Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Hậu sự của ngôi biệt thự

Hậu sự của ngôi biệt thự


Minh Diện
Chia sẻ bài viết này

Sắp động quan mà vẫn chưa có người bưng bát nhang, cầm di ảnh. Ông Trưởng ban tang lễ chạy ra chạy vào, mặt mày nhễ nhại mồ hôi. Mấy vị quan chức cấp cao đến viếng đứng chắp tay trước bụng phệ, cố làm ra vẻ xúc động nghiêm trang trong khi nghe điếu văn, đã mệt mỏi, sốt ruột muốn chui vào xe, ngả người trên nệm ghế mát lạnh tránh cái nắng oi nồng và không khí ồn ào.
Quá giờ động quan mấy phút, tang chủ vẫn chưa cắt người bưng bát nhang và di ảnh, Trưởng ban tang lễ đành kéo hai thanh niên vào làm việc đó.
Có tiếng lao xao phản đối:
- Sao lại làm thế?
- Con cháu đâu mả để người ngoài bưng bắt nhang?
- Thằng Hoàng, thằng Thắng đâu?
Tiếng nhạc đồng loạt tấu lên át tiếng xôn xao. Người nhà đòn hấp tấp khiêng linh cữu người quá cố đặt lên xe tang. Đúng lúc đó, Hoàng và Thắng, hai đứa cháu nội người quá cố từ phòng trong bước ra, đầu không đội khăn tang, mặt câng câng, ngực ưỡn ra như thách thức. Hai đứa bước thẳng ra đường không thèm ngoái lại nhìn quan tài ông nội.
Người nằm trong quan tài ấy là ông Bộ, sau gần hai năm bị tai biến, ra đi ở tuổi 93. Ông là một cán bộ lão thành, 70 tuổi đảng, chức vụ lúc nghỉ hưu ngang bộ trưởng, nên tang lễ ông được cơ quan tổ chức rất trang nghiêm. Chỉ có điều không có người bưng bát nhang.
Ông Bộ có hai người con trai, hai người con gái,đều có bằng cấp và là cán bộ đảng viên, có vai vế trong xã hội, cháu nội, cháu ngoại đông đúc, du học nước ngoài đàng hoàng. Vợ ông từng là bí thư đảng ủy một trường đại học, hiện đang sở hữu căn hộ sang trọng ở Phú Mỹ Hưng. Nói chung gia đình ông thuộc loại quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý. Không hiểu tại sao đám tang ông lại để xảy ra lủng củng như vậy?
Là người đồng hương với ông Bộ có mặt trong đám tang, tôi cảm thấy rất buồn. Trên đường từ Nghĩa trang thành phố về, tôi tò mò hỏi anh Thao, đại diện Hội đồng hương trong ban tang lễ, anh Thao chép miệng bảo:
- Vàng! Cũng do vàng mà ra cả!
Rồi anh Thao kể cho tôi nghe chuyện tranh giành vàng trong gia đình ông Bộ.
Ông Bộ sinh năm 1920, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Sau cách mạng tháng Tám, ông hoạt động trong lĩnh vực kinh tài của đảng. Ông vào Nam từ năm 1970, và năm 1975, cầm đầu một cơ quan vào tiếp quản Sài Gòn.
Cơ quan ông được giao một ngôi biệt thự ở đường Tú Xương để đặt trụ sở làm việc. Ngôi biệt thự nằm ở vị trí đắc địa, kiến trúc hiện đại, tiện nghi sang trọng, trong khuôn viên ba ngàn mét vuông, kín cổng cao tường cây xanh bóng mát, là trụ sở công ty của một tư sản mại bản, một “ông vua” trong ngành công nghiệp thực phẩm chế độ cũ, đi di tản để lại.
Với lý do ngôi biệt thự quá rộng, cơ quan sử dụng không hết, ông Bộ bố trí cho vợ con mình chuyển từ Hà Nội vào ở ba bốn phòng. Ông bảo làm như vậy để tiết kiệm cho nhà nước, cơ quan khỏi phải thuê nhà cho gia đình ông ở.
Nhưng chả bao lâu, thì mọi người hiểu ra thủ đoạn của vị lão thành cách mạng! Ông Bộ chuyển cơ quan đi nơi khác, dành toàn bộ ngôi biệt thự cho gia đình ông. Là thủ trưởng một cơ quan kinh tài, quan hệ rộng, uy tín cao, ông lảm việc ấy dễ như trở bàn tay, bố bảo thằng nào dám ho he thắc mắc!
Gia đình ông Bộ chiếm ngôi biệt thự, nhưng trên danh nghĩa, núp bóng “ở nhà Nhà nước”. Ngôi biệt thự ấy do Sở nhà đất quản lý. Tiền thuê nhà do cơ quan ông Bộ trả. Tiền điện, tiền nước, thậm chí tiền đổ rác cũng do cơ quan chịu. Hỏng chỗ nào Sở nhà đất phải lên kế hoạch, bỏ tiền sửa chữa. Rất đều đặn, cứ sáu tháng một lần, cơ quan quản lý lại tổ chức một đoàn kiểm kê tài sản. Từ cái vại muối dưa sứt mẻ trong bếp, cái ghế đá gãy chân ngoài gốc cây, đến chiếc đàn Piano bóng lộn trong phòng khách, kiểm kê tuốt. Từ ngôi biệt thự đến các loại tài sản ấy là của Nhà nước cả đấy! Mỗi loại đều có danh mục đàng hoàng trong sổ sách, và có một mảnh giấy bằng hai ngón tay, ghi ngày tháng kiểm kê, đánh giá tỷ lệ phần trăm còn lại, đại diện đảng, chính, công, thanh cùng ký tên vả đóng dấu đỏ choét dán vào. Lãng phí không biết bao nhiêu là tiền bạc công sức cho cái chính sách bao cấp kiểu đười ươi giữ ống nứa !
Rồi cũng như nhiều khác, ông Bộ được mua hóa gíá ngôi biệt thự. Nói mua cho có vẻ sòng phẳng, thực ra chẳng khác gì biếu không. Cái gọi là giá của Nhà nước, thực chất là của các vị chức quyền đề ra để “hóa” cho nhau, hóa công thành tư!. Giá rẻ hơn bèo, lại bớt đầu, bớt đuôi, trừ ngược trừ xuôi theo tiêu chuẩn, chế độ gần hết.
Ông Bộ được ưu tiên lão thành cách mạng này, thâm niên tuổi đảng này, cán bộ cao cấp này... Nên ngôi biệt thự và khuôn viên đất gần ba ngàn mét vuông, chỉ phải trả số tiền tương đương 50 lượng vàng. Số tiền ấy lại được ghi nợ, khi thanh toán đã mất giá nhiều lần. Rốt cục, ngôi biệt thự giá thị trường hàng ngàn lạng vàng, ông Bộ chỉ mất ba chục lạng.
Người chủ cũ, di cư từ Bắc vảo năm 1954, phải mất 18 năm làm ăn mới xây được ngôi biệt thự ấy. Còn Đỗ Cao Trí, một viên tướng mà báo chí chúng ta không tiếc lời bêu xấu là giàu ngất trong hàng ngũ tướng tá Quân lực Việt Nam cộng hòa nhờ tham nhũng và buôn lậu ma túy, thì chỉ có một ngôi biệt thự 200 m2 ở cư xá Bắc Hải.
Trong “ Tuyên ngôn cộng sản” ngày 21-2-1848 có đoạn: “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới!”
Ông Bộ tham gia cách mạng năm 17 tuổi với hai bàn tay trắng. Sau giải phóng miền Nam ông được hàng ngàn lạng vàng. Ông không mất gỉ, nhưng nhân dân ta đổ quá nhiều xương máu, hàng triệu người dân vẫn không có đất dể sinh sống, khó khăn về nhà ở...
Cũng như nhiều người khác, ông Bộ không nghĩ tới điều đó. Ông rất chóng quên lúc hàn vi, ngoảnh mặt làm ngơ trước những người từng cưu mang mình. Ngôi biệt thự kín cổng cao tường không bao giờ tiếp những người nghèo.
Hình như có một sự báo ứng nhãn tiền. Gia đình ông không mấy khi yên ả, mà sóng gió luôn nổi lên, bốn người con đều rắc rối chuyện hôn nhân.
Người con gái đầu tên là Hiền sinh năm 1950, phó tiến sỹ kinh tế, chồng là đại tá quân đội. Hai người có hai đứa con, một trai một gái, và đã có cháu nội, cháu ngoại. Thế mà khi bà Hiền sang cộng hòa Séc công tác một năm tằng tịu ngay với một chàng trai kém mình mười hai tuổi, làm um sùm, phải ly hôn ông đại tá. Người con trai thứ hai tên Vinh, sinh năm 1952, lấy người vợ đầu sinh được một con trai. Năm 1980, Vinh sang Liên Xô học, ở lại làm luận án tiến sĩ, yêu một người cùng nhóm, đã có chồng con. Cuộc đánh ghen xuyên quốc gia nháo nhào, kết quả Vinh bỏ vợ, ả kia bỏ chồng lấy nhau, sinh được đứa con gái thì mắc bệnh suy thận. Người con gái thứ ba tên Hà, sinh năm 1957, là nhà giáo lấy chồng cũng là nhà giáo, sinh được một con gái, thì ly dị. Bà Hà lấy người khác sinh thêm một đứa con trai, chồng ngoại tình, lại bỏ kiếm chồng khác. Người con trai út tên Quang, sinh năm 1960, theo ngành công an, đã lên tới trung tá nhưng bỏ, ra làm kinh tế, đời vợ trước cũng là một sỹ quan công an, sinh được một con trai, đời vợ sau là một ca sĩ phòng trà ăn diện ngất ngưởng, bồ bịch khó đếm..
Các con cháu ông Bộ bám riết lấy ông. Dù có vợ, có chồng, có con, có cháu, nhà cửa khang trang, họ vẫn nhập hộ khẩu với ông, vẫn ở chung ngôi biệt thự Tú Xương. Hai người con dâu đã ly dị chồng cũng dứt khoát không cắt hộ khẩu và không rời khỏi căn phòng cũ. Tuy không lấy chồng khác, nhưng thình thoảng lại dẫn bồ bịch về ăn ở với nhau công khai trêu ngươi ông bà Bộ.
Khi ông Bộ còn đương chức đương quyền, bổng lộc đến ngôi biệt thự Tú Xương như nước chảy chỗ trũng. Những ngày lễ tết, rượu ngoại người ta biếu xếp chật hầm rượu, phong bao không đếm xuể. Khách khứa toàn cỡ tai to mặt lớn, quyền hành trong tay, ra vào nườm nượp. Chỉ cần ngồi cạnh bố tiếp khách, mở lời một câu, nâng bi người này, phạt góc kẻ kia, xin cho người này vào chỗ này, người khác vào chỗ kia, rồi học hành, thi cử, đề bạt, đặc biệt moi các dự án, quy hoạch... là kiếm chác hàng xấp đô la. Thực tình nhiều khi ông Bộ không biết những trò ma giáo ấy, nhưng nếu biết ông cũng lơ đi, hoặc bất quá cũng nói vài lời làm phép.
Tiền bạc đến dễ bao nhiêu thì nó cũng ra đi nhanh bấy nhiêu. Con cái ông Bộ hốt tiền như nước, nhưng vào đằng trôn nôn đằng miệng. Ông Vinh thì vợ suy thận, chạy thận chán phải thay, vẫn èo uột không ra người. Ông Quang bị viên gan, hết sang Singapore lại sang Quảng Châu, Trung quốc ném tiền cho mấy gã lang Tàu. Nhưng phá tiền tàn bạo phải kể đến quý tử Hoảng của ông Vinh, quý tử Thắng của ông Quang và các công chúa của bà Hiền, bà Hà.
Ông Bộ nghỉ hưu, bổng lộc mất dần, các cuộc thăm viếng chỉ còn hình thức chiếu lệ. Từ khi ông bị tai biến, phài ngồi xe lăn, thì phòng ông vắng tanh vắng ngắt như cái nhà mồ. Ngoài bà Bộ chỉ có người giúp việc ngày đêm ở bên cạnh lo ăn uống thuốc thang và lau chùi cho ông.
Trái lại những chuyện tai tiếng bay vào như bầy nhặng. Chuyện ông dùng thủ đoạn chiếm ngôi biệt thự, chuyện ông tham nhũng, nâng người này, đạp người kia đến chuyện gái gú. Có chuyện thật, có chuyện bịa, đa số ít xít ra nhiều làm bệnh ông thêm trầm trọng. Lúc còn chức quyền được nghe toàn những lời ca ngợi, khi thất thế vể vườn, phải nghe chửi rủa, ông Bộ mới ngộ ra sự thối nát chốn quan trường, nhưng đã muộn. Ông lo sợ chính con cháu ông sẽ chà đạp lên ông, tranh giành tài sản, nên đã nói với vợ ý định cùa mình là bán ngôi biệt thư đi, phân chia cho từng thành viên trong gia đình, tránh hậu họa về sau.
Theo ý chồng, bà Bộ bán ngôi biệt thự, chia cho bốn người con ruột mỗi người 1.000 lạng vàng, hai người con dâu đã ly dị mỗi người 500 lạng, còn lại bà mua căn hộ ở Phú Mỹ Hưng đưa ông Bộ xuống đó sống những ngày cuối cùng của cuộc đời và gửi ngân hàng để bản thân mình dưỡng già.
Cứ tưởng bỗng dưng được một đống vàng như vậy thì “những đứa con của gấu mẹ vĩ đại” sẽ hoan hỉ nắm tay nhau và rước kiệu hồng ông Bộ đến nhà mới, nào ngờ cuộc chiến tranh bùng nổ.
Cô con gái bà Hiền lên tiếng:
- Phải chia đều cho tất cả mọi người, không phân biệt gái trai, già trẻ!
Ông Vinh nói:
- Con này láo! Mày coi cá mè một lứa à?
Ông Quang tiếp:
- Ngôi biệt thự là tiêu chuẩn của ông. Quyền ông bà cho ai bao nhiêu hưởng bấy nhiêu!
Cô con gái bà Hiền đốp lại:
- Cậu sai rồi! Nếu không có ngần này thành viên trong gia đình thì tết người ta mới cấp ngôi biệt thự to dùng cho ông, hiểu chửa?
Hai người con dâu mỉn cười ký nhận 500 lạng vàng, làm như không tranh chấp. Ngờ đâu họ chơi một cú lật kèo độc địa!
Theo hợp đồng, khi nào toàn thể gia đình ông Bộ chuyển đi, thì bên mua mới thanh toàn hết tiền cho bên bán. Nắm được thóp đó, Hoàng, và Thắng tư vấn cho mẹ nhân 500 lạng vàng, rồi án binh bất động không di chuyển, đòi chia thêm 500 lạng. Hai đứa cháu nội ông Bộ đã dùng cái thủ đoạn mà ông đã dùng hơn ba chục năm trước để chiếm ngôi biệt thự.
Cuộc tranh chấp khốc liệt. Ông Vinh, ông Quang, bà Hiền, bà Hà một phe, hai người con dâu đã ly dị một phe. Phe ông Vinh cho rằng đã ly dị, không có quyền hưởng thừa kế của bố mẹ chồng. Phe vợ cũ ông lại cho rằng, tuy li dị nhưng họ không lấy chồng khác, vẫn ở ngôi nhà này, nuôi con khôn lớn, và con họ là cháu đích tôn ông Bộ.
Những đứa cháu nội, ngoại lên tiếng, đứa ủng hộ phe này, đứa ủng hộ phe kia nháo nhào. Cha mẹ, vợ con, bà cháu, anh em lao vảo mổ xẻ, tranh chấp, giành giựt nhau. Luật sư phe này bác điều luật của luật sư phe kia nêu ra. Hòa giải hết phiên này phiên khác bất thành. Cuối cùng đưa nhau ra Tòa.
Phiên tòa ấy, bên nguyên là Hoàng con ông Vinh, Thắng, con ông Quang, bên bị là ông Bộ, bà Bộ. Hai ông bà tóc bạc phơ đối diện trước pháp đình với hai đứa cháu đích tôn. Bà Bộ còn tỉnh táo lau được những giọt nước mắt trên hai gò má nhăn nheo, ông Bộ ngồi trên chiếc xe lăn, không gượng nổi cái cổ để nhìn hai đứa cháu mặt câng câng,và không cất được một lời. Tại phiên tòa, Hoàng và Thắng bị bác đơn kiện, hai đứa tuyên bố từ bố và ông bà nội vì đối sử bất công với chúng.
Ông Bộ chết, Hoàng và Thắng ở nước ngoài vội vã bay về, ra tối hậu thư, yêu cầu bà Bộ làm văn bản giao căn hộ Phú Mỹ Hưng và số vàng gửi trong ngân hàng cho chúng. Đổi lại, Hoàng và Thắng sẽ bãi bỏ lời tuyên bố ở phiên tòa, đội khăn tang, bưng bát nhang, cầm di ảnh ông Bộ. Hai bên, một lần nữa không hòa giải được, và hai đứa cháu nội không đội tang.
Câu chuyện đám tang ông Bộ có lẽ không phải là cá biệt. Trong xã hội ngày nay không thiếu những người rồi sẽ phải trả giá như ông Bộ. Trớ trêu là: Dù sao, họ vẫn có một lý lịch về đời hoạt động của một cộng sản chân chính, suốt đời hy sinh cống hiến...và "vui sau cái vui của thiên hạ".
Minh Diện

1 nhận xét: