Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Rủi ro kinh tế Trung Quốc đe dọa toàn cầu

HÀ TƯỜNG CÁT (Tổng Hợp)

Sản xuất suy yếu của Trung Quốc, phản ánh qua hai chỉ số tiêu thụ công bố hôm Thứ Hai, là dấu hiệu về sự rủi ro kinh tế cho Hoa Kỳ và thế giới. Hai chỉ số thăm dò, một do chính quyền Trung Quốc, một do ngân hàng HSBC thực hiện, đều cho thấy có sự sút giảm từ tháng 5 qua tháng 6.


Công nhân Trung Quốc ráp các tấm bảng thu năng lượng mặt trời sản xuất tại công ty Suntech Power ở thành phố Vô Tích (Wu Xi) tỉnh Giang Tô. Công ty đứng đầu thế giới trong kỹ nghệ năng lượng sạch này vừa khai phá sản. (Hình: Peter Parks/AFP/Getty Images)  

Tân Hoa Xã nói rằng với tình trạng khó khăn về ngân sách và nợ nần ở Hoa Kỳ cũng như các nước Âu Châu chưa thể nhanh chóng giải quyết thì kinh tế Trung Quốc là tác nhân ổn định cho kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu lập luận ấy phần nào có thể chấp nhận, thì thực trạng đang suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành điều ngược lại. 

Sức tiêu thụ của nước ngoài cũng như trong nước tác động mạnh đến công nghiệp sản xuất của Trung Quốc với tình trạng tồn kho ứ đọng và đơn đặt hàng ít đi. Hậu quả là mức sa thải nhân công ở các doanh nghiệp đã tăng nhanh kể từ tháng 8 năm ngoái.

David Poh, trưởng ban lượng giá tài sản khu vực của tổng hội ngân hàng tư nhân, cho rằng thay vì là nhân tố thúc đẩy kinh tế thế giới như những năm trước, Trung Quốc bây giờ trở thành một đe dọa cho sự phát triển. Ông nói: “Trung Quốc đóng vai trò lớn trong sự tăng trưởng toàn cầu và nếu chiều hướng thoái trào tiếp tục thì sẽ là điều rất xấu cho toàn thế giới”.

Ông Poh giải thích: “33% xuất cảng của Trung Quốc sang khu vực đồng euro và chúng ta đều biết rằng khu vực này chưa lành những vết thương năm ngoái. Các công ty hầm mỏ Australia cũng như Châu Mỹ La Tinh lệ thuộc vào tăng trưởng của Trung Quốc. Sức tiêu thụ của Hoa Kỳ cũng sẽ đi xuống nều kinh tế toàn cầu không phát triển như dự tính”.

Trung Quốc hiện nay là cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới tính theo GDP (tổng sản lượng nội địa) góp phần 24% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011. Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, nước nhập cảng hàng Nhật và xuất cảng sang Liên Âu nhiều nhất. Trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc cũng ở vị trí khống chế về hàng hóa xuất cảng.

Do nhu cầu khổng lồ về nguyên liệu, Trung Quốc cũng trở thành mối đe dọa nặng nề cho môi trường. Trong điều kiện phát triển, từ những năm kể từ khi chuyển sang đường lối đổi mới kinh tế thị trường, Trung Quốc chú trọng vào tiết kiệm ngoại tệ và gia tăng đầu tư ở hải ngoại. Sức tiêu thụ quốc nội chưa đạt tới trình độ một quốc gia phát triển kỹ nghệ và sự gia tăng khả năng của thị trường quốc nội sẽ là yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Trung Quốc cũng như ảnh hưởng đến thế giới.

Trong hơn 30 năm vừa qua tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn luôn trên 10% nhưng trong quý 1 năm nay chỉ đạt tới 7.7%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bằng đường lối gì Trung Quốc cũng không thể nào tái tạo được mức tăng trưởng ấy trong một thời gian và có lẽ là vĩnh viễn. Nhiều sự kiện chứng minh cho nhận định này vì kiểu mẫu phát triển của Trung Quốc đến nay xuất hiện những điểm sai lầm.

Từ khi khởi đầu đổi mới theo kinh tế thị trường, Trung Quốc đã tập trung những tài nguyên khổng lồ, bằng tư bản trong nước hay đầu tư nước ngoài cùng với nhân lực dồi đào, để đẩy mạnh phát triển. Xí nghiệp, cơ sở văn phòng, hạ tầng cơ sở được xây dựng tràn ngập, hàng triệu công nhân nghèo lương thấp được huy động vào sản xuất đủ mọi mặt hàng tiêu dùng thông thường, quần áo bán giá rẻ cho đến đồ điện tử và xe hơi.

Bộ máy “tư bản quốc doanh” có khuynh hướng tập trung ưu tiên vào những công trình lớn hoặc dự án kỹ nghệ không thể tiến triển điều hòa mãi mãi. Lực lượng lao động rẻ dần dần giảm, do dân Trung Quốc già đi và hậu quả của chính sách gia đình một con đã không đem lại số nhân lực kịp thay thế. Thêm vào đó với mức sống được nâng cao hơn, đòi hỏi về điều kiện làm việc cũng tăng lên. Chưa kể tình trạng tham ô và lãng phí, hệ thống tư bản nhà nước đã tạo nên quá nhiều xí nghiệp và nợ nần chồng chất trong tất cả mọi khu vực kinh tế.

Nhiều ngành công nghiệp không có hiệu quả là nguy cơ khác của nền kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như năng lượng sạch. Theo tạp chí Time, các ngân hàng Trung Quốc đã bơm hàng tỷ dollars cho công nghiệp sản xuất bảng thu năng lượng mặt trời, tạo ra hàng trăm xí nghiệp và Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới ở lãnh vực này. Đến nay ngành năng lượng sạch trở thành nạn nhân của chính mình do sự dư thừa và dấu hiệu tiêu biểu cụ thể là công ty đứng đầu thị trường Suntech Power vừa khai phá sản. Năm ngoái, các công ty Hoa Kỳ đã tố cáo tại Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới là Suntech cạnh tranh không công bằng với sự bao cấp của nhà nước để sản xuất và bán phá giá.

Trong một ngành kỹ nghệ khác, các công ty sản xuất thép tiếp tục đầu tư để gia tăng sản lượng dù nợ nần và thua lỗ tăng lên. Rất nhiều xí nghiệp với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương vì muốn tạo ra công ăn việc làm đã hy sinh tốn kém và kết quả là những công ty quốc doanh ngốn hết đầu tư còn công ty tư nhân thì không có đủ vốn.

Theo cơ quan đánh giá tài chính Fitch thì mức tín dụng so với GDP lên tới 198% vào cuối năm 2012 nghĩa là tăng lên rất cao từ 125% năm 2008. Nợ của các chính quyền địa phương cũng leo thang, ước lượng $2,000 tỷ hay 25% GDP. Tình trạng này đưa đến sự xuất hiện những “ngân hàng ma” nghĩa là những nguồn cho vay vốn bí mật không có trong sổ sách thanh toán của bất cứ đại ngân hàng chính thức nào.

Tân Hoa Xã dẫn lời chủ tịch Tập Cận Bình trong một phát biểu mới đây, nói rằng “không thể đánh giá nền kinh tế bằng tăng trưởng của GDP, mà còn phải căn cứ theo nhiều yếu tố khác như cải tiến và phát triển xã hội, tình trạng môi trường,…”. Nhưng điều ấy có nghĩa là ban lãnh đạo Trung Quốc hãy còn do dự không muốn tiếp tục những kế hoạch kích cầu.

Từ lâu các chuyên gia kinh tế đã đồng ý rằng giải pháp cho nền kinh tế Trung Quốc phải là giảm lệ thuộc vào đầu tư với mục tiêu phát triển và quân bình hóa bằng cách gia tăng sức tiêu thụ trong thị trường nội địa. Tiêu thụ trong thị trường quốc nội so với GDP ở Trung Quốc chiếm tỷ lệ thấp hơn tất cả các quốc gia phát triển kinh tế trên thế giới. Giới kinh doanh cho rằng sau khi đã tiến lên hàng cường quốc kinh tế, Trung Quốc đã để qua hàng chục năm không có cải cách.

Với tình hình kinh tế còn khó khăn ở Hoa Kỳ và nhất là Âu Châu, thế giới không thể trông cậy vào sự phát triển của Trung Quốc để phát triển. Bởi vì khi Trung Quốc không có sự cải cách thích đáng mà vẫn duy trì kiểu mẫu phát triển cũ để ngày càng yếu kém dần thì cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng khó có thể tránh khỏi và sẽ tác động đến toàn cầu. (HC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét