Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Hình thức tham nhũng tinh vi mới trong xây dựng cơ bản

Cây cầu tỉ đô ăn vay lớn nhất Đông Nam Á, biểu tượng hữu nghị Việt Nhật, cầu dây văng được đồn thổi là sử dụng công nghệ hiện đại nhất, thời gian qua đã gắn liền với bao tai tiếng. Nào là chậm tiến độ, tiêu cực trong giải phóng mặt bằng, cố tình làm sai quy hoạch, thi công ẩu, mất an toàn rơi cả thanh sắt lớn xuống đường gây thương tích cho người tham gia giao thông, chất lượng công trình kém với nhiều vết rạn nứt. Biểu tượng hữu nghị Việt Nhật vừa rồi lại xuất hiện một hình thức tham nhũng mới, rất tinh vi và mở đường cho tham nhũng tại các siêu công trình khác trong cả nước.


Nhà thầu Tokyu xây dựng cầu Nhật Tân, với sự đồng thuận cao của Bộ GTVT, đã đòi Việt Nam bồi thường 155 tỉ đồng do chậm giao mặt bằng. Theo văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17/10/2009 của Thủ tướng Chính  phủ (do ông Nguyễn Sinh Hùng ký thay), giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình trên cả nước được tách thành các dự án độc lập và phải giao UBND tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện, sau đó bàn giao cho chủ đầu tư mặt bằng sạch để triển khai xây dựng công trình. Như vậy, công tác GPMB tại dự án cầu Nhật Tân hoàn toàn thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội (quy định rất rõ) vốn là nguyên nhân chính gây chậm tiến độ khiến nhà thầu Tokyu đòi Việt Nam đền 155 tỉ, và công tác này hoàn toàn độc lập với dự án xây dựng cầu (Bộ GTVT làm chủ đầu tư).
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã cố tình “lập lờ” trách nhiệm trên. Được các quân sư tư vấn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cùng Đinh bộ trưởng rất sốt sắng trong việc giải quyết đền bù cho nhà thầu này. Với tốc độ chóng mặt, hồ sơ đòi đền bù của nhà thầu đã nhanh chóng vượt qua hàng chục cửa ải giấy tờ của các bộ chức năng với sự “đồng thuận cao” của các bộ này và lập tức có mặt trên bàn Thủ tướng vào cuối tháng 7/2013 để chờ phê duyệt. Để xoa dịu dư luận, quan chức các bộ gọi đây là khoản mà Việt Nam “hỗ trợ” nhà thầu và họ rất lúng túng, bất nhất khi trả lời phóng viên các báo. Trong khi Việt Nam còn đang bưng bít thông tin thì tờ Thời báo Nhật Bản (Japan Times – ngày 12/8/2013) đăng bài công khai thông tin nhà thầu Tokyu đã chiến thắng trong vụ kiện đòi Việt Nam ĐỀN BÙ 155 tỉ đồng (họ dùng chữ ĐỀN BÙ chứ không phải từ HỖ TRỢ mà quan chức Việt Nam cố tình nói trẹo đi).
Cần khẳng định việc Bộ GTVT (chủ trì) tự ý lấy 155 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước (vốn là tiền thuế của dân) để đưa cho nhà thầu thuộc dự án mình quản lý là việc làm đầy khuất tất. Có thể kể ra một vài chi tiết: Thứ nhất, Bộ này cùng các Bộ chức năng không dám công khai hạng mục cùng đơn giá đền bù cho nhà thầu. Theo quy định của Việt Nam, mọi cho phí công trình đều phải tính toán theo đơn giá xây dựng của Bộ XD và Bộ Tài chính ban hành. Thứ hai, cần có cơ quan giám định độc lập thực hiện giám định những thiệt hại mà nhà thầu đòi đền bù. Việc này không thể làm theo kiểu nhà thầu nộp hồ sơ kê hàng trăm tỉ thiệt hại lên rồi một cơ quan cỏn con của Bộ GTVT chóng vánh chấp nhận nó như là chân lý để làm cơ sở đền bù. Thứ ba, nếu vụ việc chỉ dừng lại ở mức độ tranh chấp kinh tế thì phải được giải quyết bằng tài phán của cơ quan trọng tài độc lập, còn nếu lên đến mức độ kiện tụng thì phải giải quyết bằng quyết định của tòa án có thẩm quyền. Thứ tư, giải phóng mặt bằng tại cầu Nhật Tân là trách nhiệm của UBND TP Hà Nội. Tại sao Bộ GTVT lại quá sốt sắng nhảy vào gánh trách nhiệm thay UBND TP Hà Nội một cách vô nguyên tắc (trong khi ai cũng biết các vị rất giỏi cái món đùn đẩy trách nhiệm)? Thứ năm, khoản đền bù không thể lấy từ bất cứ nguồn nào khác mà phải lấy từ ngân sách thuộc TP Hà Nội quản lý. Việc Bộ GTVT (chủ trì) giải quyết đền bù cho nhà thầu theo cách của riêng họ là hoàn toàn trái với các quy định về đơn giá định mức, quy định về quản lý xây dựng cơ bản, quy định về giải phóng mặt bằng, quy định về quản lý ngân sách và đặc biệt trái với văn bản 1665/TTg-CN ngày 17/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ (do ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký thay, mà ông này đang làm Chủ tịch Quốc hội).
Việc Bộ GTVT (chủ trì) cố tình làm trái các quy định hiện hành của Việt Nam trong giải quyết “đền bù” 155 tỉ cho nhà thầu nước ngoài đã mở đường cho một hình thức thất thoát, tham nhũng mới trong xây dựng cơ bản. Đó là thông đồng với các nhà thầu để kiện chính mình, sau đó mình lại là người đi giải quyết việc lấy ngân sách nhà nước “đền” lại cho nhà thầu. Tại Việt Nam, trẻ con lên 3 cũng biết rõ những đồng tiền trên cuối cùng sẽ rơi vào túi nào. Hiện tại, vài chục nhà thầu Trung Quốc trong các dự án xây dựng khắp cả nước đang chờ tiền lệ này xong xuôi sẽ làm hồ sơ đòi Việt Nam đền bù (hầu hết các công trình lớn của Việt Nam hiện do Trung Quốc thi công). Như vậy, hệ lụy của việc Bộ GTVT cố tình làm trái pháp luật là vô cùng lớn. Nó khuyến khích các nhà thầu thay vì làm ăn nghiêm chỉnh, lại tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở trong quản lý nhà nước, cấu kết với quan chức để tham ô từ ngân sách nhà nước dưới hình thức mới rất tinh vi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét