Hậu Kampuchia ký sự -
Tranh chấp Việt Miên trước 1975
Đây là 1 trong những bài viết về mối quan hệ Việt-Campuchia mà tôi đã tìm được và post lên nhằm mục tiêu làm rỏ hơn mối quan hệ nầy trước khi đăng bài "Bầu cử ở Campuchia và những hệ lụy"
Trong lịch sử thế giới, hầu như hai quốc gia lân bang nào cũng có nhiều lần xảy ra tranh chấp. Biên giới mỗi quốc gia cũng nhiều lần thay đổi, lãnh thổ mỗi quốc gia có lúc được mở rộng, có lúc bị thu hẹp. Có những quốc gia bị biến mất, có những quốc gia mới được tạo dựng nên. Mỗi quốc gia đều có những thời kỳ hưng thịnh hay suy tàn và nguyên tắc mạnh được yếu thua không những áp dụng cho con người mà còn được áp dụng cho mỗi quốc gia, dân tộc. Những nguyên nhân chính để xảy ra xích mích thường là vấn đề kinh tế hay an ninh quốc phòng. Quốc gia nào cũng mong muốn có một quốc gia láng giềng thân hữu với mình hay tốt hơn, chịu ảnh hưởng của mình. Nhưng hoàn cảnh khách quan như thế cũng chưa đủ cho một mối bang giao tốt đẹp giữa hai dân tộc. Nó còn cần có những điều kiện chủ quan nội bộ. Một khi mà đường lối kinh tế hay cai trị trong nước thất bại, gây chia rẽ và bất mãn, những nhà cầm quyền thường đổ thừa cho những yếu tố bên ngoài để bào chữa, và yếu tố bên ngoài dễ dàng nhất là do quốc gia bên cạnh.
Lịch sử bang giao giữa hai dân tộc Việt Miên trải qua hơn một ngàn năm là lịch sử những tranh chấp, và những nguyên nhân sâu xa thường là nhu cầu bành trướng lãnh thổ của Việt nam và sự chia rẽ nội bộ của Campuchia. Từ hơn một ngàn năm trước, vào thế kỷ thứ ba, khi Việt nam lúc đó có tên Giao Châu, đang bị Trung hoa đô hộ thì vương quốc Phù Nam đang ở trong một giai đoạn cực thịnh. Họ đã liên kết với quân Lâm ấp đánh phá đất Giao Châu (thời Khúc Thừa Dụ), nhưng bị quân Trung hoa đánh bại. Sau đó vì những mâu thuẫn nội bộ, và vì ở giữa hai nước còn có nước Lâm ấp (sau là Chiêm Thành) nên hai nước đã không có chiến tranh. Khoảng năm trăm năm sau, lúc dân Chân Lạp đã chinh phục được Phù Nam, mở mang bờ cõi đến vùng Nam Lào, thì họ lại cùng quân Nam Chiếu đánh phá biên giới Giao Châu. Một lần nữa, họ bị quân nhà Đường - lúc đó Bùi Nguyên Dụ làm Kinh Lược Sứ - đẩy lui. Nước Chân Lạp, Campuchia sau này, sau giai đoạn cực thịnh, bắt đầu bước vào giai đoạn suy tàn cùng lúc với sự phát triển của hai quốc gia lân bang phía đông và phía tây là Việt nam và Thái lan.
Việt nam, lúc đó đã thu hồi được độc lập trong hoàn cảnh đặc biệt là luôn bị đe doạ bởi láng giềng khổng lồ phương bắc, mặt đông giáp biển, phía tây là dấy Trường Sơn hiểm trở, nên chỉ có thể bành trướng được về phía nam. Công cuộc xâm chiếm những nước nhỏ, bành trướng lãnh thổ được gọi một cách giản dị là Nam tiến. Cuộc Nam tiến của Việt nam bất đầu ngay sau khi Việt nam thu hồi được độc lập. Năm 1069, vua Lý Thánh Tôn bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ, đòi lấy ba châu để chuộc mạng, và ba châu đó đã trở nên Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay.
Hơn hai trăm năm sau, địa giới Việt nam lại mở rộng khi vua Trần Anh Tôn gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Hai châu này, vua Trần đổi lại tên là Thuận Châu và Hoá Châu. Từ vùng đất Thuận Hoá này, khoảng ba trăm năm sau, cuộc Nam tiến bắt đầu trở nên mãnh liệt sau khi Nguyễn Hoàng vào đó để dựng nghiệp, tranh chấp với họ Trịnh ở phương Bắc. Vì nhu cầu quân sự, kinh tế và chính trị, các chúa Nguyễn đã phải bành trướng đất đai một cách cấp bách. Cả một giải đất từ Quảng Bình hiện nay đến mũi Cà Mau đều đã được bành trướng trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh.
Khởi đầu các chúa Nguyễn đánh chiếm những đất đai còn lại của Chiêm Thành, lần lượt là Phú Yên, Phan Rang, Khánh Hoà, Phan Rí và nước Chiêm Thành coi như mất hẳn vào năm 1697. Một quốc gia có những thời kỳ lịch sử rực rỡ, một nền văn minh biệt lập, một anh hùng như Chế Bồng Nga từng làm rung động triều đình nhà Trần, đã bị tiêu diệt. Những gì còn lại chỉ là những tháp Chàm ven biển miền Trung và những nhóm dân Chàm nhỏ sống rải rác ở Nam Việt nam và Campuchia. Tới năm 1697, Việt nam trở nên một lân quốc trực tiếp của Campuchia, lúc đó còn có tên Chân Lạp, và lịch sử những tranh chấp triền miên giữa hai quốc gia này bắt đầu. Thật ra, trong quan hệ yêu ghét giữa hai dân tộc, đại đa số người Việt ít ai để ý đến nguyên nhân và tầm mức sự thù hận của người Miên đối với người Việt. Điều đó dễ hiểu vì trong lịch sử hai dân tộc, chỉ có Campuchia là bị mất đất và bị đô hộ. Mỗi khi nhắc đến người Việt, người Miên luôn liên tưởng đến mối hận mất đất và sự cai trị tàn ác của quan lại Việt nam hồi xưa. Trong khi đó, nhắc đến người Miên, người Việt thường có thái độ tự cao. Chính thái độ tự cao và khinh miệt này đã khiến người Việt có được một cái cớ, coi việc chinh phục và đô hộ là một nghĩa vụ khai hoá, và từ đó dễ dàng áp dụng những biện pháp dã man khi đô hộ.
Nước Campuchia, trong giai đoạn suy tàn của vương quốc Angkor, cứ luôn hết bị quân Xiêm rồi quân Việt xâm lăng. Trong cách đối xử với dân bản xứ, thâm tâm người Xiêm chắc cũng không khá gì hơn người Việt, nhưng người Miên lại thù hận người Việt nhiều hơn. Thứ nhất là vì người Việt đã chiếm đất đai của họ nhiều hơn, cả một vùng đồng bằng Cửu Long rộng lớn phì nhiêu. Thứ hai là lịch sử trong hơn một thế kỷ qua, đã gắn liền vận mệnh của Campuchia theo những thăng trầm của lịch sử Việt nam, và quan hệ càng nhiều, thì những mâu thuẫn càng nảy sinh. Nguyên nhân thứ ba, quan trọng nhất, là vì biên giới Việt Miên đã không giản dị là biên giới giữa hai dân tộc, mà còn là biên giới của hai nền văn minh khác biệt Ấn độ và Trung hoa. Cùng theo Phật Giáo, người Việt theo Đại Thừa, người Miên Tiểu Thừa. Tiếng Việt cũng giống tiếng Tàu độc âm, tiếng Miên đa âm. Người Việt mặc quán, người Miên mặc xà rông. Người Việt thích màu đơn giản như trắng, nâu, đen người Miên thích màu sặc sỡ như đỏ, xanh, vàng. Người Việt làm nhà trên nền, người Miên ở nhà sàn. Người Việt ăn đũa, người Miên dùng muỗng hay tay. Người Miên xem trọng nghệ thuật múa, người Việt trước kia coi múa hát là xướng ca vô loài.
Bị ảnh hưởng của văn minh Trung hoa, về hành chính Việt nam có một giai cấp quan lại và về xã hội có một lăng lớp sĩ phu làm khuôn mẫu đạo đức. Trong khi đó, ảnh hưởng văn minh Ấn độ khiến cho tầng lớp tăng lữ ở Campuchia có một địa vị quan trọng. Quan trọng hơn nữa, dù đã liên tiếp đấu tranh giành độc lập, người Việt cũng bị ảnh hường văn minh Trung hoa trong khuynh hướng bành trướng, coi các dân tộc nhỏ yếu láng giềng như bán khai, lạc hậu. Trong khi người Xiêm đô hộ dân Miên, họ không bắt dân Miên phải thay đổi lối sống thì người Việt không bao giờ coi người Miên như bình đẳng.
Tuy nhiên, sự suy thoái của Campuchia trong mấy năm gần đây không hẳn chỉ là do tham vọng bành trướng đất đai của các nước lân bang mà còn do những nguyên nhân nội tại: Lịch sử Campuchia cứ tái diễn như một quy luật. Trong khi Việt nam đất hẹp người đông đang cần có nhu cầu bành trướng đất đai thì nội bộ Campuchia cứ luôn chia rẽ. Kể từ năm 1658, khi chú cháu vua Chân Lạp tranh quyền nhau chạy sang Việt nam cầu cứu, và chúa Hiền sai quân sang Phnom Penh, bất vua Nặc Ông Chân và bảo vệ cư dân người Việt, thì đã có đến hơn mười lần mà các chúa Nguyễn đem quân sang đất Miên hoặc giúp vua Miên phục quốc, hoặc kiếm cớ bảo vệ kiều dân. Mỗi lần như thế, vua Chân Lạp lại phải cất đất hay triều cống. Sự chia rẽ đó vẫn thể hiện trong những năm gần đây. Ngay cả trong khi chiến tranh Đông dương thứ ba ở vào giai đoạn gay go nhất, Pol Pot vẫn đẩy mạnh thanh trừng nội bộ, khiến cho một số cán bộ chỉ huy chạy sang Việt nam, cống hiến cho Việt nam một cơ hội xâm lăng - và gần đây hơn, khi nhân dân Campuchia vẫn còn lầm than sau bao biến cố, hai người con ông hoàng Sihanouk vẫn theo hai phe khác nhau và kình chống nhau kịch liệt.
Trong công cuộc Nam tiến, người Việt nam còn được những người Trung hoa chạy giặc nhà Thanh trốn sang Việt nam giúp đỡ. Đầu tiên là cựu tổng binh Dương Ngạn Địch, không chịu thần phục nhà Thanh, đem ba ngàn quân cùng năm chục chiến thuyền chạy sang Việt nam, được chúa Hiền cho vào khai khẩn đất Gia Định, Đồng Nai, Mỹ Tho, lúc đó đang thuộc Campuchia, và sau đó mười năm, chúa Hiền cử ông Nguyễn Hữu Kính vào làm Kinh Lược Sứ, sát nhập đất này vào Việt nam. Một người Quảng Đông khác là Mạc Cửu, cũng chạy giặc nhà Thanh sang Hà Tiên buôn bán, mở sòng bạc, lại không thần phục vua Campuchia mà thần phục chúa Nguyễn, được phong chức Tổng Binh. Năm 1759, con cháu Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ giúp Nặc Tôn lên làm vua Campuchia, Nặc Tôn dâng đất Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc cho chúa Nguyễn, còn vùng đất còn lại ở đồng bằng Cửu Long thì cho Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ dâng hết đất này cho chúa Nguyễn. Từ năm đó, sáu tỉnh Nam Kỳ thuộc Thuỷ Chân Lạp hay Khmer Hạ đều thuộc về Việt nam.
Sau khi đã bành trướng lãnh thổ đến mũi Cà Mau, vì nội chiến xảy ra giữa hai nhà Nguyễn và Tây Sơn, cho nên Việt nam đã không xâm lăng hay can thiệp vào nội tình Chân Lạp trong một thời gian. Mãi tới năm 1833, quân Xiêm thừa lúc Lê Văn Khôi nổi loạn ở Gia Định đem quân đánh chiếm Chân Lạp. Vua Minh Mạng sai ông Trương Minh Giảng đem quân qua đánh dẹp. Chỉ trong vòng một tháng, quân nhà Nguyễn phá tan quân Xiêm, vua Minh Mạng đổi tên nước Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, chia phủ huyện cai trị. Đây là một trong những thời kỳ đen tối của lịch sử bang giao Việt Miên. Quan lại Việt nam cai trị dân Campuchia rất hà khắc. Công Chúa Ang Mey bị đưa về Gia Định, các quan chức Chân Lạp đã đầu hàng Việt nam bị đày ra Bắc.
Năm 1840, dân Campuchia nổi lên khởi nghĩa. Lãnh tụ khởi loạn tên Prom đã khuyến khích các thuộc hạ: Chúng ta khoan khoái giết hết người Việt, chúng có mạnh đến đâu chúng ta cũng không sợ. Câu nói đó cũng là một trong những quyết tâm của Pol Pot sau này. Năm đó quan quân Việt nam phải bỏ Trấn Tây Thành rút về An Giang. Ông Trương Minh Giảng buồn bực mà chết. Trong Việt nam sử lược, cụ Trần Trọng Kim viết về giai đoạn này như sau: Đây cũng là vì người mình không biết bênh vực kẻ hèn yếu, chỉ đem lòng tham tàn mà ức hiếp người ta, cho nên hao tổn binh lương, nhọc mệt tướng sĩ, mà lại phải sự bại hoại, thật là thiệt hại cho nước mình. Ít năm sau, sự can thiệp của Pháp vào Đông dương đã giúp Campuchia bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Tuy cả hai dân tộc đã cùng đấu tranh giành độc lập, nhưng những nguyên nhân căn bản như những tranh chấp đất đai và thái độ trịch thượng của người Việt đối với người Miên vẫn còn.
Thái độ trịch thượng này lại được sự đồng tình của người Pháp. Trước hết họ cho là người Việt khôn ngoan chịu khó hơn, nên đã dùng người Việt trong những chức vụ hành chánh cấp thấp để cai trị Campuchia. Để tiện việc hành chánh, họ gọi chung ba quốc gia có ba nền văn hoá, ba dân tộc ba ngôn ngữ khác nhau là Đông dương và mỗi khi nói đến Đông dương, thường họ nói về Việt nam, coi hai dân tộc kia là những dân tộc thiểu số. Đôi khi có xảy ra những tranh chấp biên giới, người Pháp thường thiên vị người Việt. Dĩ nhiên người Việt dễ dàng chấp nhận một quan niệm Đông dương như thế, nhưng đối với người Campuchia, trong ngôn ngữ của họ không bao giờ có chữ Đông dương. ý niệm Đông dương là một thực thể chính trị và địa lý không những được người Pháp dùng để giản dị hoá công việc cai trị thuộc địa, nó lại còn được Quốc tế CS công nhận.
Năm 1930, sau khi ông Hồ Chí Minh giúp thống nhất được ba phong trào CS riêng rẽ thành Việt nam CS Đảng thì Văn phòng Quốc tế CS đã nghiêm khắc phê bình danh xưng đó, cho đó là chủ nghĩa xô-vanh chật hẹp, bắt phải đổi lại thành Đông dương CS Đảng, dù cho lúc đó chưa có một đảng viên CS nào chính gốc người Lào hay Campuchia. Dĩ nhiên, những người CS Việt nam cũng dễ dàng chấp nhận danh xưng này. Năm 1934, trong một lá thư ngỏ gửi những đồng chí ở Campuchia, Đông dương CS Đảng nêu rõ rằng việc thành lập một Đảng CS Campuchia riêng biệt là một điều không thể thực hiên được, vì Đông dương bị thống trị bởi một đế quốc duy nhất, tất cả những lực lượng cách mạng phải đoàn kết lại và... Campuchia không có quyền thành lập một Đảng CS riêng.
Năm sau, 1935, tại đại hội Đông dương CS Đảng lần thứ nhất, những lãnh tụ CS Việt nam nêu mục tiêu thành lập một chính phủ Xô viết Đông dương, trong đó bao gồm người Việt nam, và thiểu số người Miên Lào. Những người thiểu số này chỉ có quyền tách ra thành lập một quốc gia riêng biệt sau khi đã đánh đuổi được đế quốc Pháp. Trong một cuốn sách của nhà xuất bản ngoại văn năm 1979, Việt nam lý luận rằng ý niệm về chính phủ Liên bang Đông dương đã chấm dứt khi Đông dương CS Đảng tuyên bố tự giải tán năm 1945. Nhưng thật ra trong nghị quyết của Đảng Lao động tháng 11-1951 vẫn có đoạn Đảng CS Việt nam giành quyền giám sát hoạt động của những đảng anh em ở Lào và Campuchia... Mai sau, nếu tình hình cho phép, ba đảng Cách mạng Việt nam, Campuchia và Lào có thể thống nhất thành một đảng duy nhất, đảng của Liên bang Việt Miên Lào.
Những kinh nghiệm chua xót trong lịch sử cùng ý niệm Liên bang Đông dương kể trên đã khiến hầu hết những lãnh tụ Campuchia, dù quốc gia hay CS, luôn bị ám ảnh và dễ dàng có những phản ứng quá khích. Trong thời kỳ Pháp thuộc, khi một số người Việt giúp người Pháp cai trị Campuchia, thì ở bên kia chiến luyến, sau khi Đông dương CS Đảng tuyên bố tự giải tán để kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân ba nước, những người CS Việt nam vẫn luôn giành lấy địa vị đi đầu, đàn anh. Họ viết luận cương cho Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Họ sử dụng lãnh thổ Lào và Campuchia để hành quân một cách tự do. Năm 1950, tướng Giáp có viết: Đông dương là một đơn vị chiến thuật duy nhất. một chiến trường duy nhất. Đó là một nhu cầu chiến lược dễ hiểu, vì quân đội Pháp đã dùng căn cứ ở cả ba lãnh thổ để mở các cuộc hành quân và vì hình thể đặc biệt của Việt nam, bị bó hẹp ở miền Trung, về phương diện quân sự sẽ dễ dàng bị chia cắt và cô lập nếu không sử dụng đất đai Lào và Campuchia. Do đó mà một cuộc chiến nào ở Việt nam cũng lôi cuốn theo những biến động chính trị và quân sự ở Lào và Campuchia, và một chính quyền Việt nam nào cũng mong muốn có một lân bang thân hữu, hay tốt hơn là chịu ảnh hưởng của mình.
Sau năm 1954, để chống lại áp lực của Nam Việt nam và Thái lan, Sihanouk dựa vào Trung hoa và nghiêng về Bắc Việt. Ông từ chối gia nhập khối Liên phòng Đông Nam Á, ngả theo đường lối trung lập không liên kết của khối Á Phi và nhắm mắt làm ngơ cho Việt cộng sử dụng vùng đất sát biên giới Việt nam làm mật khu và đường tiếp vận. Với đường lối đối ngoại đó, Sihanouk đã hoá giải sự ủng hộ của Trung hoa và CS Việt nam với CS Campuchia. Ông hy vọng nếu Bắc Việt thắng trận sẽ nhớ ơn và để yên cho ông. Không còn cách nào khác, Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Nam Việt nam lúc đó quay sang ủng hộ lãnh tụ đối lập Sam Sary, giúp tướng Đap Chuồn nổi loạn và có lần cho phép Đại sứ Ngô Trọng Hiếu mưu sát Sihanouk bằng bom. Tất cả những âm mưu kể trên đều thất bại và càng làm Sihanouk thiên về khối CS. Tuy nhiên hành động làm lơ cho bộ đội Việt nam thao túng ở vùng biên giới đã gây bất mãn trong quân đội Campuchia và đưa đến cuộc đảo chính của Lon Nol năm 1970.
Thời gian từ 1970 tới 1975 là thời gian hợp tác giữa hai lực lượng CS Việt nam và Campuchia. Nhưng sự hợp tác này chỉ dựa trên căn bản lợi dụng lẫn nhau. Tuy CS Campuchia đã bắt đầu đấu tranh vũ trang từ 1967, những năm đó là những năm Sihanouk đang cầm quyền và Việt nam thấy có thể lợi dụng được Sihanouk nên đã kìm hãm hoạt động của Khmer Đỏ. Từ 1970, sau khi Sihanouk bị lật đổ, hai năm đầu lực lượng Khmer Đỏ còn yếu, bộ đội Việt nam đảm nhiệm mọi cuộc hành quân và đã gây tổn hại nặng nề cho quân Cộng hoà Khmer trong hai cuộc hành quân Chân Lạp I và II, sau đó họ giao lại những lãnh thổ chiếm được cho Khmer Đỏ, và quân Khmer Đỏ chỉ thực sự chủ động chiến trường trong hai năm cuối của cuộc chiến. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó mối nghi kỵ ngàn xưa vẫn còn âm ỉ. Hơn ai hết, các lãnh tụ Khmer Đỏ biết rõ về ý định Liên bang Đông dương của Việt nam. Hơn ai hết, các lãnh tụ CS biết rằng tình hữu nghị anh em giữa các nước CS chỉ là chiêu bài cho sự thống trị của một đảng CS nước lớn đối với đảng CS nước nhỏ, và đảng CS nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên hết.
Chẳng hạn năm 1945, chính các lãnh tụ CS Pháp trong chính phủ liên hiệp đã bỏ phiếu tán đồng chính sách tái lập chế độ thuộc địa và chấp thuận ngân khoản cho quân viễn chinh Pháp trở lại Đông dương. Về nước năm 1953, là một người CS chính thống, đảng viên CS Pháp, Saloth Sar đã không gia nhập đảng Nhân dân cách mạng Campuchia mà phải gia nhập Đông dương CS Đảng. Người chấp nhận đơn gia nhập của Saloth Sar là Phạm Văn Ba, sau 1975 làm Đại sứ Việt nam tại Phnom Penh. Chi bộ CS của Saloth Sar lúc đó hoạt động ở gần biên giới phía đông Campuchia, gồm cả người Miên lẫn người Việt, dưới sự lãnh đạo của một cán bộ Việt nam. Theo Khiêu Thirith, em dâu Saloth Sar kể lại thì cán bộ Việt nam đã bắt những sinh viên từ Paris về làm những cộng tác vệ sinh và cần vụ và thời gian này chắc chắn đã để lại cho Saloth Sar nhiều kỷ niệm khó quên.
Một năm sau, hiệp định Genève ra đời, Pol Pot cay đắng nhìn sự tan rã của phong trào CS Campuchia và sự đấu tranh của họ bị Việt nam và các nước CS đàn anh như Liên xô và Trung hoa quên lãng. Đồng thời, khi ký thoả ước ngừng bắn với Delteil, Tạ Quang Bửu của Việt nam đã mặc nhiên thay mặt cả ba lực lượng CS Việt Miên Lào. Cảm thấy bị bỏ rơi năm 1954, bị kìm hãm trong những năm dưới thời Sihanouk, CS Campuchia lại thấy bị bội phản lần nữa khi phe CS ở Việt nam ký hiệp định ngừng chiến 1973, trong đó không quân Hoa kỳ sẽ chấm dứt hoạt động ở Việt nam, nhưng vẫn được tự do oanh tạc trên lãnh thổ Campuchia. Vì thế, đối với những tay lãnh đạo mới của CS Campuchia, Việt nam dù quốc gia hay CS đều là kẻ thù, và những cán bộ lãnh đạo cũ của thời Đông dương CS .Đảng đều là những kẻ khả nghi là có thân xác Campuchia mà tâm hồn Việt nam.
Trong nhóm đó, Siêu Hàng đã bội phản, về đầu thú Sihanouk, Tou Samouth có lẽ bị thanh toán sau khi đi Việt nam về năm 1963, Keo Meas bị bắt vào Tuol Sleng và bị xử tử. Người chủ tịch đảng đầu tiên Sơn Ngọc Minh tập kết đi Hà nội năm 1954. Theo Hà nội, Sơn Ngọc Minh bị Trung hoa và nhóm Pol Pot đánh thuộc độc chết khi sang thăm Bắc kinh năm 1972. Trong những năm của chính quyền Sihanouk, là một người khôn khéo, ông ta đã lợi dụng tình hình nội chiến ở Việt nam để củng cố quyền hành hơn là tìm cách gây hấn, việt kiều ở Campuchia hồi đó được yên ổn làm ăn. Nhưng sau khi ông ta bị lật đổ, mối hiếm khích cũ của hai dân tộc lại được các lãnh to của hai phe khơi ra khai thác và lợi dụng. Tuy ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau, Lon Nol và Pol Pot đã có một số đặc điểm chung là sự thù hận Việt nam và giấc mơ tái lập một thời đại Angkor vàng son cũ. Cả hai đều có những đánh giá gần như không tưởng về khả năng của chính mình.
Trong khi Pol Pot tính một người Campuchia giết được ba mươi người Việt, thì Lon Nol hy vọng với một quân đội ba mươi lăm ngàn quân trang bị yếu kém và thiếu huấn luyện có thể đánh đuổi được bộ đội Việt cộng ra khỏi biên giới. Tinh thần bài Việt nam của Lon Nol đã được bộc lộ công khai nhiều năm trước khi đảo chánh. Ông ta đã luôn gọi Nam Việt nam là Khmer Hạ và ông đã thiết lập Viện khmer Mon, mà tờ đặc san đầu liên có in bản đồ Campuchia trong đó lãnh thổ bao gồm đồng bằng sông Cửu Long và một phần đất của Thái lan. Ngay sau khi đảo chánh, Lon Nol ra lệnh thiết lập những trại tập trung để giam giữ kiều dân Việt nam. Chính phủ Campuchia lúc đó công nhận có giam giữ khoảng ba chục ngàn Việt kiều trong trại và bảy ngàn Việt kiều trong tù. Ngày 10-4-1970, Lon Nol cho lính bắn chết một số người Việt ở Prasaut và Chui Changwan. Hàng trăm xác người bị thả trôi trên sông Bassac. Vì áp lực quốc tế sau đó, Lon Nol phải chấm dứt hành động tàn sát và để cho tàu Hải quân Việt nam cộng hoà lên đón Việt kiều về. Số người còn ở lại, hoặc nhờ giấu được tung tích, hoặc sống trong vùng Khmer Đỏ kiểm soát sau này cũng bị Khmer Đỏ thanh toán hết.
Trong thời gian đó vì còn phải nương tựa vào bộ đội Việt nam, nên Khmer Đỏ chỉ có thể tiêu diệt người Việt và chặt đứt những quan hệ với Việt nam một cách âm thầm. Trước hết Pol Pot từ chối thành lập một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp trên đất Miên. Sau đó, những cán bộ hồi kết từ Hà nội về bị thủ tiêu. Đến năm 1973, sau khi thấy đã đủ mạnh, Khmer Đỏ áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn. Họ thành lập những hợp tác dọc theo biên giới, gom dân vào đó để kiểm soát chặt chẽ. Vòng ngoài những hợp tác họ đặt chông và mìn. Tiền tệ bị tiêu huỷ. Quân Việt nam bắt đầu bị trở ngại trong việc thu mua lúa gạo và di chuyển quân đội. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ bắt đầu xảy ra. Nhưng trong thời gian đó, Việt nam đang bận tâm về kế hoạch chiếm miền Nam nên đã không phô bày những nạn rứt giữa hai nước CS. Chỉ sau khi Bắc Việt đã chiếm được miền Nam và Pol Pot đã thắng được Lon Nol, những vấn đề cũ lại bộc lộ ra và ngày càng trầm trọng, đưa đến một cuộc chiến tương tàn giữa hai nước CS mà mối liên hệ mới mấy năm trước đã được Việt nam mô tả là tình hữu nghị trong sáng thuỷ chung, làm mẫu mực cho những quan hệ quốc tế?.
Theo Trái Tim VN Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét