VIDEO: Mậu Thân và những điều dối trá
Thế rồi, người ta còn phát hiện các hố chôn tập thể ở ngoại ô thành phố Huế với vô số tử thi nam nữ bị giết chết trong tư thế trói chặt chân tay bằng kẽm gai, dây thép, dây thừng rất bi thảm.
Cuộc thảm sát tập thể tại Huế
Vào tháng 4/1972, tức niên hiệu Chiêu Hòa Thiên Hoàng năm thứ 47 tại Nhật Bản, tôi đã đến miền Nam Việt Nam làm việc với tính cách là một đặc phái viên của tờ báo Mainichi. Đây cũng là thời kỳ cuối cùng Thủ Tướng Sato Eisaku sau một thời gian dài nằm quyền lãnh đạo ở Nhật Bản và đặc biệt là vừa đúng 3 năm trước khi xảy ra biến cố Sài Gòn thất thủ.
Đối với bản thân tôi ngay trước lúc đó dù biết được mình sắp sửa trở thành một đặc phái viên của chiến trường miền Nam, nhưng tôi vẫn chưa thực sự quan tâm đến quốc gia VNCH và nhất là cuộc chiến ác liệt tại nơi này, tức là tôi hoàn toàn không có một sự hiểu biết đúng đắn nào về đất nước Việt Nam. Và có chăng cũng chỉ là đọc được những điều sai lệch đăng tải trên báo chí Nhật Bản như: sở dĩ cuộc chiến vẫn còn tiếp tục kéo dài là do Hoa Kỳ mang quân đội can thiệp vào nội tình Việt Nam, hoặc là người dân miền Nam sống trong một chế độ đàn áp của chính quyền Sài Gòn vốn dựa vào thế lực của Hoa Kỳ, nên họ đấu tranh chống lại và ủng hộ phe Mặt trận Giải phóng (MTGP), hay cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến do người miền Nam tự đứng lên chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ và được phía Bắc Việt yểm trợ phương tiện quân sự.
Vì vậy, trong đầu tôi khái niệm về cuộc chiến Việt Nam chỉ đơn thuần là một hình thức chiến đấu chống lại thế lực ngoại bang của người dân miền Nam thuần túy thực hiện để giành lại độc lập, tự do cho xứ sở của họ. Qua đó, tôi lại có cảm nhận Hoa Kỳ là một thế lực xấu xa và nếu họ rút quân ra khỏi Việt Nam thì chiến tranh sẽ chấm dứt vì người Việt Nam sẽ dễ dàng ngồi lại với nhau hơn. Tóm lại, tất cả những nhận thức nói trên được hình thành hầu như đều căn cứ vào nội dung những bài ký sự liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, được đăng trên các tờ báo Nhật Bản trong thời điểm đó. Nhưng ngay sau khi đến miền Nam Việt Nam và chứng kiến những điều xảy ra trước mắt tôi đã cảm thấy có điều kỳ lạ không giống như những điều mình nghĩ trước đây.
Đó là thời điểm sau khi quân Bắc Việt bắt đầu mở cuộc tấn công vào lãnh thổ miền Nam từ tháng 3/1972. Với chiến thuật dùng chiến xa đi trước rồi đổ quân ào ạt theo sau, phía Bắc Việt đã vượt qua khu vực phi quân sự của lằn ranh tuyến 17 phân chia biên giới hai miền Nam Bắc và đột nhập vào tỉnh Quảng Trị giáp ranh phía Bắc ở chiến tuyến tiền phương của miền Nam Việt Nam. Cùng lúc, cứ địa hiểm yếu của miền Trung là thành phố Kontum và thành phố An Lộc nằm ở phía Bắc Sài Gòn dọc theo biên giới Campuchia cũng hứng chịu những đợt tấn công pháo kích dữ dội của quân Bắc Việt. Trong tình thế này, tuy quân đội Hoa Kỳ đang hiện diện ở lãnh thổ miền Nam với khoảng 50.000 binh sĩ nhưng hầu như các lực lượng bộ binh của họ đã triệt thoái và chỉ yểm trợ cho quân đội miền Nam bằng những cuộc oanh tạc, pháo kích.
Khi tôi vừa đặt chân đến thủ đô Sài Gòn thì được tin thành phố Quảng Trị đã thất thủ. Sau những trận mưa pháo và dàn quân vây hãm nhiều ngày, quân Bắc Việt đã dùng hơn 50 chiến xa T-54 của Liên Xô tiến vào thành phố, đẩy lui lực lượng sư đoàn 3 bộ binh của VNCH đang trấn thủ tại đây. Trong suốt khoảng thời gian lịch sử cuộc chiến kéo dài, đây là lần đầu tiên một đơn vị thành phố của miền Nam bị quân Bắc Việt áp chế. Đó là ngày 1/5/1972.
Sau đó, quân Bắc Việt càng cho thấy ý đồ muốn tiến thẳng vào các tỉnh phía Nam đưa đến tình thế họ buộc phải tấn công thành phố Huế để mở ra cửa ngỏ cho các lộ quân Nam tiến. Huế chẳng những là cố đô của vương triều nhà Nguyễn mang tích cách di tích lịch sử mà còn là một đô thị chính yếu có tầm chiến lược quan trọng thứ ba sau Sài Gòn và Đà Nẵng. Vì vậy, để tìm hiểu tình hình chiến sự ở Huế vốn là những tin tức thời sự nóng bỏng nên tôi đã bay đến nơi đây.
Người thông dịch cùng đi để trợ giúp tôi trong việc thực hiện phóng sự là một cô gái tên Ngọc Yến. Cô Yến từng theo học đại học ngành điện công nghiệp ở Nhật Bản nên rất thông thạo Nhật ngữ.
Khi tôi đến phi trường Phú Bài cách Huế 15km về phía Nam thì đã thấy những người dân mang theo đồ đạc hành lý ngồi chật kín trong phòng chờ đợi. Tại quầy tiếp khách cũng có đám đông người đang chờ lấy vé chuyến bay trong bầu không khí ồn ào vì âm thanh nói chuyện qua lại lớn tiếng. Tất cả những người này đều muốn lấy vé chuyến bay về Sài Gòn.
Sau đó, khi dùng xe hơi đi theo quốc lộ 1 đến Huế thì tôi đã chứng kiến cảnh ở bên hướng ngược lại những đoàn xe nối đuôi nhau kéo dài tựa như một cơn hồng thủy. Và trên chiếc xe nào cũng đầy người cùng đồ đạc chồng chất lên nhau như muốn đổ ra ngoài. Trước tình cảnh hỗn loạn với nhân số đoàn người đông đảo này, tôi cũng cảm thấy như nghẹt thở và căng thẳng như họ.
Ngay trong thành phố Huế hướng Nam dọc theo quốc lộ 1 tôi còn nhìn thấy làn sóng người dân khác đang trên đường di tản. Và sau khi vượt qua sông Hương tiến vào từ phía Bắc thành phố Huế thì lần này tôi lại thấy quang cảnh ngược lại, tức đường xá vắng hoe trông cảnh vật thật điêu tàn hoang phế. Thì ra, quân Bắc Việt lúc này đang trấn đóng ở hướng Bắc cách Huế không còn bao xa.
Rõ ràng là người dân muốn bỏ chạy khỏi vòng kiểm soát của quân Bắc Việt vì nếu chỉ đơn thuần lánh nạn chiến tranh thì họ không cần phải di tản toàn bộ về phía Nam. Vì vậy, chỉ có thể kết luận rằng hầu hết dân chúng đều muốn bỏ chạy trước khi quân Bắc Việt với khẩu hiệu “giải phóng dân tộc”, tấn công vào đây.
Khi vào đến sân trường đại học Huế, tôi đã gặp một nhóm thanh niên có vẻ như sinh viên học sinh đang tụ tập và dường như họ không có dấu hiệu gì cho thấy là đang chuẩn bị di tản.
Sau khi chào hỏi và tự giới thiệu với nhóm thanh niên này thì một người trông như là niên trưởng của họ đã nói cho tôi nghe rằng:
“Chúng tôi lập ra nhóm học sinh tự vệ để chống lại những người cộng sản. Sau khi tỉnh Quảng Trị thất thủ, có nhiều học sinh đã di tản nhưng cũng có không ít học sinh kiến quyết ở lại. Tuy chúng tôi phản đối chính quyền ông Thiệu nhưng đối với những người cộng sản thì chúng tôi càng chống lại mạnh mẽ hơn.”
Người niên trưởng này cũng tự giới thiệu là giảng sư môn Triết Học tên Thức và sau đó ông Thức hướng dẫn tôi đến viếng thăm phòng làm việc của nhóm học sinh tự vệ. Một số người đã đến quanh tôi, vồn vã bắt tay thật mạnh và nói rằng họ phải ở lại để chiến đấu với quân Bắc Việt, tức quân cộng sản và MTGPMN.
Họ còn nhấn mạnh là tất cả người dân Huế đều không bao giờ quên được cuộc thảm sátkinh hoàng do quân cộng sản gây ra trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân vào năm 1968. Tuy tôi đã từng biết được về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế qua những bài viết bằng Anh ngữ, nhưng đây là lần đầu tiên được nghe từ chính người Việt Nam kể lại.
Cuộc tàn sát ở Huế xảy ra trong khoảng thời gian quân cộng sản tổ chức cuộc tấn công Tết Mậu Thân và chiếm đóng được một phần thành phố Huế hơn một tháng với động cơ giết hại rất nhiều người được cho là vì phe cộng sản muốn trả thù, khủng bố hoặc cảnh cáo, thị uy với người dân miền Nam. Nhưng ngay cả những thường dân ở Huế cũng bị phe cộng sản sát hại một cách man rợ tàn nhẫn.
Vì vậy, những hành vi tàn sát này cũng được lý giải do kết quả từ kế hoạch mà phe cộng sản trước đây đã gài người của họ trà trộn vào trong sinh hoạt dân chúng với ý đồ sau khi chiếm được thành phố Huế sẽ trấn đóng nơi đây một thời gian dài. Sau đó, một số trong hàng trăm người nằm vùng của phe cộng sản đã bị người dân Huế biết mặt nên khi sắp bị quân đội miền Nam và Hoa Kỳ đẩy lui ra khỏi Huế, phe cộng sản đã giết người diệt khẩu bằng cách không phân biệt trẻ già trai gái -kể cả trẻ em- đều bị họ dẫn đi hành quyết tại các vùng ven biển hoặc khu rừng núi với con số nạn nhân vượt quá 5000 người.
Thế rồi, người ta còn phát hiện các hố chôn tập thể ở ngoại ô thành phố Huế với vô số tử thi nam nữ bị giết chết trong tư thế trói chặt chân tay bằng kẽm gai, dây thép, dây thừng rất bi thảm.
Về chi tiết cuộc thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế đã được nhà ngoại giao kiêm nhà nghiên cứu chuyên môn về cuộc chiến tranh Việt Nam là ông Douglas Pike chứng minh và công bố rộng rãi trước dư luận. Nhưng tại Nhật Bản hầu như không được loan truyền sự kiện thảm sát tập thể tàn khốc này. Và nếu gọi là có thì cũng chỉ là một vài bài ký sự lúc đương thời của phóng viên báo Mainichi là ông Tokuoka Takao mà thôi. Tuy nhiên, các bài này cũng không ghi chép lại đầy đủ tình tiết nói về cách tàn sát dã man của những người cộng sản và tôi cũng không hề hay biết về sự kiện này.
Nhưng điều quan trọng nhất là trong lúc tình hình chiến loạn đang lan rộng ở Huế, những lời lẽ mà tôi thực sự nghe được từ nhóm học sinh tự vệ nói rằng họ rất “căm thù hành vi giết hại người dân quá dã man của phe cộng sản” đã thực sự gieo mầm làm băng hoại những nhận thức về Việt Nam đã từng hình thành trong đầu mình trước đây khi còn ở Nhật Bản.
© Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
(Kỳ tới: Kỳ 16: Tìm hiểu vùng đất của phe MTGPMN)
Sài Gòn thất thủ
Tác giả: Komori Yoshihisa
Khôi Nguyên dịch
- Kỳ 1: “Kẻ ở, người đi và một sự thật bình thường”
- Kỳ 2: “Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi làm nức lòng dân”
- Kỳ 3: Hoa Kỳ triệt thoái
- Kỳ 4: Hư cấu về MTGPMN.
- Kỳ 5: Sự bắt đầu của màn chung kết
- Kỳ 6: Những cảm nhận sâu sắc về sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản
- Kỳ 7: Vai trò lịch sử quái dị của hiệp định Ba Lê
- Kỳ 8 : Người phóng viên miệng lưỡi và cuộc chiến thắng vô nghĩa
- Kỳ 9: Bí ẩn nan giải của lịch sử
- Kỳ 10: Nữ kịch sĩ Kim Cương là ai?
- Kỳ 11: Cảm nghĩ của người dân về chính quyền Sài Gòn và MTGPMN
- Kỳ 12: Rời bỏ thủ đô
- Kỳ 13: Áp lực từ chức
- Kỳ 14): Vị Tổng Thống cuối cùng
- Kỳ 15: Cuộc thảm sát tập thể tại Huế
- Kỳ 16: Tìm hiểu vùng đất của phe MTGP
http://rbomtm.blogspot.ca/2014/04/nhung-ngay-cuoi-cung-cua-sai-gon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét