Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

TỪ ĐIỂN NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT


Một tài liệu tham khảo vô cùng giá trị và hữu ích 

Dân tộc ta từng bị Trung Hoa đô hộ trên một ngàn năm. Sau khi giành lại quyền tự chủ, các triều đại Việt Nam đã mô phỏng phương cách tổ chức hành chánh cùng chế độ thi cử của Trung Hoa. Vì thế về phương diện hành chánh cũng như học vấn, ta đã mượn của họ rất nhiều danh từ: Tể tướng, Thượng thư, Tham tri, Tổng đốc, Tuần phủ, Tri phủ, Tri huyện, Đốc học …, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài … Tiền nhân ta lại chịu ảnh hưởng của Nho học, do đó, các danh từ với ý nghĩa triết lý và luân lý trong tiếng Việt cũng được mượn của Trung Hoa: tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ), ngũ luân (thêm huynh đệ, bằng hữu), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)… Vì thế trong kho tàng tiếng Việt, số từ có gốc Hán nhưng phát âm khác Trung Hoa (ta thường gọi là “từ Hán Việt”) rất nhiều. Vì những lẽ ấy, nhiều người đã có nhận định sai lầm rằng “tiếng Tàu là ngưồn gốc của tiếng Việt.”

Dĩ nhiên trước khi tiếp xúc với người Trung Hoa, dân tộc ta đã có tiếng nói. Đó là tiếng nói của vua Hùng, các Lạc hầu, Lạc tướng, cùng cư dân nước Văn Lang, của những người dựng nên các nền văn minh Đông Sơn, Hòa Bình …Ngôn ngữ của những người đầu tiên xuất hiện ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã … có nhiều điểm tương tự với ngôn ngữ của những người ở một số nơi khác trong khu vực Đông Nam Á. Trong tiếng Việt có rất nhiều từ giống tiếng Mường (gần ta nhất vì chung một gốc), nhưng cũng có nhiều từ giống tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Môn (được nói ở một số vùng phía Đông Miến Điện), tiếng Khmer (Cam bốt), tiếng Chăm (Chàm) … Cũng có nhiều từ giống các ngôn ngữ Mã Lai và Nam Dương. Các nhà ngữ học hiện đại đã xếp tiếng Việt, tiếng Mường, tiếng Thái, tiếng Môn, tiếng Khmer …vào ngữ tộc Nam Á (AustroAsiatic), các tiếng Mã Lai, Nam Dương … vào ngữ tộc Nam Đảo (Austronesian). Đi xa hơn, cả Nam Á và Nam Đảo lại có thể xếp chung trong đại ngữ tộc Austric vì có nhiều từ và đặc điểm giống nhau. Trong khi tiếng Trung Hoa thuộc một ngữ tộc khác hẳn, ngữ tộc Hoa Tạng (Sino-Tibetan). Đứng về phương diện ngữ vị và cú pháp, hai hệ thống Nam Á (với tiếng Việt trong đó) và Hoa Tạng (của tiếng Hoa) khác nhau rất xa.

Rất nhiều chuyên viên, học giả đã nhận thấy cùng nêu ra những điểm tương đồng và mối liên hệ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ Đông Nam Á khác. Đầu thập niên 1970, nhà văn Bình Nguyên Lộc hoàn thành tác phẩm Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay mới thấy xuất hiện những nhận xét hoặc công bố lẻ tẻ, toàn bộ sự kiện chưa được trình bày một cách có hệ thống và tương đối đầy đủ. Mãi tới năm nay, 2014, mối liên hệ chặt chẽ giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á khác mới được trưng ra một cách thật rõ và tạm đủ qua bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng.

Tuy là một y khoa bác sĩ, bác sĩ Nguyễn Hy Vọng tỏ ra có khiếu về ngôn ngữ và say mê khảo cứu về ngôn ngữ từ rất lâu. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á và  Nam Á (tiếng Lào, tiếng Thái, tiếng Chăm, tiếng Môn, tiếng Khmer …). Khi biên soạn bộ từ điển này, ông học thêm một số ngôn ngữ khác (tiếng Mã Lai, Nam Dương …). Sự thông thạo ấy giúp công việc của ông rất nhiều. Ngay từ năm 1952, ông đã cộng tác với học giả Đào Đăng Vỹ trong việc biên soạn bộ Pháp Việt Đại Tự Điển. Qua năm 1954, hai vị có thêm Pháp Việt Tiểu Từ Điển. Tới năm 1960, ông tiếp tay học giả họ Đào trong việc  soạn Việt Nam Bách Khoa Từ Điển. Ông học hỏi thêm về ngữ học với nhà dân tộc học và ngữ học Nguyễn Bạt Tụy. Khi biên soạn bộ từ điển này, ông trao đổi thêm rất nhiều với nhà văn Bình Nguyên Lộc và giáo sư Nguyễn Đình Hòa cho tới khi các vị qua đời.

Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng khởi công biên soạn Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt từ năm 1981, hơn 30 năm trước đây. Ở mỗi chặng, ông được sự góp ý cùng khích lệ của các tiền bối và những vị có thẩm quyền:

Học giả Đào Đăng Vỹ:
“Tôi vui mừng vô hạn khi biết công trình khảo cứu về nguồn gốc tiếng Việt của anh sắp thành tựu. Thật là một kỳ công. Tôi muốn bày tỏ lòng khâm phục sâu xa của một đàn anh, chỉ hơn anh ở tuổi mà thôi. Đó là phúc cho tương lai văn hóa dân tộc vì nó đúng là một phát minh mới, hết sức quan trọng …”

Nhà dân tộc học và ngữ học Nguyễn Bạt Tụy:
“Nếu gặp một người Mường di cư từ những vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, nhất là Nghệ Tĩnh Bình, thì nên bám chặt lấy họ mà ghi chép ngôn ngữ. Họ gần với tổ tiên Giao của ta, và cũng gần các người Mon Khmer hơn là ta. Thêm vào đó, có một số dạng chữ Nôm xưa cũng chứng tỏ được những nhóm phụ âm “mở đầu” mà người Việt Hoa Nam xưa cũng như người Tàu không hề có…”

Nhà văn Bình Nguyên Lộc:
“Tôi rất vui mừng gặp bạn đồng hành trên một nẻo đường vắng vẻ … Từ đây có cần được ai góp ý, chắc tôi chỉ còn biết thỉnh ý của bác sĩ thôi.”

Bác sĩ Nguyễn Huy Hùng, nhà nghiên cứu các văn bản Nôm:
“Tôi xem rất kỹ tài liệu anh gửi cho tôi …Việc in cuốn sách này rất cần thiết, vì đó là một công trình nghiên cứu rất quý báu … Tôi nghĩ rằng khi sách in xong có thể sẽ giúp giải thích được những câu tối nghĩa trong cổ văn Việt, giúp đọc chính xác hơn các bản văn Nôm cổ…Thực là một đóng góp vĩ đại cho văn học nước nhà.” 

Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt là một tác phầm “có tầm vóc,”gồm ba tập, tổng cộng 2230 trang. Từ điển được biên soạn thật kỹ lưỡng, bằng tâm huyết, với nhiều kiên nhẫn và công phu. Tác giả đã giải thích một cách tỉ mỉ về ý nghĩa, nguồn gốc của 12,942 từ đơn trong Việt ngữ, cùng mối liên quan với nhiều ngôn ngữ anh em, bà con khác như các tiếng Thái, Lào, Môn, Khmer, Chăm, Mã Lai … Trong sách có trên 250 ngàn đơn vị đồng nguyên của 56 ngôn ngữ và thổ âm khác nhau của Đông Nam Á. Rất tin tưởng bộ từ điển sẽ giúp một cách hiệu quả trong việc giải tỏa mối hiểu lầm tai hại nơi nhiều người cho tới nay, “tiếng Việt phát xuất từ tiếng Tàu.”

Bộ từ điển này được sự bảo trợ danh dự của Đại thư viện Quốc gia Pháp ở Paris (Bibliothèque nationale de France). Bộ sách sẽ được giới thiệu trước độc giả và học giới Việt lần đầu tiên lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bảy, 31 tháng 5 năm 2014 tại Hội trường Trung tâm Công giáo Việt Nam tại Orange County, 1538 Century Blvd, Santa Ana, CA 92703.

Muốn có bộ sách, độc giả ở xa xin liên lạc về:
Email: rumthuan3235@gmail.com
neoduongtiengviet@cox.net
Địa chỉ: P.O. Box 61825
Irvine, CA 92602
Điện thoại: (714) 573-8296; (714) 653-5246; (714) 389-6049.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét