Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Một cái “lỗ đen” cho những kẻ bị lộ

Đào Tuấn
Chia sẻ bài viết này
Dân Luận: Hai án tử hình cho một vụ tham nhũng đình đám, nghe có vẻ như công lý đã được thực thi. Nhưng cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết: Đó là một thể chế không có trách nhiệm giải trình, không công khai minh bạch, không có sự kiểm soát quyền lực. Khái niệm kinh tế nhà nước làm chủ đạo vẫn được ghi nhận trong bản hiến pháp mới thông qua. Từ cái gốc đó, sẽ còn nhiều án tử hình nữa, và sẽ còn nhiều tiền bị quan tham bòn rút từ ngân quỹ.
2 án tử hình đã được tuyên trong tiếng gào khóc của thân nhân và sự… bình thản của các bị án tử hình. Đây không phải là án tử hình đầu tiên đối với một tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, nhưng chắc chắn, phải đến khi bản án tử hình dành cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines được tòa tuyên chiều qua, người dân mới thực sự tin rằng một “tiền lệ” mới bắt đầu được mở ra: Tham ô, tham nhũng nghiêm trọng dứt khoát phải trả giá bằng mạng sống.
Một chiếc ụ nổi được sản xuất từ năm 1965, già nua và hỏng hóc đến mức không thể có bất cứ hoạt động nào khác, ngoài việc chưa chìm. Ấy thế mà, cũng chỉ bằng 24 chữ cái, những người có trách nhiệm ở Vinalines đã biến nó thành con số 9 triệu USD. Và số tiền tiêu tốn cho cái ụ nổi chưa chìm đó lên tới 500 tỉ đồng. Mỗi tháng 1 tỉ đồng, và một năm mất 12 tỉ riêng cho việc… neo đậu. Thực tế là chỉ qua việc mua một chiếc ụ nổi, những quan chức ở Vinalines đã tham ô hơn 28 tỉ đồng và qua đó, gây thiệt hại 366 tỉ.
Nếu phải bày tỏ cảm xúc, chắc chắn, đó là sự phẫn nộ không chỉ ở số tiền tham nhũng quá lớn, mà còn từ việc hành vi tham nhũng được thực hiện quá dễ dàng.
Phải nói thêm là trước khi tòa tuyên án, thì “tòa án công luận” đã kết án tử hình đối với Dương Chí Dũng. Người dân có lý khi bày tỏ sự đồng thuận với mức án nghiêm khắc này, coi đó như việc cụ thể hóa cam kết chống tham nhũng “không có khoảng trống”. Cũng như chỉ hôm qua, họ kể cho nhau nghe chuyện Dương Chí Dũng thản nhiên bảo “Anh cảm ơn em” khi nhận hàng vali tiền.
Nhưng bản án tử hình được tuyên ngày hôm qua chỉ ra biết bao nhiêu những cái “lỗ đen”. Cái lỗ đen từ cơ chế quản lý khiến người ta có thể “thổi” giá một đống sắt thành một chiếc ụ nổi. Lỗ đen từ không ít DNNN “mua cái gì cũng đắt. Làm cái gì cũng nhanh hỏng”. Lỗ đen từ cơ chế kiểm soát khi cái ụ nổi đồng nát, qua biết bao cơ quan kiểm tra, bao cơ quan giám định, qua bao nhiêu chữ ký được đàng hoàng thanh toán bằng tiền thuế của người dân. Lỗ đen trong quy định kiểm soát tài sản và thu nhập của quan chức nhà nước khi nền kinh tế tiền mặt và sự hình thức trong kê khai, khiến trong thực tế, tình hình tệ đến mức là tội phạm ở Việt Nam thậm chí chẳng cần phải rửa tiền.
Và vô số những “lỗ đen” này đang cho thấy lỗ đen lớn nhất trong chính bản án: Tử hình sẽ chỉ là biện pháp xử lý với một cá nhân phạm tội tham ô tài sản. Còn “lỗ đen” đối với xã hội nếu như sau án tử đó, những lỗ đen khiến người ta tham nhũng, đến mức độ phải tử hình, không được lấp kín.
“Lỗ đen” là từ dùng mà “khắc tinh của án tử hình” - luật sư nổi tiếng nhất thế giới Judy Clarke - nói về những bản án tử hình. Một đất nước có quá nhiều “lỗ đen” cũng có mặt trái là cơ chế phòng bệnh và sự kiểm soát cũng đang có “lỗ đen”. Dù ủng hộ, dù đồng thuận với án tử hình ngày hôm qua, nhưng có lẽ, không một người dân nào muốn có thêm bất cứ một bản án tử hình nào cho nhóm tội tham nhũng nữa. Vấn đề căn cơ, vì thế, phải là cơ chế ngăn chặn, để có muốn người ta cũng không thể tham nhũng, để không có án tử hình đối với tội danh tham ô tài sản, chứ không chỉ là đào một cái “lỗ đen” cho “những đồng chí bị lộ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét