Wolfgang Hirn
Một vùng tự do thương mại quanh Thái Bình Dương: bên này là các quốc gia châu Mỹ, bên kia là các quốc gia châu Á – đó là giấc mơ to lớn của người Mỹ, giấc mơ mà họ muốn hiện thực nó trong những năm tới đây.
Giấc mơ này mang cái tên tương đối phi lãng mạn Trans-Pacific Partnership (TPP). Mười một quốc gia hiện đang thương lượng về một hiệp ước như vậy, trong đó là Hoa Kỳ, Spiritus Rector ["tinh thần dẫn đầu"] của TPP, Australia, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Nước Nhật cũng đã bày tỏ sự quan tâm của mình.
Vào cuối một quá trình thương lượng dài, vùng tự do thương mại lớn nhất thế giới có thể sẽ thành hình mà trong đó hàng hóa và dịch vụ có thể lưu thông không gặp những trở ngại lớn như thuế quan. Tất cả các thành viên của vùng sẽ có thêm tăng trưởng – ít nhất là trên lý thuyết.
Chỉ có một đất nước sẽ không hưởng lợi từ đó: Trung Quốc. Người Trung Quốc không có mặt trong các cuộc thương lượng. TPP này – ngay cả khi người Mỹ không nói ra – có định hướng chống Trung Quốc. Tuy là họ tuyên bố công khai, cả Trung Quốc cũng có thể tham gia vào vùng này, ví dụ như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói trong bài diễn văn Canberra nổi tiếng của ông. Nhưng đồng thời, người Mỹ lại đặt ra cho người Trung Quốc những điều kiện cao tới mức họ sẽ không bao giờ muốn và có thể tham gia.
Trước hết là các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, về các tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường cũng như về các công ty nhà nước đã được lập ra sao cho người Trung Quốc không thể chấp nhận chúng được.
Hoa Kỳ đẩy mạnh các cuộc thương lượng về TPP trước hết là từ hai động cơ. Thứ nhất, họ hy vọng qua thương mại tăng lên với các quốc gia TPP mà sẽ có được kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế đang dậm chân tại chỗ của họ. Và thứ nhì, họ muốn qua đó mà ngăn chận ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong châu Á.
Vì người Mỹ đang lo lắng về thế thống trị kinh tế của Trung Quốc trong châu Á còn lại. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất trong gần như tất cả các nước trong vùng. Điều này tạo ra sự phụ thuộc mà Hoa Kỳ không thích nhìn thấy. Ngoài ra, họ lo sợ sẽ bị loại trừ ra về kinh tế. Họ có ít hiệp định thương mại tự do với các nước châu Á hơn là Trung Quốc.
Người Trung Quốc đã sớm có các hiệp định song phương và đa phương với mười quốc gia ASEAN và các nước khác của khu vực Thái Bình Dương. Hiệp định quan trọng nhất cho tới nay là Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng 2010. Với 1,9 tỷ người và tổng số thương mại gần 500 tỷ, nó là khối thương mại lớn thứ ba của thế giới – sau EU và North American Free trade Agreement NAFTA (Hoa Kỳ, Canada và Mexico).
Với TPP trên kế hoạch, bây giờ người Mỹ muốn bắt đầu chống lại các liên minh về kinh tế của người Trung Quốc. Và đó không phải là showdown duy nhất của hai cường quốc thế giới trong vùng này.
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét