Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Nhắn nhủ các bạn trẻ: Tính chất và thái độ của Tích Cực

Hoàng Ngọc Diệp


Trong những ngày qua, nhất là kể từ khi bắt đầu viết loại bài đùa cợt “Nhà tui ngộ nghĩnh”, tôi nhận rất nhiều message gửi riêng, và một số comment trong các bài này đều có cùng một nội dung rằng tôi nên “tích cực” hơn, nên bớt “tiêu cực” đi, vì xã hội hiện nay đang rất cần những cách nhìn, những thái độ “tích cực” để anh em “lạc quan” mà vượt qua khó khăn. (Tất nhiên, đối với những comment hay message hỗn láo, mất dạy thì tôi không cần quan tâm).
Những lời dưới dây nhằm để trả lời những message, những comment này, cũng như để nhắn nhủ tới anh em trẻ nào chưa rõ ý nghĩa của “tích cực” là gì.
*
* *
Với những gì các bạn đã gửi cho tôi, thì tôi có hai phần: “tích cực” như là một tố chất trong tư duy, và “tích cực” như là một thái độ trong hành động.
Tôi sẽ lấy một sự kiện có thật đã xảy ra cho tôi làm ví dụ để giải thích nhé.
Bệnh ung thư
Khi phát hiện ung thư Non-Hodgkin Lymphoma vào cuối thời kỳ thứ ba, và khi các bác sĩ ở Mỹ cho biết cơ hội sống rất ít, dưới 5% cơ hội, ngay lúc đó tôi đã phải tự tìm cho mình một cách suy nghĩ và một thái độ sống cho những ngày tháng còn lại ngắn ngủi trước mắt.
Về tư duy, tôi đã tự bảo rằng “ai cũng phải chết, chỉ có chết trước hay chết sau mà thôi, mình lỡ có chết trước vì ung thư thì cũng phải chịu như là mình sẽ chết già thôi, vì vậy, tốt nhất là tuyên chiến với ung thư, vì nếu có thua cuộc chiến này thì cũng chỉ là huề”, với cách suy nghĩ này, tôi thấy an tâm để đối diện với ung thư như là một đối thủ trong một trận chiến mà tôi chỉ có huề hay thắng.
Tôi cho rằng hầu hết những cách suy nghĩ khác, nhất là tự cho rằng mình không bị ung thư, hay cho là “trời kêu ai nấy dạ”, hoặc hoang mang đau khổ, sợ chia lìa với người thân, v.v… đều là những cách suy nghĩ rất thiếu “tích cực”.
Về thái độ, vì đã quyết định tuyên chiến với ung thư, tôi đã quyết định tìm hiểu về nó, về cách chữa trị nó, về những phản ứng xấu trong khi ung thư và trong khi chữa bệnh, về những nguy hiểm khác hơn là ung thư có thể làm tôi chết, về những phương pháp tránh hoặc giảm thiểu các phản ứng xấu, về cách giữ mình để có đầy đủ dinh dưỡng, v.v… như kiểu “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tôi đề nghị mọi người thân yêu xung quanh cùng vui vẻ với tôi, cùng chia sẻ những thông tin và cùng bận rộn tìm hiểu thêm thông tin để giúp tôi, hơn là rảnh rỗi để suy nghĩ, lo lắng và đau buồn. Và tất nhiên trong khi đang “chiến đấu” thì tôi vẫn cố gắng làm việc và sinh hoạt như bình thường trong giới hạn sức khỏe cho phép.
Tôi cho rằng hầu hết mọi thái độ khác, chẳng hạn như lo lắng, khóc lóc, đau buồn, và ngay cả như suy nghĩ để viết di chúc, sắp xếp hậu sự, v.v… đều là những thái độ rất thiếu “tích cực”.
*
* *
Vậy đó, trong một xã hội đang bị tha hóa, đang bị tham nhũng thối nát hoành hành, đang bị độc tài và xuẩn ngốc cai trị… như là một căn bệnh ung thư của xã hội, thì tư duy hay suy nghĩ tích cực là gì?
Nếu không tuyên chiến với nó thì không lẽ đầu hàng nó? Và không lẽ tuyên chiến với nó là “tiêu cực” còn đầu hàng nó mới là “tích cực” hay sao?
Nếu tự mình không tìm hiểu về nó để ngăn ngừa cho mình khỏi chết vì nó, thì không lẽ ngồi đó chờ cho “ai đó” giúp mình thay đổi hay ngăn ngừa sao? Không lẽ tìm hiểu, phân tích, đánh giá về nó để thấy rõ sự thật là “tiêu cực” mà lặng lờ tìm những chuyện tốt đẹp còn sót lại để chối bỏ sự thật là “tích cực” hay sao?
*
* *
Các bạn còn trẻ, các bạn phải tập để có tư duy, có nhận định, có tầm nhìn… cho đúng đắn. Đừng bao giờ hời hợt nghĩ là chỉ nói về cái hay cái đẹp là “tích cực”. Nhất là trong một xã hội vô cùng nghèo đói, lạc hậu, tham nhũng tràn lan, hệ thống quyền lực ngu xuẩn, bất tài, thối nát như hiện nay.
Nên nhớ, trong một xã hội đầy rác rưởi thì “tích cực” chính là nhìn thấy đâu là rác để dọn, “tích cực” chính là cùng lôi kéo nhau để dọn rác, và “tích cực” chính là cùng nhau ngăn chận, và nếu được, tiêu diệt nguồn xả rác. Còn mọi trò mèo làm sạch một vài chỗ nho nhỏ rồi bảo rằng xã hội đã hết rác, rất sạch sẽ thơm tho, thì với tôi đó là sự lường đảo, và là thái độ “tiêu cực” không thể chấp nhận được.
Vậy nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét