Hà Hiển
“Nếu chính người thân của chủ Blog lại hành động như nữ sinh Lê Thị Huyền Anh thì chủ Blog sẽ phản ứng thế nào?”
Đó là câu hỏi mà bạn Nguyễn Thái Hưng nêu ra trong phần bình luận của bạn ấy sau bài viết gần đây của chủ blog về “Bà Tưng”.
Mặc dù câu hỏi trên của bạn ấy không liên quan đến vấn đề được nêu ra trong phạm vi bài viết ấy, nhưng cũng xin trả lời như sau:
Xin nói ngay rằng giả sử nếu đó là con gái tôi thì tôi sẽ cấm nó làm những điều tương tự (nếu nó chưa đủ 18 tuổi) hoặc có thể tuyên bố không nhìn mặt nó nếu nó đã trên 18 tuổi mà vẫn không nghe lời tôi. Nhưng tôi không thể làm việc đó với “bà Tưng” khi cô ta không phải con tôi, em tôi mà là công dân bình đẳng như tôi, cho dù bản thân tôi không thích những hành vi của cô ta.
Không ai được phép lấy những tiêu chuẩn đạo đức hay văn hóa riêng của mình hay gia đình mình làm chuẩn mực để áp đặt lên các thành viên khác trong xã hội. Mà nếu có muốn làm điều đó thì lực cũng bất tòng tâm.
Cũng giống như việc nếu con bạn hay trốn học hoặc ăn mặc không đúng ý của bạn, bạn có thể quát mắng nó, thậm chí quất cho nó mấy roi vào đít, nhưng bạn không thể quát mắng hay đánh một đứa bé con nhà hàng xóm nếu nó mắc lỗi tương tự. Đôi khi trong những tình huống nhất định, việc cố gắng đóng vai trò một “nhà giáo dục đạo đức” có thể dẫn đến những ứng xử thiếu tinh tế, nếu không nói là… vô duyên, và do đó cũng không thể nói là chuẩn mực về văn hóa khi nó can thiệp thái quá vào quyền tự do cá nhân vẫn còn hợp pháp của người khác.
Nếu không tin thì bạn cứ thử quát mắng đứa bé hàng xóm ấy xem sao.
Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể nên thể hiện ý thức trách nhiệm trước xã hội của mình bằng việc phê phán (nhưng vẫn phải trong một giới hạn chuẩn mực cho phép) những hành vi của người khác mà dưới con mắt của chúng ta là lố lăng hay kệch cỡm nhưng luật pháp thì không thể can thiệp vào những hành vi chưa cấu thành tội phạm. Đấy là chưa nói đến việc chưa chắc tất cả mọi người khác đều coi hành vi đó là lố lăng. Nếu gặp Huyền Anh, tôi cũng sẽ tìm cách khuyên bảo cô ta một vài điều nhưng tôi phản đối việc cấm cô ta “có một chỗ ngồi dễ thấy” hay “giao lưu một vài câu chuyện với khách” trong một quán bar nào đó khi những hành vi đó không phạm luật. Như đề cập trong bài viết trước – điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là các cơ quan nhà nước có thể tùy tiện can thiệp nhằm ngăn cản hay hạn chế bất cứ hoạt động hợp pháp nào của công dân. Trong trường hợp “Bà Tưng”, sự can thiệp này của “cơ quan chức năng” có thể làm vừa lòng tôi và bạn Hưng nhưng từ tiền lệ này, ai dám đảm bảo rằng họ sẽ không can thiệp vào những hành vi khác vừa hợp pháp lại vừa chính đáng của công dân?
Hà Hiển - Sở VH-TT-DL Hà Nội can thiệp trái pháp luật trong vụ “‘Bà Tưng”?
Theo Báo Thanh Niên, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ buổi biểu diễn của “bà Tưng” dự kiến diễn ra tối 27.7 tại một quán bar.
Thế nhưng, cũng theo bài báo này thì để đề phòng khả năng “lách luật” khi “bà Tưng” vẫn “có thể xuất hiện, có một chỗ ngồi dễ thấy tại quán,… có thể không biểu diễn, nhưng vẫn có thể giao lưu một vài câu chuyện với khách tới đây“, ông Giám đốc Sở Tô Văn Động đã xác nhận một “đoàn liên ngành” đã “làm việc” với quán bar đó và sau cuộc “làm việc” đó thì “việc này hầu như không xảy ra” mặc dù chính bản thân ông cũng khẳng định “điều này không bị coi là phạm luật”.
Như vậy, với việc can thiệp để ngăn cản một hành vi không bị coi là phạm luật, “đoàn liên ngành” kia có phạm luật? Cụ thể là hạn chế quyền hợp pháp của công dân Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng)?
Mình không cổ xúy cho những hành động và phát ngôn lố lăng của Huyền Anh nhưng việc can thiệp của “đoàn liên ngành” nói trên để cô ta không thể “có một chỗ ngồi” hay không thể “giao lưu một vài câu chuyện với khách” tại một quán bar đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là các cơ quan nhà nước có thể can thiệp nhằm ngăn cản hay hạn chế bất cứ hoạt động hợp pháp nào của công dân. Không thể sợ không quản lý được thì can thiệp để ngăn cản, cấm đoán như trường hợp này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét