Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Bộ đồ hồng nhuốm máu của Jackie Kennedy!

LKTD1_23_11


Chu Nguyễn

- Vị tổng thống thứ 35 Mỹ quốc, J. F. Kennedy khởi nhiệm kỳ từ tháng 1, 1961 và vào 1963 tới thăm Texas thì bị ám sát. Một vụ ám sát gây chấn động thế giới, nhất là ở Việt Nam sau cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

- Ngày nay, 11/2013, báo chí nhắc tới cái chết của Tổng thống J. F. Kennedy (thường gọi tắt là JFK hay thân mật là Jack) và nêu lại nhiều giả thuyết ai đứng đằng sau âm mưu sát nhân và JFK được coi như người hùng của Mỹ trong vụ so găng với lãnh tụ Soviet Khrushchev nhân cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba (Cuban Missile Crisis – 1962).

Tuy nhiên, cùng hoạn nạn với JFK còn một nữ nhân vật có gương can đảm không kém, đó là Đệ Nhất Phu nhân Jacqueline Lee Bouvier, thường được gọi là Jackie.

Jackie bên cạnh Jack cùng trên chuyến xe định mệnh Lincoln Continental đời 1961, đã chứng kiến cái chết tức tưởi của chồng và đồng thời cũng cách lưỡi hái tử thần trong gang tấc mà vẫn giữ được tác phong của mệnh phụ phu nhân chia sẻ hiểm nguy với chồng và can đảm chịu sự thử thách và thách đố nghiệt ngã nhất của số phận.

Bi kịch cách đây 50 năm xảy ra cho gia đình Kennedy, diễn lại trong tâm tư nhiều người vì hậu quả của nó còn ghi dấu vết trong nhiều thế hệ và kỷ vật của nó còn được duy trì cho tới tận hôm nay.

Trong những kỷ vật này có những vật vị đệ nhân phu nhân ngày ấy là bà Jackie Kennedy phục sức và mang theo, nhất là chiếc áo khoác màu hồng kiểu Chanel thời thượng của người phụ nữ hồng nhan đa truân.

Lúc viên đạn đầu tiên nổ, ở Dallas, Texas, vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Jackie khi ấy ngồi bên cạnh tổng thống. Những phát súng tàn ác đã cướp đi mạng sống của Jack, chồng bà và dòng máu vương giả đã làm hoen ố bộ y phục màu hồng bà mặc cùng những vật dụng bà mang theo như giày vớ.

Bộ y phục kỷ vật kinh hoàng này không được giặt và hiện được giữ trong viện lưu trữ quốc gia National Archives ở College Park, Washington, D.C.

Một nhân viên bảo quản là Steven Tilley tiết lộ vào năm 2011 cho tờ Post biết: “Những thứ này còn mới toanh ngoại trừ vết máu khô dính khắp chỗ!”

Tuy nhiên những kỷ vật trên không được phép trưng bày cho công chúng vì theo một cam kết có chữ ký của con gái cố tổng thống là Caroline. Bà này yêu cầu viện bảo tồn giữ gìn những kỷ vật trên và không được “sử dụng tư liệu này một cách tùy tiện hay gây xúc động (như trưng bày trước công chúng) hay dùng một cách nào khác vì có thể gây sự bất kính với cố tổng thống hay gợi lại nỗi đau buồn cho thân thích người quá cố”.

Hợp đồng ký 2003 cũng ghi rõ, ít nhất một trăm năm sau mới có thể cho mọi người chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, hình ảnh Jackie Kennedy trong ngày tang tóc của Mỹ quốc và của đời bà, đã in sâu vào tâm khảm những người có dịp chứng kiến qua truyền hình hay phim ảnh. Những dấu ấn này khiến bất cứ ai nhớ lại hay nghe kể đều khó ngăn dòng cảm xúc.

Bộ áo hồng, chiếc nón màu hồng, mái tóc nâu, môi hồng lạt và trong tay là bó hoa hồng, bỗng trong nháy mắt biến thành màu đỏ. Mùi thơm của hoa, của hương mỹ nhân, nụ cười hạnh phúc biến mất, trở thành mùi tanh của máu, nồng hắc của khói đạn và tiếng nấc uất nghẹn nơi cổ họng. Tất cả tan tành như một trò ảo thuật, nào công danh, sự nghiệp hạnh phúc lứa đôi… hóa hư không. Cái hữu thường đã biến thành vô thường trong nháy mắt!

Có một điểm mà mọi người không thể không ngưỡng mộ người phụ nữ tài ba này là trong cơn kinh hoàng mà ngay một chiến sĩ dũng cảm cũng khó lòng giữ được bình tĩnh, thế mà Jackie Kennedy vẫn giữ được phong độ một đệ nhất phu nhân, chịu hoạn nạn cùng chồng và bảo vệ chồng tới cùng cho dù, như sau này bà nhớ lại: “chung quanh tôi máu tung tóe và những cánh hồng tan tác trong khi tổng thống gục trên gối tôi”.

Khi chiếc limo tới bệnh viện. Jacqueline Kennedy dù ở tình trạng điếng người nhưng bà giữ chút tỉnh táo để duy trì được sự tôn nghiêm cần thiết cho người mới ngã xuống. Trong một hồi ký, nhân viên mật vụ Clint Hill nhớ lại trong tập “Bà Kennedy và tôi” (Mrs Kennedy and Me), kể lại việc đệ nhất phu nhân vẫn ôm chặt lấy chồng, lấy thân che khuôn mặt đẫm máu của ông. Hill năn nỉ: “Thưa phu nhân, bà để chúng tôi đưa ông vào bệnh viện.”

“Bà Kennedy nhìn tôi, đôi mắt ngước lên nhưng hình như không thấy gì. Và tôi hiểu ngay rằng bà ấy không muốn ai nhìn thấy tổng thống trong tình trạng ghê gớm như thế.”

Hill cho biết, ông cởi áo khoác, và phủ lên đầu và ngực của Tổng thống và: “ngay sau khi tôi dùng áo che cho tổng thống thì bà ta mới nới vòng tay giữ thi thể tổng thống ra.”

Tiếp đó, Jackie Kennedy không chịu thay bộ y phục màu hồng đẫm máu. Sau này bà tâm sự với Theodore H. White, một cây viết có tiếng của tờ Life: “Mọi người tiếp tục bảo tôi dùng khăn lạnh quấn quanh đầu và lau vết máu đi. Tôi nhìn tôi trong gương, mặt tôi đầy máu. Tôi dùng Kleenex lau qua. Nhưng một giây sau tôi nghĩ ‘Sao tôi phải lau máu? Tôi phải để nguyên thế để họ thấy những gì họ đã làm.”

Sau này, trên chuyến chuyên cơ Air force One, có Phó Tổng thống Johnson cùng Jackie Kennedy và quan tài cố tổng thống, cũng như cả khi Johnson tuyên thệ, Jackie Kennedy vẫn mặc nguyên bộ quần áo dính máu.

Trong nhật ký Lady Bird Johnson, phu nhân Johnson viết lại: “Tôi nhìn về phía Jackie. Áo của bà ta dính đầy máu. Một chân bà ta máu khô dính bết và găng tay dính máu khô nứt nở. Đây thực là cảnh gây nhức nhối nhất, bộ quần áo lịch sự trang nhã không hề vết nhơ của một phụ nữ sành điệu bây giờ loang lổ máu là máu.”

Trong khi ấy khuôn mặt người hồng nhan đa truân lạnh, vô hồn như tượng đá.
Tình yêu giữa Jackie và JFK trong những năm cuối cùng của mối tình vương giả khởi đầu thuộc loại đẹp nhất giữa trai tài gái sắc, trong thế kỷ XX ra sao?
Người ta đều biết JFK là kẻ hào hoa, gieo mầm tình ái ở những nơi ông ta gặp mỹ nhân vừa ý. Cũng có người ngờ rằng cuộc tình của họ trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước đã rạn nứt và thái độ đau khổ tới mức hóa đá của Jackie chỉ là tấm bình phong che đậy kinh nghiệm phong phú của một phụ nữ tuy tuổi đời không lớn (sinh 1929) nhưng dày dạn phong trần?

Nghi ngờ như thế là sai vì Christopher Anderson, một tác giả mới đây trong tác phẩm mới có tên These Few Precious Day: The Final Year of Jack with Jackie (Chuỗi ngày vàng trong năm cuối của Jack với Jackie) (xb 2013) kể lại thì cuộc tình giữa hai nhân vật trong tấn bi kịch Texas cách đây 50 năm tình nghĩa rất khăng khít nhất là lúc JFK qua đời, Jackie đã chứng tỏ tấm tình chan chứa và trung hậu của mình đối với kẻ vừa ngã xuống.

Anderson cho rằng mặc dù trước đó cuộc tình của Jack (chỉ Kennedy) và Jackie (chỉ Jacqueline) bị hoen ố bởi nhiều lần JFK ngoại tình và sau cái chết của đứa con mới ra đời là bé Patrick nhưng trước khi tổng thống bị ám sát tình cảm giữa họ rất nồng nàn.

Kennedy trúng đạn lúc hai vợ chồng nguyên thủ Mỹ ngồi trên xe vẫy chào dân chúng hai bên đường khi xe đi qua khu Dealey Plaza ở Dallas, Texas.

Khuôn mặt Jack lúc đó làm sao Jackie quên được. Giây đầu tiên Kennedy lộ vẻ ngạc nhiên, hơi nhăn mặt, rồi khuôn mặt bể ra máu đỏ phun tung tóe. Màu đỏ thắm chứ không phải màu trắng ngà, Jackie sau này kể lại: “Tôi có thể thấy rõ mảnh sọ bắn ra khỏi đầu ông ta và ông ta gục xuống gối tôi”.

Một hình ảnh người xem khó cầm nước mắt: Jackie cố trườn lên chiếc Lincoln chở hai người, ai cũng tưởng bà ta muốn tìm nhân viên an ninh nhưng sự thực là bà muốn nhặt một phần sọ của tổng thống đã bay đâu đó trên cốp xe.

Trên xe, Jackie giữ chặt đầu chồng bằng đôi găng như muốn ngăn cho óc khỏi tràn ra.

Anderson ghi lại Jackie Kennedy ghé vào tai chồng và thì thầm: “Jack, Jack, Jack! Nghe em gọi không?” Lúc đó đôi mắt xanh của Kennedy mở rộng và đứng tròng. Jackie nói trong run rẩy: “Em yêu anh, Jack. Em yêu anh!”

Mạch của tổng thống khi được đưa vào bệnh viện Parkland đập cực yếu. Khi các bác sĩ dự định truyền máu cho tổng thống, Jackie Kennedy trong bộ y phục Chanel vấy máu, trao cho bác sĩ mảnh sọ của tổng thống mà bà đã lượm lên. Bác sĩ muốn Jackie ra khỏi phòng khi họ làm việc, nhưng bà từ chối: “Tôi không đi đâu cả! Ông ta là chồng tôi, máu của ông… não của ông ở trên người tôi.”

Các nhân viên y tế có mặt trong phòng cấp cứu chứng kiến Jackie không thốt nổi một lời khi bác sĩ báo cho bà ta biết tổng thống đã chết, chỉ thấy bà mở miệng hình như phát ra âm: “tôi hiểu”.

Tất cả xúc động lặng người khi nhìn Jackie hôn bàn chân trắng của tổng thống thò ra khỏi khăn phủ trên bàn mổ. Chỉ thấy tiếp đó, bà ta kéo chiếc khăn phủ người tổng thống lên để lộ mặt và vai của kẻ bất hạnh.

Anderson viết lại sau này Jackie cho biết: “Lúc đó khuôn mặt của ông ấy đẹp vô cùng.”

Tác giả viết tiếp: “Jackie tiếp tục hôn cái xác vô hồn của Jack, từ bàn chân, lên chân, đùi, ngực dần dần lên đến môi”. Ai chứng kiến cảnh này cũng không cầm được nước mắt.

Bạn bè và thân quen cho biết xưa nay Jackie rất sạch sẽ nhưng hôm xảy ra bi kịch bà cứ mặc bộ đồ nhuốm máu hình như cái ngày kỷ niệm này không bao giờ chấm dứt nơi tâm tư người khổ đau.

Cuộc tình của Jackie và Jack khởi từ khi Jackie là một nhà báo đầy triển vọng và Jack là chính khách có tương lai rực rỡ. Họ lập gia đình năm 1953 và có hai người con là Caroline Bouvier sinh 1957 và John F. Kennedy Jr. sinh 1960. Nhưng hạnh phúc sớm tan vỡ khi JFK bị ám sát.

Năm năm sau cái chết của JFK, Jackie tái giá với tỷ phú Onassis. Tuy nhiên, cuộc tình thứ hai cũng không mang lại hạnh phúc cho khách hồng nhan vốn mang vết thương lòng.

Onassis tạ thế vào năm 1975, và Jackie qua đời trong bệnh hoạn vì hút thuốc lá quá nhiều vào năm 1994.


Chu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét