Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Sắc màu Trung Quốc (phần II): Trường hợp ngoại lệ của Bắc Kinh

Sc màu Trung Quc (phn II): Trường hp ngoi l ca Bc Kinh

Jonathan Anderson
Billy chuyển ngữ
Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả một cuộc tranh luận giữa hai nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Minxin Pei và Jonathan Anderson, diễn ra trên tờ National Interest Online. Hai người có hai quan điểm, hai cách nhìn hoàn toàn đối lập nhau về tương lai của Trung Quốc. Qua loạt bài này, chúng ta không chỉ được thấy những quan điểm đa chiều về Trung Quốc, vốn được coi là một tấm gương phát triển phù hợp với Việt Nam, mà còn cả cách thức tranh luận khoa học, điều mà Dân Luận mong mỏi độc giả hướng tới.
Chia sẻ bài viết này

Tham luận của Jonathan Anderson: Trường hợp ngoại lệ của Bắc Kinh

Khi tính tới tiềm năng của những thị trường đang trỗi dậy ngày hôm nay để trở thành những quốc gia mạnh và giàu có hơn, thì tốt nhất bạn nên đặt cược vào Trung Quốc.
Liệu sự vươn lên của Trung Quốc là một tất yếu? Không, như chúng ta đã học được từ những thất bại lớn trong 12 tháng vừa qua, là không có gì tất yếu [hay chắc chắn] về sự phát triển kinh tế nhanh chóng và liên tục, hoặc những thành công trong giai đoạn tới của một mô hình kinh tế; và tính hiệu quả trong quá khứ rõ ràng không phải là điều đảm bảo cho sự thành công tương lai. Và, giống như các nước đang phát triển có thu nhập thấp, có rất nhiều cạm bẫy rõ ràng và không rõ ràng có thể làm tổn thương tới sự phát triển của Trung Quốc trong những năm hoặc thập kỉ sắp tới.
Tuy nhiên, như câu nói nổi tiếng của nhà văn kiêm nhà báo Damon Runyon, rằng "[Rõ ràng] Trong cuộc đua không phải lúc nào kẻ nhanh nhất cũng về đích trước tiên, cũng như trong cuộc chiến không phải lúc nào kẻ mạnh nhất cũng thắng - nhưng đó là xu hướng để chúng ta đặt cược". Và khi tính tới tiềm năng của những thị trường đang trỗi dậy ngày hôm nay để trở thành những quốc gia mạnh hơn và giàu có hơn, thì tốt nhất bạn nên đặt cược vào Trung Quốc.
Trung Quốc - nước giữ kỉ lục về các con số.
Trung Hoa đại lục đã bước đi nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trước đó. Và nguy cơ về lệch hướng kinh tế trong vòng 10 hay 20 năm nước thấp hơn rất nhiều so với mọi người suy nghĩ.
Trong một cuộc tranh luận nhiều dự đoán và khẳng định, có lẽ tốt hơn hết là tập trung nhiều vào các dữ liệu cụ thể ở tầm vĩ mô. Và đây là những dữ liệu cụ thể nhất mà chúng ta có: Trong 3 thập kỉ từ năm 1978 tới 2007, GDP của Trung Quốc tăng trưởng với mức 9.9%. Tất nhiên là độ tin cậy của các con số đó cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu kết luận rằng sự phát triển của Trung Quốc đã bị thổi phồng vì nhiều lí do (như việc đánh giá thấp lạm pháp hay sự bóp méo số liệu trong hệ thống XHCN cũ). Tuy nhiên, ngay cả những người hoài nghi nhất cũng đồng ý với con số khoảng 9%/năm hoặc hơn một chút trong thời kì vừa qua. Vậy một sức tăng trưởng nằm giữa 9 và 9.9% nên so sánh như thế nào với những trường hợp khác? Cho dù chúng ta lấy cái đầu hay cái cuối của khoảng đó thì Trung Quốc vẫn là người giữ kỉ lục thế giới về tăng trưởng. Trong thời kì phát triển hoàng kim, Nhật Bản cũng chỉ tăng trưởng ở mức 8% giữa năm 1960 và 1995 và các con hổ châu Á phát triển với mức 7.8% (Hồng Kong), 8.3 (Hàn Quốc), 8.4 (Singapore) hay 8.9 (Đài Loan). Đây không phải là tất cả, với tỉ lệ giảm dân số rõ rệt từ những năm 1970, Trung Quốc vẫn vượt trội về tỉ lệ thu nhập bình quân đầu người.
Những con số tiếp theo xoay quanh nguồn gốc của sự phát triển đó. Nên nhớ rằng trong kinh tế học thì trong các công thức đơn giản nhất luôn có ba cách cho một đất nước phát triển: (i) tăng thêm nhân công (ii) tăng thêm vốn đầu tư (iii) kết hợp nguồn lực và vốn đầu tư và tăng hiệu quả sản xuất. Cái cuối cùng được gọi là “nhân tố hiệu suất tổng hợp” của sự phát triển, và nó là cách tốt nhất để đánh giá sự phát triển về lâu về dài của một nền kinh tế vì nó tập trung vào chất lượng hơn là số lượng tăng trưởng. Nhiều người đã nghiên cứu chi tiết về các thành phần phát triển của Trung Quốc. Những đánh giá về hiệu quả sản xuất của Trung Quốc là khoảng 2-4%/năm và ta cứ lấy trung bình là 3%. Điều đó có nghĩa là khoảng 1/3 sức tăng trưởng của Trung Quốc là từ sự tăng hiệu quả suất.
Vậy những con số đó so với thế giới thì thế nào? Một lần nữa, Trung Quốc lại là người đứng đầu. Trong hầu hết thời kì hậu chiến tranh lạnh thì các nước công nghiệp phương Tây có tỉ lệ tăng trưởng hiệu suất khoảng 2%, con số này của Nhật Bản và một vài nước phát triển nhanh khá của châu Á là khoảng 2.5% và không có khu vực nào khác có thể đạt gần bằng con số này. Như vậy sự tăng trưởng hiệu suất 3% cho thấy nền kinh tế của Trung Hoa đại lục đứng ở mức cao so với thế giới.
Năm 1990, thu nhập đầu người của Trung Quốc so với đô Mĩ là $350. Năm 2000, con số này tăng gấp 3 lần, lên $1000 và cuối năm 2009, nó lại tăng thêm 3 lần nữa lên $3,000. Nếu Trung Quốc vẫn tăng trưởng với mức 8%/năm hoặc hơn thì trong 2 thập kỉ tới, nếu tính theo giá đô la bây giờ thì thu nhập đầu người có thể dễ dàng đạt mức $8,500 vào năm 2020 và $20,000 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là thu nhập của người Trung Hoa đại lục sẽ cao hơn Đài Loan và Hàn Quốc bây giờ và có thể đủ tư các đứng trong hàng các nước OECD và quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ hơn cả Mĩ và liên minh châu Âu hôm nay cộng lại.
Tổng kết lại, nếu xét trên các khía cạnh vĩ mô thì Trung Quốc rõ ràng là nền kinh tế đang nổi lên thành công nhất thế giới của thời kì hậu chiến tranh lạnh. Với đà này, sự vươn lên của Trung Quốc sẽ không còn là viễn cảnh mờ ảo ở phía chân trời nữa mà là hiện thực thực tế trong khoảng 20 năm nữa. Quan trọng hơn hết, Trung Hoa đại lục không cần tới mức phát triển 10%/năm để trở thành nước phát triển vào năm 2030. 8% có thể là khá đủ, thậm chí nếu tăng trưởng giảm xuống còn 6 hoặc 7% thì Trung Quốc cũng chỉ đạt đến mức đó muộn vài năm.
Nói cách khác, nếu bạn muốn chứng minh rằng Trung Quốc sẽ thất bại, thì sẽ là không đủ nếu nói rằng nền kinh tế sẽ chậm lại. Thay vào đó, bạn cần những xáo trộn lớn hoặc một khủng hoảng triệt để làm giảm sức tăng trưởng trong thời gian dài và ngài cần điều đó xảy ra trong tương lai rất gần [trước khi Trung Quốc có thời gian đuổi kịp các cường quốc khác trên thế giới].
Biểu đồ tăng trưởng của Trung Quốc qua các năm.- Nguồn: Bộ thống kê Mĩ
Trong buổi tranh luận hôm nay, có rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng để bạn có thể chỉ ra, như các loại bong bóng, suy thoái toàn cầu, mâu thuẫn xã hội, các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ, một mô hình xã hội chủ nghĩa không hiệu quả hay thiếu tự do chính trị. Như tôi nói từ đầu, không có gì đảm bảo rằng một hoặc vài yếu tố này sẽ không bỗng nhiên xảy ra với Trung Quốc và làm giảm sức tăng trưởng. Tuy nhiên, một cái nhìn khách quan với những yếu tố rủi ro này cho thấy khả năng xảy ra của chúng là trung bình. Không có nhiều yếu tố cho thấy nền kinh tế sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng dài hạn. Vì lí do giới hạn về độ dài, tôi muốn nêu ra những điểm chính của phần lí lẽ của tôi.
Điều thứ nhất, và có thể là điểm quan tâm nhất, là số phận của Trung Quốc sẽ thế nào trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại. Lượng xuất khẩu đã giảm trong quý IV năm 2008 và sự đổi chiều của chứng khoán cũng như thị bất động sản đã làm cho các công ty xây dựng và chi tiêu công nghiệp đi xuống nhanh chóng. Với viễn cảnh tăng trưởng chậm và tỉ lệ thất nghiệp tăng trong năm nay, sẽ hoàn toàn tự nhiên nếu cho rằng đây là cú sốc đối với Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, bất kể sử dụng cách đánh giá nào thì Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu ít nhất trong châu Á với chỉ khoảng 8% lực lượng lao động làm việc trong các nhà máy xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp nhẹ như đồ chơi, dệt may chiếm phần nhỏ hơn tổng đầu tư của Trung Quốc. Ngay cả trong thời kì đỉnh cao của phát triển thương mại, thăng dự xuất khẩu vẫn không chiếm quá 1/6 GDP của Trung Quốc. Điều này giúp giải thích tại sao Trung Quốc lại vẫn có thể giữ tăng trưởng trong thời điểm xuất khẩu đi xuống như thời kì bong bóng công nghệ năm 2001-2002. Nó cũng giải thích tại sao để Trung Quốc trở thành một có sức nước tăng trưởng trung bình thì chuyện xuất khẩu giảm là không đủ trong điều kiện ngày hôm nay.
Về mặt nội địa, thị trường chứng khoán của Trung Quốc tăng gần 6 lần trong khoảng năm 2005-2007 trước khi chịu sự tụt giảm tương tự trong 15 tháng qua. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng lo ngại hậu bong bóng của Nhật. Ở một khía cạnh khác thì điều này là không mới. Trong suốt 2 thập kỉ qua, giá chứng khoán của Trung Quốc đã tăng chóng mặt cứ mỗi 5 năm và sau đó là sự sụt giảm nhanh chóng. Điều quan trọng ở đây là kể cả ngày nay thì vốn từ điều lệ từ cổ phiếu vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của nhà đất và bảng lời lãi của các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là trong thuật ngữ kinh tế thì thị trường chứng khoán của Trung Quốc vẫn chỉ là thứ yếu. Nhà ở và thị trường bất động sản là các vấn đề khác nhau. Như chúng ta thấy ở nước Mĩ, sự đi xuống của bất động sản tạo ra những ảnh hưởng xấu nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là TQ không giống Mĩ. Nợ thế chấp của người dân rất thấp, tỉ lệ vay so với giá trị thực cực thấp. Giá nhà trên toàn quốc thực tế đã giảm so với thu nhập người dân trong thập kỉ vừa qua. Chính vì thế mà trong khi doanh thu và xây dựng ở Trung Quốc có giảm mạnh thì không có nhiều số liệu để chứng minh rằng những vấn đề bất động sản hiện tại sẽ chỉ là sự điều chỉnh có tính chu kì.
Tiếp theo tôi xin được phản biện lại ý kiến thường gặp cho rằng vì Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế chắc chắn sẽ trở nên hỗn loạn vì những hành động của những người lập kế hoạch của trung ương – những người đã bỏ qua nguyên tắc thị trường tự do và phân phối tài nguyên trái lại với tất cả các tính toán kinh tế như Sô Viết trước đây – và chắc chắn Trung Quốc sẽ phải chịu cú sốc khủng khiếp khi các lực lượng thị trường chiếm ưu thế. Một phiên bản nhẹ nhàng hơn của Trung Quốc là việc quá phụ thuộc và mô hình tăng trưởng chú trọng về lượng – tức là những người làm kế hoạch chỉ biết tăng vốn đầu tư và nhân công nhưng không việc kiếm lời từ đầu tư thì rất kém. Một khi nền kinh tế đã hết tài nguyên thì toàn bộ hệ thống có thể bị tê liệt.
Tổng kết lại, nếu xét trên các khía cạnh vĩ mô thì Trung Quốc rõ ràng là nền kinh tế đang nổi lên thành công nhất thế giới của thời kì hậu chiến tranh lạnh.

Theo những số liệu thực tế thì không điều nào trong những điều này thực sự là mối lo ngại. Chỉ số duy nhất đánh giá về việc phân bố các tài nguyên trong nền kinh tế chính là hiệu quả sản xuất, một yếu tố mà tôi đã nói trước đó. Đối với Sô Viết thì các con số thực sự tồi tệ. Theo cách tính chuẩn thì nền kinh tế Sô Viết đã có hiệu quả sản xuất giảm 1% mỗi năm trong 2 thập kỉ cuối cùng của nó. Đó thực sự là một trong những thành tích kém cỏi nhất của các một quốc gia lớn trên thế giới và nó phản ánh đúng bản chất bị bóp méo nặng nề của nền kinh tế.
Trong khi đó thì Trung Quốc lại có không chỉ mức tăng trưởng dương về hiệu quả sản xuất trong suốt 3 thập kỉ qua mà còn có thành tích tốt nhất nữa. Điều này được thể hiện các số liệu tài chính như lợi nhuận từ công nghiệp, tỉ lệ lãi của các doanh nghiệp trên vốn đầu tư điều lệ. Bất chấp việc bạn dùng con cách đo nào thì Trung Quốc đã có sự cải thiện liên tục trong vòng 15 năm qua, ngay cả trong bối cảnh suy thoái chung bây giờ, tỉ lệ lãi từ đầu tư vẫn ở mức rất cao. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy việc phát triển dựa trên số lượng sẽ lâm vào thời kì nguy hiểm. Việc thay đổi tỉ lệ dân số đúng là có tác động đến phát triển nhưng đây không phải là điều quan trọng. Nếu chúng ta nhìn vào hình thức phát triển của Trung Quốc thì có lẽ chỉ khoảng 1/6 là đến từ việc gia tăng lực lượng lao động, 1/3 từ việc tăng hiệu quả sản xuất và phần còn lại đến từ tăng vốn đầu tư. Nói cách khác, giống như các nền kinh tế châu Á lân cận, việc tăng trưởng kinh tế là do các khoản tiết kiệm và đầu tư.
Vậy nguy cơ Trung Quốc sẽ dùng hết các khoản tiết kiệm, lợi nhuận đầu tư là lớn đến đâu? Việc tăng hiệu quả sản xuất cũng như các khoản lời từ các tập đoàn cho ta thấy một điều: vấn đề lợi nhuận không phải là điều đáng lo khi mà Trung Quốc có rất nhiều lĩnh vực sinh lời. Còn về vấn đề tiết kiệm, ta cần phải nhớ rằng Trung Quốc hiện tại đang xuất khẩu khoảng 10% thặng dư kinh tế tới phần còn lại của thế giới và cho đến nay thì đây là mức cao nhất có thể của bất cứ nền kinh tế nào.
Theo như các số liệu gần đây thì 25% GDP của Trung Quốc là từ các doanh nghiệp quốc doanh. Mọi người thường coi các doanh nghiệp quốc doanh thường không tuân theo các nguyên tắc thị trường, phải phụ thuộc vào việc phân phối tài nguyên của chính phủ và các quyết định kinh tế, chiếm lấy tài nguyên cũng như trợ cấp từ các thành phần hoạt động tốt khác của nền kinh tế. Họ cũng đứng đằng sau bức tường bảo hộ và thường cho kết quả kém hơn số vốn đổ vào họ. Chính vì thế mà ngay cả khi thành phân tư nhân có lãi thì phải gánh chịu gánh nặng này có thể kéo cả nền kinh tế đi xuống.
Vấn đề ở đây là không một cái nào trong những điều trên xảy ra ở Trung Quốc. Các thống kê công nghiệp cho thấy các DNQD có lãi hơn tỉ lệ trung bình của thành phần tư nhân. Trừ trường hợp trợ giá xăng dầu thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc không hề trợ cấp tiền cho các công ty nhà nước. Thậm chí điều ngược lại đã xảy ra. Các DNQD đóng thuế nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân. Các số liệu từ các thành phần cho thấy năng suất cũng như sức tăng trưởng của các thành phần công nghiệp nặng nhà nước cao hơn các thành phần công nghiệp nhẹ có vốn đầu tư nước ngoài và dành cho xuất khẩu một chút trong suốt 15 năm qua.
 
Các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc vẫn làm ăn hiệu quả.
Nhiều người có thể băn khoăn tại sao lại thế được? Câu trả lời ở đây là chính phủ không còn tham gia nhiều vào hoạt động của các DNQD. Trong hầu hết các thị trường đang nổi lên, bạn có thể cho là các công ty viễn thong của nhà nước, sản xuất ô tô, công ty hàng không… được bảo hộ một cách nghiêm ngặt và thường thua lỗ. Tuy nhiên, Trung Hoa đại lục có hàng tá những công ty sản xuất ô tô, hành không, hàng trăm công ty sản xuất thép, và một nhóm những công ty viễn thông lớn. Hầu hết những công ty này thuộc quyền sở hữu của nhà nước nhưng chúng cũng phải cạnh tranh một cách khốc liệt với nhau. Mức khởi điểm để mở công ty cũng khá thấp, thậm chí ngang với tỉ lệ trung bình của châu Á và nhiều thành phần được mở cửa cho tư nhân hay đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, chỉ có những DNQD nào cực lớn mới được bảo đảm tồn tại vì cuối những năm 1990, thủ tướng Chu Dung Cơ đã đóng cửa không thương tiếc hàng chục ngàn công ty nhà nước hoặc là làm ăn thua lỗ hoặc không đáng để duy trì tiếp. Điều này khiến 25 triệu công nhân bị mất việc. Các DNQD vẫn được ưu tiên trong các khoản vay với ngân hàng thương mại nhưng các ưu tiên này đang giảm dần một cách nhanh chóng khi các ngân hàng cũng phải chịu áp lực tập trung vào lợi nhuận và lưu thông tiền tệ. Chính phủ gần như không còn có quyền trong các đầu tư tập đoàn hoặc quyết định sản xuất. Cái thời mà chính phủ phải phê duyệt (mang tính hình thức là chính) các khoản đầu tư đã nằm lại ở phía sau.
Phát triển và vấn đề dân chủ của Trung Quốc.
Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà Trung Quốc sẽ phát triển mà không có dân chủ? Chuyện cho rằng thành công kinh tế sẽ tạo động lực cho tầng lớp trung lưu mâu thuẫn với chính quyền độc tài thường được ca ngợi. Và những làn sóng bất ổn xã hội gần đây được vẫn được sử dụng như một bằng chứng rằng một sự xung đột lớn là có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong khi những va chạm chính trị và những quyết định khó khăn của Trung Quốc trong những thập kỉ tới là những điều không phải nghi ngờ thì không có nhiều cơ sở để cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ. Thực tế là ở châu Á, một câu hỏi tốt hơn mà bạn có thể hỏi là: làm thế nào mà bạn có thể phát triển với dân chủ? Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, Singapore, Malaysia có được thành công kinh tế dưới thể chế một đảng hoặc một dạng chính phủ độc tài gần như Trung Quốc. Ngược lại, các nước với các nguyên tắc dân chủ như Philippines, Ấn Độ, Băng-la-đét, Pa-kít-tăng hay Thái Lan lại nằm ở đáy của sự phát triển. Rõ ràng là việc bầu cử không cạnh tranh không phải là cản trở phát triển của châu Á. Thực tế nó là kẻ thù lớn nhất của thành công kinh tế.
Điều này được lí giải vì các thành công kinh tế ở châu Á không phải bắt nguồn từ dân chủ mà là từ chủ nghĩa tư bản. Tất cả các nước phát triển nhanh có một định hướng rõ ràng vào thị trường và cam kết với toàn cầu hóa. Họ nhìn chung có những thể chế chính phủ mạnh với một trách nhiệm với xã hội ở mức nào đó. Có một thảo thuận bất thành văn là nếu chính phủ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng tốt thì người dân sẽ không quan tâm tới dân chủ cho đến khi nền kinh tế đạt tới mức ổn định nào đó.
Liệu Trung Quốc sẽ có sự khác biệt? Liệu trật tự chính trị sẽ bị phá vỡ trước khi mức thu nhập đạt tới mức của các nước phát triển? Đề chứng minh điều này thì cần hai luận cứ. Luận cứ thứ nhất là Trung Hoa đại lục đơn giản sẽ không mang tính tư bản như các con hổ Châu Á khác, với việc định hướng vào thị trường ít hơn và chính phủ nhiều hơn. Tôi đã tranh cãi về ý tưởng này đối với Trung Quốc nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Trung Hoa đại lục cũng đã giữ vững được ổn định ở một mức nào đó.
Với việc chiếm 1/4 GDP thì các DNQD của Trung Quốc có thể coi là lớn hơn với những keiretsu của Nhật Bản hay chaebol của Hàn Quốc. Điểm khác biệt quan trọng là các DNQD của Trung Quốc là họ phải đối mặt với các lực lượng thị trường nhiều hơn. Đầu tư nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn hơn trong các thành phần công nghiệp của TQ hơn Nhật Bản hay Hàn Quốc kể cả tính tại thời điểm ngày hôm nay chứ không nói tới những năm 1970s hay 1980s. Ở bất cứ mức độ nào, Trung Quốc cũng có cạnh tranh nội địa lớn hơn các nước Nam Á láng giềng và những công ty lớn của Nhật Bản hay Hàn Quốc nhận nhiều trợ cấp từ những mối quan hệ với các ngân hàng chính hơn việc các DNQD Trung Quốc nhận từ các ngân hàng nhà nước hiện nay.
Luận cứ thứ hai cho rằng chính quyền Trung Quốc quá cứng nhắc và phản ứng chậm và những làn sóng biểu tình đang đe dọa ảnh hưởng tới ổn định chính trị. Ngay cả những số liệu của chính phủ Trung Quốc cũng ghi nhận sự gia tăng của những xáo trộn lớn từ đầu thập kỉ và những bản tưởng thuật về biểu tình và bạo động trở nên thường xuyên trên báo chí phương Tây.
Rất ít những xáo trộn này có liên quan tới tầng lớp thu nhập cao của thành thị, hoặc các vấn đề của thành thị. Phần đông là liên quan tới những người nông dân hoặc người di cư nghèo từ nông thôn ... Do đó, những phàn nàn của họ bắt nguồn từ vấn đề kinh tế chứ không phải chính trị.

Nhưng đó chỉ là một mặt. Rất ít những xáo trộn này có liên quan tới tầng lớp thu nhập cao của thành thị, hoặc các vấn đề của thành thị. Phần đông là liên quan tới những người nông dân hoặc người di cư nghèo từ nông thôn. Nói cách khác, đây không phải là động lực cho tầng lớp trung lưu nổi lên chống lại chính quyền mà chỉ là một phần những người nghèo nhất của dân số nổi giận với tình cảnh khó khăn của họ. Do đó, những phàn nàn của họ bắt nguồn từ vấn đề kinh tế chứ không phải chính trị. Tôi xin được nói rõ hơn nữa. Khi Trung Quốc thuyết phục các doanh nghiệp cải tổ năm 1990, một trong những kết quả của nó là sự sụt giảm tài chính. Tại thời điểm thấp nhất, các nguồn thu của chính phủ nằm dưới 10% GDP và nó làm Trung Quốc giống một nước châu Phi hơn là một nước XHCN. Điều này làm nhà cầm quyền với nguồn tài chính ít ỏi phải cắt giảm chi phí giáo dục, nhà ở và các dịch vụ y tế. Những người chịu ảnh hưởng lớn nhất là chính quyền địa phương của các ngôi làng hoặc thị xã xã hôi. Họ phải tự lo lấy miếng cơm của mình phải lạm dụng việc tăng thuế hoặc chiếm đoạt đất đai.
Một vấn đề khác chính là thu nhập ở nông thôn. Giá cả nông sản luôn ở mức ổn định hoặc giảm xuống từ năm 1990 tới những năm đầu của thập kì này. Người nông dân Trung Quốc nhận thấy thu nhập của họ tăng rất ít trong khi những người ở thành thị giành được rất nhiều của cải. Với việc thu nhập không được cải thiện, thuế và các khoản đóng góp cứ tăng, chính quyền địa phương phải bán đất sản xuất với mức đền bù thấp. Những người di cư bị trả mức lương rất bèo bọt. Vì những điều này mà ta không ngạc nhiên khi thấy những bất ổn tại các vùng nông thôn.
Nhưng hãy nhìn những gì đã xảy ra trong nửa thập kỉ qua. Thứ nhất, ngân sách chính phủ đã tăng lên 20% GDP vào năm 2007 và chủ yếu là tiền mặt. Điều này có nghĩa là khoản ngân sách cho các địa phương cũng tăng lên. Các khoản chi cho giáo duc, y tế cũng vì thế tăng lên và thuế nông nghiệp cũng đã bị bãi bỏ trong vài năm vừa qua. Thứ hai, nhà cầm quyền đã có những biện pháp thay đổi quan trọng trong các chính sách về đất đai, bao gồm việc bảo đảm quyền sở hữu đất đai cho nông dân, tăng tính minh bạch trong việc mua bán đất đai với nhà nước và tăng mức đền bù. Điều này làm giảm nguy cơ tham nhũng cũng như làm tăng lợi ích của người nông dân trong các vụ mua bán đất đai về sau.
Thứ ba, giá lương thực nội địa có chiều hướng tăng lên do nhu cầu tiêu thụ tại thành thị và sự giảm nguồn cung do việc mua bán đất đai. Trong ba năm vừa qua, thu nhập thực tế của người nông dân đã đuổi kịp thậm chí vượt mức tăng lương ở thành thị. Cuối cùng, lương của những người di dân từ nông thôn cũng đã nhảy vọt trong cùng thời gian bởi số lượng người lao động trẻ cũng đã ít đi.
Điểm chốt yếu là Trung Quốc đã có những thay đổi hệ thống một cách đáng kể và những thay đổi định hướng thị trường và điều này đã thay đổi cơ bản mất cân bằng thu nhập với nông thôn. Trung Quốc sẽ tiến dài trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế mà dẫn tới bất ổn xã hội. Năm nay và cả năm sau sẽ rất khó khăn khi mà thị trường xuất khẩu giảm và đặc biệt nhu cầu xây dựng giảm đã gây ảnh hưởng tới lực lượng lao động di cư. Nhưng như tôi đã nói ở trên, những vấn đề muôn thưở này sẽ không ngăn cản tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn cũng như dài hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét