TS. Đinh Xuân Quân
Tại kỳ họp Shangri-La TT Nguyễn Tấn Dũng (NTD) nhìn nhận rằng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Sau đó ta thấy Việt Nam tiếp tục bắt giữ những người vận động cho dân chủ, nhân quyền.
Nay ông Trương Tấn Sang (TTS) viếng thăm Trung Quốc và Indonesia trong khi ông Nguyễn Phú Trọng (NPT) thăm viếng Thái Lan, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội, tướng Tỵ, thăm Hoa Kỳ.
Rõ ràng VN đang đánh đu về đối ngoại - xây dựng nhiều “đối tác chiến lược” qua các chuyến viếng thăm. Chuyến thăm TQ có thể là một “tụt hậu“ so với Shangri La? Sau vụ họp ASEAN tại Brunei và vụ họp của 26 Ngoại trưởng (ARF) Châu Á – Thái Bình Dương và Liên Hiệp Châu Âu thì hậu quả của chính sách “Hợp tác chiến lược“ và “đánh đu“ của VN sẽ ra sao?
Diễn đàn quốc phòng Shangri La
Tại Singapore khi TT Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận rằng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành độngtrái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” thì ta có thể coi như VN có một chính sách đối ngoại mới đối với TQ (1) và ông NTD nói đến việc “Cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta.”
Phía TQ vẫn cho là Biển Đông thuộc về chủ quyền của họ qua lời phát biểu của Tướng Thích Kiến Quốc: “Các tàu chiến TQ sẽ tiếp tục tuần tra tại các vùng biển mà TQ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ (2) và các cuộc tuần tra như thế là ‘hợp pháp’ và rằng chủ quyền của nước ông đối với những vùng biển này là ‘không thể tranh cãi’.
Bộ Trưởng QP Hagel (3) của Mỹ trình bày chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama đối với khu vực và “chủ yếu là một chiến lược kinh tế và văn hóa, ngoại giao" và ông khôn khéo trấn an các nước Á châu, nhất là các đồng minh của họ.
Chuyến viếng thăm Ngũ Giác Đài
Từ 17 đến 22/06/2013 một phái đoàn quân sự cao cấp Việt Nam do thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, thứ trưởng bộ quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng đã thăm chính thức Hoa Kỳ. (4). Theo ông chuyến đi này "là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng lên một bước mới....giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Phái đoàn quân sự VN gồm có các tướng lĩnh như trung tướng Phương Minh Hòa, tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, trung tướng Phạm Ngọc Hùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng, chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, thiếu tướng Phạm Hữu Mạnh, chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu và thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, cục trưởng Cục Đối ngoại.
Họ đã thăm Bộ quốc phòng Hoa Kỳ (Ngũ Giác đài), Đại học Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hạm đội 3, Cảnh sát biển thành phố San Diego, Đơn vị tìm kiếm cứu nạn, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, Căn cứ liên quân Lewis-McChord.
Ngoài việc triển khai quan hệ quốc phòng, TT Đỗ Bá Tỵ đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh (rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh, tìm kiếm các quân nhân còn mất tin, mất tích trong chiến tranh và tẩy rửa chất độc dioxine v.v...) và VN sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Tướng Dempsey đồng ý với ý kiến phía VN và việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và đề nghị các bên tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đồng thời cũng mong muốn ASEAN và TQ sớm xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (Code of Conduct-COC). Phái đoàn có thăm TNS John Mc Cain, tại Quốc hội (xem hình).
Phái đoàn thăm viếng Thượng viện Mỹ
Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố không liên minh quân sự với nước nào. Hiện nay hai bên chỉ có thể cùng tham gia huấn luyện gìn giữ hòa bình và quân y.
Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Trương Tấn Sang
Ngày 19/06/13 chủ tịch Trương Tấn Sang của VN thăm chính thức TQ và được đón tiếp linh đình tại Bắc Kinh, thể hiện chủ trương Đối Thoại Song Phương Trung-Việt (trong khi ASEAN và Hoa kỳ luôn luôn chủ trương Đối Thoại Đa Phương.)
Hai bên đã ký kết 10 văn kiện hợp tác song phương. Đáng chú ý như: “Hai nước mở rộng, kéo dài đến năm 2016 về việc hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi vịnh Bắc Việt”. Các văn kiện hợp tác, gồm có:
Chương trình hành động giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Thoả thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng.
Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
Hiệp định khung giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi (cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt) trị giá 320 triệu Nhân dân tệ.
Bản Ghi nhớ giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hoá tại hai nước.
Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu.
Kế hoạch hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2013-2017.
Hiệp định vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án Nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla Mỹ.
Thoả thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thoả thuận thăm dò chung trong khu vực thoả thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ.
Đáng chú nhất là mở rộng diện tích thỏa thuận trên Vịnh Bắc Bộ về thăm dò tìm kiếm các mỏ dầu khí. Theo báo chí VN thì thỏa thuận nhằm mở rộng khu vực xác định từ 1,541km2 lên thành 4,076km2, bao gồm hai phần tương đương nhau từ mỗi bên; và tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận thăm dò chung đến hết năm 2016. Theo ông Đỗ Văn Hậu TGĐ Tập đoàn Petro Việt Nam thì thỏa thuận này không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ, vì chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí và đây là sự hợp tác giữa hai Tổng công ty Dầu khí của hai quốc gia Việt-Trung.
Hai bên còn ký: “Chương trình hành động giữa hai chính phủ về triển khai quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện”. Từ trước tới giờ hai bên chỉ làm việc “bí mật” qua đảng hai đảng CS nhưng đây là lần đầu tiên có sự ký kết công khai hợp tác chiến lược toàn diện song phương giữa hai chính phủ.
Trong tuyên bố hai bên kết thúc bằng lời cam kết: “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt – Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông”.
Chuyến viếng thăm Indonesia của Trương Tấn Sang
Nhân chuyến viếng thăm hai ngày 27-28/6 tại Indonesia (5) ông TTS khẳng định chính sách của VN coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Indonesia, đối tác truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong ASEAN" và việc này cho thấy VN đang theo đuổi chiến lược tăng cường "lòng tin chiến lược" thông qua thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia.
Indonesia và Việt Nam đã ký trên 30 hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực kể cả việc tăng cường hợp tác công nghệ quốc phòng với Indonesia.
Chuyến viếng thăm Thái Lan của ông Nguyễn Phú Trọng
Thái Lan trở thành đối tác chiến lược mới nhất của Việt Nam
Chuyến viếng thăm Thái Lan của TBT Nguyễn Phú Trọng đã giúp hai bên thiết lập quan hệ chiến lược Việt Nam-Thái Lan với 5 nội dung chính (6) gồm: quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế.
Hai bên cam kết xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể và đẩy mạnh hợp tác kinh tế lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề của khối ASEAN và an ninh khu vực, đặc biệt về an ninh và xử lý tranh chấp trên Biển Đông, “…. giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC).” Thái Lan trở thành một trong các đối tác chiến lược mới nhất của Việt Nam.
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 02/07/2013 tại Bandar Seri Begawan, Brunei, có 26 Ngoại trưởng Châu Á – Thái Bình Dương và Liên Hiệp Châu Âu. Hai hồ sơ chính của diễn đàn là Biển Đông và Triều Tiên. Tại cuộc họp ASEAN trước một ngày, Philippines đã tố TQ tăng cường lực lượng quân sự tại BĐ là một mối đe dọa đến hòa bình.
NT Philippines Albert Del Rosario cho biết là tại Diễn đàn khu vực ASEAN toàn bộ các Ngoại trưởng đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của đàm phán tránh để xảy ra xung đột trên Biển Đông.
Phân tích - Các khó khăn trong chính sách đánh đu
Tại diễn đàn quốc phòng Shangri La - Singapore 30/5/2013 phía VN lần đầu tiên công kích TQ “cường quyền” vào lúc phía Mỹ trấn an các đồng minh, trong khi TQ cho là họ có quyền tại BĐ.
Ngày 27/6 ông Vương Nghị, Ngoại trưởng TQ nhân dịp Diễn đàn thế giới tổ chức tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (7) tuyên bố “một số quốc gia đã đưa tàu chiến và xây dựng bất hợp pháp trên các bãi cạn trong chủ quyền lãnh thổ của TQ và đưa các tranh chấp song phương ra hội đồng trọng tài của Liên Hiệp Quốc, làm phức tạp thêm tình hình."
1) Về chuyến viếng thăm TQ (19/6/2013) vấn đề tranh chấp BĐ là then chốt nhưng VN không nói gì đến việc “quốc tế hóa“ như TT NTD tại Shangri La mà ngược lại thu hẹp vấn đề trong phạm vi hai nước “nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ NG hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.”
Ông TT Sang được coi là người chống chính sách bá quyền của TQ và mới đây có thăm đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích ngư dân “yên tâm bám biển, đoàn kết tương trợ nhau để tránh thiên tai, địch hoạ.”
Trong chuyến viếng thăm TQ của TTS, một giả thuyết cho là TQ muốn chia rẽ lãnh đạo VN, muốn ngăn chặn NTD chuyển hướng đối ngoại sang phía Mỹ. Dù không ưa TQ, TT Sang vẫn cần phải dựa vào TQ để bảo vệ Đảng và giảm căng thẳng. Kết quả là nội dung tuyên bố Việt-Trung vẫn theo khẩu hiệu “16 chữ vàng và 4 tốt,“ nhu nhược trước TQ để tranh thủ thời gian, để sống còn.
Nhưng bản tuyên bố chung này (8) cũng cho thấy là ĐCSVN vẫn tiếp tục cho phép TQ tham gia vào sinh hoạt chính trị và kinh tế của VN trong khi không có chuyện ngược lại.
Một giả thuyết khác là các ông TTS, NTD, và NPT chia vai trò, mỗi người làm việc trong quy trình chuyển hướng đối ngoại sang phía Mỹ. Giả thuyết này cho là “dù muốn giữ đảng“ nhưng các lãnh đạo CSVN cũng chưa hẳn là hoàn toàn tuân phục TQ.
Về “quan hệ đối tác chiến lược (QHĐTCL),“các chuyên gia quốc tế cảm thấy là VN có phần "lạm phát về QHĐTCL." Trong thập niên 80 và 90, Thái Lan từng đi cầu cứu TQ khi bị VN đe dọa (quân VN chiếm Campuchia và tiến sát biên giới Thái). Mặc dù Thái Lan có hiệp ước với Mỹ nhưng ai cũng nói là Thái Lan luôn luôn có chính sách đánh đu – thời cơ chủ nghĩa đổi cờ khi cần cho nên khó tin. Indonesia thì có phần khác vì có quá khứ “diệt CS thân TQ“ vào thập niên 80, và nay có vùng biển bị ảnh hưởng vì chiêu bài “lưỡi bò.“ Tiếng nói của Indonesia có trọng lượng nhưng người Java/Indonesia thì tính khí có phần ôn hòa.
Theo người viết bài này thì đây là một cố gắng trong chính sách “đánh đu/QHĐTCL“ của VN, muốn làm thân các nước ASEAN để củng cố một khối ASEAN trước nguy cơ TQ. VN đang làm nhưng không giám nói ra như lời tuyên bố của BT quốc phòng Philippines V. Gazmin: “Lúc này, chúng ta không thể đơn độc được. Chúng ta phải có đồng minh. Nếu không chúng ta sẽ là nạn nhân bởi những hăm dọa của nước lớn. Đó chính là điều đang diễn ra hiện nay khi Trung Quốc đang ngồi trên lãnh thổ của chúng ta“. Ông đặt câu hỏi: «Vậy chúng ta phải làm gì? Ngồi chờ cho đến khi họ vào đến tận gara nhà mình sao?». Tại Brunei, từ ngày 27/06 đến 02/07/2013, khối ASEAN (9) sẽ tiến hành nhiều cuộc họp ở cấp bộ trưởng như Hội nghị các Ngoại trưởng (AMM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh các Ngoại trưởng Đông Á lần thứ 3 (EAS FMM). Sau đó ta sẽ có thể thấy được hậu quả của “Hợp tác chiến lược“ sẽ ra sao? Dù sao đi nữa, trên bàn cờ Trung - Mỹ thì VN đang tìm một lối ra qua việc “đánh đu“ giữa Mỹ và TQ và cố gắng “liên hoàn“ với ASEAN. Tại cuộc họp tại Brunei, khác hẳn với cuộc họp tại Campuchia, các nước ASEAN đã đồng ý thúc TQ đàm phán về quy tắc ứng sử (COC) cho BĐ, quốc tế hóa vấn đề BĐ và đây cũng là thắng lợi phần nào của VN và Philippines với sự hỗ trợ ngầm của Mỹ, Nhật, Anh, và Âu châu, vv. Việc này cũng cho thấy là có sự phân chia trách nhiệm giữa TT Sang, NTD và NPT.
2) Về chuyến viếng thăm Hoa kỳ của quân đội VN thì cần biết: trước khi thăm Hoa kỳ, tướng Đỗ Bá Tỵ đã đi thăm TQ vào tháng 4/2016. Tại đây tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông... Quan hệ hữu nghị Việt-Trung có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai nước, cũng như đối với hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực..." Sau tướng Đỗ Bá Tỵ, theo truyền thông VN thì ngày 26/6, Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng sẽ đến thăm Hoa Kỳ. Nên nhớ là tướng Nguyễn chí Vịnh vừa mới có mặt ở Bắc Kinh hôm 6/6, cầm đầu phái đoàn CSVN dự cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ tư.
Việc này cho thấy có “bắt đầu đối thoại” giữa VN và Hoa Kỳ ở bình diện quân sự. VN dần dần đi nói chuyện với Mỹ. Các hoạt động ngoại giao và quốc phòng dồn dập trong tháng 6/2013 cho thấy VN tiếp tục chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” với các đối tác chiến lược, cố gắng thoát khỏi 16 chữ vàng và 4 tốt.
Chính sách “đánh đu” kiểu VN cho thấy nhiều nghịch lý. Tại Shangri La thì NTD muốn quốc tế hóa BĐ dựa trên luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, v.v. thì ngay sau đó, trong Thông cáo Trung-Việt thì TTSang không nhắc tới bộ luật về ứng xử COC và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982. Hơn nữa bản tuyên ngôn chung cho TQ nhiều lợi thế và chính sách “Bắt cá hai tay” khiến không ai hiểu VN muốn gì. Có thể hậu quả của trò bắt cá hai tay này là sẽ không có ai tới giúp Việt Nam khi nước này bị TQ đánh.
Trong ngắn hạn khó mà nước nào có thể giúp được VN vì chính sách đánh đu (ít nhất nếu dựa vào bên ngoài). Nhưng ai cũng biết “CSVN nói một đằng làm một nẻo” cho nên có thể hiểu VN cần bớt căng thẳng với TQ để mua thời gian hầu “đa dạng hóa” quan hệ quốc tế, tiến dần về Hoa Kỳ để dùng làm đối trọng với TQ.
Tại cuộc họp ASEAN tại Bandar Seri Begawan, Brunei, Philippines thẳng tay chỉ trích TQ là mối đe doại tại BĐ. Vào ngày 30/06/2013 TQ đã hứa sẽ bàn về Quy tắc ứng sử (COC) và đây là bước đầu tiên từ khi ký DOC từ 2002, một văn bản mà TQ không áp dụng tại BĐ, nhất là khi có các tranh chấp. Việc này có thể có vì Mỹ đang tái cân bằng lực lượng (NT Kerry ủng hộ COC và giải quyết theo luật quốc tế vì nước Mỹ có “lợi ích quốc gia“ trong việc giữ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải theo luật quốc tế). Trong khi NT Kerry tuyên bố điều này thì hạm đội 7 của Hoa kỳ tập trận với Philippines, Thailan và Nhật và cũng tái bố trí thêm máy bay, tàu chiến tới Okinawa, Guam và Subic Bay. TQ cũng thấy chưa phải lúc (hay chưa đủ sức) để có thể gây khó khăn tại BĐ.
Kết luận
Theo Ian Storey của Viện ISAS của Singapore thì COC chỉ là biện pháp giảm căng thẳng chứ không giải quyết các tranh chấp chủ quyền và các tranh chấp chủ quyền còn kéo dài.
Việc thành công của ASEAN và ARF kỳ này cho thấy là có sự phân chia trách nhiệm phần nào giữa TT Sang, NTD và NPT về vấn đề biển Đông. Nó đã giúp tạo ra sự đồng ý – nhất trí của các nước ASEAN đối với sức ép của TQ. Ngược lại với tình trạng năm trước tại Campuchia, nay các nước ASEAN đã đồng ý thúc TQ đàm phán về quy tắc ứng sử (COC), quốc tế hóa vấn đề BĐ. Đó là thắng lợi của Philippines và phần nào của VN với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật, và Âu châu.
Hơn nữa hậu quả của các cuộc bạo động, nổi dậy đẫm máu ở Tân Cương (10) giữa dân Duy Ngô Nhĩ với người Hán đã buộc Bắc Kinh phải gởi ủy viên thường trực Bộ Chính trị Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) đến Tân Cương. TQ cũng bị tố là đang cố phá hủy văn hóa Tây Tạng.
Các khó khăn về kinh tế, ngân hàng, hay việc giảm đà tăng trưởng kinh tế hay các tranh chấp nội bộ khác về đất đai, về tham nhũng có lẽ đã khiến TQ hạ giọng tại Brunei. Mặc dù những lời lẽ rất ngoại giao, Mỹ vẫn tiếp tục tái bố trí quân sự, thủy quân lục chiến tại Okinawa, tập trận với Philippines, Nam Hàn, Ấn Độ, các tàu chiến và tàu ngầm tiếp tục ghé trở lại Subic Bay, vv. Và vì vậy có lẽ TQ sẽ tạm hoãn các đòi hỏi quá đáng trong thời gian tới.
Trong bàn cờ Trung-Mỹ, Nhật sẽ là con “xe” trong khi Nam Hàn có thể là “con ngựa hay con pháo” và các nước Á châu khác như Phi, Úc, vv. là những con tốt đang tiến sang sông.
Hậu quả của chính sách đánh đu kiểu VN là các con cờ khác tại TBD vẫn chưa có “lòng tin chiến lược“ đối với VN. Cho đến khi nào có các thay đổi trong nội bộ VN như về dân chủ hay nhân quyền thì VN mới có cơ may tạo nên cái gọi là "lòng tin chiến lược" đối với nhân dân mình và bạn bè quốc tế.
TS ĐXQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét