Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Jane Fonda và cuộc Chiến tranh Việt Nam

Cô Gái Đồ Long giới thiệu

Mới được đọc một bài khá hay về Jane Jonda, thần tượng một thời của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong cuốn hồi ký xuất bản 2005, nữ diễn viên nay đã ở tuổi 76, đã thừa nhận sai lầm khi tới Hà Nội. Vừa mới đây, trong những lần xuất hiện, bà cũng liên tục nhắc lại việc này.
Tui bỗng nhớ lại một chuyện khá hài hước, như vầy:
Hồi nẳm, sau khi chị Jane đến Hà Nội và được suy tôn như một tấm gương sáng của phong trào phản chiến; lúc trở về nghe đâu bị police Mỹ bắt. Thực hư thế nào không rõ, nhưng ở VN Nhà thơ Minh Huệ đã rất cảm động và làm thơ, tui đọc lâu rồi, chỉ nhớ đại khái một đoạn thế này: "Chúng nó bắt chị/Chúng nó đánh đập chị/Chúng cởi cả đồ chị ra/Nhưng chúng chẳng thấy gì/Chỉ thấy một trái tim/Mang hình bóng Việt Nam..."
Nhắc tới nhà thơ Minh Huệ, chắc chẳng ai quên. Ông chính là tác giả bài "Đêm nay Bác không ngủ" (1951) và 3 lần được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với 3 tập thơ, trong đó có tập "Đêm nay Bác không ngủ". Minh Huệ từng làm trưởng ty Văn Hóa Nghệ An, và là Ủy viên Ủy ban TW Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Một người ưa làm thơ bốc thơm như Minh Huệ, thì tụng ca Jane Fonda cũng không có gì lạ; nhưng có lẽ không ít người đã cảm thấy phấn khích. Sau đó, trên tờ đặc san của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An, quê hương Minh Huệ, có đăng mấy câu thơ của một tác giả khuyết danh:
"Người ta thấy bướm, thấy chim.
Còn anh Minh Huệ thấy tim trong... quần".
o0o


Trích bài trên blog Nguyễn Ngọc Chính về Jane Fonda:


Jane Fonda và cuộc Chiến tranh Việt Nam

... Phát biểu trong chương trình truyền hình của Ophrah Winfrey, Jane Fonda tuyên bố: “Tôi phạm một sai lầm không thể nào tha thứ khi đến Bắc Việt và tôi sẽ mang theo lỗi lầm đó đi xuống mồ". Jane Fonda nói rằng, khi đó bà nhận biết ngay tức khắc là đã phạm sai lầm và sau này bà đã nhiều lần xin lỗi trước công chúng.
Theo lời Jane Fonda kể lại, những tấm hình được chụp vào ngày cuối cùng tại Hà Nội. Bà cho biết khi đó đã thấm mệt và thật lòng không muốn đến thăm một địa điểm đặt súng phòng không của Bắc Việt dùng để bắn máy bay Mỹ. Bà nói:
"Hình ảnh Jane Fonda, Barbarella, con gái của Henry Fonda, ngồi trên súng cao xạ của đối phương là một sự phản bội. Hành động này là sự thiếu suy xét nhất mà tôi có thể tưởng tượng… Tôi không biết là có bị người ta dàn cảnh hay không nhưng khi đó tôi đã trưởng thành. Tôi nhận lãnh mọi trách nhiệm về những hành động của mình.”
Tuy vậy, Fomda không hối tiếc khi đã thăm Hà Nội cũng như chụp hình chung với các tù binh Mỹ tại đó, "Có hàng trăm đoàn Mỹ đã gặp các tù binh chiến tranh [POW]. Cả hai phía đều dùng vấn đề POW làm tuyên truyền. Đây không phải là điều mà tôi phải xin lỗi."
Khi trả lời phỏng vấn của Lesley Stahl trong “Chương trình 60 phút” của kênh truyền hình CBS, Jane cũng đã nói: “Tôi sẽ ân hận về điều này cho đến tận ngày xuống mồ… Đó là một hành động thiếu suy nghĩ nhất mà tôi có thể tưởng tượng. Tôi không quay lưng lại với xứ sở này. Tôi hết sức quan tâm đến những người lính Mỹ”.
Barbara Walters, phóng viên truyền hình ABC, không nghĩ Jane Fonda “hết sức quan tâm đến những người lính Mỹ”. Bà viết trong một email gửi đi khắp nước Mỹ từ năm 1999 về trường hợp của Đại tá Larry Carrigan với 6 năm tù ở “Hilton Hà Nội”, trong đó ba năm đầu gia đình chỉ biết ông bị “mất tích trong công vụ” (Missing in action – MIA).
Theo lời Barbara kể, nhóm của Đại tá Larry Carrigan được gặp “ủy ban hòa bình” nên họ có thì giờ để nghĩ ra một kế hoạch cho thế giới biết họ vẫn còn sống. Từng người giấu kín một mẩu giấy trong lòng bàn tay có ghi Số An sinh Xã hội (Social Security number) của mình trong đó.
Khi diễu qua trước Jane Fonda và một người quay phim, cô bắt tay từng người và hỏi những câu như: “Ông có hối tiếc chuyện ném bom trẻ nít không?” hoặc “Ông có nhớ ơn cách đối xử nhân đạo nhận được từ những người nhân từ bắt giữ ông không?”.
Barbara viết: “Tin rằng đó chỉ là những lời đóng kịch của Jane Fonda, tù binh Mỹ đưa vào lòng bàn tay cô mẩu giấy của họ. Cô ta nhận hết chẳng bỏ sót ai.... Đến cuối hàng và một khi máy ngưng quay, trước cú sốc không tin được của các tù binh, cô quay sang viên sĩ quan chỉ huy và đưa cho hắn tất cả các mẩu giấy.... Ba người chết vì bị đánh đập bởi lý do đó. Đại tá Carrigan suýt là người thứ tư nhưng ông đã sống sót, đó là nguyên do duy nhất chúng ta biết đến hành động của cô ta vào ngày đó”.
Về chi tiết này, Mike McGrath, cựu phi công và cũng là một cựu tù chiến tranh của Hà Nội lên tiếng “thanh minh” cho Jane Fonda trên tờ Star Tribune, ngày 25/5/2005, rằng không hề có việc bị đánh đến chết sau cuộc thăm viếng của Jane Fonda.
Mike McGrath, sau này là sử gia của nhóm Cựu quân nhân Tù binh tại Việt Nam (NAM-POWs) nói: “Carrigan đã 64 tuổi và ông đã lập lại không biết bao nhiêu lần không hề có những vụ đánh đập đến chết sau khi gặp Jane Fonda. Ông ấy nói là sẽ không bao giờ tiếp xúc với giới truyền thông nữa”.
Không bênh vực cho Jane Fonda nhưng nhiều người cho rằng chi tiết về 3 tù binh bị đánh đập đến chết của Barbara Walters có phần nào “thêu dệt”, vì Hà Nội không “dại” gì làm như vậy. Họ sợ dư luận quốc tế, có chăng chỉ là những hình thức kỷ luật đối với tù binh như ta thuờng thấy trong các trại cải tạo.
Ngày cuối cùng tại Hà Nội, Jane Fonda tuyên bố trên đài Tiếng nói Việt Nam, với những lời khởi đầu: “Đây là Jane Fonda. Trong suốt hai tuần lễ của cuộc viếng thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi đã có dịp đến nhiều nơi, nói chuyện với nhiều người thuộc đủ các ngành nghề - công nhân, nông dân, học sinh, nghệ sĩ và vũ công, nhà sử học, nhà báo, diễn viên điện ảnh, bộ đội, nữ dân quân, hội phụ nữ, nhà văn…”
Jane Fonda kể lại đã đến thăm hợp tác xã, nhà máy dệt và trường mẫu giáo. Thăm Văn Miếu để xem các điệu múa dân tộc và nghe nhạc kháng chiến. Thưởng thức một màn múa ballet về hoạt cảnh quân du kích miền Nam huấn luyện ong để tấn công kẻ địch, những con ong do chính các vũ công trình diễn.
Cũng tại Văn Miếu, Jane Fonda được xem nam nữ diễn viên trình diễn Hồi 2 vở kịch All My Son của Arthur Miller. Jane Fonda bày tỏ “sự xúc động sâu sắc khi các diễn viên người Việt trình diễn kịch Mỹ tại đây, trong khi tư bản Mỹ thả bom đất nước của họ”.
Jane Fonda nói sẽ không bao giờ quên những cô dân quân tự vệ trên nóc nhà máy cất tiếng hát ca tụng bầu trời xanh. Họ rất yểu điệu, thơ mộng nhưng cũng rất dũng cảm khi máy bay Mỹ tập kích thành phố. Jane Fonda nhớ mãi lần từ Nam Định về Hà Nội đã phải xuống hầm tránh bom cùng một bé gái khi máy bay Mỹ “tấn công các mục tiêu dân sự” như trường học, bệnh viện, chùa chiền, nhà máy, nhà cửa và hệ thống đê điều.
Cô nói trên đài phát thanh Hà Nội: “Nixon tuyên bố với người dân Mỹ là ông ấy đang đi đến kết thúc cuộc chiến nhưng những đổ nát trên đường phố Nam Định là tiếng vọng của một tên sát nhân nhan hiểm… Chiến tranh dù xảy ra tại Việt Nam nhưng thảm kịch chính là ở nước Mỹ. Khi chưa đến miền Bắc tôi còn hồ nghi, nhưng một khi đã đến Hà Nội tôi mới hiểu rằng Nixon sẽ không bao giờ hủy hoại nổi tinh thần của người dân tại đây, Nixon sẽ không bao giờ có thể biến Việt Nam, cả miền Bắc lẫn miền Nam, thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ bằng cách oanh kích, bằng cách xâm lăng và bằng nhiều hình thức tấn công đa dạng…”
Jane Fonda nói chỉ cần ra vùng quê và nghe những người nông dân kể lại cuộc sống của họ trước cách mạng mới hiểu từng trái bom trút xuống đầu họ chỉ làm gia tăng quyết tâm kháng cự: “Tôi đã nói chuyện với rất nhiều nông dân, họ kể lại ngày xưa bố mẹ họ đã phải bán con làm nô lệ cho địa chủ… trường học thì rất ít, mù chữ thì nhiều, không có đủ chăm sóc y tế vì họ không làm chủ cuộc sống của mình…Giờ đây dù bom đạn, dù tội ác của Nixon, họ vẫn làm chủ đất đai, xây dựng trường học và con cái họ được học hành, nạn mù chữ đã bị xóa bỏ, không còn nạn mãi dâm như thời thuộc địa. Nói một cách khác, người dân nắm quyền trong tay và họ tự kiểm soát đời sống của mình”.
Nghe lời phát biểu ở đoạn cuối của Jane Fonda trên đài phát thanh Hà Nội người ta có cảm tưởng như một bài tuyên truyền được gợi ý hoặc soạn thảo bởi bộ máy nhà nước. Nguyên văn như sau:
“Qua 4.000 năm đấu tranh với thiên nhiên và những kẻ xâm lược nước ngoài, 25 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi không nghĩ người dân Việt Nam sẽ đi đến nhượng bộ dưới bất kỳ hình thức nào về tự do và độc lập. Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thi ca và đặc biệt hơn nữa là thơ của Hồ Chí Minh”.
- Ông Minh Huệ đã chết hồi 2003, trước khi được nghe Jane Fonda thừa nhận sai lầm. Âu cũng là cái may!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét