Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Xích lô đạp



Sài Gòn Cô Nương

Đến nay, xích lô đã có mặt tại Việt Nam được bảy mươi bốn năm.
Sau năm 75, tại Saigon có thời kỳ xăng dầu hiếm hoi, chỉ được bán theo định mức, theo tiêu chuẩn, theo tem phiếu, nên những xe không cần xăng dầu như xe đạp, xích lô, ba gác rất thịnh hành.

Một chiếc xích lô trị giá cả mấy “cây” vàng là nguồn sống chinh của biết bao gia đình. Không cần bằng lái, không cần chuyên môn, chỉ cần sức dẻo dai là có thể kiếm ra tiền. Chiếc xe còn là chỗ dựa lưng nghỉ ngơi hoặc là chỗ ngủ đánh một giấc qua đêm nếu không có một mái nhà.
Người đạp xe mất nhiều sức chở nặng, chở xa, mệt lắm so với xích lô máy mà nay đã tuyệt tích. Trước kia, luật hướng đạo Việt Nam cấm hướng đạo sinh ngồi xe xích lô đạp. Đang có tin Hà Nội muốn xóa hẳn phương tiện giao thông “không khói” này. Huế cũng có xích lô nhưng xuống miền Tây thì không thấy bóng dáng chiếc xe này mà thay thế bằng xe lôi. Nhờ đạp xe hằng ngày tôi luyện mà ngành xe lôi đã sản xuất ra nhiều tên cua rơ xe đạp nổi tiếng.
Dù sao chiếc xích lô Saigon trông nhẹ nhõm vì hẹp đủ một người ngồi. Xe Hà Nội rộng hơn và chắc chắn để có thể chở được nhiều hàng nên di chuyển có vẻ nặng nề lắm. Một số đám cưới ở Hà Nội thích dẫn cưới bằng xích lô. Chiếc xe lọng vàng, tua đỏ chở hai người ngồi bưng quả thong thả chạy thành hàng dài trên phố phường. Cảnh này không có trong miền Nam.


Với nhịp độ sôi nổi của thành phố lớn, người dân phải chạy đua với thời gian. Xe buýt được nhà nước trợ giá chạy khắp nơi. Thất nghiệp nhiều nên Honda ôm mọc ra như nấm. Hầu như góc đường, góc chợ, đầu hẻm nào là nơi trước kia xích lô đậu thì nay là xe ôm. Còn ở bến xe thì cả một nghiệp đoàn xe ôm.
Vừa bị cấm chạy trên một số đại lộ, lại bị xe ôm, xe buýt, xe taxi lấn át. Thêm nữa, cách đây mấy năm, nhà nước cấm lưu hành xe ba gác và xích lô vì lý do thẩm mỹ thành phố. Chủ nhân của những loại xe này lao đao vì không có nghề chuyên môn và vốn liếng để đổi nghề. Cách đây một hai năm, chiếc xích lô còn bán được vài ba trăm ngàn, nay muốn bán tống tháo đi cũng chẳng ai mua. Một số gượng gạo gia nhập giới xe ôm vốn đã quá thừa mứa bởi ngoài giới xe ôm chuyên nghiệp thì công việc đơn giản và được coi là khá nhàn hạ này còn dành cho người thất nghiệp và kiếm thêm.
Xích lô rên rỉ quá. Sau này nhà nước không cấm nghiệt nữa, nhưng xích lô hầu như chẳng còn bao nhiêu. Xe đã bị rã ra bán phế liệu. Xe thổ mộ xưa, xe kéo, xe trâu còn được người sưu tầm mua bánh xe, thùng xe mang về làm vật trưng bày, trang trí hoài cổ nhưng xích lô thì chẳng có thứ gì được giữ lại cả.
Bây giờ do không còn chạy rong đón khách nên hiếm hoi bắt gặp bóng dáng chiếc xích lô chạy trên đường.
Dù sao vẫn còn số ít sống ngắc ngoải.


Đó là xích lô chuyên chở thuê. Loại này hay kiếm chỗ trống đâu đó gần các cửa tiệm đông đúc. Khi có khách mua hàng, chủ kêu điện thoại cho xích lô đến chở hàng tận nhà giao khách.
Đây là những món hàng ít nhưng cồng kềnh và không nặng lắm. Nếu nặng và nhiều hơn thì cần đến xe ba gác.
Ông Ba đậu xe ở khu vực Hàng Xanh cho biết:
- Tôi chở hàng cho mấy tiệm kiếng, tiệm sắt... quanh đây.
Khu vực cửa hàng sầm uất chật chội, không có chỗ cho xích lô đậu, nên ông kiếm bóng mát xa xa đứng. Với lại để chở hàng toàn xe cũ kỹ xập xệ nên không ai cho đậu đằng trước làm xấu mặt tiền nhà.
Ông Ba năm nay sáu mươi hai tuổi, nhà ở Phú Nhuận. Mỗi sáng, ông đạp xe sang Hàng Xanh và ở đó suốt ngày cho tới tối, lúc tiệm cuối cùng là tiệm kiếng đóng cửa khoảng bảy giờ, ông mới đạp xe về.
Một ông già khác không kém phần hom hem, đóng đô ở khu vực Cống Quỳnh chuyên chở hàng cho tiệm nệm. Ba tấm nệm đôi, mỗi tấm dày cả tấc chất lên xe. Nệm tốt nên nặng lắm khiến ông già đạp lặc lè như bánh xe lăn không muốn nổi. Dẫu sao nếu đường gần thì công ít, đường xa thì công xá cao hơn. Đến nơi, ông còn phải phụ chủ nhà khuân hàng vào nhà, không kể có khi vác lên hai, ba tầng lầu.


Theo thỏa thuận, khách khỏi trả tiền xe. Thấy ông già còm cõi, nước da cháy nắng vì suốt ngày nắng mưa ngoài đường, đạp xe nặng nhọc, vài người tặng ông chút ít nhưng đa số cho là tiền xe đã được tính vào giá mua hàng rồi nên không cần phải trả thêm. Tiền công rất thấp và tiền “bo” chẳng bao nhiêu. Ông Ba trả lời an phận:
- Thôi thì có công việc là may lắm rồi chứ tôi lớn tuổi, rời khỏi chiếc xe này, tôi không thể kiếm được công việc nào khác.
Những ông già này đã gắn bó gần cả cuộc đời với xích lô. Cha của ông Ba ngày xưa có ba, bốn chiếc xe trong nhà để cho thuê. Những người không thể sở hữu một chiếc xích lô, cứ mỗi sáng đến gởi căn cước, thuê chiếc xe để chạy, chiều tối về trả xe, thuê ngày nào trả tiền ngày đó. Nhờ thế, thân sinh ông nuôi cả gia đình. Đó là thời hoàng kim của xích lô khi ra ngoài đường luôn thấy xích lô đạp rải tìm khách. Nay ông lại hành nghề đạp xích lô vào lúc cuối mùa của loại xe này.
Khá hơn chở hàng là xích lô vừa chở khách vừa chở hàng.
Nói chở khách nhưng thực ra họ không chạy rong kiếm khách như xưa mà chỉ đậu một chỗ. Thông thường ở những khu chợ to, ngoài bến xe ôm, bao giờ cũng đậu một, hai chiếc xích lô sẵn sàng chở hàng cho các sạp trong chợ hoặc đón người đi chợ nhằm hôm mua sắm nhiều, xách giỏ về không nổi. Chiếc xích lô có cả khoảng trống rộng rãi dưới chân tha hồ chất đồ rất tiện lợi khi hàng hóa ít hơn một chiếc ba gác và nhiều hơn một chiếc xe ôm, lại dễ luồn lỏi vào hẻm.


Do chủ yếu chở khách và hàng hóa nhẹ nhàng, nên chiếc xe được giữ khá sạch sẽ, không tới nỗi đen đúa, tàn tạ như xe chuyên chở hàng nặng. Bác xích lô dựng nệm lên, ngả người trên xe đọc báo xem chừng nhàn hạ lắm. Thế nhưng khi có khách muốn đi một cuốc thì bác tỏ vẻ ngần ngại. Lâu lắm rồi đâu còn cảnh bà khách đứng trên vỉa hè vẫy xe ra Saigon, đi chợ Tân Định, Đa Kao... như xưa. Bác nghĩ một lúc rồi từ chối bằng cách giới thiệu:
- Cô kêu xe ôm đi.
Bác tận tình chỉ tay về phía mấy ông xe ôm túm tụm đầu hẻm gần đó. Xích lô không có khách vãng lai nữa mà toàn chở khách quen đi chợ, đi lễ... Mối ruột là các bà già đi đây đó, thích chiếc xe ngả hẳn về phía trước, hạ thấp xuống để bà cụ bước lên bước xuống dễ dàng, được ngồi êm ái, chắc chắn trong thùng xe, di chuyển chậm rãi theo từng vòng đạp, yên tâm hơn hẳn mấy ông xe ôm chạy xe gắn máy vù vù, vịn không chặt rớt xuống đường như chơi.

Vì thế mặc dù được trả tiền khá nhưng bác xích lô vẫn không mặn mòi. Bác không thể lấy quá đắt cho quãng đường bởi xích lô hiền lành, vốn không phải loại chuyên chặt chém thái quá. Ở thời buổi mà đủ thứ xe máy từ hai bánh đến bốn bánh nổ ầm ầm, chạy ào ào vun vút chung quanh, nghĩ tới quãng đường xa một mình lụi cụi đạp xe không về bến mà ngán. Thôi chẳng thà nhịn tiêu pha một chút, thảnh thơi gác chân trong thùng xe đợi mối gần còn sướng hơn.
Bởi vậy xích lô kiểu này tài tử lắm, không nằm bến suốt ngày như xe ôm đâu. Buổi sáng đậu ở đầu chợ rồi về, chiều đậu gần bùng binh, tối về sớm. Khách quen có giới hạn nên không cần mất công tranh giành chụp giật. Vả mỗi khu độc quyền một, cùng lắm hai chiếc xích lô, chẳng có ai để cạnh tranh cả.
Cao cấp nhất là xích lô chở khách du lịch.
Nói chính xác là khách ngoại quốc chứ Việt kiều, chắc là đã rất quen thuộc với xích lô từ hồi nào nên hầu như không màng tới bao giờ. Những xe này được lau chùi sáng loáng và người đạp xe cũng ăn mặc tươm tất.
Tại những khách sạn lớn, khách đi theo đoàn thường gọi xích lô của nghiệp đoàn thông qua công ty du lịch. Thỉnh thoảng trên phố, người ta vẫn thấy xích lô mặc áo thun đồng phục cùng màu chạy thành hàng dài mười mấy chiếc chở tây, đầm đi lòng vòng ngắm phố phường. Nếu không thì họ quanh quẩn gần khách sạn, quán ăn... nơi tập trung nhiều ngoại kiều, nhất là khu Tây ba lô, luôn luôn có khách tấp nập qua lại ngoài đường dễ mời chào, chèo kéo.
Các công ty, văn phòng ngoại quốc ở Saigon thỉnh thoảng lại rầm rộ tổ chức đua xích lô cho một phong trào quyên góp.
Khách ngoại quốc rất thưởng thức việc ngồi xích lô do sự thú vị của loại xe “cổ” này mang lại. Họ ngồi gọn trong một chiếc ghế vừa vặn và êm ái để nhàn tản ngắm phong cảnh rộng rãi di động trước mặt hoàn toàn không vật cản. Hà Lan cũng có xe đạp chở khách nhưng người đạp lại ngồi trước, che khuất tầm nhìn của khách ngồi thùng xe phía sau. Và xe kéo của Nhật, do cảnh người phu cầm càng kéo chiếc xe chở khách ngồi nghễu nghện bên trên như xe kéo Việt Nam trước kia, nhìn hoàn toàn không thuận mắt ngày nay.
Người đạp xe cũng thích khách ngoại quốc vì được trả giá cao. Ngoài ra, anh Bảo, đạp xích lô mười năm nay, nhận xét thêm:
- Người Việt tính giá xe theo khoảng cách xa gần. Sau khi ngả giá, họ leo lên hai người hoặc thêm con nít, hàng hóa... trong khi ngoại quốc, nếu ngồi hai người, họ sẽ trả tiền gấp đôi.
Anh xích lô thường kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch vì vừa đạp xe vừa líu lo kể chuyện, giải thích bằng thứ tiếng bồi mà ai cũng hiểu. Chỉ có điều, anh xe ôm đôi khi cua được nữ du khách tình một chốc nhưng xích lô thì không. Rõ ràng xích lô lam lũ hơn, kém vẻ rất nhiều so với giới xe ôm phong trần.
Dù sao, Hà Nội tỏ ra quyết liệt dẹp xích lô thời gian gần trong khi Saigon chỉ thắt chặt cho nó tự tàn dần. Đôi khi người ta bắt gặp vài cặp chụp hình cưới với chiếc xích lô trong những bức hình mang vẻ đẹp hoài cổ, cho thấy trước tương lai của loại xe này, giống như xe bò, xe ngựa, rồi sẽ mất đi, để trở thành một hình ảnh đẹp của ngày xưa.

Sài Gòn Cô Nương
 siagoco082213

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét