Lâm Bình Duy Nhiên
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong chính sách đối ngoại của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam những năm gần đây chính là thái độ chính trị đối với nước láng giềng phương Bắc. Và có thể nói, những người đứng đầu đảng cộng sản đã không có một thái độ dứt khoát để có thể thiết lập một quan hệ bang giao dựa trên tinh thần bình đẳng giữa hai quốc gia tự chủ. Bên cạnh đó, vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung cũng là một bài toán nan giải cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Thiết nghĩ không cần nhắc lại sự bang giao “thù địch” giữa hai nước cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mà Việt Nam còn có sự hậu thuẫn của Liên bang Xô Viết. Tất cả trở nên “tươi sáng” hơn giữa hai quốc gia sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ (11/1989), kéo theo sự tan rã của các quốc gia cộng sản ở Đông Âu. Liên Xô đã chấm dứt sự tồn tại của mình trên bản đồ thế giới vào ngày 26/12/1991. Sự sụp đổ của “ngọn cờ tiên phong” của nền chủ nghĩa cộng sản đã khiến cho Việt Nam phải thay đổi thái độ chính trị đối với Trung Quốc. Rõ ràng, để tồn tại và tiếp tục duy trì sự lãnh đạo hà khắc, độc tài, nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải dựa vào nhà nước cộng sản Trung Quốc. Họ thừa biết, chỉ có sự trợ giúp của người láng giềng, thì đảng cộng sản mới tránh được sự tan rã như các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Cũng từ đây, chính phủ cộng sản Việt Nam đã chọn thái độ nhún nhường, tránh né xung đột để không làm mất lòng Trung Quốc. Điển hình là qua các cuộc đàm quán để giải quyết vấn đề biên giới. Họ đã chấp nhận nhượng bộ rất nhiều cho Trung Quốc khi ký Hiệp định biên giới (1999) và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ (25/12/2000). Qua hai Hiệp định này, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã tỏ ra quá mềm mỏng, yếu đuối trước áp lực của Trung Quốc. Đối mặt với làn sóng bất bình của người Việt trong và ngoài nước, chính phủ cộng sản chưa bao giờ đưa ra được những lời giải thích rõ ràng và minh bạch về việc bị cho là “dâng đất, dâng biển” cho ngoại bang.
Đỉnh điểm của lòng yếu đuối, nhu nhược, thậm chí hèn nhát của đảng chính là sự bất đồng sâu sắc về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc. Việc khẳng định chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ được thực hiện một cách lập lờ, không dứt khoát đã dẫn đến việc Trung Quốc cậy thế, làm càn khi tấn công tàu đánh cá, hay ngang nhiên bắt giữ trái phép các ngư dân Việt Nam. Việc Trung Quốc, bất chấp luật lệ quốc tế, sử dụng “đường lưỡi bò” để vẽ lại bản đồ Biển Đông sao cho có lợi cho họ cũng chỉ bị nhà nước cộng sản Việt Nam phản ứng một cách yếu ớt! Và khi các cuộc biểu tình chống sự bành trướng, ngạo mạn của Trung Quốc diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn, đảng cộng sản Việt Nam đã không ngần ngại trấn áp và cấm đoán. Họ ra sức đàn áp và bỏ tù những người yêu nước đã dám đấu tranh chống ngoại bang. Một mặt, họ cho phép các cơ quan thông tin, báo đài của đảng được phép lên án, chê bai bộ mặt gian xảo của Trung Quốc cũng như sự tràn ngập hàng hóa chất lượng kém, độc hại trên thị trường Việt Nam. Mặt khác, họ im lặng trước những yêu sách của Trung Quốc. Một đường, họ muốn tiến gần về phía Hoa Kỳ và khuyến khích chính phủ của tổng thống Obama nên có chính sách ngoại giao tích cực hơn nữa ở Biển Đông. Một nẻo, họ ký kết những thỏa hiệp quan trọng với Trung Quốc trên nhiều phương diện như chính trị, an ninh quốc phòng, quân sự, kinh tế…Có thể nói đây chính là tư cách của một chư hầu thời phong kiến. Chính phủ cộng sản Việt Nam không muốn làm mất lòng người anh em xã hội chủ nghĩa. Đối với họ, sự sinh tồn của đảng gắn liền với sinh mệnh của cộng sản Trung Hoa!
Người dân Việt Nam càng tỏ ra thất vọng trước nhà cầm quyền cộng sản khi nhìn thấy những làn sống biểu tình bài Trung Quốc của người dân Philippines. Chính phủ nước này đã chứng tỏ lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Vai trò và ảnh hưởng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc. Thế giới không còn là sự đối đầu của hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa. Sự tan rã của Liên bang Xô Viết đã khiến cho thế giới chỉ còn một thế lực duy nhất về kinh tế lẫn quân sự: Hoa Kỳ. Nhưng sự sa lầy trong hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cộng với tư tưởng thù địch chống Mỹ tại các nước Hồi giáo đã khiến vị thế của siêu cường quốc này lung lây, ít nhất trong cái nhìn của dư luận quốc tế. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ trên phương diện kinh tế của các nước như Ấn Độ, Brasil, Nga và nhất là Trung Quốc đã khiến cho ngay ở Mỹ, người ta đã bắt đầu hình dung đến «một thế giới hậu Mỹ» (The Post-American World 1), một thế giới mà người Mỹ sẽ không còn ở thế thượng phong và một sự cân bằng trên toàn cầu sẽ được tái thiết lập bởi sự hiện diện của Trung Quốc.
Từ một nước nghèo nàn và lạc hậu trong thập niên 80, Trung Quốc ngày nay đã trở thành một thế lực lớn. Từ một quốc gia cộng sản, chỉ được tiếng đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã trở nên cường quốc thứ hai về kinh tế. Theo các nghiên cứu, nếu tiếp tục với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay (trung bình 9% hằng năm) thì vào khoảng 2020 hay 2030, Trung Quốc có thể sẽ qua mặt Mỹ. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung suy sụp, bên bờ vực thẳm thừa hưởng từ thời Mao Trạch Đông, chuyển sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, trong vòng 30 năm, Trung Quốc đã làm đảo lộn mọi trật tự trên thế giới. Trên phương diện kinh tế, tài chính và cả về quân sự, Trung Quốc đã trở thành một đối tác quan trọng mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu phải kiêng nể. Trên bình diện quốc tế, sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Phi càng chứng tỏ quốc gia này đang rất quan tâm đến những vùng đất chứa nhiều quặng mỏ và tài nguyên thiên nhiên. Một trong những điểm yếu của Trung Quốc chính là nhu cầu sử sụng về năng lượng. Nên việc cạnh tranh các vùng lãnh thổ giàu tài nguyên cũng là cách để họ đáp ứng đòi hỏi cấp bách này.
Theo lý thuyết của John Mearsheimer, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago thì các quốc gia không bao giờ bằng lòng với vị thế hiện tại và sẽ không ngừng tìm cách nâng cao sức mạnh của mình. Hay cụ thể, một quốc gia mạnh nhất trong khu vực trước hết phải tìm cách thống trị khu vực đó, rồi mới tìm cách thống trị toàn bộ hệ thống quốc tế. Quan sát thái độ chính trị đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á hay Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, ta có thể thấy rõ Trung Quốc đang dần dần thực hiện lý thuyết trên. Mục đích sau cùng của họ chính là vị trí siêu cường quốc. Một vị thế sẽ mang lại nhiều quyền lợi cho quốc gia đông dân nhất này, một thị trường tiêu thụ cực lớn về năng lượng, về môi trường, về máy móc…
Trong khu vực, từ năm 2008, Trung Quốc đã không ngừng quấy nhiễu các nước láng giềng, qua các hành động gây áp lực lên Nhật Bản, Việt Nam, hay do chính sách “bảo kê” đối với Bắc Triều Tiên. Sự hiện diện ồ ạt của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông, nơi xảy ra những tranh chấp với các nước trong khối ASEAN càng làm cho tình hình trở nên căng thẳng. Nhưng cũng do chính sách bang giao hống hách ấy mà các liên minh giữa các quốc gia trong vùng đang dần dần được hình thành để đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc. Đó là sự liên minh giữa Nhật và Mỹ, giữa Nhật và Đại Hàn. Các nước trong khối ASEAN cũng chuẩn bị tinh thần để đối phó với Trung Quốc. Ngay cả Ấn Độ cũng hiện đại hóa quân đội để đề phòng cho chiến tranh khi những mâu thuẫn về tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Và như đã nói ở trên, chính phủ cộng sản Việt Nam cũng có ý ủng hộ sự hiện diện của Hoa Kỳ nơi vùng Biển Đông. Nhưng trước sức ép của Trung Quốc và những quyền lợi sinh tồn của đảng, các nhà lãnh đạo cộng sản đã ngả hẳn về phía Bắc Kinh, bất chấp sự bất mãn của nhân dân Việt Nam.
Nhưng với sự hiện diện của Hoa Kỳ (về quân sự và ngoại giao) và các liên minh giữa các nước trong khu vực, Trung Quốc không còn vị trí độc tôn ở vùng Viễn Đông nữa. Và giờ đây, họ sẽ phải đối đầu với nhiều quốc gia đang hợp với nhau để chống lại mình. Đó cũng là điều mà Trung Quốc, vốn kiêu ngạo và tự phụ, không thể nào ngờ đến và họ cũng không muốn vấp phải những liên minh ấy trên con đường thống trị hóa thế giới! Dẫu sao, hiện nay họ cũng chưa đạt đến mức độ phát triển về khoa học kỹ thuật, về quân sự…như các cường quốc khác. Chiến lược cao tay của Đặng Tiểu Bình “tranh thủ thời gian và che giấu năng lực” đã cho thấy những điểm yếu khi vấp phải sự kháng cự từ những quốc gia tiến bộ.
Tiếc thay, đảng cộng sản Việt Nam, thay vì đồng lòng, đồng tâm hợp lực với các nước trong khu vực để đối phó với kẻ láng giềng hung hãn một cách bình đẳng, họ lại chọn con đường chư hầu, cúi mình nhục nhã trước Thiên triều. Thay vì đứng bên lẽ phải, công lý để ủng hộ và bảo vệ đồng bào của mình, họ lại chọn chính sách đàn áp những người dân yêu nước, những người đã dám đấu tranh chống kẻ thù.
Chính họ đã đánh mất cơ hội để khẳng định chủ quyền của một quốc gia độc lập, để hòa nhập vào thế giới tự do, dân chủ và để tách rời khỏi sự “cai trị” của Trung Quốc. Một đất nước trãi qua suốt chiều dài lịch sử, luôn luôn dòm ngó Việt Nam với ánh mắt thèm thuồng và ắt sẽ không bỏ lỡ cơ hội để thôn tính Việt Nam. Trung Quốc, thời nào cũng vậy, nếu không là một quốc gia dân chủ, họ sẽ mãi là Đại địch đối với Việt Nam!
Kết luận
Chính Trung Quốc cộng sản sẽ là rào cản lớn cho sự đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam. Chừng nào đảng cộng sản Việt Nam còn hèn nhát, còn dựa vào sự “bảo vệ” của Bắc Kinh, ngày ấy dân tộc Việt Nam sẽ còn sống trong một chế độ độc tài, sống trong sự đàn áp, sự đe dọa... Ngày ấy, những người yêu nước sẽ vẫn tiếp tục bị giam cầm và tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sẽ phải gặp nhiều chông gai và khó khăn. Bởi vì các nhà lãnh đạo cộng sản sẽ không ngần ngại sử dụng quân đội và bộ máy công an để kìm hãm sự đấu tranh cho một Việt Nam tự do.
Mong sao tấm lòng “yêu và trung thành với đồng chí” của nhà thơ Chế Lan Viên sẽ không trở thành hiện thực trong những năm tháng sắp tới ở Việt Nam:
Ngày mai về Tổ Quốc
Chiến tranh hay hòa bình
Ai đâu mà quên được
Những tháng ngày Nam Ninh
Bác Mao có đội chim lành
Đến đây vỗ cánh hòa bình che ta
Bên kia biên giới là nhà
Bên ni biên giới cũng là quê hương.2
Chiến tranh hay hòa bình
Ai đâu mà quên được
Những tháng ngày Nam Ninh
Bác Mao có đội chim lành
Đến đây vỗ cánh hòa bình che ta
Bên kia biên giới là nhà
Bên ni biên giới cũng là quê hương.2
Không có chế độ nào tồn tại một cách vĩnh cữu. Hơn ai hết người cộng sản thấu hiểu điều đó và họ đang ra sức kéo dài những chuỗi ngày cầm quyền, bỏ mặc yêu cầu bức bách của thời đại. Chỉ có sự dân chủ, tôn trọng quyền căn bản của con người và chấp nhận sự tồn tại của những tư tưởng khác nhau mới đưa một dân tộc trở nên phát triển và tiến bộ. Vấn đề chỉ là thời gian. Dân tộc Việt Nam đủ thông minh và anh dũng để gạt bỏ sự độc tài, để tự nắm lấy quyền tự quyết tương lai và vận mệnh của dân tộc.
Lausanne, ngày 13 tháng 8 năm 2013
Chú thích:
1 The Post-American World, W.W. Norton, New York, 2008
2 Cho uống thuốc, Chế Lan Viên, 1954
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét