Ðộc giả báo Người Việt viết những lời nồng nhiệt khen ngợi sau khi đọc bản tin về các khán giả Nhật đi coi trận đá banh World Cup ở Brazil đã dọn rác quanh chỗ mình ngồi, và các cầu thủ Nhật xếp hàng cúi đầu cảm ơn người ủng hộ họ. Ai cũng thấy mình nên học hỏi, noi gương người Nhật Bản.
Các bản tin đều cho biết trong những trận tranh tài thể thao khác, các khán giả và cổ động viên người Nhật vẫn có thói quen dọn dẹp sạch sẽ chỗ ngồi như vậy. Sau trận động đất ở Fukushima thế giới đã thán phục tinh thần công dân và tư cách đạo đức của người Nhật. Bây giờ lại thấy ngay cách ăn ở trong đời sống hàng ngày của họ cũng rất đáng kính trọng. Cái gì đã tạo nên nếp sống đó? Người Việt Nam có thể tập được những thói quen tốt như người Nhật hay không?
Luân lý Khổng Giáo đã được đem dạy cho trẻ em ở toàn cõi Á Ðông trong gần hai ngàn năm, cũng giống như Thiên Chúa Giáo đã phổ biến khắp Châu Âu. Người Nhật học đạo lý Khổng Mạnh như người Việt, dù nước họ không bị người Trung Hoa đô hộ một ngày nào. Mỗi dân tộc áp dụng luân lý Khổng Giáo một cách. Người Việt sống trong vùng Ðông Nam Á, nhìn cuộc đời với con mắt phóng khoáng, tự do hơn; người Nhật gốc dân miền Bắc lục địa Châu Á mang tinh thần nghiêm túc, khắc khổ hơn. Trong sách Trung Dung Khổng Tử đã nhận xét rằng người phương Bắc có sức mạnh của những chiến sĩ (nhận kim cách tử nhi bất yếm) còn sức mạnh của người phương Nam là tính ôn hòa, rộng lượng (khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo). Nếu sinh ra trễ vài ngàn năm thì ông này có thể đã thành một nhà xã hội học.
Trước thế kỷ 20, người có học ở Việt Nam cũng như ở Nhật đều được dạy ngay từ lúc còn thơ các quy tắc sống ở đời như: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, vân vân. Ở Việt Nam, các nhà Nho học theo đạo Khổng rồi truyền các quy tắc luân lý đó cho cả xã hội cùng theo. Còn ở Nhật Bản, vua chúa không dùng phép thi cử để tuyển người làm quan cai trị, các samurai (võ sĩ) cũng được giáo dục theo Khổng Giáo đóng vai khuôn mẫu cho mọi người bắt chước. Các quy tắc luân lý giống nhau, nhưng áp dụng trong những môi trường khác nhau, cho nên hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam cùng theo Khổng Giáo mà vẫn sống khác nhau.
Các chiến sĩ đề cao kỷ luật và tinh thần tập thể; Nho sĩ và nông dân sống thì tự do, khoáng đạt hơn. Người Nhật theo gương giới võ sĩ và các nhà quý tộc nên nghiêm nghị và giữ cung cách tập thể, đồng loạt. Mỗi buổi sáng ở Tokyo nhìn những người đi làm thấy ai cũng mặc cùng bộ quần áo màu đen tề chỉnh, ai cũng như ai. Người Việt tính xuề xòa, dễ dãi, chuộng tự do nên tôn trọng cá tính từng người hơn. Về điểm này chúng ta giống các sắc dân Ðông Nam Á khác. Người Thái Lan hay nói “xà bai, xà bai,” một từ khó dịch, có nghĩa là thôi bỏ qua, không sao cả. Nguyễn Văn Vĩnh chê người Việt “gì cũng cười” cũng vì ông không thích cái lối “xà bai” đó. Người Việt sống theo cung cách khác người Nhật. Có muốn giống cũng không ép được.
Nhưng dù cung cách khác nhau, các dân tộc Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan vẫn chia sẻ cùng một căn bản đạo lý. Mà nhìn ra cả loài người, có giống dân nào lại chủ trương rằng con người không cần sống theo các quy tắc Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín hay không? Nền luân lý nào cũng dạy ta nên sống thành thật, không gian dối, đói cho sạch rách cho thơm. Ðối đãi với người khác thì nên tôn trọng lời hứa, có trước có sau, có người có mình, chị ngã em nâng, chú khi ni, mi khi khác, thương người như thể thương thân. Cả loài người đều chia sẻ những quy tắc sống tốt lành như thế. Vì sau trăm ngàn năm tiến hóa, kinh nghiệm cho thấy rằng quy tắc “thật thà là cha quỷ quái” rất đúng. Người Việt Nam nghĩ như vậy mà người Châu Phi cũng nghĩ như vậy.
Tôi mới đọc một cuốn truyện của một tác giả người Tô Cách Lan (Scotland). Alexander McCall Smith viết rất nhiều tiểu thuyết lấy khung cảnh là nước Botswana, nhân vật là người Botswana. Chương đầu cuốn truyện tả cảnh bà Ramotswe ngồi uống trà ngoài hàng hiên một quán cà phê, ở thành phố Gabarone. Nhìn ngắm phố phường, bà tình cờ chứng kiến mấy người sống không lương thiện. Một bà lái xe quẹt vô một chiếc xe khác đang đậu, rồi bỏ đi luôn. Một cô giả bộ mặc cả mấy món nữ trang rẻ tiền của một người bán hàng rong rồi lén đút túi một món. Bà nhớ lại giận quá, đứng lên tiến tới định tố cáo người ăn cắp, nhưng việc không thành. Bà ngồi xuống, nghĩ tới thân phụ bà, “nếu ông ấy mà còn sống, trông thấy những cảnh này thì ông sẽ kinh hoàng!” Bà nhớ lại hồi còn bé có lần ông bố dắt tay con đi trên đường làng Mochudi. Thấy một đồng tiền ai đánh rớt bên lề đường cô bé cúi xuống nhặt, chùi cho sạch, tính bỏ túi. Ông bố nhìn thấy, ông bảo: “Không phải của mình, con. Ðồng tiền đó của người khác.” Và ông bắt con đem đồng tiền đến nộp cho sở cảnh sát. Trong mấy cuốn tiểu thuyết với cùng một nhân vật này, tác giả McCall Smith hay kể bà Ramotswe nhớ lại những lần cha mình dạy mình sống thành thật, lương thiện. Ông chăn nuôi một đàn bò, ông biết rất rõ về các con bò, giống như các nông dân Botswana khác; và ông luôn dạy con biết thương người và phải sống ngay lành, chính trực.
Những câu chuyện và nhân vật này do McCall Smith tưởng tượng ra, nhưng chắc cũng do kinh nghiệm sống của ông. Ông sinh ra ở xứ này từ trước khi họ được độc lập vào năm 1966, lớn lên ông làm giáo sư ở Ðại Học Botswana, và bây giờ về sống ở Scotland nhưng vẫn qua lại xứ đó. Nhưng dù chưa bao giờ đến xứ Botswana, chúng ta cũng có thể tưởng tượng trong hai triệu dân Botswana có rất nhiều người dân theo những quy tắc đạo đức giống như người mình, giống người Nhật Bản hay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho nên các cầu thủ Việt Nam chắc khó tập thói quen xếp hàng, cùng cúi đầu một lúc để cảm ơn khách mộ điệu. Cử chỉ đó bắt đầu ở những chỗ cung đình, trong các nhà quý tộc. Nhưng các khán giả Việt Nam thì chắc nên học và tập thói quen lượm rác của người Nhật Bản. Hãy nhặt hết rác quanh chỗ mình ngồi, dọn cho sạch sẽ; ít nhất sạch bằng lúc mình mới đến ngồi đó.
Làm như vậy vì không muốn bắt người khác phải hầu mình, vì biết kính trọng người khác.
Ðến một xứ mà đi ngoài đường không thấy rác, tự nhiên mình thấy trình độ công dân của họ rất cao. Tôi đã qua những kinh nghiệm như thế khi tới Nhật Bản,Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Ðức, Hòa Lan, trong lòng rất kính trọng. Nhiều người cũng kính trọng dân Singapore như vậy. Làm cách nào người ta tập được cho công dân thói quen không xả rác?
Chắc việc này phải bắt đầu trong nền giáo dục ở nhà và trường học, ngay từ lúc ấu thơ. Thói quen không xả rác, và các quy tắc luân lý khác, đều dựa trên một điều chung, là phải nghĩ đến người khác, tôn trọng người khác. Thời thơ ấu, tôi đi học chữ Nho, bài học đầu tiên là “sái tảo, ứng đối;” nghĩa là quét dọn (phòng học) và nói năng, thưa gửi lễ phép. Ở trong nhà thì gia đình nào cũng dậy con “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.”
Những quy tắc ăn ở đó đào tạo tính hạnh. Khi một đứa trẻ biết rằng phải để ý xem thức ăn chung còn đủ để chia cho mọi người hay không; phải cẩn thận trong cử chỉ, hành động xem có làm phiền người khác hay không, thì đứa trẻ đó tập được thói quen căn bản của rất nhiều đức tính: Trước khi nói gì phải suy nghĩ xem mình có thể khiến người khác bị lời nói xúc phạm hay không. Trước khi khi làm gì cũng suy nghĩ có ai bị thiệt hại vì việc mình làm hay không. Không xả rác, lượm những thứ rác mình bỏ ra. Ðó là vì đã tập được thói quen nghĩ đến người khác.
Chắc người Việt Nam cũng có thể tập được thói quen không xả rác. Rồi tập được thói quen lượm nhặt những rác bẩn mà mình xả chung quanh, như các khán giả Nhật Bản coi fútbol. Nếu dân Singapore có thể tập được thói quen đó trong một thế hệ sau khi độc lập, thì các dân tộc Á Ðông khác đều tập được; vì tất cả theo cùng một truyền thống đạo lý. Ðó là nhờ người cầm quyền ở Singapore nghĩ đến danh dự chung, lợi ích chung. Họ không chỉ lo làm giàu, không lợi dụng quyền bính lấy của công làm của riêng. Luật pháp rõ ràng, và người cầm quyền nêu gương tôn trọng luật pháp. Công việc phục hưng đạo lý không thể chỉ dựa trên những lời kêu gọi suông mà phải bắt đầu bằng một thể chế chính trị minh bạch, công khai, một chính quyền không dùng thủ đoạn ăn gian nói dối. Người Singapore đã làm được thì người Việt Nam có thể bắt đầu được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét