Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Chiến tranh Việt-Mỹ, bài học cay đắng của lịch sử

Sơn Diệu Mai

1maoSự hèn nhát và cam chịu đó cho phép chúng tiếp tục tồn tại, và điều này hứa hẹn một cách chắc chắn những cuộc huỷ diệt khác, có thể còn bội phần tàn khốc trong tương lai.
Ảo tưởng
Tất cả những ai quan tâm đến đạo Phật đều biết một ví dụ tiêu biểu nhằm minh chứng tính sai biệt trong nhận thức của con người. Chuyện đó như sau:
Thoạt tiên, người ta ngỡ Sợi Thừng là Con Rắn. Họ hốt hoảng kêu trời. Rồi khi định thần mới biết: Con Rắn thực chất chỉ là Sợi Thừng. Họ liền thở dài khoan khoái vì hết sợ. 
Người ta tưởng nhầm sợi thừng là con rắn khi mắt nhắm mắt mở, khi loạng choạng trong cơn mơ màng, khi tâm thần hoảng hốt, khi trí não bất định…, tóm lại, khi không còn khả năng nhận thức một cách sáng suốt. Hiện thực biến ảo theo con mắt. Con mắt biến ảo theo tâm thức. Tâm thức bị chi phối vì Thèm muốn, lòng Thù hận, sự Mê đắm mà nói theo ngôn ngữ nhà Phật là Tham, Sân, Si.
Con người vốn là nô lệ cho thế giới tâm thức của chính họ. Bị Tham, Sân, Si điều khiển, họ hành động như con rối. Tuy nhiên, do hoạt động tâm thức bao gồm hai mặt Hữu thức và Vô thức nên khi mà Hữu thức hành động theo chỉ dẫn của Tham, Sân, Si, Vô thức liền tìm cách biện minh cho hành động đó, nó buộc phải đổi thay hiện thực, nó nhầm tưởng hoặc tự đẩy mình vào sự nhầm tưởng, như thế Sợi thừng biến thành Con Rắn. Đó là trò đánh tráo có tự ngàn năm xưa.
Hồ Chí Minh. Nguồn: OntheNet
Hồ Chí Minh. Nguồn: OntheNet
Những biểu tượng có tự ngàn năm, những hình mẫu được liệt vào loại cổ xưa (archaic) có sức sống lâu bền hơn chúng ta thường nghĩ. Đôi khi, lòng kiêu ngạo khiến con người mù quáng nên họ tưởng rằng họ đã bay lên quá cao, bước đi quá xa, và bỏ lại sau lưng mình một quá khứ hoàn toàn bị xoá trắng. Con người đã tiến từ rừng xanh xuống đồng bằng, rời hang đá xây lâu đài và đô thị, họ bỏ những chiếc thuyền buồm để đổi lấy thứ tầu thuỷ chạy bằng hơi nước; rồi từ loại động cơ nhiệt điện họ chuyển sang dùng năng lượng nguyên tử như ngày nay. Vậy mà, xét trên phương diện xã hội, các bi kịch quanh đi quẩn lại vẫn chẳng vượt qua các hình mẫu bi kịch cổ Hy Lạp, sân khấu châu Âu lúc này vẫn diễn đi diễn lại Shakespeare và Chekhov, v.v. Thế nên, sau khi suy ngẫm, một nhà tư tưởng đã thốt lên: “Chẳng có gì mới lạ dưới ánh mặt trời”.
Như thế đủ đẻ thấy có một sự khập khiễng khá rõ giữa sự phát triển khoa học kỹ thuật với đời sống tinh thần của loài người. Đủ thấy, các hình mẫu cổ xưa trường tồn hơn tất cả mọi triều đại. Liệt kê và soi xét lại các sự kiện xảy ra trong quá khứ, ta thấy khá nhiều điều, thoạt đầu tưởng là một khám phá ghê gớm, sau phút choáng váng nhìn cho kỹ và suy nghĩ lại, vẫn chỉ là bản sao chép có biến đổi tình tiết nhưng không thoát khỏi các hình mẫu cũ. Có những sự kiện thoạt đầu tưởng chừng là hùng vĩ, lớn lao, suy nghĩ lại hoá ra trò con trẻ. Có những thành công thoạt đầu tưởng như vẻ vang, nhìn cho chỉnh, nghĩ cho sâu, hoá ra điều hổ nhục. Tóm lại, sự nhầm lẫn giữa Sợi Thừng và Con Rắn, diễn đi diễn lại không ngừng trong đời sống mỗi cá nhân, cũng như trong đời sống của các cộng đồng. Ảo vọng không ngừng lừa gạt con người, với tư cách cá thể hoặc với tư cách quốc gia, dân tộc, tuỳ theo nhân nghiệp hay cộng nghiệp.
Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là một ví dụ điển hình cho hình ảnh Sợi Thừng và Con Rắn, một hiện tượng đặc biệt sâu sắc cho tính tàn khốc của lịch sử cũng như cho sự mỉa mai của số phận, một bài học cay đắng vô tiền khoáng hậu cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thế hệ chúng tôi được gọi là “thế hệ chống Mỹ”.
Tuổi hai mươi của chúng tôi hoà nhập cùng với cuộc xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước và những lời ca đầy hào khí như:
“Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn,
Đá mòn mà đôi gót không mòn…”
Lúc đó, chúng tôi đi mà không nghĩ đến ngày về, theo tinh thần của những người lính ôm bom ba càng năm 1946: Quyết Tử Cho Tổ Quốc Quyết Sinh.
Những người bạn thân thiết của tôi đều chết trên chiến trường khu 5 (Quảng Nam, Bình Định, Quảng Trị ) và trên đất Khmer.
Có đứa còn tuyên bố: “Cố thắng một trận nữa để được kết nạp vào đảng rồi có chết thì chết.” Một khát vọng thành thực đến đau đớn.
Tất cả đều sẵn sàng hy sinh cho một chung cuộc lớn lao: một tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và phồn vinh.
Sau cùng, ngày chiến thắng đã tới. Ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngỡ rằng chung cuộc đã đến.
Tưởng vậy mà không phải vậy.
Bởi vì, không có một chung cuộc lớn lao khi số phận dân tộc bị những cái đầu bé tí điều hành. Không có một chung cuộc lớn lao khi cả dân tộc bị những kẻ đại diện cho chính nó lừa bịp. Không có một chung cuộc lớn lao khi cả dân tộc sống thường trực trong ảo vọng, trong trạng thái lầm tưởng, nhìn sợi thừng mà đinh ninh là con rắn.
Trong tình thế lịch sử ấy, mọi sự diễn ra đều mù mờ, cái thực trộn cùng cái giả, các sự kiện cụ thể nhào trộn với các con số ma quỷ, ngay đến mặt người cũng chỉ là các tấm mạt nạ sân khấu Hy Lạp cổ xưa hoặc các vai tuồng cũ được phù phép mà thôi.
Ai ai cũng đinh ninh rằng người lãnh đạo tối cao, hình tượng biểu trưng cho quyền lực, linh hồn của cuộc chiến tranh chống Mỹ là Chủ tịch Hồ chí Minh. Trong thực tế, ông Hồ là người kiên quyết chống lại cuộc chiến tranh này. Nhưng ý chí của ông bị dìm sâu trong bóng tối của hậu trường sân khấu chính trị và ông buộc phải sắm vai thủ lĩnh dởm cho đến lúc xuống mồ. Vì ông là kẻ lẻ loi, không vây cánh. Lúc đó thực quyền đã lọt vào tay cặp bài trùng Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Sau lưng ông Hồ chỉ có vài người: thứ trưởng Lê Liêm, tướng Võ nguyên Giáp và mấy uỷ viên trung ương khác. Trong khi đó, toàn bộ số uỷ viên trung ương còn lại, gồm trên ba trăm người, kể cả các uỷ viên Bộ chính trị như ông Trường Chinh, ông Phạm văn Đồng, ông Hoàng quốc Việt …, tất cả đều thuộc phe chủ chiến dưới bóng cờ của hai ông họ Lê.
Lê Duẩ - Lê Đức Thọ. Nguồn: OntheNet
Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Nguồn: OntheNet
Mãnh hổ bại quần hồ; một con hổ không thể chống lại một bầy cáo. Đám đông là kẻ chiến thắng trong mọi trò chơi. Như thế, vào giây phút quyết định của đại hội có tính chất lịch sử này, chủ tịch Hồ đã rời phòng họp ra ngoài hành lang hút thuốc, một mình thứ trưởng Lê Liêm bỏ phiếu chống, vài người bỏ phiếu trắng. Kết cục, phe chủ chiến toàn thắng với số phiếu mà theo cách nói của người nước ngoài, “victoire écrasante” hay “lanslide Victory”, chiến thắng long trời lở đất, nghiền nát đối phương.
Không cần bắt chước người nước ngoài, phe chủ chiến Hà Nội cũng đã lập tức nghiền nát những kẻ chủ trương chung sống và thi đua hoà bình giữa hai thế giới. Những người này được gọi chung là“ Bọn xét lại, tay chân thằng Khơ-rút-xốp”. Họ bị tống giam không cần xét xử. Trong số đó, có thể kể tên các ông Hoàng Minh Chính, Minh Tranh, Nguyễn Kiên Giang, Trần Châu, Huy Vân, v.v.
Lãnh tụ vĩ đại Hồ chí Minh, vì đã được tôn lên quá cao, đã thánh hoá triệt để, không thể nghiền nát ra tương, nên được sử dụng như một zombie dưới cái gậy chỉ huy của đàn em, và cái gậy này được quấn một lượt giấy trang kim sặc sỡ có tên: Kỷ luật đảng – Uy tín đảng. Sự thống nhất được gìn giữ như con ngươi mắt giữa những người cộng sản.
Hồ chí Minh đã buộc phải sống trong ngôi nhà sàn tại phủ Chủ tịch, không được quyền tiếp xúc với ai nếu không có lệnh của “chú Ba và chú Sáu”. Ngôi nhà sàn này đích thực là nhà ngục mà ông già họ Hồ đã trải qua những năm tháng cuối của cuộc đời. Ông tiếp tục ủy lạo các đoàn chiến sĩ miền Nam ra Bắc, tiếp tục mỉm cười và phát kẹo cho các cháu thiếu nhi, tiếp tục làm thơ chúc mừng năm mới…Tất cả đều diễn ra một cách máy móc, hoàn toàn không có nội dung. Hãy nhớ lại bài thơ chúc Tết của ông năm 1968:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến lại càng thắng to…”
Năm ấy, cuộc tấn công đại bại, lính chết như ruồi trúng thuốc độc, nhưng Chủ tịch Hồ chí Minh không hề hay biết sự thực, ông có nhiệm vụ làm thơ động viên, ông thi hành “chỉ thị đảng” theo cách một người máy (robot) hoặc một zombie. Cuộc sống đích thực của ông Hồ giai đoạn này có thể sánh với cuộc sống của một nhà vua bị giam trong hầm tối, chỉ có điều nhà sàn thì dễ thở hơn nơi hầm tối mà thôi. Duy nhất có một người đã liều lĩnh vào phủ chủ tịch gặp ông: dân biểu Quốc hội Dương Bạch Mai. Ông Mai bị đầu độc chết tức khắc sau cuộc gặp đó.
Như thế, ngay khởi đầu, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ đã diễn ra trong sự lường gạt; ông Hồ buộc phải đóng vai Người lãnh đạo vĩ đại của một cuộc chiến đấu được mệnh danh là vĩ đại mà chính ông không hề mong muốn.
Vậy thì, ai là kẻ thực sự mong muốn cuộc chiến tranh này?
Chúng ta sẽ xét theo lớp lang: Gần nhất, rõ rệt nhất, hiển nhiên nhất là cặp bài trùng Lê Duẩn-Lê Đức Thọ.
Ông Lê Đức Thọ không dấu giếm tham vọng, thường xuyên tuyên bố, “Bây giờ, đến lượt tao”.
Đến lượt tao lên ngôi, đến lượt tao cầm trịch.
Nhưng muốn lên ngôi, muốn cầm trịch phải có món lễ tế thần, món đồ lễ thích đáng nhất là vòng hoa chiến thắng của một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh ấy buộc phải gây ấn tượng mạnh, ít nhất phải mạnh hơn cuộc kháng chiến trên vùng núi rừng Việt Bắc dăm bẩy lần. Muốn thế, tầm cỡ của nó phải hùng vĩ hơn để ánh hào quang của nó khiến thiên hạ mờ mắt, tiếng nổ của nó khiến thiên hạ choáng óc, đinh tai. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ đích thực là cuộc chiến tranh gây ấn tượng; một dân tộc nhược tiểu dám đứng lên đối mặt với ông khổng lồ trên tất thảy mọi chiều kích; sự thật ấy đồn thời khiến các dân tộc khác động lòng thương cảm lẫn khâm phục. Phong trào phản chiến những năm cuối thập niên 60 sang thập niên 70 lan rộng khắp địa cầu là bằng chứng hiển nhiên cho mối đồng cảm này. Dẫu rằng tham vọng sôi sùng sục như nồi súp-de, Lê Đức Thọ cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng ông ta không đủ tư thế thoán đoạt ngai vàng một cách trực tiếp từ tay ông Hồ chí Minh nên đã liên kết với Lê Duẩn. Lê Đức Thọ sáng tác câu: Ngọn đèn nghìn nến để gán cho Ba Duẩn, nghĩ rằng với sự khéo léo, xảo quyệt vốn có, ông ta sẽ đạt đến mục đích cuối cùng.
Lê Duẩn cao tay hơn, không tuyên bố, nhưng nghiễm nhiên nắm quyền, bởi ông ta là người được ông Hồ chí Minh yêu quý nhất, tin tưởng nhất. Trong thực tế, ông ta đã sử dụng Lê Đức Thọ chứ không để Lê Đức Thọ lợi dụng mình. Chính Lê Đức Thọ đứng ra tổ chức các cuộc vây ráp, bắt bớ, hãm hại, nhằm triệt tiêu vây cánh tướng Võ nguyên Giáp. Trong một thời gian cấp tập, tất thảy những sĩ quan làm việc dưới trướng Võ đại tướng cũng như được đào tạo tại Trường Kutuzov, Liên-xô đều bị lùa vào nhà tù Thanh Liệt. Ở trong đó, một số chết vì tra tấn, số khác mấy chục năm sau mới được thả ra. Lê Đức Thọ cũng là tác giả hiển nhiên những cái chết của các ông Dương Bạch Mai, Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn. Thế nhưng quyền Tổng bí thư vẫn không lọt vào tay ông ta. Lê Duẩn không cho phép “thứ huynh được quyền phạm thượng”. Ông ta sử dụng sự tín nhiệm của ông Hồ chí Minh như một thứ vũ khí tuỳ thân, trước hết để hạ bệ chính bậc lão huynh, sau đó để gạt bọn người có tiềm năng trở thành đối thủ trên chính trường: Võ nguyên Giáp và Trường Chinh là hai kẻ đáng kể nhất. Trong thâm tâm Lê Duẩn mưu tính dựng lên một Khải hoàn Môn lẫm liệt hơn Khải hoàn Môn của họ Hồ. Ông Hồ làm cuộc kháng chiến chống Pháp, Lê Duẩn làm cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nếu Mỹ hùng mạnh hơn Pháp ba mươi lần thì đương nhiên, danh tiếng họ Lê phải được nhân loại thán phục, tôn sùng gấp ba mươi lần danh tiếng họ Hồ. Một thứ lô-gic đơn giản, học sinh cấp 2 cũng tính ra. Xưa nay, quyền lực là thứ khát vọng dẫn đến sự giết người, cha giết con, con giết cha, mẹ giết con, bà giết cháu đã xảy ra trong nhiều triều đại cũ, đặc biệt là dưới các triều đại Trung Hoa. Việc mài gươm cắt cổ giữa “các đồng chí” cũng là điều dễ hiểu.
Đạo diễn
Hãy tạm coi tấn tuồng tranh quyền, đoạt lợi vừa kể trên là điều khó tránh. Gạt nó sang một bên. Chúng ta tiếp tục tìm xem tác giả sau chót của cuộc chiến tranh thống khổ này là ai.
Là ai? Kẻ đứng sau lưng cặp Lê Duẩn, Lê ĐứcThọ và trên ba trăm uỷ viên trung ương đảng vào ngày quyết định?
Là ai? Kẻ hưởng lợi trên thứ hư danh mà xương máu mười triệu người Việt Nam đổi lấy, là ai?
Là ai? Kẻ coi cuộc chiến này là một hí trường, trong đó xương rơi máu chảy được sánh như phong cảnh kỳ thú, diễm lệ, là ai?
Bởi vì, chỉ có kẻ ngồi nhìn cuộc chiến tranh này theo tư cách một khán giả đầy hào hứng, một cổ động viên đầy nhiệt thành, đó mới chính là tác giả cuối cùng và đích thực tạo nên cuộc chiến tranh Việt-Mỹ. Như thường lệ, tác gỉa chính thức của các cuộc chiến tranh bao giờ cũng đứng trong hậu trường.
Để xét một cuộc chiến, buộc phải nhìn về hai phía. Về phía Mỹ, đó là chủ trương sử dụng miền Nam Việt Nam như một tên lính đánh thuê để ngăn chặn làn sóng cộng sản. Về phía miền Bắc Việt Nam, những người cộng sản Hà Nội cao giọng tuyên bố rằng họ đang: “Thực thi một sứ mạng lịch sử”. Bởi vì họ “đang đứng trên đỉnh cao thời đại”. Và họ “là lương tâm nhân loại”, v.v.
Kể không hết những lời tự tán dương mà ông Tố Hữu là người xướng ngôn tiêu biểu.
Điều này thực hay giả? Bao nhiêu phần trăm có căn cứ và bao nhiêu phần trăm là mánh khoé tuyên truyền? Hệ thống tuyên truyền của cộng sản là sự sao chép trung thành hệ thống tuyên truyền của Hitler.
Với các điều kiện lịch sử cụ thể lúc ấy, Việt Nam không thể tiến hành cuộc chiến tranh Việt-Mỹ nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc và Liên xô. Trước hết là Trung quốc. Chớ quên rằng từ sau chiến dịch biên giới 1951, các cố vấn Trung Quốc đã tràn qua biên giới và sự lãnh đạo sao sát của họ đặc biệt hữu hiệu kể từ cuộc giảm tô 1953. Đọc lại hồi ký của một số cán bộ cộng sản là thấy rõ cảnh “Sĩ quan Việt Nam phải bưng nước nóng cho các đồng chí cố vấn ngâm chân và nghe giảng giải Cách thực hiện cuộc cải cách”. Cũng chớ quên rằng khởi đầu cuộc chiến tranh, Chỉ thị số Một được ban phát cho đảng cộng sản Việt Nam là:
“Đánh Mỹ đi, đừng sợ, Mỹ chỉ là con hổ giấy thôi. Các đồng chí Việt Nam có vinh dự làm cuộc chiến tranh này, các đồng chí là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa.”
Con hổ giấy. Nguồn: ONtheNet
Con hổ giấy. Nguồn:OntheNet
Lời lẽ đó khởi xướng từ Người cầm lái vĩ đại Mao trạch Đông.
Chỉ thị do Mao ban phát đã trở thành trụ cột tinh thần của đám cộng sản Hà Nội, niềm hứng khởi cách mạng và đem cho họ quyết tâm sắt đá thực hiện giấc mộng vàng: chiến sĩ tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa. Chính niềm hứng khởi này đã khiến hơn ba trăm uỷ viên đảng cộng sản Việt Nam nhất tề đứng về phe chủ chiến của hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Chính niềm cảm hứng này đã xui khiến họ đi đến những hành vi vô lại, thậm chí điên rồ. Hãy nhớ lại một cảnh đã xảy ra trong đại hội: Thứ trưởng bộ công an Lê Quốc Thân đã xấn xổ chỉ mặt thứ bộ trưởng bộ văn hoá Lê Liêm mà hét: “Nếu mày còn tiếp tục luận điệu của bọn xét lại, tao sẽ treo cổ mày lên.”
Chủ tịch họ Hồ, lúc đó phải can thiệp: “Nếu chú muốn treo cổ chú Liêm, hãy treo cổ tôi trước đã.”
Loại hành vi như thế mà diễn ra giữa các bậc lương đống triều đình, phải được coi như biểu hiện của một thứ cuồng tín tôn giáo, nếu không là thói quen của bọn đầu đường xó chợ.
Để kết luận hiện tượng này, phải công nhận rằng Mao trạch Đông là kẻ tài tình, một chính trị gia lỗi lạc. Nhẹ nhàng và khéo léo, ông ta đã dẫn dụ đám cộng sản Hà Nội vào con đường mà chính ông ta vạch ra. Họ Mao quả là bậc thầy kiệt xuất trong chính trường, là phù thuỷ lão luyện đối với lũ âm binh xứ Việt. Lúc đó, thứ nghĩa cộng sản nhập cảng với mớ danh từ hào nhoáng của nó khiến đám cầm quyền Việt Nam có mắt như mù, có tai như điếc. Họ không hiểu rằng ngôn từ vốn là con đĩ ngàn đời, rằng lưỡi người không xương và nó có thể uốn đi uốn lại như chiếc lá trong cơn gió. Bởi vì, nếu gạt mớ danh từ mà họ vừa bập bẹ ở đầu môi như: Đồng chí, Tình hữu nghị, Quốc tế vô sản, Bốn bể một nhà, v.v. Mao trạch Đông thực chất là một đại hoàng đế Trung hoa, kẻ thứ hai sau Tần thuỷ Hoàng có khả năng thống nhất Trung quốc. Dù Mao không mặc long bào mà mặc áo cài khuy kiểu Tôn Trung Sơn, tâm địa, lối suy nghĩ của ông ta vẫn tuân theo truyền thống ngàn năm của Đế vương phương bắc. Đối với các Đế vương phương bắc, Việt Nam muôn đời là mảnh thảm chùi chân, nơi tồn tại đám nô lệ rắn mặt, đám mọi bẩn thỉu ngu ngốc, một xứ sở man rợ mà họ đã đặt tên chính thức là Nước chó.
Xuất thân là nông dân Hồ Nam, Mao là một lãnh tụ điển hình của Trung Quốc, người thực thi không sai sót những mánh khoé lịch sử đã được sưu tập từ thời ông tổ họ Hán tên Lưu Bang. Không cần thêm một chút sáng tạo nào, chỉ cần sử dụng các bài học rút ra từ Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng là đủ tạo nên sự nghiệp lừng lẫy.
Hãy phân tích hai khẩu hiệu chính thức do Mao chủ tịch chí tôn dạy đám đàn em cộng sản Việt Nam: Chúng ta có sứ mạng cắm ngọn cờ hồng lên toàn trái đất! và Đánh Mỹ đi, đừng sợ, Mỹ chỉ là con hổ giấy thôi!
Thứ nhất, nếu quả thật, cầm cắm ngọn cờ hồng lên toàn cõi đất, tại sao Mao không trực tiếp điều binh khiển tướng chống lại Mỹ như ông ta đã từng làm trong cuộc chiến tranh “Chống Mỹ viện Triều”? Biên giới giữa hai nước Bắc và Nam Triều Tiên luôn luôn là một mặt trận dự phòng, sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào khi Bắc Kinh châm lửa. Bởi vì, dù tuyên bố hay không Bắc Triều Tiên cũng là một chư hầu vô cùng gần gũi, phụ thuộc hoàn toàn vào triều đình Trung hoa. Chiến tranh thu phục đất Liêu vốn đã xảy ra từ xửa từ xưa, đặc biệt dưới thời Đường Thánh Tông với viên tướng Tiết Nhân Quý được huyền thoại hoá và tiểu thuyết hoá. Đất Liêu không xa lạ đối với người Trung Hoa. Chiến xa lẫn chiến thuyền Trung Hoa đã quen các lối đi về và các chiến binh cũng vậy. Thêm nữa, Nam Triều Tiên cũng như Nhật Bản lại là hai nước đồng minh chắc chắn của Mỹ, hai nền dân chủ phương Tây được trồng cấy một cách hữu hiệu, không như chính quyền Ngô đình Diệm, vừa phong kiến hủ bại và phản động, vừa vô hiệu quả, một niềm thất vọng to lớn đối với Lầu năm góc lẫn Nhà Trắng. Với tất cả những lý do đó, nếu như Mao thực tâm muốn đốt cháy con hổ giấy Mỹ để cắm ngọn cờ hồng lên toàn hành tinh, ông ta phải kéo đại quân qua đất Liêu để dựng Khải hoàn Môn lần thứ hai, sau khi đã đánh lùi quân Mỹ dạt xuống tận vĩ tuyến 38.
Điều thứ hai, có thực tình Mao trạch Đông coi Mỹ là Con hổ giấy hay không? Hoặc giả, đó chỉ là lối đại ngôn quen dùng của các tướng Tầu mỗi khi ra trận: “Ta đây là Thanh Long tướng quân, là Bạch hổ tướng quân, ngươi không biết hay sao? Tên tiểu tốt kia mau xuống ngựa buông vũ khí ta sẽ cho toàn mạng, v.v.”
Lối đại ngôn này đã là món sở trường lẫn sở đoản của xứ Tầu. Nó chỉ là một thói quen xưng danh, một công thức diễn đạt, hoàn toàn vô nội dung.
Vì vậy, gọi Mỹ là con hổ giấy chỉ là một kiểu lộng ngôn, hoặc do thói quen, hoặc để bỡn cợt, hoặc để lừa mị.
Thực ra, họ Mao không đếm xỉa đến điều mình nói. Người châu Á vốn quen nói dối, coi nói dối như một phương tiện hữu hiệu để tránh né những tình cảnh khó chịu hoặc để tự bảo vệ bản thân, hoặc để dẫn dụ thiên hạ.
Không! Mao trạch Đông không ngớ ngẩn đến mức tin rằng Mỹ là con hổ giấy. Một kẻ đã từng thành công trong cuộc vạn lý trường chinh, dùng hai triệu quân mà đánh tan hơn tám triệu quân của Tưởng Giới Thạch, thâu tóm quyền lực trong toàn cõi Trung hoa; một kẻ quen chiến chinh, tính toán như thần, không thể suy nghĩ hồ đồ theo kiểu ấy. Cho dù thắng Mỹ trong cuộc chiến ở Triều Tiên, Mao không thể không biết rằng một người lính Mỹ ngã xuống phải đổi bằng cả chục mạng lính Tầu, không kể lính bản xứ (và sự thực này cũng lặp lại trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ). Nhưng ở những nước đắm chìm từ ngàn năm trong khói lửa, mạng người không đáng giá hơn mảnh lá chuối là bao. Mao trạch Đông, đế vương của các bậc đế vương phương bắc, kẻ đã gây ra những tổn thất tầy trời cho quốc gia; bỏ đói vài chục triệu dân một cách điềm nhiên như chơi ván cờ; xúi bẩy đám thiếu niên nổi loại để giết vài chục triệu người khác dễ dàng như thay áo lót; rồi khi đã lâm vào cùng đường lại bầy trò Vượt sông Trường giang, đổi bại thành thắng, biến nguy vi an như bỡn; kẻ đó không thể thực lòng coi Mỹ là con hổ giấy. Chỉ có đám cộng sản Hà Nội là thành thực tin vào những điều giả trá đó mà thôi. Theo đúng kiểu những thổ dân da đỏ châu Mỹ trước kia, vì ngu muội mà đổi vàng thật, ngọc thật lấy đám vòng chuỗi bằng nhựa xanh đỏ của đám lái buôn thực dân phương Tây, đảng cộng sản Việt Nam đổi máu dân để lấy thứ hư danh, “Vinh quang thắng Mỹ” thứ hư danh đó được coi như món tiền đặt cược trên chiếu bạc để cường quốc Trung Hoa chơi với cường quốc Mỹ và vênh mặt với phương Tây.
Điều đáng kể hơn nữa là đám cầm quyền Hà Nội, trong cơn mải mê truy tìm vinh quang và danh vọng, đã đánh mất khái niệm cỗi rễ về quan hệ quốc gia. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, mối liên quan giữa các nhà nước chỉ đơn thuần vì quyền lợi. Không ai vì ai hết. Tất thảy đều đặt trên con tính lợi quyền. Mọi chính sách đều dựa trên chiến lược và chiến thuật. Chiến lược và chiến thuật đổi thay theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhưng nguyên tắc cốt lõi về lợi quyền là hằng số. Chỉ có đám đầu chuột hoặc óc chim sẻ mới tin vào thứ “Tình cho không, biếu không”.
Vì đắm chìm trong vọng Tưởng, đám cộng sản cầm quyền Hà Nội đã nhẩy bổ vào cuộc chiến tranh mà không so đo, tính đếm. Họ hoàn toàn bị chi phối vì giấc mộng đế quốc phương nam, vì cái bóng sừng sững của một Khải Hoàn Môn dựng nên trong trí tưởng. Họ quên chính họ là ai và người đàn anh cộng sản vĩ đại của họ, Mao là ai?
Trong thực tế, đại hoàng đế họ Mao đã sử dụng lại một mưu kế có từ xa xưa. Mưu kế này nảy sinh và hữu dụng từ thời Tô Tần, Trương nghi còn tung hoành giữa đám Đông Chu liệt quốc: Toạ sơn quan hổ đấu.
Diễn nghĩa nôm na như sau: Ta lùa cho hai con hổ cắn nhau dưới chân núi, ta ngồi trên đỉnh núi ngắm nhìn. Đó quả là quang cảnh kỳ thú làm no nê con mắt.
Toạ sơn quan hổ đấu! Ô hô! toàn bộ cuộc xáo động lịch sử thảm khốc của dân tộc Việt sau rốt chỉ là trò vui diễn ra cho bậc đế vương phương Bắc ngắm nhìn.
Ô hô! Toạ sơn quan hổ đấu!
Sau khi đạo diễn vở tuồng, Mao lại đóng vai khán giả nhiệt tình, thưởng thức và cổ vũ. Chắc chắn, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là trò chơi đáng kể giữa đám trò chơi mà ông lãnh tụ gốc gác tỉnh Hồ Nam đã thực thi trong cuộc đời mình. Thúc đẩy, xui khiến đám chư hầu xứ Việt đánh Mỹ là ván cờ tuyệt vời, chỉ có thắng không có bại.
Lý do:
1/ Nếu nó thua, lúc đó ta sẽ thương lượng với Mỹ rồi kéo quân sang thu phục đất Việt như lượm mảnh giẻ chùi chân, hoàn tất cái trò chơi cù nhầy mà bấy lâu nay chưa ngã ngũ. Mỹ chưa thể quên mùi vị của cuộc chiến trên đất Liêu, chỉ cần nhượng cho bọn quỷ lông lá này một số quyền lợi vừa đủ lòng tham của chúng là mọi sự ắt xảy ra như ý muốn.
2/ Nếu thắng, nó cũng sẽ lâm vào thế sức tàn lực kiệt, một kiểu phế nhân. Vả chăng, nó sẽ phải mang món nợ viện trợ như mang gông trên cổ, lúc ấy ta sai khiến gì nó cũng phải làm. Và chiến thắng đó cũng giống như món tiền lớn để ta chơi canh bạc với Mỹ.
Richard Nixon - Mao Zedong. Nguồn: OntheNet
Richard Nixon – Mao Zedong. Nguồn: OntheNet
Mặt nào, cuộc chiến tranh này cũng có lợi cho ta.
Thực tế
Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay ngót bốn mươi năm đã trôi qua .
Thực tế đã diễn ra không sai một ly những điều ông vua họ Mao suy tính.
Đám cộng sản Hà Nội lâu nay ngửa cổ cất tiếng cười vì đinh ninh rằng mình đại thắng. Họ cười vì họ chưa tự biết họ là ai đấy thôi. Sự ngu muội bao giờ cũng có khuôn mặt hể hả viên mãn và cặp mắt ti hí vì bị mỡ lấp đầy. Xét về thực chất, họ chỉ là lũ trẻ bị họ Mao sui ăn cứt gà sáp. Họ đã ăn cứt gà sáp một cách hăm hở, một cách sung sướng, với niềm tin chắc chắn đó là thứ thực phẩm thượng thặng trên cõi đời. Cặp bài trùng Lê Duẩn-Lê Đức Thọ đã thắng ông già họ Hồ trong cuộc tranh quyền đoạt tước, đã dẫn dắt cả dân tộc đi vào cuộc chiến tranh mà họ ngỡ rằng thiêng liêng cao cả, nhưng sau rốt, đó chỉ là một cuộc tàn diệt chính dân tộc mình. Họ múa may quay cuồng trong ngày chiến thắng, họ kiêu mạn vì nghĩ mình toả sáng, họ tự ngợi ca như một con thú mải mê liếm không chán bộ lông của chính mình. Vào chính lúc ấy, hoàng đế Mao ngồi ở phương bắc mỉm cười, nheo mắt nhìn đám tốt đen, tốt đỏ phương nam. Sự Mỉa mai của số phận là ở đấy. Nỗi Ô nhục cũng chính từ đó mà nảy sinh.
Bốn mươi năm qua.
Thời gian trôi nhưng thời gian không là nước sông để có thể rửa sạch nỗi ô nhục vì nỗi ô nhục không phải viên đá cũng chẳng phải bức tường. Nỗi ô nhục này sẽ vĩnh định trong lịch sử Việt Nam và các công dân có lương tri không được quyền quên lãng. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có kịp nhận ra bản mặt của chính họ trước khi chết hay không? Liệu họ có đủ trí khôn và lòng can đảm để hiểu rằng mọi tham vọng to lớn khởi dậy trong lòng họ thực chất chỉ là một tấn tuồng con nằm trong tấn tuồng lớn; cuộc đời họ cũng chỉ là sân khấu con nằm trong sân khấu lớn mà kẻ điều hành tối thượng nằm ở bắc phương.
Tôi không chắc rằng hai con người này đủ lương tri để sám hối. Nhưng điều tôi biết chắc chắn là Khải Hoàn Môn mà họ cố công xây cất bằng mọi giá sẽ trở thành tấm bia ngàn đời ghi lại sự sỉ nhục vô tiền khoáng hậu này. Đúng như lời Lão tử đã nói: “Kẻ nào muốn đứng thật cao thì rơi xuống thấp, kẻ nào muốn Làm ra thật Lớn thì sẽ Biến thành Nhỏ mọn.”
Điều đó phải diễn ra hiển nhiên theo luật thừa trừ của đạo trời.
Bây giờ, chắc chắn trong đám cộng sản cầm quyền, không nhiều thì ít cũng có kẻ nhận ra Con Rắn chỉ là Sợi Thừng, rằng bấy nay họ sống trong lầm tưởng. Nhưng sự thức tỉnh này không khiến họ mở được mắt ra mà trái lại, làm họ run rẩy kinh hoàng: lương tâm họ không đủ sức đối đầu với hiện thực. Vì công nhận sự thực đồng nghĩa với thú nhận đã nhầm lẫn. Một sự nhầm lẫn khủng khiếp đến như không chỉ đưa đến các mất mát to lớn trong quá khứ mà sẽ không thể tránh được Sự sụp đổ không thể cưỡng lại trong tương lai.
Thật là,
“Trót rằng tay đã nhúng chàm
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?”
Vì lẽ đó, họ tiếp tục lặng câm, tiếp tục ôm chân triều đình Trung Quốc, chấp nhận đóng vai Thái thú Tô Định địa phương, tiếp tục trò chơi nhục nhã mà họ đã trót dấn thân vào. Đám cộng sản cầm quyền lúc này, trí não không còn ánh sáng, trái tim đóng băng, phần duy nhất còn hoạt động là cái dạ dày của loài sói đói mà thôi.
Đắng cay
Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn không quên nổi những người đã chết.
Họ đã chết giữa tuổi thanh xuân, chết đi mà không hiểu rằng mình bị lừa phỉnh. Cái chết của họ nằm trong cuộc tự huỷ diệt to lớn mà dân tộc phải gánh chịu như một thứ hình phạt khốc liệt và thảm thương của lịch sử. Đó là số phận cay đắng chung cho một cộng đồng. Một khi những kẻ cầm đầu quốc gia chỉ có bộ óc của loài chim loài chuột ắt dân đen dưới quyền họ phải bị chết thui trong đám lửa cháy nhà. Nỗi bất hạnh này không thể quy lỗi riêng cho những kẻ cầm quyền, nó có phần trách nhiệm hiển nhiên của dân chúng. Sự hèn nhát và cam chịu của họ cho phép đám chuột đưa dẫn họ xuống vực thẳm của sự huỷ diệt. Sự hèn nhát và cam chịu đó cho phép chúng tiếp tục tồn tại, và điều này hứa hẹn một cách chắc chắn những cuộc huỷ diệt khác, có thể còn bội phần tàn khốc trong tương lai.
Ngày 8 tháng 6 năm 2013.
© 2013 DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét