Gia Minh,
biên tập viên RFA, Bangkok
Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau trong việc thành lập ra đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền. Luồng ý kiến thứ nhất từ phía những người ủng hộ đảng Cộng sản cho rằng chưa có căn cứ pháp luật cho việc làm đó; phía muốn thành lập đảng đối lập thì nói Hiến pháp không cấm công dân.
Kêu gọi tranh luận công khai
Luật sư Trần Vũ Hải hiện đang làm việc tại Hà Nội vừa có đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt nam cho ý kiến về vấn đề thành lập và tham gia một đảng ngoài đảng Cộng sản Việt Nam, dưới góc độ pháp luật Việt Nam.
Gia Minh hỏi chuyện luật sư Trần Vũ Hải về đề nghị đó. Trước hết ông nhắc lại lý do viết đề nghị.
Luật sư Trần Vũ Hải: Vấn đề này đã được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm; thậm chí như báo Quân đội Nhân dân cũng đã đăng nhiều bài; truyền thông trong nước và quốc tế cũng có (nêu) vấn đề đó. Cho nên theo chúng tôi phải đặt vấn đề này quan trọng. Và theo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có trách nhiệm giải thích Hiến Pháp, luật và pháp lệnh; nên phải có ý kiến. Còn sau này nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà không có ý kiến dẫn đến việc họ thành lập đảng hoặc làm việc gì đó mà cho rằng a, b, c nào đó thì Ủy ban Thường Vụ Quốc hội phải đồng chịu trách nhiệm.
Gia Minh: Từ năm 1975 đến năm 1988, ở Việt Nam vẫn còn 3 đảng cùng hoạt động, nhưng sau đó hai đảng Dân chủ và đảng Xã hội không còn nữa. Đến năm 2006, ông Hoàng Minh Chính, tổng thư ký đảng Dân chủ muốn phục hoạt lại nhưng không được theo như sở nguyện, vậy cơ sở để phản bác cho chuyện đó từ lúc ấy đến bây giờ ra sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Chúng tôi không có ông Hoàng Minh Chính, nhưng theo tôi các nhà luật học và các cơ quan chức năng cần phải chính thức; chúng tôi cho rằng đây là vấn đề không phải mới nhưng quan trọng và được đặt ra nên cần phải giải quyết.
Gia Minh: Luật sư đánh giá khả năng có trả lời và chấp nhận cho những quan tâm mà mọi người đang nêu ra như vậy ra sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi tin ít nhất họ phải nghiên cứu, còn việc trả lời hay không là quyền của họ; nhưng như chúng tôi đã nói nếu họ không trả lời, không công bố công khai là một vấn đề. Theo chúng tôi biết một số giáo sư đã bàn thảo về vấn đề này và trong nội bộ hay bán chính thức cũng có thể bàn. Nhưng chắc chắn theo chúng tôi phải bàn và theo đề nghị của chúng tôi phải bàn luận một cách công khai vì đây là vấn đề quốc gia, vấn đề dân chủ, vấn đề pháp quyền; nên chắc chắn phải bàn không thể né tránh được.
Gia Minh: Lâu nay người ta cũng nói đến vấn đề dân chủ, nhưng quan niệm của đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ thì khác, đó là ‘dân chủ tập trung’.
Luật sư Trần Vũ Hải: Ở đây chúng tôi không nói về đảng mà gửi cho Nhà nước và các giáo sư, tôi nghĩ rằng họ sẽ tranh luận với nhau, với chúng tôi và với bất kỳ một công dân nào rằng hiện nay pháp luật như thế ‘có thành lập được đảng hay không’.
Gia Minh: Dù không phải đảng nói, nhưng tất cả các cơ quan quốc hội và chính phủ đều nói ‘dân chủ tập trung’, thưa ông?
Luật sư Trần Vũ Hải: Chúng tôi muốn rằng mọi người cần phải phát biểu một cách chính thống, họ phải sẽ có văn bản, phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình, lịch sử sẽ phán xét, và tôi muốn nói ngay cả những đồng nghiệp của họ và những giáo sư luật cũng sẽ nhận xét. Vì điều gì ông có thể nói về quan điểm của mình đi nữa; nhưng khi ông định cấm người khác thì phải có cơ sở pháp luật; vậy ông phải chỉ ra cơ sở pháp luật là qui định nào. Nếu không cấm người ta có quyền làm không? Nếu người ta làm, cần làm như thế nào, cũng phải nói. Ở đây chúng tôi hy vọng có một cuộc tranh luận dân chủ, khoa học.
Gia Minh: Ngay từ đầu luật sư nói báo Quân đội Nhân dân có đưa ra một số ý kiến?
Luật sư Trần Vũ Hải: Một số ý kiến nhưng đó là cảm tính, không dựa trên cơ sở pháp lý; chúng tôi chưa thấy một nhà khoa học luật nào phản bác cả. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhà khoa học luật nào sẽ phản bác, hoặc đồng ý hoặc phản bác, hoặc tranh luận… Hiện nay chỉ là những ý kiến của những người mà chúng tôi cho là khá cảm tính.
Gia Minh: Qua một số những sự việc vừa qua mà lúc đầu người ta nói cho tranh luận công khai như việc góp ý cho sửa đổi hiến pháp và cho đến lúc này vẫn chưa đi đến kết quả gì, nay lại có thêm đề nghị tranh luận công khai về việc thành lập đảng như thế này nữa, những người bi quan cho như thế thì luật sư nói sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Chúng tôi nói rằng nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ là những nhà trí thức, ít rằng họ cũng tôn trọng pháp luật thì họ phải trả lời những vấn đề đó dựa trên cơ sở pháp luật. Và khi họ trả lời thì họ sẽ phải thận trọng hơn. Họ sẽ nói một cách đàng hoàng, công khai. Chúng tôi tin là như vậy, còn nếu họ lảng tránh vấn đề này thì người ta sẽ nói bản thân họ cũng chưa tự tin lắm trong vấn đề này. Chúng ta thấy rằng. Ở đây chúng tôi không nói đến nhà lãnh đạo đảng. Đảng tất nhiên muốn thế này, thế khác; nhưng chúng tôi muốn nói các nhà lãnh đạo của nhà nước.
Chúng tôi gửi đến cho chủ tịch nước, chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội thì họ phải nói chứ. Trong khi đó chúng tôi thấy trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều chuyên gia về pháp luật như ông Uông Chu Lưu, ông Nguyễn Văn Hiện, ông Phan Trung Lý. Những ông đó nếu cho rằng việc thành lập đảng ngoài đảng Cộng sản Việt Nam là sai trái thì phải chứng minh bằng pháp luật Việt Nam hiện nay, bằng Hiến pháp, bằng những Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…
Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một tranh luận thú vị sẽ xảy ra; còn nếu các ông không tranh luật thì người ta sẽ không tin. Giống như các phiên tòa, nếu như không tranh luận lại thì người ta nói rằng bị yếu thế, đuối lý… Tôi tin đây là những vị tiến sĩ, giáo sư đầu ngành họ sẽ tranh luận. Có thể họ sẽ không tranh luận công khai, tranh luận trong nội bộ; nhưng chúng tôi rất mong muốn có cuộc tranh luận công khai, không có gì phải giấu diếm cả. Nếu họ không tranh luận công khai cũng là điểm yếu.
Gia Minh: Những vị mà ông mới nêu tên họ cũng là đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam?
Luật sư Trần Vũ Hải: Ông Lê Hiếu Đằng cũng là đảng viên (đảng Cộng sản Việt Nam). Họ cũng có những quan điểm; nhưng trước mắt là quan điểm pháp luật đã. Tự nhận là nhà nước pháp quyền thì phải trên quan điểm pháp luật đã chứ không thể trên quan niệm của Đảng. Cái này phải rõ, và theo tôi đã rõ rồi.
Gia Minh: Cơ sở luật pháp của Việt Nam vẫn còn nhiều lổ hổng, thiếu cơ sở, thưa luật sư?
Luật sư Trần Vũ Hải: Điều này chúng tôi không bình luận được, vì nhà nước, quốc hội ban hành luật. Thế nhưng các luật sư khi làm việc luôn nghiên cứu pháp luật; xem việc mà thân thủ, khách hàng, người yêu cầu trợ giúp, luật có cấm không. Nếu được làm thì phải làm thế nào, chứ chúng tôi không phải là người sáng tác ra luật.
Gia Minh: Cám ơn luật sư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét