Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Sắc màu Trung Quốc (phần III): Tranh luận của Minxin Pei (04/04/2009)

Sc màu Trung Quc (phn III): Tranh lun ca Minxin Pei

Minxin Pei
Tqvn2004 chuyển ngữ



Trả lời của Minxin Pei:

Được tranh luận với những kinh tế gia hàng đầu, đặc biệt là một người giỏi giang đáng trọng như ông Jonathan Anderson, chính là vinh dự to lớn nhất, nhưng cũng rất căng thẳng đầu óc, dành cho một nhà nghiên cứu chính trị như tôi. Nhưng bởi vì phần lớn các kinh tế gia có cùng một hạn chế - đó là họ thường coi tăng trưởng kinh tế như thang điểm duy nhất để đánh giá tiến bộ xã hội, và bỏ qua khung cảnh tổng thể mà trong đó quá trình phát triển kinh tế diễn ra, tôi không chỉ có cơ hội thắng trong cuộc tranh luận này, mà còn có dịp để thỏa mãn nhu cầu bộc lộ tri thức của mình.
Jonathan bắt đầu bằng việc sử dụng cái ông gọi là "dữ liệu vững chắc" để tranh luận hai ý chính. Thứ nhất, trên mặt trận kinh tế, ông chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây được thúc đẩy bởi tăng trưởng hiệu suất (và vì thế, nó [nền kinh tế Trung Quốc] có chất lượng cao), và rằng các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đã trở nên "hướng thị trường", và có lợi nhuận cao hơn, tính theo trung bình, các doanh nghiệp tư nhân. Thứ hai, Jonathan nhìn thấy các yếu tố nguy hiểm - có thể làm lật đoàn tàu phát triển Trung Quốc - là "ở mức đe dọa trung bình"; ông tin rằng căng thẳng xã hội ở Trung Quốc chủ yếu bị thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế mà Trung Quốc có thể sửa chữa dễ dàng nếu nó tiếp tục tốc độ tăng trưởng hiện tại (các dịch vụ xã hội yếu kém tại thành phố, và tốc độ tăng trưởng thu nhập thấp ở nông thôn); và rằng sự thiếu dân chủ ở Trung Quốc - thay vì là một hiểm họa trên thực tế - lại chính là "một trong những lý do tốt nhất để tiên đoán sự thành công" ở Châu Á.
Không may là Jonathan đã phạm 3 sai lầm khiến những dự đoán lạc quan của ông về tương lai kinh tế tươi tắn của Trung Quốc không còn ý nghĩa. Thứ nhất, dữ liệu mà ông sử dụng không "vững chắc" như ông tưởng - thực sự chúng hoàn toàn chủ quan. Chúng cùng lắm là cho thấy một bức tranh nhập nhằng về hiệu suất kinh tế của Trung Quốc. Thứ hai, ông đánh giá thấp mức độ mà chính quyền Trung Quốc "nắm chặt" nền kinh tế, và đánh giá quá cao hiệu năng của các doanh nghiệp quốc doanh. Cuối cùng, theo một phong cách đặc trưng của một kinh tế gia, ông đã bỏ qua các yếu tố nguy hiểm rất lớn và rõ ràng như "con voi trong phòng" - sự xuống cấp của môi trường, sự bất bình đẳng kinh tế xã hội lớn, và tham nhũng - và hạ thấp tầm quan trọng của ảnh hưởng trong tương lai của một dân số già cỗi và nguy cơ xung đột xã hội. Ông không chỉ đánh giá sai các vấn đề kinh tế cơ bản, mà còn - thậm chí quan trọng hơn - các yếu điểm chính trị và xã hội Trung Quốc.
Đo đạc tính hiệu quả của một nền kinh tế là điều khó khăn, ngay cả đối với các kinh tế gia. Một trong những thước đo tốt nhất, như Jonathan đã chỉ ra, là tăng trưởng 'hiệu suất nhân tố tổng hợp' (TFP). Thật không may, con số ước tính tăng trưởng TFP của Trung Quốc cực kỳ đáng ngờ. Dựa trên các nghiên cứu do các kinh tế gia hàng đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ, tốc độ tăng trưởng TFP của Trung Quốc đã giảm xuống trong thập niên gần đây, do đó dùng số liệu tăng trưởng TFP trung bình cho 3 thập niên gần đây không phải là cách tiên đoán đáng tin cậy về tăng trưởng tương lai của Trung Quốc. Nó chỉ đơn thuần là chia đều sự gia tăng TFP theo thời gian, và như thế che dấu sự tụt dốc thời gian gần đây.
Hơn nữa, sẽ là quá rộng lượng và thực sự không thực tế nếu sử dụng mỗi dữ liệu TFP để đánh giá hiệu quả kinh tế của Trung Quốc. TFP đánh giá sự gia tăng về hiệu suất, nhưng chuyện gì xảy ra nếu sự gia tăng đó không làm tăng [lợi ích của] một người Trung Quốc trung bình? Chuyện gì xảy ra nếu tốc độ tăng trưởng GDP không làm cho thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình tăng lên? Đó chính là chỗ mà Trung Quốc gặp vấn đề. Trong khi GDP tăng 10% mỗi năm liên tục trong 3 thập niên gần đây, thu nhập hộ gia đình tăng chậm hơn (thu nhập hộ gia đình có tính trọng số tăng bằng nửa tốc độ tăng GDP ở khu vực nông thôn, và khoảng 75% tốc độ tăng GDP ở khu vực thành thị). Nói đơn giản là, một người Trung Quốc trung bình không có đủ tiền để mua sản phẩm Trung Quốc (đặc biệt là khi anh / chị ta phải tiết kiệm cho y tế, giáo dục và hưu trí, do Trung Quốc không có hệ thống phúc lợi xã hội đảm bảo). Điều này dẫn tới việc tiêu dùng co ngắn lại, thấp một cách kỷ lục, trong những năm gần đây. Những bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể tạo ra sản lượng kinh tế lớn, nhưng sản lượng đó không được chuyển thành phúc lợi cá nhân tương ứng, làm giảm cầu nội địa và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế.
Khi nói về sự cả quyết của Jonathan về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, một lần nữa ông lại nhìn vào con số thay vì ý nghĩa của nó. Ảnh hưởng của Nhà nước trong nền kinh tế vượt xa con số sản lượng trực tiếp của các doanh nghiệp quốc doanh. Jonathan cho rằng con số này bằng khoảng 25% GDP. Thực ra, các doanh nghiệp quốc doanh chiếm số phần trăm lớn hơn nhiều trong nền kinh tế; ông bạn tranh luận của tôi đã quên không tính tới rất nhiều công ty mà Nhà nước chiếm cổ phần quyết định. Và còn ảnh hưởng nhiều hơn nữa, là việc chính quyền Trung Quốc quyết định giá của vốn vay và nhà đất, và hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế. Vì thế, ảnh hưởng của nó tới thị trường còn mạnh mẽ và tiềm năng hơn nhiều so với người ta tưởng tượng. Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cũng không "năng suất" như Jonathan cố gắng chỉ ra qua dữ liệu của ông. Lợi nhuận của họ tới từ tình trạng độc quyền, chứ không phải tính cạnh tranh. Trên thực tế, 80% lợi nhuận của các doanh nghiệp quốc doanh tới từ một vài tập đoàn độc quyền khổng lồ, như China Mobile, China National Petroleum Corporation (CNPC) và Sinopec. Nghiên cứu cho thấy, nếu xét theo sản lượng vốn biên (marginal capital output), thì doanh nghiệp quốc doanh chỉ hiệu quả bằng nửa so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.
Cuối cùng, đáng lẽ Jonathan phải tính tới hậu quả của suy thoái môi trường và bất công xã hội ngày càng tăng (tạo bởi sự bất bình đẳng và các quan chức tham nhũng) tới tương lai kinh tế của Trung Quốc. Nếu tính tới mức độ ô nhiễm môi trường, và chi phí của việc xử lý và bảo vệ cần thiết để đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia nơi mọi người có thể hít thở, ăn uống mà không bị ngộ độc, thì không có dự đoán kinh tế nào cho Trung Quốc là thuyết phụ nếu giảm nhẹ hoặc không tính tới các yếu tố nguy hiểm của môi trường. Và trên hết, trong khi tình trạng kinh tế đi xuống và chu kỳ kinh tế có thể giúp giải thích các bức xúc xã hội, chúng không phải là nguyên nhân duy nhất tạo ra các vấn đề đó, và sẽ là sai lầm nếu lờ đi các yếu tố khác. Thực tế, rất nhiều vụ bạo động lớn gần đây, lại thiếu vắng yếu tố kinh tế một cách đáng ngờ. Điều quan trọng là khi một xã hội đang tăng trưởng nhanh chóng lại được người dân cảm nhận rằng nó không công bằng, như Trung Quốc ngày nay, thì lãnh đạo của nó đang ngồi trên trái bom hẹn giờ.
Đó là lý do tại sao lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi một "xã hội hài hòa". Thật đáng tiếc, ngay cả những nhà kinh tế giỏi nhất cũng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét