Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Việt Nam thoát phụ thuộc Trung Quốc: Chỉnh chính sách biên mậu


Ảnh bên:Hiện rất nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su, nông sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
'
Tình huống xấu xảy ra, Việt Nam sẽ không chịu bó tay. Chính sách biên mậu cũng đang được chỉnh sửa để phù hợp với hoạt động xuất khẩu và hội nhập.

  Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, tình hình căng thẳng trên nội địa cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ nếu tình huống xấu này xảy ra, Việt Nam sẽ không chịu bó tay mà phải chủ động tìm được bạn hàng khác thay thế. Chính sách biên mậu cũng đang được chỉnh sửa để phù hợp với hoạt động xuất khẩu và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ trên tờ VOV, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thì cần có sự phối hợp từ các ban ngành đến các doanh nghiệp, hộ nông dân; cũng như có sự nhận thức đúng đắn khi thực hiện hoạt động giao thương với thương lái nước ngoài.

Theo ông Thắng, từ khi Việt Nam mở cửa thị trường, việc buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng. Tốc độ tăng trưởng của năm sau so với năm trước luôn đạt 15-22%. Thông qua việc giao thương này, cả hai bên đều cùng có lợi. 

Nói về việc những ảnh hưởng có thể xảy ra trong hoạt động giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, PGS. TS Phạm Tất Thắng lý giải do đường biên giới giữa hai nước dài, có rất nhiều cửa khẩu, thuận tiện cho việc buôn bán nhỏ lẻ, biên mậu, tiểu ngạch. 

"Do vậy, hình thức biên mậu cũng sẽ vẫn diễn ra trong một thời gian dài tới. Vấn đề là chúng ta có giải pháp gì để hạn chế tối đa sự lộn xộn, rủi ro qua hình thức này", ông Thắng nói.

 Hiện đối với mặt hàng thanh long có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu; mủ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu; hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20%, sắn chiếm 100%, 

"Do vậy, Việt Nam cũng phải có phương án dự phòng trong trường hợp có lý do gì đó khiến các cửa khẩu này hạn chế xuất nhập khẩu" ông Thắng nhấn mạnh.

Trên thực tế những mặt hàng chủ lực như gạo, nông sản, cao su... Việt Nam lại chủ yếu xuất qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Trong khi đó các chuyên gia đã từng cảnh báo chính cách đi này đã khiến Việt Nam khó bước ra khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc.

Dù rằng GS Võ Tòng Xuân cho rằng: chắc chắn Trung Quốc vẫn phải nhập các sản phẩm nông sản, lúa gạo của Việt Nam vì Trung Quốc vẫn thiếu. Các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan chẳng hạn Trung Quốc phải mua với giá cao hơn còn mua của Việt Nam thì kế bên, dễ mua và giá rẻ. 

Tuy nhiên với việc xuất tiểu ngạch, mua rẻ, bán rẻ đối với những mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu: chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức các mặt hàng rơi vào cảnh lao đao. 

Bài học đó từ nhiều sản phẩm như: cao su bị rớt thê thảm, rồi các sản phẩm nông sản chất đống không thể nào tiêu thụ khi các thương lái thu mua trước đó chỉ đến từ Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hơn một lần từng đưa ra nhận định: "Một số sản phẩm xuất khẩu của VN xuất sang TQ chiếm tỉ trọng rất cao như gạo, cao su, trái cây lại bị phụ thuộc vào thị trường mua của họ.

"Đã đành họ cũng cần ăn của VN nhưng mỗi khi họ có gây sức ép thì VN lại lãnh đủ. Gạo là một ví dụ. Đó là do chúng ta để tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường mà kinh nghiệm thế giới cho thấy việc xuất khẩu lại đang bị phụ thuộc vào nước mua chứ không phải do người bán", bà Lan nói.

Theo bà Lan, cơ cấu thương mại của VN ít thay đổi, tụt hậu so với các nước khác, không có vị thế trên thị trường, nên bị lệ thuộc sâu hơn. 

Do vậy việc thay đổi lúc này là cần thiết và giới chuyên môn cũng cho rằng nên xem đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bước lên xu thế mới.

Phương Nguyên/Đất Việt 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét