Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Vừa đánh vừa run không giữ được Biển Đông


Phạm Trần (Danlambao) - Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã sử dụng vũ khí “ nước bọt” nhiều hơn “hành động” để chống chiến lược “nói là chiếm Biển Đông” của Trung Cộng.

Chiến thuật của Việt Nam được “nhóm 4 người” đứng đầu đảng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay phiên nhau nói lớn cốt cho dân mát dạ nhưng hành động lại chân nọ đá chân kia khiến lòng dân đã không yên lại bối rối thêm trước chủ trương quyết chiếm cho được biển Việt Nam của Trung Cộng.

Tuyên bố theo thời trang?

Trước tiên hãy nói về tuyên bố phá vỡ sự im lặng quá lâu của Chính phủ bởi Thủ tướng Dũng tại Manila, Phi Luật Tân ngày 21/05 (2014). Ông nói trong cuộc họp báo: “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc.”

Phản ứng trong dân phấn khởi, bình luận báo chí thuận lợi cho uy tín ông Dũng trong lúc Tổng Bí thư Trọng vẫn im lặng và chỉ cho Quốc hội họp kín về biến cố Trung Cộng đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau báo cáo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Quốc hội cũng chỉ “rặn” ra được bản Thông cáo, sau cuộc thảo luận kín tại tổ, lên án và đòi Trung Cộng rút giàn khoan và lực lượng bảo vệ.

Du luận phẫn nộ trước hành động yếu ớt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhưng sau 30 cuộc tiếp xúc đôi bên, Trung Cộng vẫn duy trì giàn khoan và tăng cường thêm quân và tầu chiến bảo vệ.

Làn sóng phẫn nộ của người dân trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nổi lên chống Trung Cộng từ ngày 11/5 (2014), nhưng sau đó Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh ngăn chặn các cuộc biểu tình chính đáng của dân kể từ khi có bạo động trong 2 ngày 13 và 14/05 (2014) tại Bình Dương và Vũng Áng là nơi có các Công ty của Trung Cộng và nước ngoài hoạt động.

Giữa lúc tình hình Biển Đông sôi sục bất lợi cho Việt Nam như thế thì Ban Chấp hành Trung ương đảng họp Hội nghị 9. Nhưng ai cũng thất vọng đến ngạc nhiên trước thái độ thờ ơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hội nghị 9. 

Ông Trọng chỉ cho 199 Ủy viên ngồi nghe “nghe báo cáo” mà không thảo luận, không có tuyên bố riêng về sự cố “Trung Cộng đã đặt giàn khoan 981 vào nhà mình”.

Họ cũng được nghe ông Trọng nói vu vơ trong diễn văn bế mạc ngày 14/5 (2014): “Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.”

Trong khi ấy thì Thông báo cuối Hội nghị Trung ương 9 cũng viết bâng quơ: “Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.”

Một xã hội buồn thiu và người dân chán nản, thất vọng trước hành động “làm nhục giống nòi” của đảng lại dược đánh thức bởi tin Ủy viên Quốc vụ viện Trung cộng Dương Khiết Trì sang Hà Nội ngày 18/6 (2014) gặp các ông Trọng, Dũng và Phạm Bình Minh để thào luận vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Nhưng sau một ngày vội vã họp trong không khí không bình thường như các bản tin viết theo chỉ đạo “không làm cho tình hình căng thẳng thêm” của phía Việt Nam đưa ra, họ Dương trịch thượng đòi Việt Nam phải đình chỉ phá rối hoạt động của Hải Dương 981, mặc dù vẫn quả quyết quan hệ giữa hai nước không thay đổi.

Về phần ông Trọng, lần đầu tiên người dân được nghe ông “khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi” trong cuộc nói chuyện với Dương Khiết Trì.

Nhưng các tàu võ trang và tàu cá bọc sắt của Trung cộng vẫn tiếp tục hung hăng vây hãm và săn đuổi các tàu cảnh sát biển và đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong vùng giàn khoan 981.

Đến ngày 20/06/2014, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói với cơ quan Thống tấn xã của Chính phủ (TTXVN, Thông tấn xã Việt Nam) rằng: “Chúng ta không chấp nhận việc bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt ta phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc... Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm... Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Đây là lần đầu tiên sau ngót 2 tháng Trung Cộng đặt giàn khoan, ông Sang mới lên tiếng “hăng” đến thế, như thể muốn “chạy đua” với những tuyên bố của hai ông Trọng và Dũng.

Trọng-Dũng lại nói

Rồi bất ngờ đến phiên ông Trọng lại nói với cử tri quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm ngày 01/07 (2014) về tình hình Biển Đông và thái độ “hết còn tình nghĩa” của Trung Cộng: “Đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp và lâu dài, thu hút sự quan tâm của toàn dân ta và các nước trên thế giới. Vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan đến ổn định, phát triển mà còn liên quan đến độc lập, chủ quyền của đất nước; liên quan đến việc giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không ta cũng phải "ăn đời ở kiếp" với họ.” 

Ông biện giải thêm: “Trong lịch sử đã nhiều lần xảy ra các sự việc tương tự. Chúng ta luôn tìm cách chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện, hợp tác cùng phát triển với người láng giềng Trung Quốc nhưng chúng ta kiên quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng.” (báo Điện tử Trung ương đảng CSVN)

Nhưng nếu anh hàng xóm cứ tiếp tục chơi trò “xỏ lá ba que, nuốt lời thề thốt 16 vàng và 4 tốt” (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”) do chính họ trao cho Việt Nam thi hành từ Hội nghị Thành Đô (Tứ Xuyên-Trung Cộng) năm 1990 thì ông Trọng vẫn muốn dân “cắn răng” để “ăn đời ở kiếp” hay sao?

Chẳng lẽ sau khi Bắc Kinh đã khinh thường Lãnh đạo Việt Nam để đem giàn khoan 981 vào sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế và giàn khoan Hải Nam 9 đến vùng chưa phân ranh ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 18/6 (2014) và dự trù đem thêm nhiều giàn khoan xuống Biển Đông mà ông Trọng vẫn chưa “sáng mắt sáng lòng” về điều được gọi là “cùng chung ý thức hệ Cộng sản” với Trung Cộng?

Và hẳn ông Nguyễn Phú Trọng chưa quên, tại Hà Nội ngày 21/12/2011, ông Tập Cận Bình nói với ông rằng: “Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai bên; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẽ tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam không ngừng phát triển tốt đẹp, bền vững theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, vì lợi ích căn bản và nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.” 

Giờ đây, qua hành động giàn khoan 981, ông Trọng đã nhận ra bao nhiêu phần trăm sự thật phũ phàng khi đọc lại lời Tập Cận Bình?

Rồi cũng trong 2 ngày 30/6 và 1/7 (2014), ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chạy đua với hai ông Trọng và Sang trong kỳ họp Chính phủ tháng 6 tại Hà Nội.

Ông Dũng lên án Trung Cộng đã “bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển của VN.”

Ông nói: “Việc làm này của TQ không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN, đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh của đất nước, ảnh hưởng xấu tới quan hệ hữu nghị hợp tác VN- TQ mà còn de dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.” 

Tuy nhiên Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa có quyết định kiện Trung Cộng ra trước tòa án Quốc tế về hành động chiếm Hoàng Sa năm 1974, chiếm 8 đảo và bãi đá ở Trương Sa năm 1988 và tấn công ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trước khi có hoạt động của hai giàn khoan Hải Dương 981 và Nam Hải 9.

Việt Nam cho biết “vẫn đang nghiên cứu, cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng về thời điểm sử dụng biện pháp này.”

Nhưng tại sao Việt Nam còn do dự, dù nhiều chuyện viên trong và nước, trong số có Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng đã thúc hối Chính phủ mau chóng kiện Trung cộng, trước khi quá muộn.

Vậy đảng và Nhà nước Việt Nam cần bao nhiêu thời gian nữa trước khi nhiều giàn khoan khác của Trung Cộng có mặt trong vùng biển của Việt Nam, hay sợ bị Bắc Kinh trả đũa nên chưa dám hành động để cứu nước khỏi họa ngoại xâm?

Cán bộ sang Tàu học

Song song với thái độ “nhập nhằng bạn-thù” này, đảng CSVN, theo Tạp chí Xây dựng Đảng thì: “Từ ngày 15-6 đến 24-6-2014, Ban Tổ chức Trung ương cử Đoàn cán bộ cấp vụ do đồng chí Quản Minh Cường, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ làm trưởng Đoàn đi nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc.” 

Tại sao lại coi chuyện giàn khoan 981 ở Biển Đông “không quan trọng” bằng việc gửi cán bộ đi học “xây dựng đảng” ở Trung Cộng?

Nhưng sang bên đó, cán bộ của CSVN được cán bộ Trung Cộng dậy cho những “kinh nghiệm” gì?

Báo đảng viết tiếp: “Tại Trung Quốc, Đoàn được tìm hiểu khái quát về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Trung Quốc hiện nay; Điều lệ xây dựng tổ chức và mô hình xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Công tác quản lý và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Cách làm và kinh nghiệm của TP. Bắc Kinh về công tác cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên.”

Ô hay, tại sao cán bộ Việt Nam lại phải sang Tầu học hay là “hai đảng cũng là một”?

Bài báo viết tiếp: “Về nội dung công tác cán bộ, Đoàn đã đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc về công tác tuyển chọn, sử dụng và đánh giá cán bộ, các nguyên tắc trong tuyển chọn và đánh giá cán bộ như: Đảng quản lý tập trung thống nhất công tác cán bộ; việc lựa chọn cán bộ các cấp đảm bảo có đạo đức và tài năng; cán bộ phải được quần chúng tín nhiệm; nghiêm túc thực hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; giữ vững chế độ tập trung dân chủ; làm việc theo pháp luật. Cán bộ được bổ nhiệm phải đảm bảo có tài, có đức, được đảng viên, quần chúng nhân dân tin cậy. Trong đó lấy chính trị và đạo đức là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm. Có các hình thức bổ nhiệm trực tiếp; thông qua bầu cử dân chủ; ký hợp đồng; tuyển chọn công khai. Công tác đánh giá cán bộ hay sát hạch cán bộ là công việc rất quan trọng của quan tổ chức, công tác này luôn luôn hoàn thiện theo hướng khoa học. Kết quả công tác sát hạch, đánh giá cán bộ vừa là căn cứ quan trọng để tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ vừa để quản lý cán bộ. 

Như vậy đã rõ chưa chuyện đảng CSVN đã lệ thuộc và điều khiển bởi đảng Cộng sản Trung Quốc, hay đây chỉ là “chuyện hữu hảo và trao đổi kinh nghiệm bình thường” giữa hai “đồng chí anh em một nhà?”

Nhưng việc Việt Nam gửi cán bộ sang Tầu học, hay “được giáo huấn” có khác gì chuyện đảng CSVN phải báo cáo với Bắc Kinh mỗi khi có Đại hội đảng hay quyết định quan trọng của Bộ Chính trị?

Có điều giữa lúc Trung Cộng coi biển đảo của Việt Nam như “một bộ phận không thể tách rời lãnh thổ của họ” mà ông Trọng cho đưa cán bộ sang Tầu học “bình thường” như hai giàn khoan 981 và Hải Nam 9 đang hoạt động ở Biển Đông thì những lời tuyên bố chống Bắc Kinh của ông có giá trị gì chăng?

Vì vậy nếu các ông Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng không minh bạch được những điều các ông nói không đi đôi với việc làm thì làm sao đảng và nhà nước CSVN có thể giữ được Biển Đông?

(07/014)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét