Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Đấu giá kỷ vật ái tình của J.F.Kennedy

LKTD1_16_11

Chu Nguyễn
Vị tổng thống thứ 35 của Mỹ quốc, J.F.Kennedy, đã tử nạn bởi những viên đạn của Lee Harvey Oswald trong một ngày thứ Sáu nắng đẹp 22-11-1963 ở Thành phố Dallas, Texas.
Năm mươi năm trôi qua, dư luận trong tháng 11 nhắc tới hai cố tổng thồng, một của Việt Nam, một của Mỹ, đều bất đắc kỳ tử trong tháng 11 và biết bao câu hỏi và cảm xúc từ những biến cố lịch sử này nảy sinh.
Riêng J.F.Kennedy, được báo chí Bắc Mỹ nhắc nhở nhiều nhất vì cũng trong những ngày cuối tháng 10, sang tháng 11, 2013 có một cuộc đấu giá những kỷ vật của vị tổng thống đẹp trai, thuộc loại ăn chơi nhất trong thế giới tự do.
Nguồn tin của Reuters ngày 24 tháng 10, 2013 cho biết tin này trong bài “Memorabilia from JFK assassination up for auction” như sau: “Gần 300 kỷ vật liên quan đến tổng thống John F. Kennedy và vụ ám sát Kennedy, trong đó có một lọn tóc của tổng thống và chiếc nhẫn cưới của hung thủ Lee Harvey Oswald đã được đem ra bán đầu giá ở Massachusetts. Việc đấu giá diễn ra ở khách sạn Omni Parker House, được coi là diễn biến liên quan đến kỷ niệm về Kennedy được tổ chức quy mô nhất năm 2013, chỉ cách ngày tổng thống bị ám sát, ngày 22 tháng 11, 1963 có mấy tuần… Như đã nói trên, đặc biệt trong những kỷ vật này có một lọn tóc của Kennedy mà người thợ hớt tóc của ông đã giữ lại vào tháng 7, 1963, cùng chiếc nhẫn vàng mà phu nhân Jacqueline đã tặng ông có khắc mấy chữ đầy tình nghĩa phu thê: “J.B.K. to J.F.K.”
Nguồn tin Daily Mail ngày 11, tháng 11, năm 2013 cho biết quan trọng hơn nữa là qua cuộc bán đấu giá đang diễn ra người ta tìm được những chứng cớ về cuộc sống ong bướm của vị tổng thống “hào hoa bạc mệnh”. Ai cũng biết Kennedy không hề là người chồng chung thủy với bà vợ mẫu nghi thiên hạ Jacqueline Lee Bouvier mà chẳng từ bỏ cơ hội nào để gần gũi những cô gái trẻ, đẹp trong tầm tay và tạo cho ông một thứ huyền thoại đa tình khó tìm thấy ở bất cứ chính khách hiện thời nào.
Trong những kỷ vật của Kennedy ngoài những tấm hình và thư từ liên quan tới ông và đệ nhất mỹ nhân thời đại là Marilyn Monroe, còn có nhiều thư từ của các kiều nữ trong tẩm cung khác đã từng hầu hạ vị quân vương trong những năm ngắn ngủi trong cuộc đời của một chính khách đầy tham vọng và tài ba, đầy hứa hẹn và viễn kiến, đã tạo cho “vương triều” của mình một biểu tượng mà người ta so sánh với Camelot Area (nhắc lại triều đại lịch sử của King Arthur) với nhiều hào quang, tưng bừng, hồi hộp và sống động.
Một số thư do các cô gái được tuyển vào thực tập (intern) tại Tòa Bạch Ốc như Fiddie, Fraddle và Mimi mà sau này người ta biết đó là các cô gái trẻ có nhan sắc từng tháp tùng J.F.Kennedy trong các cuộc vui và du hành.
Họ là kiều nữ Priscilla Ware, Jill Cowen và Marion Beardsley. Họ cũng là người tình một thời của Kennedy. Những lá thư này được viết trên giấy có tiêu đề Tòa Bạch Ốc, cho thấy nguồn vui tràn đầy của các cô gái mới bước vào ngưỡng cửa đời đã được lọt vào một thế giới thần tiên như bé Alice trong truyện trẻ em, và say sưa trong môi trường thượng lưu quyền quý và được kề cận bên cạnh những nhân vật tai to mặt lớn của chính trường Mỹ một thời.
Nhân vật trong thâm cung của J.F.Kennedy nổi tiếng gần đây là Mimi. Mimi giữ yên lặng trong bốn chục năm, sau khi Kennedy thiệt mạng, nhưng rồi trong một số tác phẩm kể chuyện đời Kennedy có nhắc tới cái tên cô thực tập sinh Mimi và báo chí, tờ New York Daily News, đã theo dõi giai nhân này và tìm ra người thực. Mimi hiện giờ đã 69 tuổi và đã là bà ngoại. Bà ngoại có tên là Marion Beardley Alford hay bà Marion Fahnesstock ở New York.
Từ đó người ta mới được nghe kể về mối tình rực cháy của Mimi với vị tổng thống hào hoa. Nó bắt đầu từ mùa hè 1962, khi xuân nữ được tuyển vào làm thực tập trong văn phòng báo chí phủ tổng thống, và cuộc tình tiếp tục khi Mimi trở lại học năm đầu tại Wheaton College ở Massachusetts vào mùa thu.
Cuộc bán đấu giá như dự trù trong hai tuần trước lễ kỷ niệm ngày JFK bị ám sát và do McInnis Auctioneers of Amesbury ở Massachussetts thực hiện. Tài liệu về J.F.Kennedy do một người bạn chí thân của cố tổng thống là David F. Powers từ thuở còn trẻ lưu giữ và giao cho công ty đấu giá trước khi chết (1998).
Trong những người tình bé bỏng của Kennedy, Mimi có máu văn nghệ, tuy kiên nhẫn giữ bí mật cho đời mình nhưng sau “chẳng đặng đừng” vì dư luận tò mò thúc giục, Mimi đã viết lại mối tình xưa với kẻ hào hoa trong một thiên hồi ký có tên Once Upon a Secret: My Affair with President J.F.Kennedy and Its Aftermath (Bí mật ngày xưa: cuộc tình của tôi với tổng thống J.F.Kennedy và chuyện về sau).
Đúng là:
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép máy hoa thiếp phụ chàng!
Mimi tên thực là Marion Beardsley và gọi theo họ chồng là Alford.
Trong hồi ký, Mimi Alford cho biết bà xuất thân từ một gia đình danh giá ở New Jersey và sau đó được tuyển làm nhân viên báo chí cho phủ tổng thống vào tuổi 19. Bà kể lại với niềm tự hào là được tổng thống để ý và trong một cuộc vui, rồi đưa vào phòng ngủ của đệ nhất phu nhân khi bà này vắng mặt và tước đi cái ngàn vàng của mình.

Trong thiên hồi ký, Mimi Alford không giấu giếm gì, cho biết về cuộc tình ngắn ngủi từ tháng 6, 1962 tới tháng 11, 1963. Tác giả thú thực mối tình nồng nàn khó lãng quên với vị tổng thống thứ 35 của Mỹ quốc, kể cả mùi đời ngon ngọt, phú quý vinh hoa lẫn xác thân cọ sát.

Theo Mimi Alford, cuộc gặp gỡ với J.F.Kennedy diễn ra ngoài dự định của mình. Ngày ấy Mimi đang là chủ biên tờ báo trong một trường học, đã tới Tòa Bạch Ốc để viết một bài tường trình về đệ nhất phu nhân. Mimi lúc đó tay trắng mộng đầy và không hề có ý xin việc ở Tòa Bạch Ốc vì cô chẳng có nghề chuyên môn.

Một nhân chứng, người trợ lý báo chí của Kennedy là Barbara Gamarekian, kể lại: “Mimi là chủ bút của tờ báo của trường cao đẳng khi tới Tòa Bạch Ốc vào năm 1961 để viết một bài về tiểu sử đệ nhất phu nhân. Bà Jacqueline khi ấy quá bận rộn không thể gặp Mimi được, nhưng tình cờ tổng thống gặp cô gái này vì ông rảnh rỗi hơn phu nhân… Sau đó, văn phòng báo chí của Tòa Bạch Ốc mướn cô gái này mặc dù cô ta thiếu tiêu chuẩn đòi hỏi… Cô gái 19 này cùng một nhóm các cô gái khác được mời tham dự cuộc tiếp tân tại Tòa Bạch Ốc và đi theo đám tùy tùng của tổng thống… ở Bahamas, sau hội nghị thượng đỉnh MacMillan, tùy tùng thấy Mimi náu mình trong một chiếc xe chờ đợi chở tổng thống ra phi trường… Họ để ý thấy cô ngồi ngay dưới sàn xe”.

Có người cho rằng J.F.Kennedy thấy khuôn mặt hao hao giống vợ mình nên chú ý và nhận Mimi vào làm thực tập sinh bên cạnh mình.

Còn Mimi Alford kể lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” như sau: “Chỉ bốn ngày từ lúc vào làm việc với vai trò thực tập tại Tòa Bạch Ốc, tôi được mời tham dự một buổi tắm tại dinh tổng thống nơi tổng thống thường xuyên tập luyện để tránh cơn đau mãn tính”.

Theo Alford, Kennedy lặn lại gần cô ta và bơi sát kiều nữ, rồi hai người trò chuyện.
Kennedy hỏi:
- Mimi phải không?
Cô gái đáp:
- Thưa tổng thống, chính em!
- Cô tới đây làm trong phòng báo chí từ hè này phải không?
- Dạ, đúng như vậy!

Buổi tối hôm ấy, Dave Powers, bạn thân nhất của Kennedy, mời Mimi tham dự một buổi party giải trí sau giờ làm việc. Alford kể lại sau khi uống nhiều lý cocktails, Kennedy đích thân dẫn Mimi đi thăm nơi ông ở trong Tòa Bạch Ốc và ngừng lại ở phòng ngủ của Đệ nhất Phu nhân, và Mimi cho biết liên hệ của họ trở nên thân mật hơn khi Kennedy dìu giai nhân vào giường của vợ.
Mimi tâm sự: “Ông ta thong thả cởi áo sơ mi của tôi và sờ ngực tôi. Rồi ông ta đưa tay vào háng tôi và tuột quần lót của tôi. Về phần tôi, tôi tuột nốt áo sơ mi ra khỏi vai”.
Cũng theo Mimi: “Kennedy cởi quần nhưng vẫn mặc áo sơ mi. Ông ta ngừng lại khi thấy tôi có vẻ ngần ngại rồi hỏi: Đã làm bao giờ chưa?” Alford cho biết ban đầu muốn trả lời phủ nhận vì cô còn trinh nguyên nhưng không hiểu sao lại gật đầu.
Sau khi con ong đã tỏ đường đi lối về, Kennedy thì kéo quần lên và chỉ cho Mimi nơi phòng tắm rồi ông ta ra khỏi phòng.

Kinh nghiệm ban đầu này ám ảnh Mimi Alford khi lái xe về nhà: “Tôi sững sờ. Ông ta khác hẳn tôi, đã hành động như làm một việc bình thường khi trai gái gặp nhau. Còn tôi trong đầu tôi vang lên âm hưởng vì tôi không còn là cô gái trinh nguyên nữa”.

Alford ghi nhớ, Kennedy tiếp tục cuộc tình với cô ngày hôm sau sau khi bơi. Cô thú nhận: “Việc tôi được một nhân vật quyền uy nhất Mỹ ham muốn làm tôi phấn khởi nên tôi chẳng nghĩ tới chuyện chống cự và từ chối ông ấy. Đó là câu trả lời đúng nhất mà tôi có thể đáp nếu ai hỏi”.

Mimi Alford cũng kể lại có lần Kennedy ép cô phải ngửi chất kích thích amyl nitrate trong một bữa tiệc với nhiều minh tinh của Hollywood tại trang trại của Bing Crosby nơi xa mạc hoang vu. Cô viết: “Tôi ngồi ngay bên cạnh ông ta trong phòng khách khi một người khách mời những viên con nhộng màu vàng, giống như loại popper chứa Amyl Nitrate. Tổng thống hỏi tôi có muốn thử không, nó có công dụng làm tim thêm rạo rực và tình dục tăng cao. Tôi lắc đầu nhưng ông ta đã ấn thuốc vào mũi tôi nhưng bản thân ông ta thì không thử. Cảm giác khó chịu dâng lên trong tôi, tôi kinh hoàng bật khóc”.
Theo Alford, Kennedy chưa bao giờ hôn mình và thường ra lệnh cho cô ở lại khách sạn cho tới khuya để chờ ông ta cho vời.

Alford cũng kể lại có lần Kennedy bảo cô “săn sóc” giùm người bạn thân là Powers bằng cách dùng miệng gợi dục cho ông ta (oral sex).

“Một hôm tắm vào buổi trưa, Powers xắn quần lên và ngâm chân vào nước. Tổng thống bơi lại tôi và rỉ tai: ‘Anh Powers có vẻ căng thẳng đấy. Giúp anh ta được không? Câu nói đó vào hoàn cảnh ấy tôi hiểu ông muốn tôi làm gì, rõ ràng ông bảo tôi giúp Powers chơi trò ‘oral sex’. Tôi không biết tổng thống có nghĩ tôi sẽ làm việc này hay không nhưng tôi xấu hổ thú nhận là tôi đã làm trong khi tổng thống chứng kiến với vẻ trầm lặng”.

Theo tờ State Magazine, Alford còn cho biết Kennedy từng nhờ nàng “giúp đỡ” cậu em nhỏ Ted Kennedy trong một lần quyên góp cho đảng Dân chủ nhưng Alford từ chối.
Nếu xét về mặt trăng hoa, thì J.F.Kennedy còn là đàn anh của Bill Clinton. Ông ta nghe nói còn mang chứng bệnh tình dục (sado-masochism) nên phóng túng hình hài trong khổ đau để tìm lạc thú.

Nhưng số Bill Clinton đào hoa nhưng nặng nợ nên việc vụng trộm của ông bị vỡ lở vì người tình bé bỏng Monica Lewinsky mỏng môi hay hớt và suýt nữa thì sự nghiệp của ông tan tành. Còn Kennedy hào hoa thả cửa, cuộc đời ngắn ngủi có biết bao tình lữ mà vẫn bình chân trước miệng đời, bất chấp thách đố của Soviet, có thua chăng chỉ thua thần chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét