Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Lăng Ba Vi Bộ

Lăng Ba Vi Bộ


Langbavibo1
Nguyễn đạt Thịnh

Tác giả Kim Dung vẽ ra được võ công Lăng Ba Vi Bộ, một thế võ ngộ nghĩnh nhưng tuyệt diệu; ông đề cao Lăng Ba Vi Bộ bằng nhân vật Đoàn Dự, một thanh niên ngây ngô, khờ khạo, không tự mình dấn thân vào chốn võ lâm gió tanh, mưa máu (Bốn chữ gió tanh, mưa máu cóp lại của anh Phạm Huấn).

Lăng Ba Vi Bộ không chủ trương tấn công, mà chỉ tránh né để không bị đối phương đánh trúng; bài báo này nhắc lại thế võ giả tưởng đó, vì chúng ta –người Việt hải ngoại– đang lúng túng đối diện với nỗi buồn đánh không trúng mục tiêu. Việc đáng buồn xảy ra trong nỗ lực đấu tranh cho tự do, đòi trả tự do cho những chiến sĩ nhân quyền đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Câu chuyện tương đối cũng giản dị:trong bản tin 1 giờ 20 trưa 25 tháng Bảy, ký giả David Jackson, viết trên tờ USA TODAY, “Trong công viên Lafayette đối diện với phòng họp Bầu Dục, Bạch Cung vài trăm người Việt Nam hò hét đòi trả tự do ngay lập tức cho toàn thể tù nhân chính trị và nhân quyền”. Jackson tường thuật anh đọc được một khẩu hiệu viết chữ lớn, “Free All Prisoners of Conscience Now”.
Bên trong phòng họp, Trương Tấn Sang xác nhận, “giữa chúng tôi vẫn còn nhiều khác biệt”. Câu xác nhận được viết bằng Anh ngữ trên mặt báo, “We still have differences”, nhưng dù Sang có nói bằng Việt ngữ, người Việt hải ngoại cũng hiểu là ông nói về những khác biệt giữa ông với các chính khách Mỹ; người Việt Nam tự do không thích bị ghép đứng chung với quan chức Việt Cộng trong chữ CHÚNG TÔI – WE; họ thường tìm một lối nói, lối viết khác, để tránh 2 chữ CHÚNG TÔI, dù chỉ trong câu nói thông thường, như: ngôn ngữ chung của chúng tôi là Việt ngữ.
Người Việt hải ngoại thù ghét Việt Cộng đến mức coi chúng như hiện thân thấp thỏi nhất của loài người.
Trước phút hội kiến với Obama, ông Sang nói với phóng viên hãng tin Associated Press là Hoa Kỳ không nên để việc Hà Nội đàn áp đối lập và kiểm soát truyền thông tạo trở ngại cho những liên hệ quân sự và kinh tế Mỹ-Việt Cộng.
Sang không cần bảo vệ quyền cai ngục, vì Obama không đặt vấn đề trả tự do cho chiến sĩ nhân quyền như một điều kiện tiên quyết; trong nhu cầu chiến thuật hiện nay – một nhu cầu chỉ có giá trị ngắn hạn, Obama có thể chấp nhận cả điều bất như ý này, để chiêu dụ Việt Nam, một trong 2 quốc gia đồng minh của Trung Cộng; quốc gia đồng minh thứ nhì của Trung Cộng là Bắc Hàn.
Trong phòng họp Bầu Dục, ông Sang nói với phóng viên truyền thông, “Chúng tôi sẽ tăng cường đến mức cao độ mọi liên hệ giữa 2 nước”. Dĩ nhiên ông không đề cập đến Trung Cộng, như quốc gia mà Việt Cộng muốn thắt chặt bang giao. Ông muốn nói Hoa Kỳ.
Obama đồng ý; ông hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ cộng tác với Việt Nam trên những lãnh vực ngoại thương, quân sự, giáo dục và trao đổi khoa học.
Người Việt hải ngoại không hài lòng với lập trường “thân cộng” của Hoa Kỳ; nhiều mạng Việt Nam hải ngoại, đòi chính quyền Obama cứng rắn hơn đối với Việt Cộng, bọn người đang chà đạp những giá trị căn bản của Hoa Kỳ như nhân quyền và tự do. Một blogger viết Obama làm nhục nước Mỹ bằng việc mời mọc Trương Tấn Sang.
Trước sự chứng kiến của phóng viên truyền thông, Sang tặng Obama lá thư Hồ Chí Minh viết gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman năm 1946 để xin Hoa Kỳ giúp Việt Nam giành độc lập từ tay người Pháp.
Obama nói Hoa Kỳ vẫn đang giải quyết “những di sản của chiến tranh Việt Nam”, trong đó có vấn đề quân nhân Mỹ mất tích trên chiến trường, và thường dân Việt Nam đau yếu vì bị ảnh hưởng thuốc khai quang. Một cách hứa hẹn bồi thường cho nạn nhân chiến tranh; hứa hẹn kín đáo và không quá tốn kém như cái giá 1 tỉ rưỡi Mỹ kim ông đang trả cho tướng Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi.

Phóng viên Darlene Superville, viết trong bản tin AP là Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ hoàn tất việc cộng tác thương mại trước cuối năm nay – chỉ trong vòng 5 tháng còn lại của năm 2013 – và thành quả này sẽ giúp tạo ra nhiều jobs cho Hoa Kỳ, và nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nhân – cả Mỹ lẫn Việt.
Tuy Obama vẫn nói là ông đã thẳng thắn đề cập vấn đề nhân quyền với ông Sang, nhưng thái độ của Obama cho thấy rất rõ ông dành ưu tiên gần như tuyệt đối cho vấn đề cộng tác Mỹ-Việt Cộng trên mọi địa hạt – giao thương, quân sự, giáo dục, năng lượng, ... – những điều người Việt hải ngoại chống đối.
Có thể chúng ta không nhìn thấy một góc khác của vấn đề: tổng tư lệnh Obama, trong cuộc tranh chấp đang có thể biến dạng thành chiến tranh với Trung Cộng, có nhu cầu vô hiệu hóa mọi quốc gia đồng minh với Trung Cộng.
Ông không coi ông Sang là quốc khách, mà chỉ là một đối tượng cần chiêu hồi; ông không tiếp ông Sang bằng một bữa quốc yến tại Bạch Cung, và Tổng trưởng Ngoại giao John Kerry cũng chỉ mất 2 tiếng đồng hồ mời ông Sang ăn một bữa trưa, được truyền thông gọi là working lunch.
Hiểu theo nghĩa trắng thì 2 chữ working lunch dùng để chỉ định bữa ăn, vừa ăn, vừa tận dụng thời gian, bàn chuyện doanh vụ, phần bàn bạc là chính, phần ăn chỉ là nhu cầu ăn cho đỡ đói, ăn qua loa, thảo luận việc làm ăn mới là chính.
Việc làm ăn đó trong bữa working lunch đãi ông chủ tịch Việt Cộng, chỉ vỏn vẹn là giới thiệu ông ta với những chính khách Mỹ, những ký giả Mỹ và ngoại quốc muốn tiếp xúc với ông ta.

Tuy chỉ được đãi một bữa working lunch, nhưng trước khi gặp Obama, ông Sang vẫn no nê, thỏa mãn, nụ cười nở rộng trên khuôn mặt tối thui, như nụ dâm bụt nở trên bãi phân bò, vì Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Penny Pritzker, đã bảo Sang là Hoa Kỳ có thể nhân đôi số 17 tỉ Mỹ kim hàng hóa Việt Cộng đang xuất cảng sang Mỹ.

Bộ trưởng Kỹ Nghệ Vũ Huy Hoàng, tháp tùng phái đoàn Trương Tấn Sang, khoe tương lai kỹ nghệ Việt Nam đang bừng sáng trở lại.

Phải xác nhận là chưa bao giờ người Việt hải ngoại lại nỗ lực lớn hơn lần này; chúng ta đã vận động được 34 trên 435 dân biểu liên bang, 5 trên 100 nghị sĩ liên bang viết kiến nghị yêu cầu Tổng thống Obama tạo áp lực đòi Trương Tấn Sang trả tự do cho những chiến sĩ nhân quyền đang bị Việt Cộng giam giữ.
Thành quả to lớn này mang giá trị khởi điểm giúp chúng ta trên con đường vận động chính trị tạo thêm nhiều áp lực hầu dân chủ hóa quê hương đau thương.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là Obama có tiếp tay chúng ta trong nỗ lực giải thể chế độ Cộng Sản man rợ bằng cái kỳ hạn chỉ dài có 5 tháng còn lại của năm nay. Chúng ta vận dụng 10 thành công lực đánh Trương Tấn Sang, nhưng đánh không trúng, mặc dù hắn không hề là cao đồ của Đoàn Dự, và chưa bao giờ được truyền thụ thế võ Lăng Ba Vi Bộ chỉ có trong khối óc tưởng tượng phong phú của ông Tàu già Kim Dung.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét