Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Kinh tế Việt Nam có ‘dấu hiệu phục hồi’

Nguyen Pham Muoi & James Hookway | WSJ
Thanh Ngân chuyển ngữ
Chia sẻ bài viết này
HÀ NỘI – Thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được điểm tốt nhất trong năm nay so với các nước khác trong khu vực châu Á

Kinh tế Việt Nam hiện đang có các dấu hiệu phục hồi trong một thời điểm mà hầu hết các thị trường mới nổi trong khu vực đều bị sụt giảm bởi sự tăng trưởng chậm chạp tại Trung Quốc.
Xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng và nền kinh tế của Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại, trong khi chính phủ đang thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng và các giới đầu tư bằng các bước cụ thể nhằm sửa chữa một loạt các vấn đề đã làm mức tăng trưởng kinh tế sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua.
Theo số liệu công bố bởi một nhóm thương mại vào thứ Ba vừa qua cho thấy doanh số bán ô tô hồi tháng trước tăng 25% so với một năm trước đó. Xuất khẩu trong bảy tháng đầu năm nay cũng đã tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số tiền giải ngân vốn đầu tư nước ngoài – phần lớn là từ các công ty công nghệ cao – cũng tăng 6,4% trong cùng thời kỳ lên 6,65 tỷ USD.
Tăng trưởng tín dụng cũng đang bắt đầu tăng lên sau khi chính phủ thành lập công ty quản lý tài sản để mua và phục hồi các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Số vốn vay ngân hàng cũng tăng 5,15% trong bảy tháng đầu năm nay – đây là số liệu tăng tốc khá mạnh từ 0,3% vào cuối tháng Ba vừa qua mặc dù vẫn còn thấp hơn mục tiêu 12% cho 2013 do chính phủ đề ra.
Hiện nay các nhà đầu tư đang chú ý đến những cải tiến trên. Chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 20% trong năm nay, và đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam lên thành một trong những sàn chứng khoán hoạt động tốt nhất tại châu Á giữa lúc các thị trường lớn khác trong khu vực như Thái Lan đang vật lộn với tăng trưởng một con số.
Việt Nam đang ra sức thể hiện cái được gọi là thị trường bên ngoài, điều mà có thể giúp nước này đạt được chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh kinh tế còn trì trệ tại các thị trường mới nổi. Chỉ số MSCI Frontier Markets Index, bao gồm 32 quốc gia trên toàn thế giới, đã tăng 14% trong năm nay bất chấp những lo ngại về nhu cầu bị chậm lại ở Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ vì các chương trình kích cầu trong những tháng gần đây.
Nền kinh tế Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu ổn định hơn. Tổng sản phẩm trong nước tăng lên 5,0% trong quý II so với 4,8% một năm trước đó. Các quan chức và các kinh tế gia tại Việt Nam nghĩ rằng mức tăng trưởng nhanh như trước đây đang bắt đầu quay trở lại.
“Mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ con số dự báo cụ thể nào trong quý III, nhưng kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý này so với thời gian trước đó”, Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê của chính phủ cho biết.
Việt Nam dự báo nền kinh tế sẽ tăng 5,5% trong năm nay, so với 5,03% hồi năm ngoái.
Võ Chí Thanh tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế của chính phủ cho biết rằng việc mở rộng tăng trưởng tín dụng và gia tăng đầu tư nước ngoài – gần 1 tỷ USD mỗi tháng – sẽ tiếp tục giúp duy trì đà tăng trưởng này trong những tháng còn lại của năm 2013.
Nhưng điều chắc chắn rằng Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần phải sửa chữa. Chính phủ đang phải vật lộn để phục hồi lĩnh vực nhà ở và xây dựng sau khi bong bóng bất động sản bùng nổ. Điều này đã góp dầu vào lửa trong vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Sau nhiều tháng trì hoãn, Việt Nam tạo ra công ty quản lý tài sản Việt Nam hồi tháng Bảy vừa qua nhưng công ty này vẫn chưa bắt đầu tiếp quản các khoản nợ xấu. Theo ước tính của công ty xếp hạng tín dụng Fitch, việc này đã làm cho các ngân hàng khômg dám cho vay vốn vào giữa lúc thời điểm nợ xấu chiếm đến 15% tổng dư nợ.
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cũng đã thực hiện tương đối một ít tiến triển trong việc hợp lý hóa một số các doanh nghiệp nhà nước lớn tại nước này, một phần nhờ vào các cuộc tranh giành quyền lực kéo dài trong giới lãnh đạo hàng đầu trong năm qua. Nhiều doanh nghiệp nhà nước này đã chiếm các khoản nợ khổng lồ trong nhiều năm qua khi họ mở rộng lĩnh vực kinh doanh để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp các doanh nghiệp nhà nước còn lấn át lĩnh vực cho vay của các ngân hàng tư nhân nhỏ hơn. Một trong những thất bại lớn nhất gồm Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – hoặc Vinashin – đã gần như sụp đổ và phá sản trong năm 2008 với số nợ lên đến 4 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế lo ngại rằng chính phủ Việt Nam đã cắt giảm lãi suất quá mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, mỗi lần giảm khoảng 1%. Một phái đoàn của IMF hồi tuần trước đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc kiềm chế lạm phát sau khi một loạt các đợt tăng giá mạnh và gây mất ổn định trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế Việt Nam – nơi từng được xem như con hổ của châu Á – đang trên đà phục hồi và đi đúng hướng. Công ty quản lý tài sản đang chuẩn bị dọn sạch các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, trong khi chính phủ đang bắt đầu tung ra chương trình 1,4 tỷ USD trợ cấp các khoản vay cho việc xây dựng và mua nhà ở chi phí thấp, việc này có thể giúp phục hồi thị trường bất động sản nhanh hơn – kinh tế gia Michael Kokalari đã viết trong một bản báo cáo nghiên cứu trong tháng này.
Các nhà đầu tư có thể sẽ sớm được tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc tăng giới hạn số vốn sở hữu nước ngoài trong các công ty cổ phần niêm yết từ 49% lên 59%, và việc này có thể sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày tới.
Ông Kokalari cho biết rằng, “Việt Nam đang lên kế hoạch cho các bước đi lớn trong năm 2014″.
Nguồn: Tạp chí WSJ
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét