Tổng Thống Nga V. Putin hồi tháng 4 năm nay đã gọi mạng lưới thông tin toàn cầu, một phát minh của nhà khoa học Anh, Sir Tim Berners Lee, là đồ án của cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA nhằm dọ thám phá hoại và lật đổ chính quyền các quốc gia độc tài. Putin và Trung cộng dự định sẽ thành lập mạng lưới vùng để thay cho mạng lưới toàn cầu, một chương trình trong tương lai có thể sẽ thực hiện được. Các chính quyền cộng sản từ trước đến nay vẫn bị ám ảnh CIA, bàn tay CIA nhúng vào tất cả những biến cố qua tiếng nói đối lập như chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã luôn luôn nghi ngờ các nhà văn Việt Nam trước và sau 1975 đã làm việc cho CIA và họ đã bắt nhiều nhà văn nhà báo vào trại cải tạo chỉ vì nghi ngờ thiếu bằng chứng.
Cơ quan CIA giữ im lặng trong hơn 50 năm nay đối với những cáo buộc của các chính quyền cộng sản nhưng gần đây vào tháng 6 năm 2014 họ đã nhận bàn tay CIA đã nhúng vào việc xuất bản đại tác phẩm Dr. Zhivago của nhà văn Boris Pasternak. Cuốn tiểu thuyết bất tử Dr. Zhivago được giải văn chương Nobel năm 1958 đã được mọi người nhớ nhiều hơn qua cuốn phim do David Lean làm đạo diễn với tài tử đẹp trai Omar Sharif trong vai Dr. Zhivago và Julie Christie trong vai Lara cùng với bài hát bất hủ Somewhere my love. Hai nhân vật trong truyện Dr. Zhivago của Pasternak, Yuri Zhivago (Zhi= sự sống) và Larissa (Lara=hớn hở) đã làm sống lại không khí của một nước Nga vĩ đại, một nước Nga bao la băng giá, từ cách mạng cộng sản qua đến nội chiến với bạo lực cách mạng cùng hình ảnh các chuyến tàu hỏa xuyên qua những cánh rừng tuyết phủ trắng, làng mạc bị đốt cháy, thị trấn bỏ hoang, người nằm chết đói trong các thành phố lớn Moscow và St. Petersburg. Những hình ảnh bi thảm này trở thành biểu tượng của những cuộc cách mạng từ Nga sang Ðông Âu qua Trung Hoa đến Việt Nam.
Dr. Zhivago với máu thi sĩ và triết lý xem “thơ là ánh sáng là không khí, là tiếng động của cuộc đời, là muôn hoa từ ngoài vào căn phòng qua cánh cửa sổ” đã trải qua cuộc đời thanh xuân trong không khí bi thảm của một nước Nga cách mạng. Câu chuyện đã được nhà thơ Boris Pasternak viết như bài thơ dài, âm điệu với ý niệm căn bản “con người tự do, sống trên đời phải biết hy sinh.” Cách mạng và nước Nga mông mênh với những cánh rừng trong câu chuyện và trong cuốn phim của David Lean: “Thế giới bên ngoài chung quanh cậu như cánh rừng vì vậy khi mẹ mất, cậu rung động đi lạc vào cánh rừng và cảm thấy bơ vơ...” Cánh rừng mênh mông tuyết phủ trắng khi cha của Yuri Zhivago nhảy từ xe hỏa tự vẫn, cánh rừng khi Zhivago bị quân cách mạng bắt, cánh rừng bao la tuyết ở Moscow khi Yuri có cùng tâm cảnh với Lara.
Cậu bé Zhivago xuất thân từ gia đình giàu có bị phá sản trước cách mạng, thích viết văn, mơ thành thi sĩ nhưng sau lại ham mê vật lý hoá học, chọn y khoa làm nghề sinh nhai có thể giúp ích cho con người và xã hội thay vì làm thi sĩ vì “thi sĩ có khi vui buồn quá độ đi lạc trong cuộc đời.” Hôn nhân đầu tiên của Zhivago với Tonya Gromeko đến từ tình bạn. Trước khi mẹ Yuri mất, bà đã cầm tay Yuri Zhivago và Tonya bắt hai cô cậu hứa sẽ gắn liền hai cuộc đời sau khi bà mất nhưng cuộc đời tình ái của Zhivago sau này nghiêng về thơ hơn là khoa học, ngoài Tonya, Lara, sau này Dr. Zhivago lại có thêm bà vợ thứ ba!
Lara, nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết, lớn lên trong gia đình tiểu tư sản, hứa hôn với Pasha Antipov, dạy học trong gia đình Kologrivovs để trả nợ cờ bạc cho ông anh. Luật Sư Komarovsky nắm được yếu điểm của Lara, lợi dụng, quyến rũ và dụ dỗ cô để cuối cùng xem Lara như nô lệ tình dục. Komarovsky cũng là người đẩy cha Zhivago đến con đường tuyệt vọng phải tự vẫn nhảy từ trên xe hỏa. Con quỷ Luật Sư Komarovsky đẩy cuộc đời Lara và Zhivago đến với nhau. Tiếng súng Lara bắn hụt Komarovsky trong đêm tiệc Giáng Sinh là tiếng súng Lara tự bắn vào mình và bắn vào định mệnh. Ðịnh mệnh của Lara cũng là định mệnh của nước Nga trong thời cách mạng tuyệt vọng.
Lara bỏ nghề cô giáo trở thành y tá trong khi đi tìm ông chồng mất tích, nhưng Pasha Antipov không mất tích, anh chàng theo cách mạng bỏ hai mẹ con Lara khi biết chuyện giữa Lara và Luật Sư Komarovsky.
Lara và Yuri đã gặp nhau khi cùng làm việc ở bệnh viện dã chiến và sống chung với nhau khi về thành phố Yuriatin (thành phố do Pasternak tưởng tượng ở Urals). Zhivago về Urals từ Moscow, không về nhà với vợ, ở với Lara được hai tháng thì bị quân cách mạng bắt cóc. Zhivago sống với quân cách mạng liên tục, thành tù nhân của cách mạng, một tù nhân “trong nhà tù không kẽm gai, không tháp canh, không lính canh, tù và cai tù sống chung với nhau.” Những cai tù của Zhivago là những quân giải phóng “chìm đắm trong sự ngu dốt và nghèo đói, họ lúc nào cũng nghĩ sẽ giải phóng dân, sẽ làm dân sung sướng hạnh phúc mặc dù dân không yêu cầu họ giải phóng. Họ nghĩ rằng không nơi nào ở nước Nga có hạnh phúc hơn là trại giam của họ!”
Cuộc đời Bác Sĩ Zhivago trẻ tuổi trong thế chiến thứ nhất, qua cách mạng rồi đến nội chiến, đã trải qua trên nước Nga mênh mông từ phần Nga Âu Châu qua phần phía Tây của Tây Bá Lợi Á, chấm dứt khi Yuri được thả về sau khi nội chiến kết thúc.
Yuri sống với Lara, thuyết phục nàng đi về vùng Ðông Tây Bá Lợi Á trong khi Zhivago về Moscow, có hai con với bà vợ khác trước khi bị chết vì cơn chấn động cơ tim (khác với hình ảnh trong phim Dr. Zhivago, đạo diễn cho Dr. Zhivago rượt theo chiếc xe buýt khi nhìn thấy Lara trên xe rồi chết vì cơn chấn động cơ tim). Lara đến dự tang lễ của Zhivago, bị bắt và bị đày vào trại tù tập trung Gulag.
Câu chuyện Dr. Zhivago hơi giống câu chuyện đời của thi sĩ Boris Pasternak. Năm 56 tuổi, Boris Pasternak ở với bà vợ thứ hai Zinaida cùng hai cô con gái, lại bị choáng váng vì nàng Olga Ivinskaya có vóc dáng như siêu sao điện ảnh, nhiều tài và năng động, khác với vợ của Pasternak, Olga say mê sách vở văn chương. Trẻ hơn Pasternak 22 tuổi, không chồng, có hai con, gặp thi sĩ nàng Olga rung động về nhà viết nhật ký “hôm nay em gặp chàng như em đã gặp Thượng Ðế!” Sau đó Olga và Boris trở thành tình nhân, Olga là thư ký bán chính thức và phụ tá của Pasternak. Năm 1949, Olga bị bắt về tội chống chế độ Xô Viết, đi tù 5 năm trong trại cải tạo Gulag nhưng được 4 năm thì được Stalin ân xá năm 1953. Thi sĩ Boris Pasternak cảm thấy mang ơn Olga vì Olga đã không phản bội tố cáo ông khi Olga bị KGB tra khảo và viết truyện tình hai người với các bài thơ tình trong truyện.
Boris Pasternak đã mất gần nửa đời để viết cuốn Dr. Zhivago. Khi mới bước chân vào văn chương ông đã muốn viết một cuốn truyện vĩ đại như những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong thế kỷ thứ 19. Cách Mạng Nga tháng hai và nhất là Cách Mạng Tháng Mười, những cuộc cách mạng trong đời Boris Pasternak đã trải qua và sau đó là nội chiến giữa Hồng Quân và Bạch Quân đã là cảm hứng cho truyện Dr. Zhivago. Bắt đầu viết năm 1932 khi Boris còn say mê cách mạng nhưng sau đó đang viết dở dang ông phải xé bỏ khi nhà độc tài Stalin gây ra “Ðại Khủng Bố.” Cá nhân Boris Pasternak đã đụng độ Stalin hai lần. Lần đầu năm 1934 Stalin đã gọi điện thoại cho Boris để hỏi ý kiến ông về nhà văn Osip Mandelstam khi ông này bị bắt vì bài viết về Stalin. Bạn bè của Boris Pasternak xem ông đã hèn nhát tố cáo bạn trong khi Stalin lại cho rằng ông che chở cho Mandelstam. Lần thứ nhì khi Pasternak có tên trong đám tử tội, Stalin đã ra lệnh yêu cầu ông viết lại truyện Dr. Zhivago năm 1946, thời kỳ Xô Viết dễ dãi trong Thế Chiến Thứ Hai. Năm 1956 ông gởi truyện đến tạp chí Văn Nghệ Novy Mir với chủ biên là Olga Ivinskaya sau khi truyện viết xong năm 1954.
Ông phải đợi nhiều tháng để tạp chí văn nghệ Novy Mir trả lời vì KGB điều tra ông về tội phản cách mạng.
Cuốn truyện được đưa lên tận ủy ban trung ương đảng để cứu xét. Tháng 9 năm 1956, tờ Novy Mir gởi thơ cho Pasternak cho biết theo quan điểm của tờ báo truyện Dr. Zhivago không thể xuất bản.
Những lời đồn về cuốn truyện đã đến tai nhà báo trẻ tuổi Ý Sergio d’ Angelio, anh mời Pasternak in truyện ở Ý, nhà xuất bản là Cộng Sản Ý, Giangiacoma Feltrinelli. B. Pasternak gửi bản đánh máy cho Sergio, liên lạc qua trung gian Olga. Cơ quan KGB biết được can thiệp, chụp hình ấn bản cuốn truyện và áp lực Pasternak phải lấy sách về trong lúc đó Ðảng Cộng Sản Ý cũng làm áp lực với Feltrinelli.
B. Pasternak cương quyết phải in được sách, một bản ông gửi cho Isaiah Berlin ở Anh, một bản gửi cho Jacqueline de Proyard ở Pháp, bản thứ tư ông gửi cho George Katnov người Nga ở Anh. Ðến lúc này Pasternak chỉ muốn in mà không cần biết ai sẽ in truyện của ông, trong khi đó Feltrinelli tranh đấu với đảng Cộng Sản Ý in lại bản dịch tiếng Ý cho ra thị trường vào tháng 11 năm 1957 và sau đó sách được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Ðức và các tiếng khác vào mùa Xuân năm 1958.
Cuốn Dr. Zhivago được xem là biến cố chưa xảy ra ở Nga từ năm 1920 và chính quyền xem ngay Pasternak là thành phần phản cách mạng chống phá Xô Viết. Chưa đến một tháng sau khi Dr. Zhivago được xuất bản ở Ý, CIA đã xem truyện “quan trọng hơn bất cứ tác phẩm văn chương nào từ khối Xô Viết.”
Tháng 1 năm 1958, CIA nhận hai cuối phim từ phản gián Anh, bản chụp ấn bản nguyên thủy của Feltrinelli.
Cơ quan CIA có nhiều nhân viên có khả năng văn chương và yêu sách vở chứ không hẳn là một cơ quan chỉ biết làm gián điệp, họ tin vào “sức mạnh của tư tưởng” và đồng ý “sách vở khác với phương tiện tuyên truyền khác vì một cuốn sách có thể thay đổi thái độ độc giả và đưa đến hành động.” Ý tưởng của họ cũng tương tự như ý của đại văn hào Xô Viết Maxim Gorky năm 1934 “sách là vũ khí” và sách là vũ khí quan trọng nhất trong văn hóa xã hội chủ nghĩa cũng giống như thời Việt Nam Cộng Hòa “mỗi cây bút là một sư đoàn.”
Gậy ông đập lưng ông, George Kennan tác giả chủ thuyết cô lập cộng sản của Hoa Kỳ đã thành lập nghị hội văn hóa tự do năm 1950, đến năm 1956 cơ quan này đã bắt đầu gửi sách báo Mỹ qua bức màn sắt, bước tiếp theo là dịch sách Tây Phương qua tiếng Nga xuất bản khắp các nước trong khối Xô Viết tổng cộng lên đến 10 triệu cuốn. Chương trình của CIA được giữ bí mật, quốc hội cung cấp ngân khoản nghệ thuật và văn hóa cho các nhà xuất bản.
Cơ quan CIA phải đối phó với nhiều khó khăn. Cuốn Dr. Zhivago có giá trị tuyên truyền lớn nhưng gửi sách dịch tiếng Anh qua Xô Viết không dễ dàng, CIA quyết định in “sách đen” bí mật qua Xô Viết. Anh yêu cầu Mỹ không in sách ở Mỹ để không làm hại Boris Pasternak và Pasternak cũng yêu cầu không Nga kiều nào ở Mỹ dính dáng vào chương trình in “sách đen.” Giải pháp của CIA là giao cho nhà xuất bản Nữu Ước Felix Morrow, cựu ký giả phe Trosky, chống cộng đã được CIA điều tra lý lịch. Ngày 23 tháng 6 năm 1958 Felix Morrow ký khế ước với CIA, ấn bản sách được in ở Âu Châu, phân phối kịp thời vào ngày hội chợ thế giới ở Bỉ cho du khách Nga vào tháng 9 và phát không cho thủy thủ Nga đem về Xô Viết.
Trong vòng sáu tháng, cuốn Dr. Zhivago nằm trong danh sách truyện bán chạy nhất trên tờ New York Times. Cuốn truyện được giới thiệu như là truyện làm chấn động thế giới với chiến tranh, hòa bình, cách mạng, nội chiến, bối cảnh vĩ đại thay đổi với nhiều nhân vật như cuốn “Chiến Tranh và Hoà Bình” của đại văn hào Lev Tolstoy. Chuyện tình Lara và Zhivago lồng trong khung cảnh chính giống như hai đại tác phẩm “Chiến Tranh và Hoà Bình” và “Anna Kerinina” nhập một.
Nội dung cuốn truyện hơn là nghệ thuật đã là chìa khóa thành công của Dr. Zhivago, một Zhivago thích tranh cãi, suy tưởng, không thích cách mạng. KGB đã sắp truyện Zhivago vào loại sách phản động vì những tranh cãi giữa Lara và Zhivago trong suốt cuốn truyện. Khi cùng làm việc ở bệnh viện dã chiến, Dr. Zhivago luôn luôn có ý tưởng “con người mới xã hội chủ nghĩa đi ngược với tự nhiên,” “cách mạng là căn bệnh của thời đại,” “cách mạng đã đem đến quyền lực cho thiểu số lãnh đạo còn đa số nhân dân là nạn nhân.” Tranh luận với Lara, Zhivago nói, “Con người khi nắm quyền, luôn luôn vì quyền lợi, quay mặt với sự thật.” Lara sau phải đồng ý: “Dối trá đã đến trên nước Nga, dân bắt đầu hát một bài giống nhau, không biết lúc nào sự thật sẽ đến hay lúc nào sự thật được chấp nhận ở nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên này.”
Boris Pasternak đoạt giải Nobel văn chương năm 1958 với cuốn Dr. Zhivago nhưng chủ tịch hội nhà văn Xô Viết Vladimir Semichastry kêu gọi đuổi Boris Pasternak ra khỏi Xô Viết vì Pasternak đã “thở hơi thở tư bản.” Hơi thở tư bản của nhà thơ Pasternak với những lời lẽ qua Dr Zhivago đã tố cáo những kẻ làm cách mạng: “Những kẻ làm cách mạng, nắm luật trong tay, khủng khiếp không giống như bọn phạm pháp nhưng giống như những bộ máy không còn bị kiểm soát.” Hình ảnh những chuyến tàu hỏa lao mình qua cánh đồng tuyết Tây Bá Lợi Á đã in đậm vào ký ức của những người mê điện ảnh qua phim Dr. Zhivago nhưng đối với Dr. Zhivago hình ảnh những chuyến tàu hỏa ấy là hình ảnh của cách mạng Xô Viết “như những chuyến xe hỏa lao đầu đến trước không người lái.” Cách mạng với những con người đỏ xã hội chủ nghĩa đã thay đổi con người thi sĩ của Dr. Zhivago qua nhận xét của Lara: “Anh đã thay đổi anh biết không? Anh thường nói về cách mạng một cách bình tĩnh.” Ông bác sĩ trẻ tuổi Zhivago đã thay đổi theo xã hội cách mạng vì “Cách mạng được tạo ra bởi những kẻ cực đoan với đầu óc chật hẹp, họ nghĩ mình có đầu óc thiên tài, thay đổi trật tự xã hội trong vài giờ hay vài ngày nhưng mười năm sau hay thế kỷ sau đầu óc chật hẹp này khiến cách mạng cộng sản được xem là cách mạng thần thánh.”
Lời tiên tri của Zhivago trở thành sự thật với những chính quyền cộng sản từ Xô Viết qua Trung Cộng đến Việt Nam nhưng Boris Pasternak sợ bị đuổi ra khỏi quê hương đã từ chối nhận giải Nobel văn chương năm 1958. Khác với Yuri Zhivago, Pasternak một năm sau chết vì ung thư phổi còn nàng Olga Ivinskaya bị bắt đi đày trong trại tù Gulag 8 năm cùng với cô con gái Irina nhưng sau 4 năm được thả.
Cuốn Dr. Zhivago được nhà văn nổi tiếng Vladimir Nobokov (tác giả cuốn Lolita) xem là “một trong những sự kiện vĩ đại trong lịch sử văn học và đạo đức của thế giới.” Boris Pasternak đã đâm thủng bức màn sắt của Xô Viết, ông được xem là cha đẻ của phong trào phản kháng Xô Viết, khi cố tình gửi sách ra ngoại quốc phạm luật Xô Viết. Sự can đảm của ông đã dẫn đường cho những nhà văn chống chế độ cộng sản như Solzhenitsyn và Joseph Brodsky.
Cuốn truyện Dr. Zhivago đang được trưng bày ở bảo tàng viện của CIA ở Langley, Virginia, 600 trang trên giấy Thánh Kinh để đưa vào Nga là ấn bản bằng tiếng Nga xuất bản bởi CIA in ở Pháp nhưng không phải là ấn bản đầu tiên.
Giống như những mạng lưới nhân quyền vào thế kỷ thứ 21, chính quyền đàn áp của các nước độc tài đã quảng cáo cho các nhân vật đối kháng trên mạng. Cuốn Dr. Zhivago đã nổi tiếng một phần nhờ cơ quan KGB đàn áp hơn là do bàn tay CIA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét