Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Trộm chó

tromcho070713
Sài Gòn Cô Nương

Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ, biết có hay không?
Con chó lúc nào và ở đâu vẫn là con vật hết sức gần gũi với người.
Chó không những chỉ là con vật biết trông nhà như con mèo có ích bắt chuột. Mặc dù nhiều loại chó được xếp vào hàng thú cảnh có giá rất mắc, được nhiều người ưa chuộng nhưng trên cả những điều đó, chó được đặt vào vị trí cao vì là loài vật trung thành, có tình có nghĩa, thể hiện tình nghĩa ấm áp với chủ. Con chó nuôi trong nhà luôn quấn quít với chủ nhà và là bạn của trẻ em.

Bên cạnh những điều đó, về phương diện khác, chó lại vô cùng quen thuộc ở món thịt, giống như thịt heo, thịt bò..., dễ dàng chế biến ra nhiều món ăn.
Bắt chước bò, quán thịt cầy cũng trương bảng cầy tơ 7 món dù trong thực tế nhiều hơn, cả chục món bên cạnh những món lâu đời căn bản: thịt luộc, chả nướng, xáo măng, nhựa mận, dồi trường...
Mặc dù hiện nay đã xuất hiện một số quán giới thiệu thịt trâu, thịt cá sấu, thịt ngựa, kangaroo... cả tiểu hổ là thịt mèo với nhiều cách chế biến đặc sắc, mang mùi vị khác lạ nhưng xem chừng không loại nào thay thế nổi thịt cầy.
Món cầy hấp dẫn tới nỗi bếp núc cho ra đời một món nhái mang tên hẳn hoi không giấu giếm là chân giò nấu giả cầy dành cho những người không muốn ăn thịt cầy mà vẫn thưởng thức được hương vị của nó.
Các tín đồ thịt cầy hết lời ca tụng món ăn đặc biệt này. Có người còn coi đó là một nét ẩm thực riêng của Việt Nam, hay nói văn vẻ là văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Có khách ngoại quốc từng dọa sẽ tẩy chay nếu Việt Nam không bỏ món thịt chó. Chứ Đại Hàn, Trung quốc... cũng nổi tiếng ăn thịt chó mà lượng du khách vẫn nườm nượp đến du lịch đấy thôi!
Món Sống trên đời này được xem có xuất xứ miền Bắc. Một số làng quê, cỗ chỉ được coi là to khi có miếng dồi chó trên mâm. Dần dà, thịt cầy lan xuống miền Trung, miền Nam. Từ chả chìa, nhựa mận theo đường cái quan xuôi Nam xuất hiện cầy cà ri hoặc khìa nước dừa theo khẩu vị địa phương.
Xuống tới miền Nam, cầy bán nhiều ở Saigon là nơi theo chân người di cư dừng lại. Xuống miền quê ít dần, nhường chỗ cho thịt chuột, rắn, lươn, ếch..., cá mú rất nhiều và tươi ngon có sẵn, mọi người ít cần tìm tới thịt chó làm chi.
Thịt cầy dù được xem là món ngon nhưng chỉ bán ở quán nhậu và thỉnh thoảng người ta mua về nhà ăn chứ không là thức ăn hằng ngày. Bởi thịt cầy cũng khá mắc so với các loại thịt gia súc, gia cầm thông thường và tuy có thể ăn được nhưng hầu hết phụ nữ vẫn không hảo lắm. Chủ yếu vẫn là món nhậu của đàn ông.
Nơi quê hương của thịt cầy, từ những quán thịt chó lẻ tẻ đến dãy hàng quán rồi nhảy lên thành liên hiệp thịt chó...
Saigon có các khu thịt cầy rải rác nằm trên đường Cống Quỳnh, Đồng Đen... Riêng Ông Tạ có các quầy hàng ngay trên lề đường hẹp bán từng tảng bê thui to, và vài con cầy thui vàng rộm móc nguyên con sau tủ kính. Khách ngừng xe ghé mua mang đi chứ không có quán nhậu ngay đó.
Không cứ dân nhậu đàn ông mà cả nam phụ lão ấu đều thưởng thức thịt cầy một cách thích thú. Phụ nữ, trẻ em ăn thịt cầy như ăn thịt heo, thịt bò. Món ăn quen thuộc từ nhỏ, không phân biệt giới tính nên nó nằm trên mâm của bữa cơm. Nhiều gia đình miền Bắc có thói quen cứ cuối tháng ăn một bữa thịt cầy để “giải đen”! Trong khi quán thịt cầy miền Bắc luôn có mặt phụ nữ thì miền Nam hầu như không thấy.
Dân số tăng, nhậu nhẹt ngày càng tăng nên nhu cầu về thịt cầy không giảm, mà dĩ nhiên cũng ngày càng cao. Làng Cao Hạ (Hà Nội) mỗi ngày hạ bốn trăm con chó cung cấp ba, bốn tấn thịt cho thị trường. Một lò mổ ở Bình Dương mỗi ngày cũng xuất từ hai đến ba trăm ký thịt cầy làm sạch, khò vàng ươm trong khi thịt sống bán nhiều ở chợ Phạm văn Hai...
Lái sang tận Lào, Kampuchia, Thái Lan... cất hàng về mỗi lần hàng xe tải chở kìn kìn. Cầy ở những xứ đó đâu phải xuất từ chuồng trại mà cũng mua từ người dân, mua hết thì trộm. Trộm nhiều tới nỗi Kampuchia phải kiểm soát chặt chẽ không cho phép chở chó qua biên giới.
Cũng có người đưa ra đề nghị mở trại nuôi chó thịt cung cấp cho các quán. Nhưng ngay cả các tay chuyên chăn nuôi cũng lắc đầu vì thời gian nuôi một con chó cho tới khi xuất chuồng phải mất hai năm. Lâu quá. Vả lại, con chó đâu có chịu ục ịch đứng yên trong chuồng như heo, như dê, bò... mà phải chạy tới chạy lui. Đất đâu đủ rộng cho chúng chạy được?
Cầy cả trong và ngoài nước không đủ cung cấp cho thị trường nên gần đây nạn trộm chó hoành hành đáng sợ.
Trộm chó đơn giản hơn đồ vật tài sản, vì chó không được giấu kín trong két sắt, không bị giữ trong phòng, trong nhà mà thả chạy rông ngoài sân, ngoài đường.
Bắt chó không cần phải đào tường khoét vách. Chỉ cần ném bả, chích điện là xong, hết sức gọn nhẹ. Giá một con chó ta lại không cao nên khó kết tội trộm cướp tài sản để truy tố hình sự, bắt giam đưa ra tòa. Thông thường chỉ phạt hành chánh mà thôi, nên bọn trộm đâu có ngán.
Đó là ở thôn quê chứ trong thành phố, hầu như chẳng còn thấy cảnh chó chạy rông ngoài đường như trước kia. Xe bắt chó từ lâu thất nghiệp, đỡ mất công chạy lòng vòng ngoài đường tốn xăng trong thời buổi vài ngày xăng tăng giá một lần. Phần vì người dân thay đổi ý thích. Họ thích nuôi chó cảnh hơn. Nhà thành phố chật chội, cửa mấy lớp khóa gắn thêm camera, hệ thống báo động, nên không cần chó giữ nhà nữa. Biệt thự sân vườn rộng thực sự cần canh giữ thì nuôi berger hoặc các loài chó dữ chứ không nuôi con vện, con phèn...
Chó cảnh bị trộm sẽ bán cho người chơi thú cảnh chứ không ai chuộng cầy Tây do thịt quá dở. Cũng như thịt gà ta không bở như gà công nghiệp, cá đồng ngon hơn cá nuôi... Mọi người giải thích tại vậy nên Tây mới không biết đến mùi vị thịt cầy, mới không ăn thịt cầy. Và vì thế mới lên án kẻ ăn thịt cầy! Có thứ gì không bỏ vào miệng đâu cơ chứ? Từ nhỏ nhít như đuông lăn bột, nhộng xào hành... đến dế kho tiêu, bò cạp chiên giòn... Chó Tây là chó cảnh ẵm bồng, còn chó ta là chó vườn thả rông. Chỉ là gia súc như mọi loại gia súc khác nên có thể bỏ miệng không thắc mắc!
Dân thành phố bị mất chó cứ tìm tới các lò giết chó hoặc hỏi mấy ông xe ôm sẽ được chỉ dẫn tận tình đường đi nước bước. May ra kịp chuộc lại được con chó cưng trước khi bị dội nước sôi.
Thế nhưng dưới quê thì không dễ dàng như thế, con chó bị bắt mất, chẳng biết lưu lạc chốn nào, khi đâu đâu cũng đều thấy hàng thịt cầy.
Càng nhiều người thích ăn càng lắm hàng cầy. Thế nhưng thịt cầy không có nguồn từ chuồng trại mà chỉ là chó nuôi lẻ trong dân chúng. Nhà nuôi một con, nhà nuôi hai con... cung cấp không xuể cho nhu cầu. “Đại lý” mua chó trữ kho lạnh đến hàng tạ thịt mốc xanh mốc vàng.
Vì thế, nạn trộm chó ngày càng hung hăng, táo tợn.
Ngoài thòng lọng, điện chích để bắt chó thì bọn trộm còn mang theo dao kiếm, súng... để đối phó với chủ nhà. Lắm khi cũng chẳng cần rình rập lâu lắc làm chi mà xông thẳng vào nhà câu thẳng con chó trước sự ngỡ ngàng của chủ nhân. Không còn câu trộm ban đêm nữa mà là cướp trắng trợn giữa ban ngày.
Cả làng quây lại bắt được tên trộm chó. Việc này chỉ bị xem là trộm vặt như trộm con gà, bó lúa..., đâu thể giam giữ truy tố được nên cùng lắm phạt nhẹ rồi thả về. Phạt kiểu gãi ngứa cho vui.
Cho tới khi cả xóm bị mất cả trăm con chó, ngày nào cũng có nhà mất chó. Mỗi đêm nhóm trộm chó bắt được đến mười con. Mất trộm diễn ra thường xuyên và chắc chắn không có hồi kết thúc thì người dân không thể chịu đựng hơn nữa. Luật pháp không xử thì họ tự xử theo luật rừng vậy. Hàng trăm dân làng hò nhau chặn đường, dùng cuốc thuổng gậy gộc vây bắt đánh trộm.
Họ chất rơm đốt xe máy của trộm, đánh hội đồng tên trộm trọng thương và cuối cùng đánh chết, thiêu xác luôn (xã Hưng Đông-Vinh)...! Hàng ngàn người dân đổ xô ra ngăn chặn công an, bác sĩ can thiệp. Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng đã nổi lên nhiều vụ như thế.
Thế nhưng những tên trộm chó đâu có ngán. Nhiều trường hợp trộm chó rút dao, kiếm, mã tấu, giơ súng ra bắn chống trả. Sóc Trăng, Bình Định... chẳng những bị bắt mất chó ngay trước mặt mà khổ chủ còn bị đánh, cướp xe, đốt xe... Một nhân viên văn phòng tỉnh Bắc Ninh đã bị trộm chó bắn chết. Thậm chí có tên còn đe dọa sẽ trả thù nguyên ngôi làng, và đã có mấy trường hợp khổ chủ bị chúng quay lại trả thù đến nơi đến chốn rồi.
Truy ra, người ta nhận thấy 80% “cẩu tặc” đều nghiện ma túy. Khi cơn nghiện lên thì chúng không từ việc gì, huống hồ trộm chó quá dễ dàng, chỉ cần lanh lẹ, không đòi hỏi vốn liếng, tay nghề... Một con chó nặng khoảng 15 ký bán với giá 100.000 đồng/1kg chó hơi tức chó còn sống. Như vậy, nhóm trộm chó từ hai đến ba người, một đêm bắt vài con chó sẽ thu được từ bảy đến mười triệu một ngày. Món lợi quá hời. Vì thế, ngay cả những người có nghề nghiệp hẳn hoi, đôi khi cũng tiện tay rủ nhau đi trộm chó như một công việc kiếm thêm!
Năm ngoái, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã có một cuộc diễn tập kỳ lạ cho cả ngàn dân chúng tham gia thực hành. Đó là cuộc diễn tập chống trộm chó. Điều này cho thấy nạn trộm chó đã lộng hành đến mức báo động. Mạng chó đã đổi lấy mạng người.
Chỉ là chuyện trộm chó thôi, trộm vặt thôi. Thế mà chẳng những không giải quyết được mà ngày càng xé to đến bất lực!
Sài Gòn Cô Nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét