Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc


Bauxite Việt Nam: Ba năm trước đây, ngày 20/07/2011, Bauxite Việt Nam đã đăng bài sau đây của nhà báo Lê Phú Khải. Nay chúng tôi đăng lại, là để nói rằng: với sự ra đời của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, lời ai điếu mà nhà báo Lê Phú Khải muốn dành cho một nền báo chí nô bộc, nay đã trở thành hiện thực. Có thể nói chắc rằng xã hội dân sự đã hình thành ở Việt Nam và tuy đang ở chặng đường đầu tiên, nhất định nó sẽ ngày càng lớn mạnh. Đó là lôgic của cuộc sống. Và khi đã là lôgic thì nó cứ lừng lững đi tới, không có một sức mạnh nào cản được.

Tháng 7-2007. Những cơn mưa tầm tã vào lúc chập tối kéo dài tới khuya khiến nhiều đêm tôi không sao chợp mắt được. Hàng trăm nông dân từ các tỉnh miền Tây kéo lên biểu tình tại TP HCM đêm nay làm gì dưới những cơn mưa tầm tả kéo dài đó? Đã cả tháng, đồng bào kéo nhau lên Văn phòng Quốc hội 2 tại đường Hoàng Văn Thụ TP HCM để đòi lại ruộng đất bị mất trắng, bị giải tỏa mà đền bù không thỏa đáng... Băng rôn, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu viết trên giấy dán lên áo, ảnh Chủ tịch Hồ Chí minh… đỏ rực cả dãy phố vòng từ đường Hoàng Văn Thụ sang đường Hồ Văn Huê. Đọc những khẩu hiệu trên băng rôn không khỏi thấy đau lòng: “Thủ Tướng ơi... cứu lấy dân!”, “Đả đảo chính quyền tỉnh X... dối Đảng lừa dân”, có khẩu hiệu còn trích cả lời ông Thứ trưởng Đặng Hùng Võ viết trên báo lề phải: “Tham nhũng ruộng đất là tham nhũng xương máu của dân”... Dưới những khẩu hiệu đó là những gương mặt đen xạm, hốc hác, quắt queo, những hốc mắt sâu hoắm, buồn tủi và căm giận trôi dạt, lan tỏa từ những hốc mắt đó...

Trên đường phố, những chiếc xe hơi bóng loáng, những chiếc xe hai bánh đời mới chở những cặp đùi nõn nà lướt qua, phảng phất mùi nước hoa ngược gió bay lại, phả vào những gương mặt dúm dó đang trương ảnh Bác Hồ! Có ai đó nghĩ hộ những người nông dân mất đất kia rằng, ruộng đất bị cướp giật của họ đã biến thành những chiếc xe bốn bánh, hai bánh bóng loáng kia, từ công cuộc “đổi mới” do Đảng cầm quyền phát động và lãnh đạo (!).

Cũng có những bà con dân phố nghĩ đến đồng bào đi biểu tình rời quê lên đây cả tháng trời, màn trời chiếu đất, đói khát nên đến tiếp nước, tiếp thức ăn cho họ. Có người khôn ngoan hơn, đã gọi một thanh niên chở sau xe đạp sọt bánh mì đầy, trả tiền hết cả sọt bánh... rồi nhờ anh ta chở vào đám biểu tình phát cho bà con. Anh thanh niên này đã bị những người mặc thường phục bất thần xông ra đánh túi bụi, trào cả máu mồm máu mũi lên những chiếc bánh mì anh đang phân phát...

Tôi có đủ kinh nghiệm của một người viết phóng sự điều tra về tranh chấp ruộng đất ở Đồng Bằng sông Cửu Long những năm cuối thập kỷ 80, nên hiểu rõ những ai sẽ có mặt ở những cuộc biểu tình! Những người quay phim chụp ảnh mặc thường phục nhan nhản ở đường Hoàng Văn Thụ lúc này. Nhưng hễ có một “con nai vàng ngơ ngác” nào đó giơ máy chụp hình lên thì lập tức bị cướp máy ngay, bị kéo về đồn công an ngay! Cả tháng rồi, hàng trăm người biểu tình với cờ quạt rợp trời, căng lều, căng bạt, trải ny lông nằm la liệt tại một ngã ba sầm uất ở trung tâm thành phố... Vậy mà, cả trăm tờ báo, của một thành phố được xem là cái nôi của báo chí Việt Nam, thậm chí tờ báo Tuổi trẻ ở ngay liền đó... vẫn im khe! Các đồng nghiệp của tôi vẫn ung dung ngồi trong phòng máy lạnh như không có gì xảy ra. Thậm chí, có báo còn đăng ảnh một cuộc biểu tình ở một nước Mỹ La-tinh xa xôi nào đó! Một số không nhỏ các đồng nghiệp của tôi đang bận rộn đến quay phim chụp ảnh, đưa tin về một công trình nào đó mới khởi công để nhận những bao thư “nặng túi”! Các “bậc thầy” báo chí, các nhà báo lão thành lúc này vẫn đang được các trường tuyên huấn, các lớp đại học báo chí mời đến giảng bài, các đài truyền hình mời lên tivi... và các vị đó đang lớn tiếng: Nhà báo phải bám sát cuộc sống, phải trung thực, nhân dân cần được thông tin và có quyền được thông tin đầy đủ như luật báo chí đã ban hành, vân vân và vân vân. Tôi không ngờ các nhà báo lão thành mà xưa nay tôi từng ngưỡng mộ lại có thể vô cảm đến thế, dối trá đến thế, hèn hạ đến thế!

Đừng có ai nghĩ rằng nhà báo bây giờ còn nghèo như một câu “ngạn ngữ” thời bao cấp: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo... cộng lại thành nhà nghèo!”. Không ít các đồng nghiệp của tôi như con cáo già đang ngồi co mình ở các tòa soạn, nhưng chỉ một tin tức lộ ra ở đâu đó, xí nghiệp này, công ty kia có chuyện tiêu cực, tham nhũng, được nội bộ tố giác... là họ lao tới gặp lãnh đạo đơn vị, chí ít thì xin cái quảng cáo vài chục triệu để hưởng phần trăm (thường là 2-30%), nếu nắm đầy đủ chứng cứ tư liệu rồi, thì họ ra giá, tống tiền lãnh đạo đơn vị. Những lần “đánh quả” như thế, họ có cả trăm triệu. Có vị Viện trưởng một viện khoa học lớn ở TP HCM than phiền với tôi: Mỗi lần có cuộc triệu tập ra Hà Nội họp hành gì đó thì một nhà báo của một cơ quan báo chí lớn bậc nhất của nước ta, đều đến xin Viện trưởng một cái vé máy bay để đi họp! Không cho thì sẽ bị moi móc, trả thù... Mà cho thì khó coi quá!

Tôi còn biết ở Cần Thơ có một ông cũng thường trú như thế, mỗi lần đi họp ở Hà Nội còn đi nhiều cơ quan, xuống cả các huyện để mỗi huyện “xin một cái vé máy bay” như thế! Đến nổi người ta gọi ông “nhà báo cá rồ”. Nghe đâu giờ ông ta có cả đồn điền trên Tây Nguyên để... dưỡng già!

Có lần tôi đang đi chiếc xe cúp cà tàng trên đường phố, bỗng bị một chiếc xe phân khối lớn ép vào vỉa hè. Hoảng quá, tôi tưởng mình bị cướp! (Mà kẻ cướp nào lại thèm nhắm vào chiếc xe khốn khổ của tôi?). Lúc bình tĩnh được thì nhận ra một đồng nghiệp trẻ. Anh này là con trai một vị Giám đốc đài phát thanh và truyền hình lớn ở miền Trung. Anh ta tốt nghiệp ngành báo chí, nhưng vì người cha là một cán bộ cách mạng lão thành, liêm chính, không chấp nhận xin xỏ và hối lộ để con được làm việc ở một cơ quan báo chí ở TP HCM... anh ta phải đi làm cộng tác viên cho các báo ở thành phố. Quý mến người bạn trẻ này, nhiều lần tôi đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu long có xe hơi đưa đi, tôi thường kêu anh đi cùng để có cơ hội hành nghề, kiếm sống ở cái thành phố ồn ào này. Nào ngờ hôm ấy anh là người ép xe tôi vào lề đường! Anh ta ôm lấy bờ vai gầy guộc của tôi cười nói: Bây giờ em khá rồi! Liếc nhìn chiếc xe phân khối lớn của anh, tôi tin là anh ta nói thật. Tôi hỏi: – Làm gì mà khá? Trả lời: – Chạy quảng cáo cho các báo! Nói rồi, anh ta dúi bao thuốc ba số (555) đã hút dở vào túi áo tôi, bằng một giọng rất tự tin, nói: – Một nhà báo như bác thì không thể đi chiếc xe thế này được. Tết này bác đi với em, đến các cơ quan, xí nghiệp, công ty... mà bác quen biết, không cần bác nói gì cả, chỉ cần bác đi cùng em đến đó thăm hỏi lãnh đạo, thế là đủ... Sau Tết em sẽ đổi xe cho bác... Tôi cảm ơn người bạn trẻ có lòng tốt với tôi, nhưng không dám nhận lời! Tôi buồn mất mấy ngày sau đó. Vừa thương một đồng nghiệp trẻ, ban đầu rất hăng hái, say sưa với nghề báo... nhưng không được cuộc đời tiếp nhận, phải bỏ nghề. Lại thấy thật khôi hài cho cái thằng tôi! Đi cái xe tàn tã nhất Sài Gòn hoa lệ, có khi khởi động đến toát mồ hôi mà xe không nổ máy. Chính cái xe này, có lần tôi đến họp báo ở “Nhà hàng nổi” trên sông Sài Gòn (nay không còn nữa), lúc dắt xe vô, người bảo vệ đã quát: - Đến giờ này mà chưa chở đá đến cho người ta! May quá, ông Ca Lê Thuần, Giám đốc Sở Văn hóa lúc đó, người chủ trì họp báo đã chạy lại nói: Mời anh PK vào, mọi người đã đến đông đủ (hôm đó xe tôi cũng không nổ được máy!). Giám đốc Thuần đã cứu tôi một bàn thua trông thấy trước anh bảo vệ to lớn!

Nhưng câu chuyện trên không “đau” bằng một lần, chúng tôi, các nhà báo thường trú của TW và TP HCM đến dự lễ khánh thành một công trình được tài trợ nước ngoài của Hội người mù TP HCM. Sau lễ khánh thành, ông Chủ tịch Hội người mù thành phố là một người đàn ông rất đẹp trai, nói tiếng Anh với khách quốc tế rất lưu loát, đã cầm một tệp phong bì phát cho từng nhà báo, mỗi lần phát cho một phóng viên, ông ta có lời cảm ơn rất lịch thiệp. Nhìn một người mù tay run run phát “bao thư” cho các nhà báo sáng mắt, tôi thấy trái tim mình như đang rỉ máu! Đến phần tôi, tôi phải kéo ông Chủ tịch lại một góc và nói nhỏ vào tai ông: Tôi đến đây tay không là đã thấy băn khoăn lắm rồi, nhận quà của người mù nữa thì còn gì để nói...

Tôi có “phản bội” các đồng nghiệp của tôi không?! Xin các nhà đạo đức học trên cõi đời này cho ý kiến!?

Chuyện đồng bào miền Tây lên thành phố biểu tình đòi đất năm 2007 mà tôi đã nói ở trên phải được nói thêm là, tôi đã trà trộn vào đám biểu tình, hỏi và nghe được nhiều điều bổ ích về các nguyên nhân đi khiếu kiện ruộng đất. Có bà mất ruộng vì Chủ tịch xã cướp ruộng của bà cho vợ bé của ông ta. Có nhiều nguyên nhân đi đòi đất mà tính chất, nội dung của việc đi đòi đất rất... Nam Bộ! Đó là trường hợp bà cụ có 15 công ruộng (mỗi công 1000 m2). Năm 1980 vô tập đoàn sản xuất, thực hiện lời kêu gọi của Đảng “nhường cơm xẻ áo”, cụ đã hiến 11 công đất, chỉ còn được giữ lại 4 công do nhà có bốn nhân khẩu. Những công đất đã hiến cho các hộ tiếp tục mần ruộng thì bà cụ không đòi. Duy chỉ có một hộ, nhận ruộng của bà, nhưng lại cho thuê “sổ đỏ” sở hữu ruộng, lấy tiền đi chơi đề, thì bà nhất định đi thưa kiện để đòi lại. Lý do của bà cụ chỉ đơn giản vậy thôi. Theo cụ thì ruộng đất của ông bà để lại cho con cháu là để mần ăn. Đem ruộng của ông bà “nhường” cho kẻ chỉ quanh năm rong chơi, cờ bạc là trái đạo lý ông bà. Tôi bàng hoàng khi nhận ra “cái đạo lý ông bà” của người nông dân Nam Bộ cao hơn hẳn cái nền chính trị hoang đường mà các đảng Cộng sản trên thế giới đã áp đặt cho dân tộc của họ, trong đó có Việt Nam. Không phải ai cũng yêu quý ruộng đất mà đem cào bằng ruộng đất để đi tìm sự công bằng! Nhà văn Dương Thu Hương đã gọi cái sự thắng thế của những người Cộng sản một thời là “sự hàm hồ của lịch sử”! Bà cụ mà tôi đã gặp trong đám biểu tình này, đang làm một việc là đi chống lại sự hàm hồ của lịch sử! Đương nhiên là cực kỳ gian khó. Tôi đã thu thập tất cả những lý do, những tình huống đi khiếu kiện đòi ruộng đất trong cuộc biểu tình dài ngày đó của nông dân các tỉnh miền Tây năm 2007 ở Văn phòng Quốc hội 2 tại TP HCM để viết một phóng sự điều tra. Kèm theo bài phóng sự là những hình ảnh mà tôi đã chụp được bằng phương pháp nghiệp vụ, chụp toàn cảnh, cận cảnh, nội dung các khẩu hiệu được trương lên (không có khẩu hiệu nào chống chế độ cả). Không một báo lề phải nào dám đăng những phóng sự điều tra như thế cả. Nếu có đăng thì họ sẽ cắt xén, gọt dũa những sự thật gai góc, chỉ để lại những gì có thể vừa lòng, lọt tai cấp trên mà thôi! Cuối cùng tôi phải ra tận Hà Nội, đến tận Văn phòng Chính phủ ở số 2 đường Bách Thảo, đưa tận tay bài viết đó đến Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tại văn phòng Phó Thủ tướng phụ trách chống tham nhũng của ông. Phó Thủ tướng đã tiếp tôi một buổi chiều và xem kỹ những bức ảnh về cuộc biểu tình mà tôi đã chụp. Nhưng đã là một bài báo thì nó phải được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, để tạo dư luận xã hội, cách làm đi bằng con đường “tiểu ngạch” của tôi như thế là “không giống ai”!

Cuộc biểu tình của nông dân miền Tây năm 2007 đó, đã được dọn dẹp vào ban đêm bằng cách các địa phương đưa xe lên rước về. Nếu “giải thích” mà ai không nghe thì được ném lên xe đưa về! Sáng hôm sau tất cả các báo ở TP HCM đều đưa tin, nông dân miền Tây đã “ vui vẻ” ra về!!!

Sau này, tôi đã nhờ nhà thơ Hoàng Hưng đưa bài viết đó lên mạng Talawasvới nhan đề “Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Cần có cuộc Hội thảo khoa học về khiếu kiện ruộng đất...”. Khi bài viết đã được tung lên mạng rồi, gặp một số quan chức ở Đồng bằng Cửu Long, nhiều người đọc được đã bảo tôi: Bài của đồng chí rất trung thực, có thiện chí, có nhiều phát hiện... vì sao không đưa các báo đăng!

Thế đó, các giáo trình báo chí ở các quốc gia dân chủ đều dạy rằng, nhà báo là người đứng trên cây cầu để canh chừng con tàu chính phủ. Nó báo cho con tàu đó thời tiết xấu hay tốt ở phía chân trời. Nhưng ở các quốc gia toàn trị thì báo chỉ để làm vừa lòng cấp trên, chỉ để làm cảnh và để “đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống” chứ không phải làm theo quy luật của nhận thức là đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng để rồi Nghị quyết Đảng sẽ tự nhiên đi vào cuộc sống!

Lối tư duy ngược này là thảm kịch của những nhà nước độc tài và sớm muộn sẽ dẫn đến sụp đổ. Hiện tượng Vinashin là một ví dụ rất điển hình. Không phải các nhà báo không biết đầu tư lớn cho ngành đóng tàu Việt nam (thực chất là đóng vỏ tàu) là phi hiệu quả. Giữa những năm 90, tôi đã được Tiến sỹ P.N.H, chuyên gia hàng đầu của VN về đóng tàu biển, ông tốt nghiệp hạng ưu ở Liên Xô về... đưa cho một tập tài liệu phản biện về việc đầu tư cho ngành đóng tàu VN. Đưa cho tôi tài liệu, ông hy vọng là để một nhà báo lâu năm lên tiếng hộ cho quan điểm của các chuyên gia đóng tàu VN... Nhưng báo chí chỉ được phép minh họa đường lối của Đảng và nhà nước mà thôi! Cho ăn kẹo cũng không một Tổng biên tập nào dám đăng bài của các nhà báo lúc đó phản đối đầu tư cho Vinashin. Chỉ đến khi chuyện vỡ lỡ thì nhân dân là người chịu thiệt thòi nhất, vì gánh chịu nợ nần chồng chất, nhưng các nhóm lợi ích thì đã no nê! Và chẳng ai bị kỷ luật về món nợ khổng lồ ấy!

Bây giờ thì rừng vàng đã bị phá gần hết, rừng đầu nguồn đã cho nước ngoài thuê, tài nguyên dưới lòng đất đã cạn kiệt, đến than cũng phải đi nhập về, bauxite cũng phải khai quật lên để bán cho người Tàu, chỉ còn biển bạc, đảo vàng ngoài khơi thì đường lưỡi bò đang lăm le liếm hết. Biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc mà ông bà ta gìn giữ bằng máu xương từ bao đời, nay đồng bào Quảng Ngãi, đồng bào miền Trung ra khơi đánh bắt tôm cá thì bị giặc Tàu bắn giết, cướp bóc bất kỳ lúc nào. Nhân dân Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phẫn nộ biểu tình khí thế bừng bừng mà 700 tờ báo, gần trăm đài phát thanh truyền hình trên cả nước vẫn im khe, không dám đăng một tấm hình, một dòng tin nào về những cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân. Chỉ có Thông tấn xã VN đưa một cái tin về biểu tình ngày 5-6 vừa qua thì lại xuyên tạc trắng trợn sự thật: “một số người tự phát tụ tập đi ngang qua...”. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến lời nhà văn Nguyễn Khải trong tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” của ông rằng, người ta đã “nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không biết xấu hổ, nói dối không biết khiếp sợ...”! Các nhà báo nước ta từng có thời áo vá cơm khoai, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, vác cây bút đi phụng sự chính nghĩa dân tộc, đánh Tây đuổi Nhật năm xưa... Nay báo chí nước ta vì miếng cơm manh áo, vì muốn yên thân “sống mòn” lại dễ dàng làm nô bộc cho các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, quay lưng với vận mệnh của Tổ Quốc hay sao?

Nếu mai mốt bọn Tàu cộng với máu AQ truyền kiếp, lại thêm bệnh “mót” làm siêu cường thời đại, điên cuồng kéo giàn khoan khổng lồ của chúng ra khai thác dầu trên vùng biển đặc quyền của nước ta đã được luật pháp quốc tế thừa nhận... mà đội ngũ báo chí “hùng hậu” của ta vẫn im khe, chỉ “anh bán thuốc cao” Lại Văn Sâm khua môi múa mép trên tiết mục “Ai là triệu phú” của đài Truyền hình Quốc gia thì bài viết này của tôi xem như “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” đã tha hóa và thối rữa đến chân lông.

Gần 40 năm viết báo từ Bắc chí Nam, làm cả báo nói, báo hình, báo viết, báo mạng... đi từ minh họa đến phản biện, phải chăng số phận đã giao cho tôi viết lời ai điếu này cho nền báo chí VN hôm nay. Tôi mượn chữ “Ai điếu” của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu để tưởng nhớ ông trong bài viết này.
Không phải không có lý do mà nhân loại đã đặt tự do ngôn luận, tự do báo chí lên hàng đầu trong những quyền về con người.

Tự do thông tin ở thời đại thông tin toàn cầu sẽ cứu các quốc gia nhỏ bé không bị các “siêu cường mới” nuốt chửng; sẽ cứu cả các đảng cầm quyền biết đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân cứu đất nước khỏi bị các đế quốc mới xâm lược nếu không muốn tự sát.

Vai trò của các nhà báo vô cùng quan trọng trong thời khắc lịch sử này. Hỡi những người anh em báo chí đồng huyết, đồng bào, đồng chủng, đồng quốc của tôi.

TP HCM 7–2011
Lê Phú Khải 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét