Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Trung Quốc mở cuộc chiến thông tin và biển Đông: Cứ thử coi!


thediplomat_2014-01-24_08-44-54-386x514Cuộc đối đầu trên biển giữa Trung Quốc và Việtnam về vị trí của giàn khoan HYSY 981 ở biển Đông bắt đầu vào đầu tháng Năm đến nay đã được bảy tuần.
Ngày 9 tháng Sáu, Trung Quốc bất ngờ tung ra một chiến dịch mới. Phó Đại sứ Vương Mẫn tại Liên Hiệp Quốc trao cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon một hồ sơ nêu lên quan điểm của họ về biển Đông và yêu cầu ông phân phát bộ hồ sơ này cho tất cả 193 thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Đã từ rất lâu Trung Quốc kiên định một lập trường rằng: Những bất đồng về lãnh hải chỉ giải quyết bởi hai bên liên quan trực tiếp, thông qua những thương lượng, không được quốc tế hóa vấn đề tranh chấp. Thế mà bây giờ Trung Quốc lại đưa vấn đề biển Đông ra Liên Hiệp Quốc trước cả Việt Nam.
Sau một ngày nộp hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, tuyên bố rằng Trung Quốc phủ nhận mọi vai trò phân xử của Liên Hiệp Quốc.
Nếu vậy thì tại sao Trung Quốc lại đưa vụ tranh chấp giữa họ với Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc để làm gì?
Năm 2003, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương đã đưa ra một học thuyết “Ba binh pháp” (Tam chủng chiến pháp). Học thuyết này là những yếu tố căn bản của một cuộc chiến tranh thông tin.
Dựa vào tài liệu “Ba binh pháp của Trung Quốc” xuất bản năm 2012 do Timothy A. Walton chuyên viên của Delex Consulting Nghiên cứu và Phân tích, thì ba binh pháp của Trung Quốc bao gồm: Chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, và chiến tranh pháp lý.
Hai binh pháp truyền thông và pháp lý đã cấu thành lên bộ hồ sơ mà Trung Quốc nộp cho Liên Hiệp Quốc tuần trước.
Theo Walton thì binh pháp truyền thông là một sách lược được thiết kế để gây ảnh hưởng ý kiến của cộng đồng quốc tế, để tìm kiếm sự ủng hộ cho Trung Quốc, và để khuyên ngăn đối phương đừng có dại dột mà hành động ngược lại với quyền lợi của họ.
Hồ sơ mà Trung Quốc vừa gởi tới Liên Hiệp Quốc là một cú tạt sườn rất hiểm hóc nhằm cô lập Việt Nam bởi vì một phần lớn những thành viên của Liên Hiệp Quốc không có liên quan trực tiếp đến việc tranh chấp ở biển Đông. Nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á thì nín nhịn, và không công khai ý kiến của mình trước vụ tranh chấp này.
Cũng theo Walton thì “binh pháp pháp lý” là một sách lược sử dụng cả luật của Trung Quốc và luật quốc tế để giành lấy nền tảng pháp lý, để khẳng định quyền lợi của họ. Hồ sơ mà Trung Quốc vừa nộp lên Liên Hiệp Quốc đã chứng minh điều này. Nó chứa đầy những bằng chứng được lựa chọn để bảo vệ quan điểm của họ.
Thoạt đầu Trung Quốc bảo vệ vị trí của giàn khoan rằng nó nằm bên trong lãnh hải của Trung Quốc. Họ viết rằng Giàn khoan HYSY 981 nằm ở vị trí 17 hải lý từ đảo Tri Tôn, một hòn đảo nhỏ nằm ở cực tây của quần đảo Hoàng Sa. Theo Bộ Luật về Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) vùng lãnh hải chỉ có 12 hải lý kể từ đường căn bản.
Ngày 6 tháng 6, Trung Quốc chỉnh sửa lại lỗi này bằng cách cãi rằng giàn khoan HYSY 981 nằm trong vùng thềm lục địa. Tuy vậy, những luận chứng mới này càng thiếu chứng cứ pháp lý.
Căn cứ theo UNCLOS, mục đích duy nhất của vùng thềm lục địa cho phép mỗi quốc gia quyền kiểm soát cần thiết: a) Ngăn chặn sự vi phạm hải quan, quyền tài phán, bảo vệ luật di dân, vệ sinh biển, và điều khiển những hoạt động trên biển đảo trong vùng biển của họ. b) Trừng phạt những vi phạm trên để bảo vệ luật biển. Những hoạt động này chỉ được phép nằm trong vùng lãnh hải.
Trung Quốc đã tìm mọi cách để tung hỏa mù về sự tranh chấp của họ với Việt Năm. Họ tung ra trước một tài liệu về vị trí của giàn khoan HYSY 981 là nằm gần đảo Hoàng Sa hơn so với từ bờ biển của Việt Nam. Tập hồ sơ này lập luận rằng: Vị trí của giàn khoan HYSY 981 chỉ cách 17 hải lý kể từ đảo Tri Tôn và đường căn bản kể từ đảo Hoàng Sa, trong khi cách 133 đến 156 hải lý kể từ bờ biển Việt Nam.
Tương tự như vậy, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên bãi cạn Scarborough. Vị trí của bãi này gần Philippine hơn bất cứ điểm gần nhất của Trung Quốc. Theo luật quốc tế từ “xấp xỉ” là không có giá trị để đòi hỏi chủ quyền lãnh hải hay lãnh thổ.
Hồ sơ họ gởi cho Liên Hiệp Quốc, thực ra không tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Thí dụ, trong đó họ viết:
“Vùng biển giữa đảo Tây Sa (Hoàng Sa) của Trung Quốc và biển đất liền của Việt Nam chưa được phân định. Khi cả hai bên chưa phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, cả  hai bên đều được quyền khẳng định Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa dựa theo luật biển UNCLOS.”
Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc phải sử dụng những quan điểm của UNCLOS để giải quyết vùng trùng lặp cho đến khi đạt được một đường phân định đồng thuận. Trong thời gian chờ đợi, cả hai bên đều phải có bổn phận giữ nguyên trạng, tránh sử dụng vũ lực. Như vậy, rõ ràng là vị trí của giàn khoan trong vùng biển đang có tranh chấp là vi phạm nguyên lý cơ bản của luật pháp.
Nhưng trong hồ sơ gởi đến Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc tỏ ra không coi trọng luật pháp, bằng cách nêu ra luật pháp quốc tế là không thích hợp. Họ viết:
“Cho dù có áp dụng bất kỳ những nguyên lý, nguyên tắc của luật pháp quốc tế vào việc phân định, thì vùng biển này sẽ không bao giờ trở thành Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việtnam.”
Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Mã Triều Húc, cũng đóng góp vào chiến tranh truyền thông của Bắc Kinh bằng cách đưa ra những luận chứng tương tự trên báo “The Australian” ngày 13 tháng 6. Ông lập luận rằng:“Vùng biển tranh chấp không có chuyện được phân chia. Bất chấp mọi nguyên lý của luật pháp quốc tế được áp dụng, vùng biển này không bao giờ trở thành Vùng Đặc quyền Kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam.”
Những thành viên của Liên Hiệp Quốc quan tâm đến sự căng thẳng đang gia tăng và những quốc gia có liên quan đến an ninh và ổn định trong vùng nên nắm lấy cơ hội này để đưa vấn đề lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Không cho phép Trung Quốc theo đuổi cuộc chiến thông tin nhằm trục lợi cả hai hướng: Lưu hành lập trường của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc để biểu diễn bản chất nghiêm túc của họ xung quanh vụ tranh chấp với Việt Nam và phủ nhận vai trò trọng tài phân xử của Liên Hiệp Quốc.
Mỹ và Úc nên gây áp lực với Hội đồng Bảo an để mở ra một cuộc tranh tụng. Nhật Bản và những cường quốc hải quân khác liên quan đến an ninh trong vùng nên tham gia.
Trung Quốc sẽ phản đối mọi ý kiến và phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Như vậy, họ sẽ bị cô lập và cũng không cho phép họ sử dụng diễn đàn Liên Hiệp Quốc để thực hành binh pháp tuyên truyền.
(Chuyển ngữ từ “China’s Information Warfare Campaign and the South China Sea: Bring It On!”,Carle Thayer, The Diploma, June 16, 2014)
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét