngôn gồm các nhân vật Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Văn Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và linh mục Hồ Văn Vui.”
Trước tiếng nói bắt nguồn từ sự ưu tư thật sự của nhóm trí thức tiêu biểu ấy, phản ứng của chính quyền tỏ ra thô bạo: ngay ngày hôm sau tổng thống Diệm ra lệnh bắt giam hầu hết những người ký tên trong bản tuyên ngôn.

Tình thế cứ thế mà xấu đi, với cuộc đảo chánh của Nguyễn Chánh Thi vào tháng 11, 1960, trận ném bom dinh Độc Lập của Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử vào năm sau, và năm sau nữa, 1963, với phong trào Phật giáo, kết thúc bằng vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11, chấm dứt Đệ nhất Cộng Hòa.

Thái độ của trí thức miền Nam trong chín năm cai trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể chia làm hai giai đoạn. Khoảng năm năm đầu, nói chung ủng hộ chế độ (hoặc nếu không thì cũng không chống đối) tiêu biểu như nhận định của giáo sư Vũ Văn Mẫu nêu trên. Bốn năm sau thì có vẻ có tình trạng “tức nước vỡ bờ”, thoạt đầu là làm tuyên ngôn nhẹ nhàng nhưng được nhận ngay sự đàn áp, tiếp theo mạnh mẽ hơn, là đảo chánh, dội bom, và cao điểm là vụ Phật giáo năm 1963, với sự tham gia tích cực của hầu như toàn xã hội, với sự dấn thân rõ rệt của giới trí thức. Theo Nguyễn Văn Lục, trong vụ Phật giáo có ba biến cố quan trọng đẩy mạnh nhanh chóng sự sụp đổ của chế độ: vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, vụ tự sát của nhà văn Nhất Linh, và sự kiện giáo sư Vũ Văn Mẫu quyết định từ chức bộ trưởng Ngoại giao kèm theo việc cạo đầu phản đối guồng máy chính quyền. Đó có thể coi là những hành động đóng góp tích cực nhất của giới trí thức nhằm làm biến đổi cuộc diện chung.

Từ tuyên ngôn của nhóm Caravelle đến sự dấn thân trọn vẹn trong cuộc đấu tranh Phật giáo, giới trí thức như bước hẳn vào một sự bùng vỡ của ý thức, mà trong khung cảnh yên bình của những năm đầu họ hầu như không có. Sự bùng vỡ đó đã lên đến cao độ trong những năm đầy xáo trộn từ 1963 đến 1975, với các vụ chỉnh lý liên miên, rồi quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, rồi biến cố Mậu Thân, chiến tranh ngày càng khốc liệt, hội nghị Paris, Việt Nam hóa chiến tranh, hiệp định đình chiến... Nguyễn Văn Lục đã theo sát nhịp độ chuyển biến của giới trí thức với nhận định: “Thời kỳ mới do phong trào Phật giáo 1963 mở ra chính là thời kỳ giới trí thức Việt Nam chọn lựa thái độ dấn thân đấu tranh thay vì giới hạn đóng góp trong phạm vi chuyên môn như từng có.”

Quả thật, sau vụ đảo chánh 1963, sinh hoạt của giới trí thức trở nên năng động hẳn, với một ý thức cao về vai trò của mình đối với đất nước và xã hội, khác hẳn vai trò mờ nhạt của họ trong thời đệ nhất Cộng Hòa. Đặc biệt nổi bật sự tham dự của giới trí thức trẻ, “thay vì chọn lựa quay lưng với xã hội là chọn lựa phải đấu tranh chống lại mọi áp bức, bạo lực bất cứ từ đâu tới,” nhưng lắm khi vì quá hăng say, “họ lao theo mọi lời kêu gọi đấu tranh, bất kể hành động của mình có thể bị các thế lực giấu mặt ở hậu trường khai thác ra sao.” Sau mấy năm rối loạn, đã xuất hiện phong trào trí thức khuynh tả.

“Trí thức khuynh tả ra đời trong hoàn cảnh này và có nhiều dạng với một số tên tuổi ở Sài Gòn như Thích Nhất Hạnh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Thế Nguyên, Phan Khắc Từ, Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chúng, Nguyễn Hữu Chung, Trần Ngọc Liễn... Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần...”

Phần đông họ dùng báo chí để biểu hiện nhiều xu hướng chính trị khác nhau như chống Mỹ, chống chiến tranh, kêu gọi hòa hợp hòa giải, kêu gọi hòa bình, cổ võ giải pháp cách mạng về một xã hội không cộng sản... Đó dĩ nhiên là tiếng nói lương tâm giữa một đất nước đang tan nát dưới bom đạn của một trận chiến không do mình chọn lựa, thế nhưng: “trên một đất nước bị đặt dưới họng súng của hai phe đang nắm giữ quyền lực thì lời hô suông sẽ dựa trên căn bản nào để biến thành thực tế, đặc biệt lại tin rằng có thể hòa hợp hòa giải với cộng sản.” Vì thế tác giả Nguyễn Văn Lục đã nhận định:
“Vì thế trách nhiệm về sự sụp đổ của miền Nam không thể trút bỏ hoàn toàn cho Mỹ mà cần phải thành thực nhìn nhận phần lớn thuộc về sự lạc hướng trong đấu tranh của người miền Nam, đặc biệt là giới trí thức ở mọi thế đứng.”

Chúng tôi cho rằng chương “Trí thức Miền Nam nhập cuộc” là một chương rất quan trọng trong cuốn sách Hai Mươi Năm Miền Nam của Nguyễn Văn Lục. Trong biết bao yếu tố để cấu thành quốc gia cũng như để biến đổi quốc gia ấy, tác giả đã nhìn ra yếu tố quan trọng nhất, giống như người xưa đã nhận định “trí thức là nguyên khí của quốc gia”. Tác giả đã có thái độ tôn trọng giới trí thức và đã đặt để họ vào một vị trí cao khi viết về lịch sử, một thái độ ít thấy trong những cây bút viết về hai mươi năm tồn tại của Miền Nam. Tác giả đã theo dõi kỹ lưỡng và công bằng sự vận động của nhiều giới trí thức song song với các biến chuyển của chính tình miền Nam, phân tích cái được, cái không được của họ, và đã tỏ ra tiếc là miền Nam đã thiếu hẳn một “hòn đá có sức chuyển hướng lịch sử” như câu đề từ ở đầu bài trích của E. Mounier: “Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ, có thể chuyển hướng cả một dòng sông.”

Nhưng dù thành dù bại, sự thức tỉnh của giới trí thức, sự dấn thân của họ luôn luôn cần thiết cho xã hội, dù là xã hội của Nam Việt Nam cách đây nửa thế kỷ, hay xã hội của Việt Nam trong ngày hôm nay. Sự dấn thân của họ như một ngọn đuốc, như một tiếng nói lương tâm để rọi sáng những vùng tối tăm còn bao phủ trên đời sống của người dân. Viết về giới trí thức cũng là một cách nhắc nhở cho tất cả thành viên của giới này về vai trò của họ, và nhắc nhở cho cộng đồng dân tộc hãy biết tôn trọng và lắng nghe những tiếng nói đại diện cho lương tri của chính dân tộc ấy.
Người đọc: Phạm Phú Minh

“Hai mươi năm Miền Nam 1955-1975”, tiểu luận của Nguyễn Văn Lục, 512 trang, Tiếng Quê Hương xuất bản, giá US$20.00, sách giao tận nhà thêm $3.00 bưu phí. Liên lạc với nhà xuất bản: Tủ sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044 – USA.

Xin ghi thêm về chuyện: Trí Thức Miền Nam Nhập Cuộc
(viết nhân đọc sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955 - 1975” của tác giả Nguyễn Văn Lục)
Đoàn Thanh Liêm
Tác giả Nguyễn Văn Lục là một cây bút quen thuộc trong mấy năm gần đây trên các diễn đàn báo giấy, cũng như báo điện tử. Vốn là một giáo sư dậy môn Triết học tại các trường trung học ở miền Nam trong nhiều năm, nên ông có thói quen đọc rất nhiều tài liệu sách báo, ghi chép, suy tư nghiền ngẫm, và lại còn đi gặp gỡ phỏng vấn với nhiều nhân chứng ở hải ngoại, cũng như ở trong nước. Nhờ vậy mà tác giả này đã có thể cống hiến cho chúng ta rất nhiều bài viết có giá trị. Tác giả lại sắp cho phổ biến một cuốn sách mới nữa, nhan đề là: “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955 – 1975”, nhân dịp buổi Ra Mắt Sách được tổ chức tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt ở Nam California vào ngày Chủ nhật 1 Tháng 8 Năm 2010.
Cuốn sách này đã được hai nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ của Tủ Sách Tiếng Quê Hương là cơ quan xuất bản, giới thiệu với nhiều thiện cảm rồi, nên tôi chỉ xin góp một phần rất khiêm tốn liên hệ tới một mục nhỏ trong sách thôi. Đó là mục “Trí thức miền Nam nhập cuộc” được trình bày trong 36 trang (từ trang 80 đến trang 116).
Trong mục này, tác giả chỉ đề cập đến khía cạnh chính trị của sự nhập cuộc của giới trí thức trong sinh họat chung của miền Nam Việt Nam, mà không nói gì đến khía cạnh văn hóa xã hội, đặc biệt là không đề cập đến phong trào sinh hoạt thanh niên của giới trẻ, mà điển hình như của Hội Hướng Đạo, Hội Thanh Niên Thiện Chí, các Nhóm Sinh viên Công giáo, Sinh viên Phật tử v.v… Mặc dầu trước đây, tác giả cũng đã có viết một số bài về họat động của giới thanh niên trong lãnh vực công tác xã hội, mà tác giả đặt tên cho là “những hoạt động Lên Đường” để phân biệt với các “hoạt động Xuống Đường” đi biểu tình nhằm gây xáo trộn xã hội, tạo thêm khó khăn bối rối cho chánh quyền, loại hoạt động này thường do các phần tử “thiên cộng sản” gây ra. Nhưng trong cuốn sách này, tác giả đã không hề đả động gì đến phong trào sinh hoạt rất là phong phú đa dạng và tích cực của giới thanh niên tại miền Nam trong giai đoạn trước năm 1975.
Là người đã từng tham gia nhiều trong lãnh vực công tác xã hội với giới thanh niên, ngay từ những bước đầu còn là một sinh viên Đại học cho đến khi say mê dấn thân nhập cuộc vào với Chương trình Phát triển Cộng đồng tại các Quận 6, 7 và 8 Saigon từ năm 1965, tôi xin đóng góp một số nhận định nhằm bổ túc cho mục “Trí thức miền Nam nhập cuộc” mà được xếp đặt trong Phần I : “ Sinh Hoạt Chính Trị Miền Nam”, cả phần này được dàn trải khá dài trong 232 trang ( từ trang 31 đến trang 263 ) của cuốn sách.

1. Miền Nam đã tạo môi trường rất thuận lợi cho công cuộc Phát triển của Xã hội Dân sự.
Nếu ta so sánh với xã hội miền Bắc cũng vào thời kỳ 1955 – 1975, thì ta sẽ thấy có sự khác biệt thật rõ rệt trong lối sống cởi mở, phóng khóang của người dân miền Nam, điều này khác hẳn với chế độ cộng sản kềm kẹp, kiểm soát khắc nghiệt đối với người dân miền Bắc. Thí dụ điển hình nhất là chánh quyền nhà nước ở trong Nam hầu như không can thiệp vào sinh họat có tính cách tự nguyên của các tổ chức tư nhân, như các hội từ thiện, các hiệp hội của thanh thiếu niên, của giới phụ nữ hay của các tôn giáo, của các nhà văn nhà báo v.v…

Dĩ nhiên là vì lý do phải đối phó với sự xâm nhập và lũng đoạn rất tinh vi của các cán bộ công sản nằm vùng, nên chánh quyền đã có nhiều biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ đến độ đi ngược với tiêu chuẩn sinh hoạt dân chủ bình thường như tại các nước Âu Mỹ. Nhưng nói chung, thì người dân bình thường, đặc biệt là giới thanh niên ở các đô thị vẫn còn có một không gian xã hội tương đối thông thoáng mở rộng, để cho họ có thể thường xuyên tổ chức các hình thức sinh hoạt tập thể, sinh hoạt cộng đồng, mà xét ra cũng không thua kém bao nhiêu so với tại các quốc gia dân chủ khác.
Ta có thể thấy là các hiệp hội cổ truyền như Hội Cúng Đình vẫn còn có thể sinh hoạt bình thường tại vùng nông thôn hay ven biên đô thị. Các hội bác ái từ thiện của các tôn giáo, cũng như Hội Hướng Đạo, các Câu lạc bộ thể dục thể thao… vẫn hoạt đông bình thường. Mà có khi lại còn được cơ quan nhà nước như Bộ Giáo Dục, Bộ Thanh Niên Thể Thao nâng đỡ yểm trợ khuyến khích nữa.

Kể từ cuối thập niên 1950, thì do sự giao lưu dễ dàng với thế giới bên ngoài, nên tại miền Nam giới thanh niên đã có thể tiếp thu được kinh nghiệm sinh hoạt của các bạn trẻ trên thế giới, cụ thể như của phong trào Thanh niên Thiện chí – Trại Công tác và Nghị luận (Voluntary Youth – Work Camp & Seminar). Rồi thì các hiệp hội như Rotary Club, Lion Club v.v… cũng lần lượt được thành lập, lôi cuốn được nhiều thành phần chọn lọc trong giới doanh gia cũng như viên chức của nhà nước, để cùng sát cánh sinh hoạt chung với nhau. Vắn tắt lại là tại miền Nam đã có sự nổ rộ của các tổ chức tư nhân hoạt động bất vụ lợi (non-profit), và độc lập (phi chánh phủ = non-governmental organizations) trong lãnh vực văn hóa giáo dục, cũng như xã hội từ thiện nhân đạo.

2. Nhu cầu phải ghi chép lại sự Phát triển của khu vực Xã hội Dân sự tại miền Nam trong giai đoạn 1955 – 1975.

Có thể nói vào đầu năm 1975, dù cuộc chiến đã leo thang kéo dài từ lâu với bao nhiêu tàn phá tang thương chết chóc kinh hoàng, thì trong xã hội miền Nam vẫn có đến hàng ngàn những đoàn thể hiệp hội tư nhân, hoạt động độc lập trong mọi lãnh vực văn hóa xã hội, thể thao nghệ thuật, cũng như về tâm linh tôn giáo. Nhưng khi người cộng sản chiến thắng và thiết lập một chế độ độc tài toàn trị tại miền Nam rồi, thì mọi tổ chức tư nhân đó đã bị vô hiệu hóa, không còn được tự do sinh hoạt như trước nữa. Do đó mà khu vực Xã hội Dân sự ở miền Nam đã hoàn toàn bị tê liệt tan rã, để dành chỗ cho các tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản như Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà Văn, Liên Hiệp các Hội Khoa Học Kỹ Thuật v.v… được độc quyền hoạt động. Mà chỉ đến gần đây mới có những cố gắng còn lẻ tẻ, rụt rè để nhằm phục hồi lại khu vực XHDS này. Điển hình như Hội Hướng Đạo, thì vẫn chưa được chính thức cho phép hoạt động trở lại. Chuyện này còn nhiều sự phức tạp nhiêu khê, ta sẽ có dịp tìm hiểu cặn kẽ hơn trong một dịp khác vậy.

Vấn đề chúng ta có thể làm được trong tầm tay của mình hiện nay là : Tìm cách ghi chép lại cái kinh nghiệm tích lũy được trong suốt quá trình hoạt động của hàng ngàn đơn vị đoàn thể hiệp hội, mà đã hiện hữu tại miền Nam trong giai đoạn 1955 – 1975 đó. Việc tổng kết kinh nghiệm này rất là cần thiết, không những vì lợi ích về sử học, mà nhất là vì lợi ích của thế hệ trẻ hiện nay để họ có thể ứng dụng cái kinh nghiệm đó cho việc xây dựng và tái kiến thiết đất nước trong giai đoạn “hậu cộng sản” sắp tới. Nhưng tiếc thay, cho đến nay vào năm 2010, tức là đã 35 năm sau ngày miền Nam bị xụp đổ, thì ta vẫn chưa thấy có được một “bản tổng kết” đó. Kể cả các đoàn thể, hiệp hội vốn có uy tín từ lâu như Hội Hướng Đạo, Hội Thanh Niên Thiện Chí, Các Hội Bác Ái Từ Thiện của các Tôn giáo v.v…, thì cũng chưa thấy có một tài liệu nào tương đối đầy đủ, chính xác ghi lại lịch sử hoạt động và phát triển của riêng đơn vị mình.

Dĩ nhiên đây là một chuyện lớn lao cần phải có sự phối hợp của cả người ở trong nước cũng như với người ở hải ngoại nữa, thì mới có thể thực hiện cho thành công tốt đẹp được. Người viết chỉ xin nêu vấn đề cấp thiết như vậy và xin kêu gọi sự quan tâm chú ý của các bậc huynh trưởng của các đoàn thể hiệp hội mà đã từng có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng văn hóa xã hội tại miền Nam thời kỳ trước năm 1975. Hầu hết quý vị thì nay đã lớn tuổi vào lớp thế hệ 60 – 70 cả rồi.
Nhưng với phương pháp khoa học hiện đại và với khả năng tài chánh tương đối phong phú của các cộng đồng ở hải ngoại, thì quý vị vẫn có thể tìm cách tiến hành công việc ghi chép lịch sử này được, mà không đến nỗi phải khó nhọc vất vả gì cho lắm vậy.

Westminster Tháng Bảy 2010Đoàn Thanh Liêm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét