Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Đến Bụt cũng phải lên tiếng

doandu081319011
Đoàn Dự ghi chép

THƯA QUÝ BẠN, dân gian Việt Nam có thành ngữ “hiền như bụt”. Bụt là một nhân vật hư cấu do dân chúng tưởng tượng ra, thường xuất hiện trong các truyện cổ tích dưới hình thức một ông già tiên phong đạo cốt, hiền lành, nhân hậu, có khả năng làm phép lạ và mỗi lần xuất hiện là rất đúng lúc để an ủi, cứu giúp các trẻ em nghèo nàn, khốn khổ.
Như vậy, bụt không phải là Phật và đặc biệt là chỉ có “ông bụt” chứ không có “bà bụt”, trong khi đó với hằng hà sa số chư Phật thì có cả các vị Phật Bà Quán Thế Âm - nghĩa là các vị Phật bà thấu hiểu được những tiếng kêu than thống khổ ở trần gian.
Một điểm đặc biệt khác nữa là trong các truyện cổ tích, bụt thường hiện ra với trẻ em chứ ít khi thấy hiện ra với người lớn. Nay, trẻ em trong nước có nhiều trường hợp rất tội nghiệp mà sao không thấy bụt xuất hiện? Hay bụt cũng sợ bị người ta bắt bỏ tù như họ đã bắt những người chăng biểu ngữ, làm bài hát, viết blog ..vv.. phản đối bọn Trung Quốc xâm lược? Không sao đâu, bụt đừng có sợ, bởi vì những câu chuyện sau đây báo chí trong nước và có lẽ cả báo chí nước ngoài cũng đăng ầm ầm, các mạng Internet cũng đăng nữa, tui chỉ lược thuật lại thôi, nếu đã biết rồi thì bụt bỏ qua, còn nếu chưa biết, xin mời bụt xem xét và tui tin rằng khi ấy dù hiền đến mấy bụt cũng phải lên tiếng. Vì tính chất đặc biệt của câu chuyện nên tôi để nguyên những tiếng TP.HCM chứ không gọi là Sài Gòn, tại vì Sài Gòn ngày trước không đến nỗi như vậy, nếu gọi như thế là oan cho Sài Gòn.
1. Bệnh nhi "lóp ngóp" dưới gầm giường bệnh viện
Mặc dầu đã biết về tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn không khỏi "choáng" trước cảnh bệnh nhân ''lóp ngóp'' bò từ gầm giường ra… chào mình.
Sáng 14/1/2013, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc tại BV Ung Bướu TP.HCM về việc nâng cao chất lượng khám bệnh. Tới đây, bà Tiến "choáng" với cảnh quá tải ở BV này, mặc dầu đây không phải là một điều gì mới.
Ngay từ cổng BV Ung Bướu, bệnh nhân đã chen chân đứng ngồi lố nhố chờ khám bệnh. Tất cả các hành lang, ghế đá đều có bệnh nhân và người nhà trải chiếu nằm. Tại các phòng điều trị còn "ngợp" hơn nữa, khi hầu như tất cả các giường đều phải nằm ghép 4 - 5 bệnh nhân. Khốn khổ hơn là nhiều bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường.
BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Bệnh nhân không có chỗ nằm, mang tiếng là đến BV để nằm điều trị, nhưng thực chất là họ đến để “ngồi” điều trị. Thực tế BV có 631 giường nhưng số bệnh nhân nội trú luôn luôn lên đến 1,800 người còn ngoại trú 9,510 người, nên tình trạng nằm ghép, nằm hành lang, nằm gầm giường là không thể tránh khỏi”.
Báo TT còn cho bết thêm, tình trạng quá tải không chỉ diễn ra tại BV Ung Bướu, mà các BV khác tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương Chỉnh hình ..vv.. cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
(2. Chồng chết tức tưởi, góa phụ "đại náo" sở Y tế Sài Gòn
Đây là lần thứ ba, mẹ con bà Đặng Thị Liên mặc áo tang đến sở Y tế TP.HCM đòi làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của chồng bà.
Hơn 2 tháng sau cái chết của chồng, nhiều lần cầu cứu nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, sáng ngày 25-1-2013, góa phụ Đặng Thị Liên (51 tuổi, ngụ tại Q.4, TP.HCM) và con trai tiếp tục mặc áo tang, cầm biểu ngữ đến sở Y tế TP.HCM yêu cầu làm rõ cái chết của chồng và cha mình là ông Đinh Văn Thường (49 tuổi), người từng điều trị tại Bệnh viện Bình Dân.
Bà Liên cho biết: “Chồng tôi bị đau lưng, đi tiểu lắt nhắt, nên tôi đưa đến khám tại khu Kỹ thuật cao của BV Bình Dân. Kết quả là đau quặn thận, thận phải ứ nước cấp độ 1. Tuy nhiên, sau đó BV lại cho chồng tôi nhập viện tại khoa Gan Mật vì cho rằng bị giãn ống mật chủ và có sỏi trong ống mật chủ”.
Cũng theo bà Liên, sau khi nhập viện tại khoa Gan Mật, các bác sĩ tiến hành chiếu chụp đủ thứ nhưng không đưa ra kết luận nào. Họ yêu cầu gia đình đưa tới Trung tâm Y khoa Medic chụp cộng hưởng từ trường (MRI: dùng từ trường để chụp các cơ quan theo các lớp khác nhau giống như chụp CT.- ĐD).
Các kết quả đều cho biết chồng bà không bị giãn ống mật chủ, không có sỏi trong ống mật, nhưng không hiểu tại sao bác sĩ BV Bình Dân vẫn gọi lên tư vấn và đề nghị gia đình ký giấy cho mổ mật và ống mật để lấy sỏi (?).
Ngày 31-7-2012, ông Thường được mổ lấy sỏi nhưng không thấy có viên sỏi nào được lấy ra, bác sĩ cũng không giải thích gì cho gia đình. Ngày 3-8-2012, bà Liên được bác sĩ báo chồng bị … ung thư ống mật và cho đặt ống dẫn lưu mật ra ngoài và được thông báo ông Thường chỉ sống được thêm 3 tháng.
Ngay sau khi nhận được tin “sét đánh”, ngày 4-8-2012 bà Liên đã khiếu nại lên Giám đốc BV Bình Dân đề nghị làm rõ bệnh tình của chồng bà. Tuy nhiên, gần 2 tháng không thấy giải quyết, bà Liên đã gửi đơn khiếu nại lên sở Y tế và nhiều lần xin gặp Giám đốc sở để trình bày sự việc nhưng đều bị từ chối.
Bà Liên cho biết: “Sau ca phẫu thuật, dù sức khỏe của chồng tôi ngày càng suy sụp nhưng BV vẫn cho xuất viện mà không cần đóng viện phí. Qua những lần tái khám, thấy chồng trong tình trạng nguy kịch, tôi đề nghị cho nhập viện trở lại nhưng BV Bình Dân kiên quyết từ chối. Đến đường cùng, tôi phải cầu xin BV 115 cứu chữa và các bác sĩ trong BV 115 giải thích rằng chồng tôi có thể sẽ tử vong tại đây. Ngày 21/11/2012, ông Thường qua đời.
Đến ngày 9-1-2013, Sở đã lập Hội đồng chuyên môn xem xét và kết luận: “BV Bình Dân không sai sót về phẫu thuật, nhưng có thiếu sót do không tư vấn cho thân nhân người bệnh trong quá trình phẫu thuật khi phát hiện bất thường so với chẩn đoán trước khi mổ”.
Ngày 15-1, Sở Y tế có công văn trả lời bà Liên rằng: “Quy trình chụp MRI gan mật tụy của Trung tâm Y khoa Medic được thực hiện đúng, nhưng trong trường hợp này do khối u đường mật không bắt thuốc tương phản nên không thể hiện hình ảnh trên kết quả MRI”.
Bà Liên nghẹn ngào: “Chồng tôi là người ngoài hành tinh hay sao mà các kết quả xét nghiệm đều không cho thấy bệnh tình, chỉ khi mổ các bác sĩ mới phát hiện ra … bị ung thư !”.
Không đồng tình với kết luận, nên bà Liên tiếp tục “đại náo” Sở Y tế. Bà cho rằng việc bác sĩ không chẩn đoán ra bệnh nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật đã trực tiếp gây ra cái chết của chồng bà.
Tại buổi tiếp xúc với người nhà ông Thường và báo chí về vụ việc nói trên vào sáng 25-1-2013, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận là BV Bình Dân có sai sót khi thay đổi phương án xử trí mà không thông báo để lấy ý kiến của người nhà bệnh nhân. Việc không chăm sóc tốt bệnh nhân của BV Bình Dân khi bệnh nhân trở nặng là nguyên nhân gây nên sự bức xúc của gia đình.
Ông Bỉnh chia sẻ và đồng cảm với bức xúc của bà Liên. Theo ông Bỉnh, nếu người nhà không đồng tình với kết luận của hội đồng khoa học sở Y tế TP.HCM thì có thể gửi đơn lên cấp cao hơn hoặc nhờ tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, ông Bỉnh nhìn nhận những sai sót cả chủ quan, lẫn khách quan xứa nay vẫn có thể có; tuy nhiên, cách hành xử của BV Bình Dân đối với bệnh nhân là chưa đúng. Ông Bỉnh nhìn nhận thái độ hành xử của nhân viên y tế còn kém và gửi lời xin lỗi đến gia đình bà Liên.
Sau cuộc thương thảo, gia đình bà Liên đề nghị sở Y tế đưa ra hướng giải quyết cụ thể trường hợp sai sót, thiếu tư vấn của bác sĩ BV Bình Dân dẫn đến cái chết của chồng bà. Đại diện Ban giám đốc BV Bình Dân cho biết BV sẽ cử người xuống gia đình bà Liên thăm hỏi và sẽ thỏa thuận mức hỗ trợ.
Mặc dầu ông bụt … hiền như bụt, chẳng nặng lời với ai bao giờ cả nhưng đọc những lời thách thức của ông giám đốc sở Y tế, ngài tức quá bèn kêu um lên: “Trời đất ơi, vừa thách thức vừa xin lỗi vừa nói hỗ trợchứ không phải bồi thường, bọn họ thì chỉ có vậy thôi!”.
doandu08131900
3. Hà Nội: Bệnh nhân chết, người nhà bao vây bệnh viện
Sau khi mổ ở bệnh viện Đa Khoa Hà Nội trở về được hơn 1 tuần lễ, bệnh nhân Trần Thị Tưởng trở lại bệnh viện điều trị . Sau khi phẫu thuật lần 2, nạn nhân đã chết.
Sáng 14/11/2012, rất đông người nhà nạn nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, ngụ tại Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã tập trung trước cổng bệnh viện Đa Khoa Hà Nội số 29 đường Hàn Thuyên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người nhà bệnh nhân cho rằng phía bệnh viện làm việc tắc trách, dẫn đến tình trạng chết lâm sàng hiện nay của bà Tưởng. Được biết, bà Tưởng hiện được điều trị tại bệnh viện Việt Đức trong tình trạng tuyệt vọng, tim đã ngừng đập nhưng chưa dứt hơi thở.
Theo ghi nhận của các phóng viên, cô Trần Thị Hồng, sinh năm 1985, con gái bà Tưởng, cho biết, ngày 30-10-2012, bà Tưởng bảo cô Hồng chở đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vì bà thấy khó chịu và ngứa ở cổ. Người trực tiếp khám cho bà Tưởng là nữ bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ An đã tiến hành mổ thanh quản cho bà Tưởng rồi cho về điều trị tại gia đình. Trong quá trình điều trị tại nhà, bà Tưởng sức khỏe bình thường và làm theo đầy đủ các hướng dẫn của phía bệnh viện.
Đến ngày 8/11, bà Tưởng trở lại bệnh viện Đa khoa Hà Nội tái khám. Qua khám lại, bác sĩ cho biết trong cổ bà Tưởng có một nang nước nhưng không đáng lo ngại, sẽ xử lý được. Đến 5 giờ chiều, bà Tưởng vẫn nằm trong phòng mổ mặc dầu trước đó bệnh viện cho biết ca mổ sẽ được hoàn thành trong khoảng 20 phút. Cô Hồng con gái bà đợi tiếp đến hơn 17 giờ vẫn không thấy có động tĩnh gì. Cùng lúc này cô bắt gặp nữ bác sĩ phụ trách gây mê đi ra. Hỏi thăm, nữ bác sĩ nói trong lúc gây mê bà Tưởng bị lên cơn co giật.
Gia đình bà Tưởng lo lắng cho tình hình của bà vì ca phẫu thuật sau mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xong. Người nhà liên tục hỏi bệnh viện thì được bệnh viện trấn an là không sao và đang chuyển bà sang bệnh viện Việt Đức vì thấy tình trạng bà hơi phức tạp. Cô Hồng cho biết: “Tôi đi theo thì thấy mẹ tôi được họ chuyển qua bệnh viện Việt Đức trong tình trạng toàn thân co giật, nước mắt liên tục trào ra”.
Các bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức cho biết, khi chẩn đoán cứu cấp thì thấy tim bệnh nhân đã ngừng đập và bà đã chết lâm sàng ngay sau lúc Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vừa mới chuyển qua. Do đó, thân nhân của bà Tưởng kéo sang bao vây Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, đòi phải giải thích tại sao chỉ có mổ thanh quản là chuyện rất nhỏ mà làm chết người.
Phóng viên báo chí đã liên hệ với bệnh viện Đa khoa Hà Nội để tìm hiểu sự việc. Phía bệnh viện cho biết đang làm việc với gia đình nạn nhân và lãnh đạo bệnh viện … sẽ có thông báo cụ thể về sự việc nói trên trong thời gian sớm nhất (!).
doandu08131901
4. Nếu không tắm hậu sự cho con thì tôi đã chôn sống con!
Đang đi làm thuê, anh Nguyễn Văn Tin nhận được điện thoại báo tin vợ anh đau bụng đẻ đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Anh bèn bỏ công việc, chạy vội tới thì được trao đứa con bọc trong tã lót với thông báo của bệnh viện là đã chết, đem về chôn cất. Trước khi làm hậu sự, anh đau đớn tắm rửa cho đứa trẻ thì vô tình phát hiện ra con hãy còn sống!
Ba ngày sau khi sự kiện con bị các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chẩn đoán là đã chết và trả về để gia đình lo hậu sự, anh Nguyễn Văn Tin, 35 tuổi, quê quán tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, vẫn chưa hết buồn lòng.
Anh kể, chiều ngày 4/8/2013, anh đang đi làm thì nghe người nhà gọi điện thoại thông báo vợ anh đau bụng đẻ, đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam sinh gấp. Anh tức tốc chạy về và đến bệnh viện thì vừa lúc một cô y tá bồng cái bọc trên tay bước ra, gọi tên anh và thông báo con anh đã chết. Anh nói: “Lúc ấy lòng tôi đau đớn, không thiết gì nữa vì cháu là con đầu lòng của vợ chồng tôi, nên bèn nhờ bà chị dâu chạy đi mua giùm một chiếc khăn và một chiếc thùng cạc-tông vỏ thùng mì, đưa cho cô y tá nhờ cô quấn cháu bé đặt vào trong thùng và tôi đem về”.
Lo xong việc thắp nhang cúng vái, anh Tin cẩn thận mở thùng ra để tắm rửa cho con trước khi chôn cất thì kinh ngạc thấy đứa con hơi cử động và đang huơ tay lên trời. “Con khóc oe lên một tiếng khiến tôi sửng sốt. Nếu tôi không tắm rửa cho con, cứ thế đem chôn thì chính tôi đã chôn sống con tôi” - anh Tin nghẹn ngào kể lại.
Theo anh Tin, chị Lữ Thị Lâm Quy (27 tuổi), vợ anh, sinh đứa con trai đầu lòng chưa đủ tháng nên sức khỏe rất yếu. Hiện chị vẫn còn phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. “Tôi khuyên vợ đừng quá xúc động về việc làm tắc trách của bệnh viện, dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi, bây giờ vấn đề là làm thế nào để cho bé được khoẻ mạnh” - anh Tin kể với các phóng viên như vậy.
Ông Phạm Ngọc Ẩn, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết BS trưởng ê kíp trong vụ việc này là một người giỏi, đã có 30 năm kinh nghiệm!
Ngày 7/8/2013, tức ba hôm sau khi xảy ra sự việc, ông Ẩn giám đốc nói với các phóng viên: “Khoa Phụ sản của Bệnh viện Đa khoa là một trong những khoa có đội ngũ nhân lực mạnh nhất trong bệnh viện. Trưởng ê kíp trực hôm ấy là bác sĩ Nguyễn Văn Sách, đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề, từ trước tới nay chưa hề mắc một sai lầm nào trong công việc” - “Tuy nhiên - ông tiếp - chuyện xảy ra là điều đáng buồn và có ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Chúng tôi nhận khuyết điểm đồng thời gửi lời xin lỗi (lại xin lỗi!) đến gia đình cháu bé. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Quảng Nam chăm sóc cho cháu bé”.
Ông Ẩn cũng nhận định nguyên nhân dẫn đến sự việc lầm lẫn nói trên là do ê kíp BS trực chủ quan, cho rằng trẻ sinh thiếu tháng, chỉ nặng có 700g thì khó qua khỏi nên trao cho gia đình đưa về nhà chôn cất. “Bệnh viện đã yêu cầu ê kíp BS trực ngày 4/8/2013 làm bản tường trình sự việc. Chậm nhất là ngày 13/8/2013 sẽ có kết luận về sai phạm của ê kíp trực. Mức xử lý kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc”, ông khẳng định như vậy.
Ý kiến của độc giả trên Internet:
- “Chẳng hiểu nổi ngành Y tế ở Việt Nam bây giờ ra sao nữa, lúc thì tắc trách, lúc thì nói là do chủ quan, cuối cùng là tự kiểm đểm và… hoà cả làng, chỉ khổ cho dân chúng thôi” – Hoàng Tuân.
- “Là bác sĩ mà đưa ra kết luận rằng đứa trẻ đã chết vì nghĩ rằng “Thông thường, đứa trẻ 700 gram sẽ khó qua khỏi”. Làm ăn tắc trách quá. Ở nước ngoài, trẻ sinh non 500g họ còn cứu sống và nuôi được. Bên mình thì … 700 g coi như đã chết, trả đem về nhà chôn!” – Tố Nữ.
- “Hình như lời " xin lỗi" đã được phổ biến cho những người có trách nhiệm trong các cơ quan. Nếu người cha đứa bé không phát hiện thì đã chôn sống con. Đau lòng quá, mong em bé sớm bình phục” – Ngọc.
- “Ốm đau thì chỉ biết trông cậy vào bác sĩ. Nhưng làm ăn thế này có thể tin tưởng được không?” – Hùng.
- “Trời ơi, ông Ẩn đem mấy cái thành tích “đội ngũ nhân viên mấy chục năm công tác chuyên nghiệp chưa mắc lỗi” … vv.. ra kể ở đây để làm gì? Buồn cười thật. Bó tay với các cha nội!”. Popia.
- “BS trưởng ê kíp, 30 năm kinh nghiệm mà còn như thế thì các BS đàn em tại BV Đa khoa Quảng Nam của ông Aån ra sao nhỉ? Chết bao nhiêu người rồi? Buồn quá!” - Vũ Hoàng.
- “BS mà sao bất cẩn như vậy được? Mạng sống con người mà!”. – Thu Hiền.
doandu08131902

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét