Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Mình thương nó, nó thương mình

Mình thương nó, nó thương mình

emtoi
Ngân Bình

Chị Trâm vừa bước vào cửa, cả đám nhốn nháo lên:
- Cái bà khỉ này, làm gì mà trễ quá vậy?
- Đói bụng gần chết mà phải chờ bà nè!
Quăng cái xách tay lên bệ lò sưởi, chị Trâm chạy nhanh đến bàn, kéo ghế ngồi xuống, cười cầu tài:
- Trời ơi! Thì mấy bà cứ ăn đi, chờ tôi làm chi.

Tiếng thở dài của chị Băng chẳng khác nào tiếng xì lốp xe:
- Tôi cũng nói vậy mà mấy bà mệnh phụ phu nhân này có nghe tôi đâu. Chơi với người lịch sự quá cũng khổ thân.
Những tiếng cười vỡ ra để bắt đầu một bầu không khí vui tươi, sôi động.
Bọn chúng tôi gồm năm bà tuổi sồn sồn – nghĩa là... chưa già lắm, nhưng cũng không còn trẻ – quen nhau từ lớp ESL của nhà thờ. Ngay ngày đầu tiên nhập học, qua dăm câu xã giao thì mới biết tất cả đều có hoàn cảnh giống nhau. Cũng sang Mỹ theo diện HO. Cũng có những gian nan, khốn khổ, một mình bương chải kiếm tiền nuôi con trong khi chồng bị đưa đi “cải tạo” tận miền Bắc xa xôi. Cũng lỡ thầy, lỡ thợ nơi xứ lạ quê người, nghề nghiệp không có, tiếng Anh học suốt bảy năm trung học đã trả lại hết cho thầy cô, nên khi tiếp xúc với người Mỹ, bà nào cũng cười nhiều hơn nói. Từ những điểm đó mà chúng tôi dễ dàng thân thiết với nhau. Và theo lời khuyên của cô giáo trẻ trong lớp học, chúng tôi lập thành một nhóm để cùng nhau trau dồi Anh ngữ ngoài giờ học ít ỏi mỗi tuần. Thời gian đầu, chúng tôi học hành nghiêm chỉnh, nhưng dần dần những bữa học đó trở thành bữa ăn uống, trò chuyện, than vãn chồng con nhiều hơn. Nhưng dù học hay chơi, chúng tôi vẫn rất vui vì có được những người bạn cùng thế hệ, cùng một thời trôi nổi, gian nan. Cùng nói, cùng nghe, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sống.
- Ủa! Bà Nguyện đâu sao bữa nay không đến?
Chị Trâm gác đũa, cầm ly nước ngọt hớp nhẹ một cái rồi từ tốn trả lời:
- Bả bận giữ cháu nội!
Đang nhai ngồm ngoàm, chị Băng dừng lại, nhíu mày hỏi vặn:
- Con dâu đâu mà bả phải giữ cháu?
- Nó đi shopping, hẹn mười hai giờ về. Tôi qua đón, chờ đến mười hai giờ rưỡi cũng chưa thấy bóng dáng nó, nên bả hối tôi đi, sợ mấy bà chờ.
- Cái này là bà dâu chứ đâu phải con dâu! Tôi thấy bà Nguyện cũng hay thiệt, tối ngày cứ giữ con cho vợ chồng thằng con trai đi chơi. Có lần tụi nó đi tắm biển bên Mễ, thảy thằng cháu cho bả chăn cả bốn năm ngày. Kiểu này coi bộ hổng xong, dễ quá nó lờn mặt.
- Cái gì mà không xong? Bả còn mừng khấp khởi vì được ôm thằng cháu nội ngủ đã điếu, chứ bình thường dễ gì nó giao con lâu vậy.
- Trời! Giữ con cho nó cực chết mồ, sung sướng gì mà làm như được ban ân huệ.
- Tại bà chưa có cháu nên mới nói vậy, chứ có cháu rồi, được giữ nó ngày nào vui ngày đó. Như vợ chồng tôi, mỗi lần cháu ngoại đến mừng hết lớn, rồi cứ y như hai con khỉ già, hết làm trò nọ đến trò kia, để được nhìn thằng bé cười híp mắt, thương ơi là thương. Chưa hết, mỗi lần nghe nó thỏ thẻ, “con thương ông bà ngoại nhất trên đời”, là bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan hết.
- Tại bà thiếu nợ tụi nó, chứ tôi không thiếu nợ ai hết.
- Bà nói nghe lạ. Chăm sóc con cháu là một hạnh phúc chứ nợ nần gì bà!
Sợ chị Băng và chị Tuyết lời qua tiếng lại một lúc lại xích mích, chị Trâm lên tiếng can ngăn:
- Thôi đừng cãi nhau nữa. Bộ mấy bà không nhớ Băng nhà ta đã từng tuyên bố lập trường ba không của bả sao. Thứ nhất không ở chung. Thứ hai không nấu ăn cho dâu con. Thứ ba không giữ cháu.
- Để rồi xem, mai mốt có cháu nội, cháu ngoại, bả còn “ba không” được nữa không, hay lúc đó lại trở thành “bốn có”.
Chị Băng trề môi, mắt liếc ngang:
- Hổng dám “có” đâu.
- Ủa! Còn bà Tước, sao im re hổng hó hé gì hết vậy. Mọi khi bà góp ý sôi nổi lắm mà. Con dâu lóng rày ra sao? OK không?
Tôi cười nhẹ:
- Cũng tạm.
- Kỳ trước bà nói con dâu đang cấn thai phải không? Coi chừng, nó mà bị thai hành thì coi như bà phải hầu nó dài dài.
- Thì... cũng đâu có sao. Nó đang mang cháu nội mình mà!
Bốn con mắt tròn vo nhìn tôi lạ lẫm – vì trước đó họ đã từng nghe tôi nói hành, nói tỏi con dâu không sót một lần nào. Hai con mắt còn lại là của chị Trâm ẩn chứa sự dịu dàng, thân ái. Giọng nói của chị như ngọt hơn bình thường:
- Đúng đó Tước! Mình thương nó thì nó thương mình. Biết đâu mai mốt tuổi già người chăm sóc mình chính là con dâu.

* * *

Nhìn quanh căn phòng chẳng thấy Minh Thu đâu, ba thằng con trai thì đang chăm chú nhìn vào màn ảnh theo dõi trận football đang hồi gay cấn, tôi lắc đầu ngao ngán. Tháo giày ra, đặt bàn chân xuống sàn nhà mát lạnh, cái cảm giác thoải mái, dễ chịu làm tôi cảm thấy lòng mình như thoáng mở, nhẹ nhàng.
- Vợ con đâu, Pháp?
- Nó nằm trong phòng từ sáng tới giờ.
- Bệnh hả?
- Con cũng không biết.
Sau khi ném cho thằng con trai ánh mắt bất mãn tôi đi về phía phòng ngủ, miệng lẩm bẩm, “Trời ơi! Cái gì không giống, sao lại giống cái vô tâm, vô tình của ba nó chứ!”. Xô nhẹ cánh cửa, tôi nhìn vào căn phòng mờ mờ do ánh nắng chiều sắp tắt len qua những kẽ hở của tấm màn chắn cửa sổ. Bước đến giường, tôi lắng nghe hơi thở nặng nề của đứa con dâu đang trùm chăn kín mít. Với một chút lo lắng tôi lòn tay vào phía trong, rờ cái trán nóng hổi. Minh Thu giật mình, đẩy tấm chăn xuống, giọng lào khào:
- Sao anh ác quá vậy, em xin miếng nước từ trưa đến giờ cũng không cho. Đâu phải em lười biếng mà tại vì em ngồi dậy không nổi, cứ muốn ói hoài.
Lòng tôi như se lại khi nghe tiếng khóc rấm rứt của con dâu. Ra ngoài, tôi mắng như tát nước vào mặt Pháp:
- Cái thằng vô lương tâm! Vợ bệnh mà không thèm đếm xỉa tới. Một ly nước cũng không lấy được cho nó, cứ ôm riết cái ti vi, chẳng ra thể thống gì.
Pháp gãi đầu ấp úng:
- Con đâu biết... thấy nó cứ ngủ hoài... có thức dậy đâu mà ăn uống!
- Trời ơi là trời! Mày không bước vô phòng để xem vợ ra sao à? Đúng là thằng chồng vô tích sự.
Pháp xụ mặt nhìn tôi đăm đăm. Không hỏi tôi cũng biết nó đang thắc mắc vì thái độ của tôi hôm nay. Ừ! Thắc mắc cũng phải, vì chắc hẳn nó sẽ không bao giờ quên được cơn giận điên người của tôi ngày hôm đó.
Tôi còn nhớ lúc ấy là mười một giờ đêm. Giữa cơn mưa tầm tã, Pháp bước vào nhà, dắt theo đứa con gái ướt sũng từ đầu đến chân và xin phép tôi cho hai đứa về ở chung, vì con nhỏ đã có thai. Tôi bàng hoàng, hụt hẫng. Mới hôm qua Pháp còn đưa Lệ Trân, con của người bạn H.O của vợ chồng tôi, đi dự lễ ra trường của người em họ. Nhìn hai đứa thân mật, vui vẻ, tôi và chị bạn hân hoan bàn tính chuyện tương lai. Vậy mà bây giờ…! Tôi tức giận chỉ tay ra cửa, hét lớn, “Tao không chấp nhận một đứa con gái hư hỏng, chưa cưới hỏi đã mang bầu”. Trong lúc Pháp chắp tay nài nỉ thì đứa con gái vẫn đứng yên, trên nét mặt không biểu lộ chút xúc cảm. Mặc cho tôi phản kháng một cách giận dữ, Đạo (chồng tôi) và hai đứa em của Pháp khoác tay can gián. Tôi quyết không thay đổi ý kiến, nhưng câu nói sau cùng của thằng con trai út khiến tôi chột dạ, “Má xua đuổi, rủi nó tuyệt vọng chạy ra đường xe cán nó là mình sẽ bị khép vào tội giết người đó”. “Tới nước này mình còn làm gì được nữa mà chống với đối”. Đạo nói xong lắc đầu đi về phòng.
Thế là tôi đành phải chấp nhận một đứa con dâu không do mình chọn. Nỗi thất vọng và giận dỗi khiến tôi không thèm hỏi một câu về thân thế của đứa con gái hư thân, mất nết. Chị Trâm khuyên tôi, “Dù sao chuyện cũng đã lỡ, nếu không thương được thì cứ nghĩ là mình đang làm việc phước thiện. Có như vậy tâm hồn mới nhẹ nhàng. Căng thẳng quá cũng không thay đổi được gì, chỉ làm cho con trai đau khổ và không khí gia đình thêm nặng nề hơn mà thôi”. Thấy tôi vẫn chưa nguôi giận chị bồi thêm, “Tước thử đặt trường hợp, nếu con gái mình cũng lỡ dại, cũng bị người ta xua đuổi khi bụng mang dạ chửa thì mình sẽ đau cỡ nào!”. Ngẫm đi, nghĩ lại tôi thấy lời chị Trâm cũng có lý, nên thôi không cay đắng, nặng nhẹ nữa.
Và khi ánh mắt tôi nhìn đứa con dâu bớt gay gắt thì tôi nhận ra nó cũng khá xinh xắn. Chiếc mũi tuy không cao, nhưng được nụ cười tươi, duy có đôi mắt sao quá u uẩn. Điều làm tôi không hài lòng là cách nói năng của nó quá thẳng thắn gần như kém lễ độ. Có lần nó đi đâu về, thấy tôi đang còn lui cui trong bếp trong khi Đạo và ba thằng con trai đang hì hụp ăn phở, không cần biết đang có mặt ba chồng, nó hỏi Pháp, “Sao không chờ má lên bàn rồi hẳn ăn. Người nấu cực khổ chưa ngồi vào bàn mà mọi người đã ăn thì không công bằng chút nào”. Thật ra, đó là thói quen của gia đình từ bấy lâu. Đôi lúc, tôi cũng thấy khó chịu nhưng đã là thói quen thì khó mà sửa đổi, nên đành phải nhận sự thiệt thòi. Sau lần đó, mặc cho ai ăn trước, Minh Thu cứ chờ tôi ngồi vào bàn rồi mới cầm đũa. Dần dần, chắc mọi người cũng có chút ái ngại nên cả nhà đều chờ nhau, nhờ vậy mà bây giờ bữa cơm gia đình trở nên thân mật, đầm ấm hơn. Từ sự việc này, cách đối xử của tôi đối với Minh Thu nhẹ nhàng hơn. Nhất là sau lần tôi nằm bệnh viện vì bị ngất xỉu đột ngột trong lúc đi chợ. Tôi còn nhớ, khi tỉnh dậy vào lúc nửa khuya, thấy Minh Thu ngủ gà gật trên chiếc ghế bên cạnh, tôi vừa ngạc nhiên, vừa cảm động. Bao lâu nay trong căn nhà toàn những người nam vô tư, từ cha cho đến con, tôi không bao giờ được quan tâm đến. Kể cả khi tôi bị giải phẫu cắt bỏ ruột thừa, người này đùn người kia, cuối cùng đêm ấy chẳng ai vào bệnh viện với tôi. Nhìn người ta có chồng, có con bên cạnh từng giây, từng phút mà tôi không ngăn được những giọt nước mắt tủi thân. Rồi khi giật mình tỉnh giấc, thấy tôi mở mắt chăm chăm nhìn, Minh Thu đến cạnh giường, siết chặt tay tôi, giọng khẩn khoản đầy lo lắng, “Má đừng bỏ con nha má!”. Tôi thoáng chút ngạc nhiên về thái độ bất ngờ của đứa con dâu mà giữa tôi và nó chưa một lần có sự thân mật nào. Sáng hôm sau, Pháp vào thăm tôi, vừa gõ nhẹ lên đầu Minh Thu, vừa nói, “Hôm qua, sợ má chết con Thu khóc quá trời”. Tôi gác tay lên trán, giấu những giọt lệ long lanh sắp trào ra. Bao năm qua, mấy lần tôi bệnh nặng, không có người nào lo lắng đến nỗi sợ tôi chết. Lòng tôi như ấm lại khi trao cho Minh Thu cái nhìn dịu dàng thay lời cám ơn.
- Ủa! Sao con Thu ụa dữ vậy má?
Tôi liếc Pháp một cái rồi gắt giọng:
- Thì bệnh chứ sao!
Lấy xong ly nước tôi chợt nhớ đến phần cháo mà chị Băng đưa cho tôi đem về khi nãy. “Chắc con nhỏ đói bụng lắm”, tôi thầm nghĩ khi đặt chén cháo xuống bàn rồi lay nhẹ con dâu, “Dậy, dậy ăn chút cháo cho khỏe”. Minh Thu nương theo cánh tay tôi ngồi dậy một cách khó nhọc. Khi nhận ra tôi, con dâu có chút bối rối:
- Má hả? Con tưởng anh Pháp.
Tôi vuốt tóc Minh Thu, nhẹ nhàng nói:
- Con uống nước đi rồi ăn miếng cháo.
Muỗng cháo đầu tiên vừa đưa vào miệng, nước mắt Minh Thu trào ra, ướt đẫm đôi má xanh xao. Nhìn cái miệng mếu máo của con dâu, tôi đưa tay lau nước mắt cho nó mà nghe niềm thương cảm len nhẹ vào hồn.
- Từ lúc mẹ con qua đời không ai buồn để ý đến con lúc bệnh hoạn chứ đừng nói chi đút cháo cho con ăn. Con cám ơn má.
Bây giờ thì tôi hiểu câu nói của Minh Thu “má đừng bỏ con” trong đêm tôi nằm bệnh viện bắt đầu từ nỗi ám ảnh này.
- Mẹ con mất lúc con mấy tuổi?
Minh Thu kể bằng giọng nghẹn ngào:
- Con được mười tuổi thì mẹ con qua đời. Không đầy năm thì ba cưới dì Mỹ Hảo, và khi thằng Brandon được sinh ra thì bố chẳng ngó ngàng gì đến con nữa. Con thường xuyên bị đòn, đôi khi không biết vì lý do gì. Mới đầu con rất buồn, rất tủi, sau đó thì con trở nên cứng đầu, ngang bướng. Con thường xuyên bị mắng là đồ mất dạy. Nhưng mẹ chết rồi đâu có ai dạy dỗ con ngoài chửi mắng. Con biết, con vô phép, vô tắc nên không ai thương. Nhưng con bất cần, vì số phận con đã như thế rồi.
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao cái đêm Pháp mang Minh Thu về nhà, dù tôi mắng nhiếc xua đuổi, nó vẫn dửng dưng không một chút xúc động. Lòng tôi đau nhói khi Minh Thu dúi mặt vào ngực tôi, giọng nói đứt quãng trong tiếng khóc:
- Con biết ba má không thương con vì con hư hỏng. Nhưng con xin má, nếu con có làm điều gì sai thì má dạy dỗ con chứ đừng ghét con như dì Mỹ Hảo đã ghét con.
- Làm sao má có thể ghét con được. Con đừng bao giờ nghĩ như thế.
Tôi ôm siết đứa con dâu vào lòng mà như ôm chính đứa con mình sinh ra. Kể từ khi Minh Thu đặt chân vào nhà này, đây là lần đầu tiên trái tim tôi gợn lên thứ tình cảm lạ lùng. Tôi không thể nói “má thương con” ngay bây giờ, nhưng lòng tôi mềm nhũn khi Minh Thu ôm ghì lấy tôi, lời nói chẳng khác nào một đứa trẻ thơ đang thỏ thẻ:
- Má ơi! Con thương má lắm.
Nước mắt tôi chan hòa trên đôi má, rơi xuống dòng tóc mịn như tơ của đứa con dâu tội nghiệp. Bây giờ tôi mới thấy câu nói của chị Trâm không sai chút nào “mình thương nó thì nó thương mình”.
Ngân Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét