Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Bình đẳng giới thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia

Bình đng gii thúc đy s tiến b ca quc gia


Ánh Hiền 
dịch từ Việt Nam News
Chia sẻ bài viết này

Phụ nữ ở tỉnh miền Trung Nghệ An đang trao đổi ý kiến làm thế nào để tăng nhận thức và trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái – Nguyễn Thuý - VNA/VNS chụp.
Nông Thị Tươi, 16 tuổi, ở tỉnh Cao Bằng, phải bỏ học để chăm sóc năm đứa em trai và em gái. Cô là một trong hàng triệu người trong nước là nạn nhân của sự bất bình đẳng và bạo lực nam giới trong một hệ thống gia trưởng đã lỗi thời.
Nhiều cô gái trong xã hẻo lánh của cô bỏ học, hoặc làm việc nhà hoặc kết hôn ở độ tuổi rất trẻ, Nông Thị Tươi cho biết.
"Đó là truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ tiếp tục sống một cuộc sống khủng khiếp là bị chồng đánh đập."
Cô gái 16 tuổi, người đang sống ở huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng, phải bỏ học khi còn đang học lớp ba để phụ bố mẹ làm việc nhà và chăm sóc năm đứa em trai và em gái. Trong khi cha mẹ cô lại gửi hai đứa em trai đến trường, và bảo rằng chúng cần có kiến ​​thức để lập gia đình trong tương lai, họ không xem việc học của cô như là một ưu tiên.
"Tôi rất thích đi học, nhưng chúng tôi rất nghèo," Tươi nói.
"Cha mẹ tôi rất yếu vì vậy tôi phải ở nhà để giúp họ nấu ăn, chăn nuôi lợn, gà và nuôi mấy đứa em nhỏ. Đôi khi, tôi ra đồng làm từ sáng sớm đến tận đêm khuya."
Vấn nạn bạo lực gia đình nổi lên ảnh hưởng đến nhiều bạn đồng trang lứa của cô, cô cho biết cô hy vọng mình sẽ sống độc thân mãi mãi.

Một phụ nữ làm việc ở phòng thí nghiệp. Việc mang lại cơ hội bình đẳng đến phụ nữ là cần thiết, không chỉ là vấn đề liên quan đến quyền con người mà còn giúp họ cống hiến hết mình tiềm năng của mình cho quốc gia.
Ở Việt Nam - như ở nhiều nền văn hóa châu Á - hệ thống gia trưởng vẫn chi phối, dù xã hội đang phát triển hiện đại. Bạo lực gia đình đã đạt đến một tốc độ đáng báo động ở nhiều vùng của Việt Nam, đặc biệt là nông thôn, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thanh Nghi, Trưởng Bộ môn Kỹ năng và Kiến thức tổng quát của Đại học Hoa Sen tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Hơn nữa, phụ nữ ngày nay phải mang trên vai hai gánh nặng: một mặt họ được mong đợi phải hết mình cho công việc nhà, mặt khác lại được hy vọng phải làm tốt công việc.

Công nghiệp hoá đã tạo cơ hội cho phụ nữ làm việc trong các nhà máy và trở nên độc lập hơn. VNS
Tình hình bạo lực gia đình là đặc biệt đáng lo ngại. Cuối tháng mười hai năm ngoái ở trung tâm tỉnh Quảng Ngãi, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra chỉ trong vòng một vài ngày, Huỳnh Thị Tuyết Nga - một viên chức của Hiệp hội phụ nữ tỉnh cho biết.
Hồng Thị Nhiệm bị chồng là Trương Văn Thuận bóp cổ cho đến chết, bởi vì đã yêu cầu chồng ly dị, trong khi đó Phan Thị Trang bị đưa đến bệnh viện cấp cứu bởi vì chồng cô đã ném một ấm trà nóng vào đầu, khiến cô ngất xỉu tại chỗ.
Hàng xóm của Trang cho biết, cô đã phải chịu đựng việc chồng bạo hành trong gần 14 năm.
"Cơ thể tôi hầu như chỗ nào cũng bị thương vì bị chồng sử dụng một cây gậy lớn để đánh và bị nhổ tóc. Đôi khi phải nằm trên giường trong nhiều ngày vì không thể bước đi nổi, nhưng anh vẫn đánh tôi ," Trang nói trong nước mắt.
Bà Nga cho biết, hầu hết những vụ xảy ra ở các vùng núi tỉnh Quảng Ngãi như thế do bởi những ông chồng uống rượu. Quá lười biếng trong công việc đồng áng hoặc làm việc nhà, những người đàn ông địa phương thường tụ tập với bạn bè để uống và đánh bạc.
"Thường họ sẽ mất sạch tiền và trở về nhà đòi vợ cho thêm tiền để đánh bạc. Nếu người vợ từ chối, họ sẽ đánh đập", bà Nga nói.
Bạo lực gia đình đang ngày càng tăng tại Quảng Ngãi trong nhiều năm qua. Trong số những người phạm tội nghiêm trọng nhất, nhiều người là công chức, đảng viên và quan chức. Bà Nga cho biết, thiệt hại nhiều nhất là về mặt cảm xúc của người vợ, họ thường nói với bà họ rất đau khổ thậm chí không thể khóc.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, cứ ba phụ nữ kết hôn ở Việt Nam thì có một người bị bạo lực gia đình.
Trong khi nền công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ, nhiều người trong số họ tiếp tục chịu tình trạng bất bình đẳng giới: trong gia đình, trong giáo dục và tại nơi làm việc, nơi thu nhập, sự thăng tiến và thậm chí là về độ tuổi nghỉ hưu cũng có sự chênh lệch rất lớn nghiêng về đàn ông.
Cặp vợ chồng Nguyễn Thanh Hòa và Chu Hoàng Tùng tốt nghiệp cùng một trường đại học với kết quả xuất sắc. Cả hai đều được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty.
Sau năm năm, Tùng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc công ty - trong khi Hoa vẫn còn là một nhân viên bình thường. Sau khi họ kết hôn, cô dành phần lớn thời gian của mình làm việc nhà, nấu ăn và chăm sóc cho đứa con của mình.
"Tôi không muốn có con ngay sau khi kết hôn, có như thế tôi mới có thể dành thời gian cho công việc của tôi, nhưng chồng tôi nói rằng nhiệm vụ chính của một người phụ nữ là sinh con, chăm sóc chồng và làm việc nhà," Hòa nói. "Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này nhiều lần cho đến một ngày tôi phát hiện ra mình đã có mang. Tất cả mọi thứ đã thay đổi kể từ đó. Tôi phải làm những gì chồng tôi nói. Đôi khi, tôi phải ở nhà một tháng để chăm con đang bệnh".
Có những dấu hiệu của hy vọng. Những người đàn ông trong các vùng đô thị, đặc biệt là ở miền Bắc, tham gia nhiều hơn vào công việc nhà hơn ở các vùng nông thôn, Tiến sĩ Nghi cho biết. Và trong số những người trẻ tuổi, xu hướng chia sẻ việc nhà giữa chồng và vợ có vẻ đang cao hơn. Nhưng do ảnh hưởng lan rộng của văn hóa truyền thống bảo thủ, nhiều phụ nữ trẻ vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm về công việc gia đình.
Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tại nơi làm việc. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng nếu một người phụ nữ đảm nhận công việc nhà mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào, cô ấy sẽ trở nên ít quan tâm hơn việc thăng tiến trong sự nghiệp đơn giản là vì cô ấy đã quá mệt mỏi rồi.
"Có vẻ như là việc chịu trách nhiệm trong việc đưa ra quyết định gia đình mang lại một vẻ quyền lực đến vai trò truyền thống của phụ nữ, đến điểm mà phụ nữ cảm thấy có ít mong muốn hơn trong việc chống lại những trở ngại để đạt được thành công ngoài sự thành công từ gia đình", Serena Chen, một nhà tâm lý học đồng tác giả nghiên cứu.
"Để thực hiện bình đẳng giới thực sự trong lĩnh vực cả tư nhân và công cộng, các kết quả chỉ ra thấy rằng có lẽ phụ nữ ít nhất cần phải từ bỏ một phần vai trò của mình là người đưa ra quyết định gia đình sau cùng - và nam giới phải đồng ý chia sẻ với phụ nữ trong việc đưa ra quyết định như thế."
Sự xung đột giữa các quan niệm lỗi thời về sự phân biệt giới tính và những quan niệm hiện đại hơn có thể gây ra các hậu quả tai hại.
Phan Thị Hằng tại tỉnh Nghệ An đã tự sát sau khi gia đình nhà chồng trả lại cô cho gia đình vì buộc tội cô đã mất trinh trước khi kết hôn. Cha của cô đã quá đau buồn đến nỗi gần như bị truỵ cả tim.
Nhiều hàng xóm của Hằng đứng về phía gia đình nhà chồng của cô, nhưng những người khác lại nói rằng hành động của họ phản ánh một quan niệm lạc hâu về một thế giới lờ đi thực tế đương đại.
"Vấn đề bất bình đẳng giới tính tác động đến mối quan hệ gia đình và tính dục bị ảnh hưởng bởi văn hóa. Tiến sĩ Nghi cho biết, phụ nữ vẫn đang ở trong tình trạng bất lợi vì những quan niệm Nho giáo bảo thủ về giới tính.
Xã hội Việt Nam phát triển ngày càng hiện đại và toàn cầu hóa, nên số thanh thiếu niên quan hệ tính dục ngày càng tăng, bà Nghi nói. Và trong khi nhiều phụ huynh và giáo viên cố gắng không để chuyện đó xảy ra, họ hầu như không gây tác động gì vì thanh thiếu niên ngày nay có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các loại thông tin trên internet cũng như từ phim ảnh.
Khi được hỏi về tình trạng hiện tại của sự bình đẳng giới tại Việt Nam, Tiến sĩ Nghi nói rằng mặc dù tình trạng này đã được cải thiện nhiều kể từ khi đất nước tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ và ban hành pháp luật về sự bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình và lao động, sự nhận thức của cộng đồng về vấn đề giới vẫn không cao.
"Chúng ta cần những hình thức chế tài và chính sách sáng tạo hơn trong hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và loại bỏ định kiến ​​giới," bà nói. "Bình đẳng giới không chỉ liên quan đến phụ nữ mà còn liên quan đến cả đàn ông. Nếu chúng ta đạt được bình đẳng giới cho cả đàn ông và phụ nữ, chất lượng cuộc sống và điều kiện kinh tế-xã hội của tất cả mọi người của sẽ được cải thiện."
Ánh Hiền dịch từ Việt Nam News, 16/8/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét