Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Nhắm mắt… đi du lịch

saigonco08171301

Sài gòn cô nương


Du lịch trong nước phát triển mạnh.

Ngày xửa, ngày xưa, “du lịch”, đi “vacant” chỉ dành cho giới nhà giàu vào mùa hè nhưng ngày nay giao thông tốt hơn, du lịch cũng phát triển mạnh mẽ theo.

Một năm có hai mùa du lịch chính là hè và tết, tết không còn ở nhà cúng kiếng ngày ba bữa như xưa nữa mà người ta lợi dụng kỳ nghỉ dài ngày để đi chơi xa. Ngoài ra có thể đi du lịch quanh năm, thích lúc nào đi lúc nấy: các ngày lễ được nghỉ bắc cầu bốn, năm ngày, hoặc nhân ngày nghỉ cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật rồi xin nghỉ phép thêm hai, ba ngày nữa là đủ một tour gần

Bởi thế các tour du lịch ào ạt ra đời. Nào là các hãng du lịch lớn của nhà nước, của tư nhân, các hội đoàn, tôn giáo… cho đến các tour giá rẻ trong xóm, tour trả góp ngoài chợ…

Cô Cúc có sạp đồ nhôm trong chợ. Việc buôn bán tà tà nên cô có sáng kiến giúp chị em bạn hàng có chuyến đi chơi chung bằng cách góp mỗi tháng một trăm ngàn để cuối năm đi Phan Thiết, hoặc hai trăm ngàn để đi Đà Lạt… Nếu không đóng tháng thì chẻ nhỏ ra đóng hàng tuần cũng được. Việc đóng tiền góp để mua hàng: mua quần áo, mỹ phẩm… vốn rất quen thuộc với chị em tiểu thương nên ai nấy hưởng ứng ngay. Chỉ bỏ ra từng món tiền nhỏ mà người nghèo cũng được chuyến đi chơi thăm thú thắng cảnh chỗ này chỗ nọ. Bà Liên sẵn có mấy dây hụi nên cũng làm luôn một dây trả góp đi Kampuchea. Nếu tới chuyến đi mà chưa đủ sở hụi thì bà cho thiếu trả sau rồi tính thêm chút đỉnh tiền lãi.
saigonco08171302

Đi chơi đến đâu, du khách VN có thói quen mua sản vật địa phương làm quà cho gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp. Vì thế trên đường về, các xe du lịch bao giờ cũng chất các bao, túi đầy ắp đủ thứ quà. Ông trưởng đoàn kêu lên sao dân mình đi đâu cũng mua sắm, ngay cả đi từ thiện trên cao nguyên heo hút cũng không từ trái bắp, quày chuối… Nói cho ngay việc mua sắm nhiều như vậy mới là lợi ích chính mà ngành du lịch mang lại cho địa phương.

Thành thử nơi nào càng đông khách du lịch, việc mua bán càng tấp nập. Tuy nhiên với tâm lý du khách chỉ là vãng lai, không phải mối mang quen thuộc hàng ngày, người bán hàng ăn sổi ở thì, bán cho khách chỉ một lần, nếu có gặp lại cũng cách một thời gian lâu và chắc cũng không ai nhớ mặt nhau, nên gặp cơ hội tốt chẳng tội gì chẳng chém thẳng tay.

Vì thế nếu không có thổ địa đi cùng hoặc không du lịch nhiều lần một chỗ thông thạo tình hình, du khách dễ rước những chuyện bực mình trên trời rớt xuống làm chuyến đi chơi mất vui.

Những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước thu hút nhiều du khách cũng chính là những nơi nơi du khách dễ bị… chửi, bị… đánh nhất.

“Đánh” hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng bởi gần đây, một cặp vợ chồng Việt kiều Lào bị chủ sạp hàng trái cây ở chợ An Lỗ (Huế) nhào vào đánh một trận tả tơi vì tội đã ngừng chân trước sạp này nhưng sau đó lại mua trái cây hàng bên cạnh. Thậm chí một Việt kiều Pháp quên giấy tờ ở nhà đã bị nhân viên một khách sạn Vũng tàu … đâm chết!  
          
Đoàn khách Kiên Giang đi chợ Đà Lạt mua dâu tây. Đã thỏa thuận tiền hai kí dâu cho vào mộr cái hộp. Nhưng người bán hàng lại chia ra cái hộp để tính thêm năm ngàn đồng. Lời qua tiếng lại, bà Kiên Giang bị bà Đà Lạt tống một cú direct thẳng vào mặt đến mức lăn ra ngất xỉu.Mà không phải mua bán mới thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Chỉ hóng chuyện thôi cũng bị ăn đòn. Một ông trong đoàn Nam Định nghe bạn kể mua 2 kí cao a-ti-sô trong cửa hàng đặc sản giá hơn một triệu. Ông buột miệng bảo nghe nói ở chợ chỉ có khoảng hai, ba trăm ngàn thôi. Nghe vậy, một nhân viên khách sạn, chắc kiêm thêm cò mứt, đã thoi ngay vào ông khách lỡ miệng cho bỏ tật ưa hóng hớt!

Đà lạt vốn nổi tiếng xứ hoa đào thơ mộng, người dân nói năng nhỏ nhẹ dễ thương, chẳng hiểu sao giờ bỗng trở nên ba đá (!). Trên đường tới Tuyền Lâm, hai bên đường treo đầy các tấm bảng “bán dâu hái trong vườn”. Ai chẳng mê được bước chân vào vườn dâu, đặc sản độc quyền của Đà lạt, nếu không tận tay được hái thì ngắm cũng thích. Thế nhưng vào quán, trong lúc chờ đợi, khách đã bị mời mua đủ thứ mứt và rượu. Cả buổi vẫn không thấy người nhà “bận chút xíu” xuất hiện để dẫn ra vườn, đến khi chịu hết nổi, khách đành đứng lên. Về tới khách sạn mới hay hàng mua từ trong “vườn” hẳn hoi tính ra còn xấu và mắc hơn ngoài chợ. Không kể dâu và khoai tây nhuộm đất đỏ chính gốc Trung quốc chễm chệ mang nhãn hiệu xứ sương mù.

Gần hơn là Vũng Tàu. Nơi này quá lừng lẫy về các quán ăn chém đứt tươi cổ khách. Bữa cơm vài trăm ngàn bị tính bạc triệu một cách trắng trợn đầy thách thức. Vì không muốn kiện cáo lôi thôi mất thời giờ nên rất nhiều người đành bỏ qua đầy tức tối. Giờ đây du khách đều khiếp vía bảo nhau du lịch nhớ tránh các quán ăn Vũng Tàu. Đỡ hơn một chút các quán ăn trên quốc lộ mà xe đường dài hay đổ khách, quán Vũng Tàu thuê xe ôm làm cò trong khi quán trên quốc lộ, nhân viên đổ ra đón xe ngừng, lùa hết khách vào không để sổng một mống. Du khách ăn uống dọc đường bị chém… đẹp là chuyên phổ biến. Một tô phở cả trăm ngàn, đĩa ghẹ vài trăm, bữa cơm thường bạc triệu trở nên «chuyện hằng ngày của du lịch».

Thường ai đi tắm biển về cũng ưa mua cua. Mấy con cua được xâu lại bởi cuộn dây lạt bện xoắn dầy, ngâm nước nặng chình chịch chiếm trọng lượng đáng kể. Thế mà vẫn chưa đủ, thêm nói thách tới mức khách trả giá mấy cũng hớ và cuối cùng là cân điêu, chưa tới ba trăm rưỡi tính lên sáu trăm gram đến nỗi hướng dẫn viên cũng xót thay cho khách. Sau này người ta bảo nhau kiểm cân bằng chai nước suối nửa lít đầy tương đương với nửa ký lô. Tuy nhiên không phải lúc nào ai cũng sẵn chai nước nguyên để kiểm tra nên tệ cân điêu vẫn tồn tại, không hề giảm chút nào.

Vũng Tàu chỉ có ít cua ghẹ chứ ra Nha Trang, du khách mới hoa mắt vì vô số cá khô, mực khô, tôm khô, yến sào… Gần đây đã phát giác ra không những mực xé, mực tẩm bị làm giả mà ngay cả mực nguyên con cũng giả nốt. Con mực được cắt xén ngay ngắn râu dán vào thân bằng keo trông y như thật, chỉ khi nướng lên mới biết giả khi con mực xông mùi khét lẹt, tiết nước đen và chẳng chứng minh nổi tình trạng sống hay chín. Nhà nước cũng chịu thua chưa tìm ra nếu không phải cao su thì những chất nào đã được kết hợp để chế tạo ra những con mực có hình thức hoàn hảo như vậy.

Một nơi du lịch khác là núi Sam (Châu Đốc) nổi tiếng với vụ “cho thuê heo cúng”. Nguyên con heo quay cúng xong không thể bê về nhà được và cũng khá đắt nên nảy ra dịch vụ thuê vài trăm ngàn tùy con heo nặng hay nhẹ. Chủ nói sao biết vậy chứ heo có cân lên trước mắt đâu mà biết. Vội vã cúng xong rồi vội vã trả lại cho chủ, có người chực sẵn bên cạnh bê đi để heo kịp quay vòng cho lẹ. Chẳng rõ vòng quay nội trong ngày hay vài ngày vì chỉ cần bề ngoài được sơn phết đỏ tươi bóng bẩy bắt mắt là tốt rồi, đâu có ai ăn mà biết mùi vị thịt heo ngon dở ra sao.

Vì mang tiếng gần núi nên thế nào cũng có các hàng thuốc Nam. Những hàng rong này đôi khi cũng thấy bày hàng dưới đất ở các chợ thành phố. Họ rao bán dầu mù u, vòng tay gỗ, mật gấu, cao trăn… và nhất là loại lá, vỏ, rễ cây… trị bách bênh. Từ mát gan, mát phổi, nhức mỏi, cầm máu… không thiếu thứ gì. Giá không cao nên người ta sẵn sàng bỏ ra hai, ba chục ngàn mua một bịch mang về nấu uống chắc là không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang. Chỉ có điều các thứ lá lẩu này nếu không phải cỏ dại cũng lá khô, dù bán giá nào cũng lời trọn.
Nhất là du lịch ở đất ngàn năm văn vật. Giọng “miền trong” khi cất lên rất dễ bị… vặt lông trụng nước sôi lắm.

Một khách gọi món ăn dù giữ nguyên âm Bắc nhưng vẫn bị phát hiện là khách du lịch để chịu giá đắt hơn, khi dùng chữ Nam để kêu “cho tôi một tô” thay vì “một bát”. Dân Nam vốn bị xếp hàng ngang với Việt kiều, ngoại kiều nên thường phải chịu giá cao oan uổng. Điều này cũng có phần ảnh hưởng chính sách nhà nước một thời khi phân biệt hai giá cho khách ngoại quốc và nội địa.

Nghe kể đầy tai những chuyện như vậy nên khi đi ngang qua dãy bán hàng lưu niệm ở một khu du lịch, bà khách đã nín thinh, không dám hỏi và cả không dám nghiêng ngó, mắt nhìn mũi đi thẳng. Thế mà bà vẫn bị nghe nhiếc: “Mời mỏi cả mồm mà đ… đứa nào mua”. Sợ quá, bà rảo nhanh chân kẻo bị thộp thì nguy.

Thành ngữ có câu “mong như mong mẹ về chợ”. Đi chợ mà còn ngóng quà nữa là đi du lịch xa thắng cảnh kỳ thú. Thành thử ai nấy ráng đắt mấy cũng mua đặc sản du lịch về nhà. Nào là nho Trung quốc đội lốt Ninh Thuận, quạt gỗ trầm Huế y xì hàng Tàu vượt biên giới. Hay là hàng nội hóa sản xuất trong nước có khô mực nylon,

Bà Nở hoảng hốt kêu lên:
-Thôi thôi, để khỏi mua lầm hàng, khỏi sợ hớ, khỏi khệ nệ xách nặng, khỏi bị chửi mắng, đánh đập…, tôi chỉ ôm va li của mình, đi về nhà tay không rồi bữa sau ra siêu thị mua bánh cốm, vào cửa hàng Phố Núi mua atisô, mứt khoai lang, ghé tiệm hải sản Biển Đông mua cua, mua ghẹ mang tặng bà con cho chắc hàng chính hiệu. Khô mực ở Sàigon giá năm trăm ngàn một ký, còn mực nylon ở Nha Trang giá chỉ một trăm rưỡi thì đúng là… tiền nào của nấy rồi. Vậy là an toàn. Ai biểu mấy ông bà ham rẻ làm chi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét