Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Sắc màu Trung Quốc (phần I): Sự trì trệ đáng sợ

Sc màu Trung Quc (phn I): S trì tr đáng s


Minxin Pei
Tqvn2004 chuyển ngữ
Dân Luận xin giới thiệu tới độc giả một cuộc tranh luận giữa hai nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Minxin Pei và Jonathan Anderson, diễn ra trên tờ National Interest Online. Hai người có hai quan điểm, hai cách nhìn hoàn toàn đối lập nhau về tương lai của Trung Quốc. Qua loạt bài này, chúng ta không chỉ được thấy những quan điểm đa chiều về Trung Quốc, vốn được coi là một tấm gương phát triển phù hợp với Việt Nam, mà còn cả cách thức tranh luận khoa học, điều mà Dân Luận mong mỏi độc giả hướng tới.
Chia sẻ bài viết này
Sự trỗi dậy nhanh đến chóng mặt trên phương diện kinh tế của Trung Quốc đã đem lại cho nó cả sự ngưỡng mộ lẫn dèm pha, chưa kể đến sự e ngại rằng Bắc Kinh sẽ thành công, cũng như nỗi lo lắng rằng Bắc Kinh sẽ thất bại. Liệu Trung Quốc có sử dụng được sức mạnh kinh tế của nó để làm những điều tốt đẹp, hay những bất ổn nằm sâu trong lòng xã hội sẽ nổi lên bề mặt? Pei cho rằng ảnh hưởng của sự xuống cấp nghiêm trọng về môi trường, của đám đông không biết tuân thủ luật pháp, và của cơ sở hạ tầng quặt quẹo là không thể coi thường được. Anderson tin rằng con số GDP khủng khiếp của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nó thậm chí sẽ phá kỷ lục thế giới.
Minxin Pei là trợ lý cao cấp tại Chương Trình Trung Quốc thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace. Cuốn sách gần đây nhất của ông là "Sự chuyển đổi đầy vướng mắc ở Trung Quốc: Hạn chế của chế độ chuyên quyền trong quá trình phát triển" (China’s Trapped Transition: The Limits of Developmental Autocracy), nhà xuất bản Harvard University Press, 2006.
Jonathan Anderson là chuyên gia kinh tế cao cấp về sự trỗi dậy toàn cầu tại UBS.

Tham luận của Minxin Pei: Sự trì trệ đáng sợ

Các chính sách sai lầm của chính phủ Trung Quốc làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giàu nghèo ở đây.
Những người dự báo tương lai của các quốc gia không khác gì với những nhà phân tích tài chính Wall Street: Tất cả đều phải dựa vào quá khứ để tiên đoán tương lai. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự tăng trưởng kinh tế chóng vánh của Trung Quốc trong 30 năm gần đây đã làm cho nhiều người tin rằng quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh hoàng này trong 2-3 thập niên tới. Sự lạc quan về tương lai Trung Quốc được củng cố bởi quốc gia này tỏ ra đang nắm giữ những yếu tố kinh tế cơ bản hùng hậu -- ví dụ như tỷ lệ tiết kiệm cao, một thị trường nội địa lớn và ngày càng hội nhập với thế giới, quá trình thành thị hóa và sự tích hợp sâu vào hệ thống thương mại thế giới. Và quan trọng hơn, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu vượt bậc bất chấp những khó khăn khiến người ta nản lòng về chính trị, xã hội và kinh tế, mà những kẻ xấu mồm trong quá khứ nói đó là những vật cản không thể vượt qua để đạt tới phát triển bền vững. Với khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả như thế, khó ai có thể tin rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục trỗi dậy về kinh tế.
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng của mình trong 2-3 thập niên tới và chứng minh rằng những suy nghĩ lạc quan về Trung Quốc đã đúng, thì cũng có khả năng với xác suất lớn tương tự rằng kinh tế của nó sẽ xì hơi. Thành tựu kinh tế của Trung Quốc có thể bị hủy hoại bởi những sai lầm dai dẳng trong thể chế và cấu kinh tế của nó, những sai lầm xuất phát từ các chính sách lầm đường và không tới nơi tới chốn của chính quyền. Một vòng tròn sai lầm đang hiện hữu, trong đó sự sống còn của Đảng CS Trung Quốc được xác định nhờ việc tảng lờ các khía cạnh cơ bản của phúc lợi xã hội, để dồn sức vào phát triển kinh tế ngắn hạn. Và rất nhiều yếu tố rủi ro về chính trị, kinh tế và xã hội mà chính quyền đã bỏ qua không xử lý từ trước đến nay -- ngành công nghiệp được trợ cấp nặng nề, sự bất bình đẳng ngày càng tăng, sử dụng kém hiệu quả lực lượng lao động -- vẫn còn nguyên đó. Một số rủi ro này đang trở nên tồi tệ hơn.
Thành tựu kinh tế của Trung Quốc có thể bị hủy hoại bởi những sai lầm dai dẳng trong thể chế và cấu kinh tế của nó, những sai lầm xuất phát từ các chính sách lầm đường và không tới nơi tới chốn của chính quyền. Một vòng tròn sai lầm đang hiện hữu, trong đó sự sống còn của Đảng CS Trung Quốc được xác định nhờ việc tảng lờ các khía cạnh cơ bản của phúc lợi xã hội, để dồn sức vào phát triển kinh tế ngắn hạn. 
» Minxin Pei
Bởi Đảng [Cộng sản Trung Quốc] sử dụng tốc độ tăng trưởng để biện hộ cho tính chính đáng của mình, Bắc Kinh đầu tư mạnh vào những dấu hiệu chứng tỏ sự phát triển dễ thấy như nhà máy, khu công nghiệp v.v... Việc nhấn mạnh vào những lợi ích "thấy rõ" này đã dẫn đến những thâm hụt xã hội lớn. Do tập trung vào những phát triển ngắn hạn thay vì dài hạn và bền vững, người ta đã bỏ quên hệ thống y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường. Đây không phải là điều đáng lạc quan. Kết quả cuối cùng là một nhà nước được xây trên nền tàng chính trị, kinh tế và xã hội yếu ớt, với những người dân không hạnh phúc và sẵn sàng gây náo động. Để giảm được những thâm hụt xã hội và kinh tế như thế cần cả nguồn lực tài chính bổ sung lẫn những thay đổi thể chế rất khó khăn trên phương diện chính trị. Chấp nhận sự thâm hụt đó tích tụ đơn giản là không khả thi.
Tồi tệ hơn, những khó khăn của Trung Quốc sẽ càng trở nên phức tạp với sự đi xuống trong tương lai của những gì đã từng được coi là sức mạnh mang tính cấu trúc và chính trị của Trung Quốc -- một dân số trẻ, đông đảo; những nguồn lực tự nhiên và môi trường chưa được đánh giá đúng mức; một sự đồng tâm của công chúng ủng hộ phát triển kinh tế nhanh. Khi ngày càng ít người đến tuổi lao động hơn [do chính sách hạn chế sinh đẻ của Trung Quốc], dân số trở nên già cỗi nhanh chóng và môi trường bị hủy hoại, Trung Quốc đối mặt với lựa chọn giữa khủng hoảng, thậm chí thảm họa, và thay đổi mang tính căn bản. Những yếu tố nguy hiểm này chưa làm trật đường ray sự phát triển của Trung Quốc trong quá khứ; nhưng không có nghĩa là chúng sẽ không làm Trung Quốc trật đường ray trong tương lai, đặc biệt là nếu chính quyền Trung Quốc thất bại trong việc thực hiện những diều chỉnh chính sách quan trọng. Tất nhiên, những thách thức này -- tái cân bằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, giải quyết thâm hụt xã hội và xây dựng lại sự đồng thuận chính trị [mà] ủng hộ phát triển kinh tế nhanh -- là điều có thể làm được nếu chính quyền Trung Quốc có thể thực thi các cải cách kinh tế và chính trị hiệu quả, và loại bỏ được những nguyên nhân cản trở phía dưới. Nhưng liệu Bắc Kinh có sẵn sàng làm điều đó? Liệu thể chế chính trị Trung Quốc có đủ độ mềm dẻo và nội lực để vượt qua những sự chống đối tới từ các nhóm lợi ích đang cố thủ? Liệu đảng CS Trung Quốc đang cầm quyền có sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm tới từ đổi mới, và tới từ việc phá hoại liên minh đang được cân bằng khéo léo trên cơ sở lợi ích chính trị và kinh tế?
Trong khi cả thế giới đang bị nhấn chìm trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu và động lực phát triển của Trung Quốc [= xuất khẩu] đang xuống sức, bây giờ là lúc để xem lại những yếu tố nguy hiểm phía trước và suy nghĩ lại những giả sử đầy thỏa mãn của chúng ta về tương lai Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng nhanh có xu hướng che dấu những sai lầm chính sách, thể chế và cấu trúc nghiêm trọng, bởi vì, như một câu tục ngữ Trung Quốc đã nói, "một điểm xinh có thể che ngàn điểm dở". Người ta thường xuyên cho rằng, tốc độ tăng trưởng nhanh là những chứng cứ rõ ràng về một thể chế siêu hạng và các chính sách khôn ngoan. Sự chú tâm hết mình của chúng ta vào tốc độ tăng trưởng kinh tế thường làm chúng ta không nhìn thấy những yếu kém nằm ở phía dưới của quốc gia này. Theo thời gian, cái nhìn thiển cận này dẫn tới sự tự mãn, và tồi tệ hơn, một thái độ không màng tới các dấu hiệu cảnh báo những phiền phức sẽ xảy ra.
Ở Trung Quốc, bốn yếu tố quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế trong vòng 30 năm qua là: tiết kiệm nội địa cao (điều này cho phép đầu tư vào công nghiệp), lợi thế dân số (điều này cho phép tạo ra lực lượng lao động khả dụng lớn), lợi thế toàn cầu hóa (điều này tạo cơ hội để Trung Quốc tăng trưởng qua quá trình hòa nhập vào thị trường thế giới), và sức mạnh được giải phóng khi chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp cực kỳ kém hiệu quả sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong khi những yếu tố cơ bản này đã đóng góp vào tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng kể từ những năm 80, thật không may là chúng cũng đồng thời giúp chính quyền Trung Quốc tránh không phải thực hiện những biện pháp có hiệu quả khác để tự do hóa nền kinh tế hơn nữa, thiết lập các thể chế điều chỉnh phù hợp mọi tình huống, và giảm mạnh vai trò của chính phủ trong nền kinh tế. Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh đã không thực hiện những biện pháp cải cách quan trọng. Nó đã làm -- nhưng chỉ làm khi, gần như không có ngoại lệ, nó bị ép vào những tình huống khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng (ví dụ như trong trường hợp hàng loạt doanh nghiệp quốc doanh phá sản vào cuối thập niên 90)
Bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng tốc độ tăng trưởng để biện hộ cho tính chính đáng của mình, họ đầu tư mạnh vào những dấu hiệu chứng tỏ sự phát triển dễ thấy như nhà máy, khu công nghiệp. Và tốc độ tăng trưởng nhanh đó có xu hướng che dấu những sai lầm chính sách, thể chế và cấu trúc nghiêm trọng... 
» Minxin Pei
Những hành vi như thế gây tổn thất, bởi vì nó bỏ qua thực tế là lợi nhuận từ đầu tư vào nguồn vốn, lợi thế dân số và thương mại phát triển không giải quyết tất cả mọi vấn đề, cũng như không phải là yếu tố bất định. Ngày nay, khi mà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc rớt thảm hại và tiêu dùng nội địa ở mức thấp, người ta thấy rõ rằng những mất cân bằng về kinh tế và xã hội này đã không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng bền vững của Trung Quốc, mà còn làm yếu khả năng chống lại khủng hoảng của nó. Có điều chắc chắn là, những mất cân bằng này đã được dồn nén kể từ đầu thập niên 90. Triệu chứng căn bản của chúng bao gồm đầu tư cao đến thái quá vào tài sản cố định (ví dụ, các ngành công nghiệp thâm dụng vốn), và tiêu dùng gia đình thấp, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào xuất khẩu như một lực đẩy phát triển, và sự kém phát triển của khu vực dịch vụ. Lấy ví dụ, từ năm 1992 tới 2005, đầu tư tăng từ 36,6% lên 42,6% GDP, trong khi tiêu dùng gia đình giảm từ 47,2 xuống 38% GDP. Trong năm 2007, tiêu dùng gia đình giảm xuống còn 35% GDP, một con số thấp lịch sử. Kết quả là, phát triển nhờ xuất khẩu lại càng trở nên quan trọng để thúc đẩy phát triển GDP. Tới năm 2007, phát triển nhờ xuất khẩu đóng góp khoảng 25% tăng trưởng GDP.
Bởi vì hàng đống tiền đầu tư của Trung Quốc rơi vào khu vực sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng thâm dụng vốn, lượng đầu tư lớn liên tục này đã càng làm tăng sự mất cân bằng giữa quá nhiều sản xuất và quá ít phát triển trong lĩnh vực dịch vụ. So sánh với các quốc gia đang phát triển ở ngang mức của mình, Trung Quốc đứng nổi lên vì có lĩnh vực dịch vụ kém phát triển.
Ngoài việc tạo ra sự phụ thuộc quá đáng vào xuất khẩu và công nghiệp, quá nhiều đầu tư vào tài sản cố định cũng bắt đầu cho lợi nhuận kinh tế giảm dần. Giữa năm 1991 và 1995, 100 triệu Nhân Dân Tệ (NDT) đầu tư thêm sẽ cho một lượng tăng GDP tương ứng với 66,2 triệu NDT, 400 việc làm mới và lương tăng thêm 10,4 triệu NDT. Giữa năm 2001 và 2005, cùng một lượng đầu tư chỉ khiến GDP tăng 28,6 triệu NDT, 170 việc làm mới và 3,7 triệu NDT thêm vào lương.
Sự mất cân bằng cấu trúc như thế đe dọa sự phát triển bền vững bởi chúng tạo ra những lệch hướng kinh tế khủng khiếp, đưa kinh tế Trung Quốc đối mặt với việc năng suất dư thừa kinh niên, bảo vệ người tiêu dùng thấp, gia tăng xung đột lợi ích thương mại và tận dụng kém hiệu quả lợi thế cạnh tranh so sánh của nó - đó là con người - bởi vì những mất cân bằng này dẫn tới tăng thâm dụng vốn, và giảm thâm dụng lao động.
Tất nhiên, những mất cân bằng về cấu trúc này là hiện tượng của thể chế kinh tế không được cải tổ, và sự tiếp diễn của các chính sách tồi. Mặc dù đã trải qua 30 năm đổi mới, chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì ảnh hưởng mang tính quyết định đối với nền kinh tế, thông qua sự hiện diện trực tiếp của nó (các công ty quốc doanh), và các chính sách. Ví dụ, doanh nghiệp quốc doanh chiếm tới 35% GDP ngày nay, nhưng vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thậm chí còn lớn hơn so với con số này chỉ ra. Chính phủ duy trì sự độc quyền, hoặc gần như độc quyền, ở các khu vực chiến lược, như ngân hàng, dịch vụ tài chính, tài nguyên thiên nhiên, sản xuất năng lượng, dịch vụ viễn thông và hầu hết các ngành công nghiệp nặng. Gần như tất cả các công ty lớn nhất của Trung Quốc thuộc về quyền kiểm soát của Nhà nước.
Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng đầu vào thiết yếu, như năng lượng, đất và vốn, đều được lập bởi chính phủ. Bởi vì chính phủ ưu tiên cho đầu tư và sản xuất, các giá cả thiết yếu đó được thiết lập ở mức thấp một cách nhân tạo, với mục đích trợ giá. Ví dụ, thị trường nhà đất sơ cấp (primary market for land) gần như không tồn tại. Chính quyền địa phương thường chiếm đất từ những nông dân không có cả quyền lực lẫn tiếng nói, bán quyền sử dụng đất đó cho những nhà phát triển và sử dụng chúng trong các dự án cơ sở hạ tầng -- tất cả với giá bằng một phần nhỏ giá trị thực trên thị trường. Và với chi phí vốn, chính quyền Trung Quốc đã rất thành thạo trong việc dùng sự kiềm chế tài chính để lấy tiết kiệm gia đình sang đầu tư trợ giá cho các doanh nghiệp nhà nước. Cho tới gần đây, các doanh nghiệp nhà nước có thể vay từ ngân hàng mà không phải lo về việc thanh toán. Ngay cả khi các khoản tiền gửi gia đình được bảo đảm bởi Nhà nước, người đóng thuế Trung Quốc phải gánh trách nhiệm cứu vớt các ngân hàng đang chìm vì những khoản cho vay không hiệu quả khổng lồ của họ.
Rõ ràng, việc sử dụng lãng phí nguồn lực khan hiếm của Trung Quốc -- năng lượng, đất đai và vốn -- như thế để duy trì một mô hình phát triển không cân bằng là thiếu tính bền vững. Trong 3 thập niên vừa qua, các yếu tố kinh tế cơ bản rất mạnh mẽ của Trung Quốc đã cho phép chính quyền tiếp tục phát triển méo mó mà không bị trừng phạt. Nhưng nay những yếu tố cơ bản này, hoặc đang yếu đi, hoặc sẽ biến mất trong vòng 2 thập niên tới, do đó nó sẽ không thể đạt được tăng trưởng cao nếu giữ nguyên những chính sách sai lầm trước đây.
Trong số các yếu tố đang suy yếu, có hai yếu tố đáng được quan tâm đặc biệt -- dân số và tiết kiệm -- bởi vì trong quá khứ chúng đã là nền tảng cơ bản để đẩy tăng trưởng ở Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất đi lợi thế dân số vào giữa thập niên kế tiếp. Tuổi trung bình của dân số Trung Quốc sẽ tăng từ 32,5 năm 2005 lên 37,9 năm 2020. Phần trăm dân số trên 60 sẽ tăng từ 11% năm 2005 lên 17,1% năm 2020. Tới năm 2030, theo Bộ Lao Động và Phúc Lợi Xã hội Trung Quốc, 351 triệu người Trung Quốc, hay 23% dân số, sẽ trên 60, và tỷ lệ người già sống phụ thuộc sẽ tăng từ 1 người già trên 5,2 người có khả năng lao động năm 2006 lên 1 người già trên 2,2 người có khả năng lao động năm 2030. Tỷ lệ người làm việc trên người về hưu sẽ giảm từ 3 trên 1 năm 2006 xuống 2 trên 1 năm 2030. Tốc độ già cỗi nhanh chóng của dân số Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí y tế, tiền hưu và chi phí lao động, làm giảm lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc. Quan trọng hơn, nó khiến cho tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc giảm xuống. Một ước tính của World Bank cho thấy người già sống phụ thuộc có thể làm giảm tiết kiệm cá nhân xuống 6% của GDP vào năm 2025. Một nghiên cứu khác về thay đổi nhân khẩu học, mà không có sự điều chỉnh chính sách dân số, ước lượng rằng tăng trưởng thu nhập đầu người sẽ giảm từ 5,3% một năm trong năm 2000 xuống 2,9% một năm trong năm 2020. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ không còn có thể tiếp tục sử dụng sự giàu có của tư nhân để tài trợ cho phát triển công nghiệp như trước. Khi vấn đề này kết hợp với dân số già cỗi, và ngày càng nhiều người phải phụ thuộc, và với dịch vụ xã hội nghèo nàn, thì trì trệ và cuối cùng là thất bại sẽ diễn ra.
Nếu một vài năm trước đây chỉ có vài người thừa nhận rằng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là nhờ những chi phí xã hội rất lớn, như các dịch vụ xã hội xuống cấp, hư hại môi trường với hậu quả nghiêm trọng, và sự bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng tăng, thì ngày nay, đây không còn là điều phải bàn cãi nữa. Ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế của nó đòi hỏi chi phí xã hội rất lớn.
Sự tích lũy thâm hụt xã hội kể từ những năm đầu thập niên 90 là kết quả không thể tránh được của các chính sách nhà nước đã cố tình chuyển dịch các nguồn lực cho dịch vụ lợi ích xã hội (giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường) sang các dự án và hoạt động tạo ra những dấu hiệu tức thời của sự tiến bộ (cơ sở hạ tầng, phát triển các trung tâm thương mại tại thành phố và các khu công nghiệp). Những chính sách như thế phù hợp với nhu cầu tồn tại của thể chế, và lợi ích cá nhân của các quan chức chính phủ. Đối với Đảng CSTQ, các chính sách có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế ngắn hạn một cách nhanh chóng, ngay cả khi phải trả giá bằng các chi phí xã hội dài hạn, là điều được ưu tiên bởi vì đảng chỉ có lý do tồn tại nếu kinh tế phát triển. Đối với các quan chức chính phủ, những người mà con đường hoạn lộ phụ thuộc vào khả năng đem lại những dấu hiệu trông thấy và đo đếm được của sự phát triển, thì việc lấy nguồn lực ít ỏi từ các dịch vụ xã hội sang đầu tư cho các dự án sẽ giúp họ có tấm vé dành vị trí cao hơn và quyền lực lớn hơn. Kết quả là, các chính sách đã tạo ra những lợi ích nhiệm màu cho toàn Đảng nói chung, và các Đảng viên nói riêng, nhưng chi phí mà xã hội phải trả là con số kinh khủng.
Dữ liệu chính thức cho thấy lượng đầu tư tương đối của chính phủ vào giáo dục và y tế bắt đầu sụt giảm kể từ những năm 1990. Trong năm 1986, ví dụ, nhà nước chi trả gần 39% của toàn bộ các chi phí y tế, trong khi người dân phải trả 26%. Tới năm 2005, lượng chi trả do nhà nước thực hiện giảm mạnh xuống 18%, trong khi người dân phải trả tới 52%. Đó là một chuyển dịch đầy kịch tính, và gánh nặng đáng kể đã được trút lên đầu người dân, và kết quả là nhiều người trong số họ không còn với tay được tới chăm sóc y tế. Chi tiêu y tế theo đầu người tính theo phần trăm của tiêu dùng đã tăng gấp ba ở thành phố trong năm 1990 tới 2006 (2% lên 7,1%), và tăng 30% ở nông thông. Không có tiền trả cho chăm sóc y tế, gần một nửa số người bị ốm quyết định không tới khám bác sĩ, dựa theo một thống kê của Bộ Y Tế năm 2003. Một chuyển dịch tương tự diễn ra trong giáo dục. Năm 1991, chính phủ trả 84,5% tổng số chi tiêu cho giáo dục. Đến 2004, nó chỉ trả 61,7%. Trong cùng giai đoạn, học phí và các chi phí khác (do người tiêu dùng gánh chịu) tăng đáng kể. Năm 1991, chúng chiếm 4,4% chi tiêu cho giáo dục. Tới 2004, chúng đóng góp tới 19%. Một chỉ dấu cho thấy việc cắt giảm chi tiêu chính phủ trong giáo dục đã ngăn cản người dân tới trường, đó là con số phần trăm người tốt nghiệp phổ thông đi tiếp lên trung học (vì người học tiếp lên sẽ phải đóng học phí). Năm 1980, gần 25% học sinh phổ thông đi tiếp lên trung học. Năm 2003, chỉ có 9% là tiếp tục học. Ở thành phố, số học sinh phổ thông tiếp tục học trung họ giảm từ 86% xuống 56% trong cùng giai đoạn.
Vấn đề ô nhiễm ở Trung Quốc đã trở nên "nổi tiếng"
Về mặt sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, mức độ xuống cấp về môi trường ở Trung Quốc bây giờ đã trở nên "nổi tiếng". Mặc dù ước tính thiệt hại về môi trường gây ra không thống nhất, nhưng các con số này đều cho thấy xuống cấp về môi trường đang là mối đe dọa to lớn đối với xã hội Trung Quốc. Một nghiên cứu gần dây nhất, do Ngân hàng Thế giới và chính phủ Trung Quốc tiến hành, cho thấy chi phí ô nhiễm trung bình ở Trung Quốc năm 2004 là 5,8% của GDP. Một nghiên cứu khác do hai tổ chức thuộc chính phủ Trung Quốc thực hiện, đưa ra năm 2004, ước tính rằng Trung Quốc đã thiếu đầu tư cho môi trường khoảng 1,8% GDP mỗi năm. Để xử lý hoàn toàn lượng chất thải ô nhiễm của riêng năm 2004, Trung Quốc cần chi tới 6,8% GDP năm 2004 của nó - tức là 1.068 ngàn tỷ Nhân Dân Tệ, hay 158 tỷ USD. Việc chính phủ Trung Quốc kém thân thiện với môi trường đã đặt một gánh nặng lên hệ sinh thái vốn mỏng manh của quốc gia này. Mặc dù kích thước tương đương với một lục địa, Trung Quốc là nước có nguồn tài nguyên khan hiếm, nếu chia theo đầu người. Thêm vào đó, nó đang gánh chịu hậu quả từ sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sạch và sự phân bổ không đồng đều của các nguồn nước này: Lượng nước sạch trên đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 30% lượng nước sạch trên đầu người trung bình của thế giới, và khu vực phía Bắc sông Dương Tử, chiếm tới 64% diện tích Trung Quốc, chỉ có 19% lượng nước sạch. Điều đáng lo ngại là chính sách "phát triển bằng mọi giá" của chính phủ Trung Quốc đã làm cạn kiệt các nguồn nước vốn khan hiếm của quốc gia này. Trong báo cáo năm 2004, "khoảng 25 ngàn km sông của Trung Quốc xuống cấp tới mức không đủ chất lượng để đảm bảo cuộc sống của các loài thủy sinh, và khoảng 90% các nhánh sông ở khu vực thành thị đã bị ô nhiễm nghiêm trọng." Nếu không có các biện pháp hiệu quả và cấp tốc, sự xuống cấp của môi trường sẽ không chỉ tạo ra rào cản không vượt qua được cho việc phát triển kinh tế tương lai, mà còn tạo ra bất ổn xã hội ở diện rộng và các xung đột chính trị.
Còn phải kể tới sự bất bình đẳng ngày càng tăng - một yếu tố thường thấy ở các quốc gia phát triển kinh tế và thay đổi xã hội nhanh chóng. Mặc dù nguyên nhân của sự bất bình đẳng là phức tạp, các chính sách của chính phủ đã làm trầm trọng thêm vấn đề, bởi nó đã không cải thiện được sự bất bình đẳng do phát triển kinh tế. Ở Trung Quốc, chính phủ đã liên tục cắt giảm các dịch vụ xã hội dành cho công chúng, và để cho người nghèo gánh chịu sự xuống cấp của các hàng hóa công (public goods). Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã thất bại trong việc chống lại bất bình đẳng tăng cao, vì không tạo ra được một hệ thống thuế lũy tiến tương đối. Trung Quốc không có thuế đánh vào lợi nhuận từ vốn, thuế tài sản, hoặc thuế thừa kế. Thuế thu nhập cá nhân của Trung Quốc kém hiệu quả tới mức nó chỉ tạo ra đuwocj một phần nhỏ trong lợi tức của chính phủ. Tại thời điểm hiện nay, bất bình đẳng thu nhập tại Trung Quốc đã đạt tới mức gàn bằng Nam Mỹ. Mức độ nói chung của bất bình đẳng thu nhập từ năm 1985 tới 2006 tăng 39% (với bình quân là 1,8% mỗi năm). Mặc dù bất bình đẳng thu nhập "bên trong" (trong thành thị và trong nông thôn) thấp hơn con số trung bình của quốc gia, nhưng nó cũng tăng một cách đáng kể. Trên thực tế, tỷ lệ tăng bất bình đẳng thu nhập ở thành thị từ năm 1985 tới 2006 là gấp đôi tỷ lệ tăng bất bình đẳng thu nhập ở nông thôn (63% so với 27%). Sự phân bố của cải ở Trung Quốc còn bất bình đẳng hơn nhiều so với thu nhập. Thăm dò các hộ gia đình và nghiên cứu lý thuyết cho thấy chỉ số Gini về của cải đã tăng từ 0.40 năm 1995 lên 0.55 năm 2002 (chỉ số Gini càng cao thì sự phân phối của cải hay thu nhập càng bất bình đẳng). Sự phân phối sở hữu tài chính là thứ đặc biệt méo mó. Năm 1995, chỉ số Gini cho sở hữu tài chính là 0.67; và nó tăng lên 0.74 năm 2002. Những xu hướng này không phải là điềm báo trước hay cho Trung Quốc. Nếu chúng không bị đẩy lui bằng cách chính sách hợp lý, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tỷ lệ tội phạm cao và xung đột xã hội ngày càng tăng, liên quan chặt chẽ với sự tức giận và căng thẳng tạo bởi bất bình đẳng và bất công xã hội.
Một sự thay đổi lớn về quỹ đạo kinh tế chắc chắn dẫn tới cái gì đó giống như một sự tự do hóa chính trị - điều mà Đảng CSTQ vẫn cố hết sức để lảng tránh kể từ năm 1989 [sự kiện Thiên An Môn]. Liệu Bắc Kinh có đủ can đảm chính trị để đánh bạc với tương lai của Đảng CSTQ hay không? 
» Minxin Pei
Sự kết hợp của những mất cân bằng kinh tế chồng chất, các chiến sách phát triển sai hướng, các nền tảng đang bị ruỗng mọt và thâm hụt xã hội khiến ít ai tin tin rằng Trung Quốc có thể duy trì tốc độ phát triển hiện thời mà không cần tới đổi mới hay thay đổi chính sách. Ngay cả với những điều chỉnh chính sách hiệu quả nhất, Trung Quốc khó có thể tăng trưởng với tốc độ cao 1 con số trong vòng 2 thập niên tới. Như chúng ta đã thấy, tốc độ tăng trưởng cao trong quá khứ đã được tạo ra bởi các biện pháp "nhân tạo". Nó bị thổi phồng, không phải chỉ bằng cách ngụy tạo con số thống kê, mà còn bởi không tính đến và bỏ qua phúc lợi người tiêu dùng, các chi phí xã hội và tổn hại môi trường.
Nếu Trung Quốc không có những thay đổi cần thiết, nó sẽ phải đối mặt với những thứ tồi tệ hơn là phát triển thấp 1 con số -- sự liên minh mỏng manh giữa các phe nhóm lãnh đạo sẽ rạn nứt, tính chính đáng của Đảng CSTQ sẽ bị bào mòn và các xung đột xã hội sẽ tăng lên. Nếu nó kịp điều chỉnh, chúng ta có thể chỉ thấy nó tăng trưởng chậm đi mà thôi.
Nhưng cả Bắc Kinh lẫn thế giới đều không cần phải lo lắng về tốc độ tăng trưởng chậm của Trung Quốc trong thập niên tới, bởi, khi chính phủ Trung Quốc hi sinh tốc độ để đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nó cũng vẫn duy trì được một tốc độ đáng nể trong khi giải quyết được các vấn đề kinh tế và xã hội tạo ra bởi các chính sách trong quá khứ.
Trùng hợp làm sao, đây cũng là điều mà chính phủ Hồ Cẩm Đào hiện tại đã tuyên thệ thực hiện. Tuy nhiên, dựa vào những thành tựu khiêm tốn của Bắc Kinh trong việc tái cân bằng lại chiến lược tăng trưởng của nó cho tới nay, người ta thấy rõ rằng chiến lược tăng trưởng hiện tại có gốc rễ nằm trong hệ thống chính trị hiện thời. Nó sẽ cần nhiều hơn là những lời hô hào đẹp đẽ để thay đổi quỹ đạo. Chừng nào các quan chức Trung Quốc vẫn được đánh giá và lên chức dựa trên khả năng đem lại phát triển kinh tế nhanh, thì nỗi ám ảnh với tốc độ tăng trưởng vẫn còn đó. Và trong khi quan chức Trung Quốc vẫn chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên, mà không phải với đông đảo quần chúng, thì họ sẽ có ít động lực để theo đuổi các chính sách có lợi cho cử tri bầu ra họ. Sự độc quyền của nhà nước ở các khu vực quan trọng, và sự méo mó của giá cả (trên các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, đất đai và vốn) sẽ còn tiếp tục, chừng nào Đảng CSTQ tin rằng việc tiếp tục tự do hóa, rút quyền kiểm soát khỏi các lĩnh vực đó sẽ có hại tới khả năng tác động đến nền kinh tế và duy trì sự ảnh hưởng của mình. Cuối cùng, quản lý đất nước tốt, được đánh giá theo khả năng cung cấp đầy đủ các hàng hóa công cộng, và thân thiện với môi trường, sẽ là điều khó đạt nếu không có sự tham gia tích cực hơn của xã hội dân sự và các nhóm xã hội quan trọng ở Trung Quốc.
Như thế, một sự thay đổi lớn về quỹ đạo kinh tế chắc chắn dẫn tới cái gì đó giống như một sự tự do hóa chính trị - điều mà Đảng CSTQ vẫn cố hết sức để lảng tránh kể từ năm 1989 [sự kiện Thiên An Môn]. Người ta nghi ngờ rằng liệu Bắc Kinh có đủ can đảm chính trị để đánh bạc với tương lai của Đảng CSTQ hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét