không thay đổi và không thể thay đổi
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả không hổ danh cựu cử nhân ngữ văn của trường đại học lớn nhất nước VNDCCH khi thể hiện những phát ngôn ngày 18/6 với Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Việc Dương Khiết Trì đến Hà Nội là nằm trong kế hoạch từ trước của Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, song diễn ra trong một tình huống – thời gian đặc biệt “nhạy cảm”, tính từ 1/5/2014, khi Trung Quốc “hạ đặt” giàn khoan HD- 981 tại lô 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên Biển Đông của Việt Nam.
Ngày Dương Khiết Trì đến Hà Nội, tại giàn khoan HD- 981, có những động thái lạ: các tàu bảo vệ của Trung Quốc rút về sát giàn khoan, không gây hấn với lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam; đến nỗi, có báo vội vã nói tàu địch (từ dùng của XT) không “dám” khiêu khích, rằng phía chấp pháp Việt Nam có 2 ngày yên tĩnh; chi tiết có một chiếc máy bay hạ xuống giàn khoan không được chú ý. Rồi đến 20/6, khi Dương Khiết Trì kết thúc chuyến làm việc, lộ ra việc Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan Hainan 9 vào vùng cửa Vịnh Bắc Bộ.
Diễn biến việc có mặt của Dương ở Hà Nội được báo chí đưa tin rất cẩn thận. Hầu hết đều bắt đầu: 9 giờ 30 phút sáng nay (18/6), Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì có mặt tại Nhà khách Chính phủ..., kèm theo bức ảnh cảm xúc phi cảm xúc chụp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trên phông mờ Nhà khách Chính phủ. Khuôn mặt của hai chính khách – ngoại giao hết sức căng thẳng, với hướng mắt không nhìn vào nhau.
Chương trình diện kiến, tiếp kiến trong ngày của Dương Khiết Trì với các lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam cũng hết sức căng thẳng, gấp gáp, nghi thức và cẩn thận.
Trong kịch bản rất “chiến lược” đó, phát ngôn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại chuyển một tín hiệu có hàm nghĩa rất lạ; cái hàm nghĩa đó toát ra từ một cách nói giống như trò chơi ngữ pháp: lập trường về chủ quyền của Việt Nam là “không thay đổi” và “không thể thay đổi”. Cụm từ thứ nhất thể hiện ý nghĩa ngữ pháp phủ định, có tính chân lý nên trong nhiều ngôn ngữ nó luôn luôn ở thì hiện tại. Cụm từ thứ hai diễn đạt một khả năng, tuy cũng là phủ định, nhưng là phủ định khả năng; nó có thể ở thì hiện tại nhưng lại mang nghĩa hướng về tương lai, có tính xác suất; và do vậy, trong ngữ dụng học, nó có tiền giả định về khả năng “có thể”, tức khẳng định.
Cái lạ là tại sao lại phải có hai cụm từ đó, trong khi chỉ cần cụm từ thứ nhất là đã đủ cho diễn đạt ngôn ngữ, đủ cho việc thể hiện quan điểm, ý chí, lập trường. Liệu đàng sau đó có cái gì khác không và có hay không dụng ý của người nói muốn chuyển đến đối tác cái gì khác đó. Nếu không, quả là tối nghĩa và có thể tạo ra ngộ nhận trong phát ngôn đối ngoại với một nội dung cực kỳ quan trọng trong thời điểm cũng cực kỳ quan trọng, tương tự như cách nói của ông Hoàng Trung Hải ở Hải Phòng trước đó rằng Việt Nam không đánh đổi chủ quyền để lấy bất cứ cái gì (từ trước đến nay có chính khách nào nói khó hiểu đến mức như ngây dại vậy đâu).
Từ phát ngôn của Tổng Bí thư, sắp đến hệ thống tuyên truyền sẽ làm nhiệm vụ giải thích thế nào với đảng viên, với nhân dân, rằng tại sao không thay đổi, tạo sai lại không thể thay đổi. Thật gay với trò chơi ngữ pháp đó. Chả trách mà ngay sau đó, báo tuổi trẻ đã đăng bài với tiêu đề “Không thể thay đổi chủ quyền của Việt Nam”. Chữ tác đã thành chữ tộ rồi.
Xích Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét