Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Nữ sinh Pakistan đi học trên con đường thấm đầy máu

lyanh01231113

Lý Anh

Malala Yousafzai chào đời ngày 12/07/1997, năm 16 tuổi được đề cử tranh giải Nobel Hòa bình 2013. Hội đồng Giải thưởng Nobel Hòa Bình quyết định trao giải này cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tiến trình giải trừ vũ khí hóa học tại Syria. Nếu Malala đắc cử, cô sẽ là khôi nguyên Nobel Hòa bình trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải này.
Malala Yousafzai được mọi người biết đến với hoạt động nữ quyền của mình ở thung lũng Swat, nơi quân phiến loạn Taliban từng cấm phụ nữ đi học. Đầu năm 2009, mới 11 tuổi, cô thiếu nữ Malala đã thu hút sự chú ý của mọi người khi viết blog ký tên Gul Makai, được đài BBC đưa lên mạng. Cô bé mô tả đời sống dưới chế độ cai trị của Taliban trong 2 năm 2008, 2009. Trong thời gian này, phiến quân Taliban thường xuyên chặt đầu dân chúng Pakistan và thực hiện những vụ bạo động khác trên lãnh thổ khi chúng kiểm soát khu vực rộng lớn tại thung lũng Swat thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Mùa hè năm sau, một bộ phim tài liệu của New York Times quay về cuộc sống của Malala khi quân đội Pakistan can thiệp vào khu vực, dẫn đến cuộc chiến Swat thứ nhì. Từ đó, Malala bắt đầu nổi tiếng, được mời tham gia các cuộc phỏng vấn trên báo chí và truyền hình. Cô được cử làm Chủ tịch Hội đồng Thiếu nhi huyện Swat. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Malala được trao tặng giải Hòa bình Trẻ Quốc gia Pakistan, được đề cử tranh giải thưởng Hòa bình Trẻ quốc tế. Ngày 09/10/2013, Malala được trao tặng Giải Nhân quyền của Liên minh Châu Âu (EU), Tại lễ công bố người thắng giải ở Strasbourg, Pháp Quốc, cô được các thành viên trong Nghị viện Châu Âu ca ngợi là cô gái “hết sức dũng cảm” vì đã không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của trẻ em.
Trả lời phỏng vấn sau khi không đoạt giải Nobel Hòa Bình, Malala nói với ký giả: “Muốn đoạt giải này tôi còn phải cống hiến nhiều cho cuộc vận động đấu tranh quyền lợi cho nữ giới, đặc biệt là phụ nữ Pakistan”. Malala còn cho biết, trước khi bị Taliban ám sát, cô muốn trở thành một bác sĩ, hiện nay cô hy vọng trở thành TTg Pakistan, thúc đẩy cải cách giáo dục …
Mục tiêu mới của nòng súng phiến quân Taliban
Ngày 09/10/2012, khi quân phiến loạn Taliban tàn sát Malala trên xe buýt, bên cạnh cô còn có 2 nữ sinh khác, nhưng không được báo chí nói đến nhiều. Lúc bấy giờ nhiều người không biết tên 2 cô là gì? Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn nữ sinh Pakistan chưa được đến trường học tập. Em nào được cắp sách đến trường, đều phải đi trên con đường thấm đầy máu.
Sau một năm, chiểu theo đề nghị của Malala, 2 cô được đến Anh Quốc học tập. Hai cô bạn đó tên là Kainat Riaz và Shazia Ramzan, mục tiêu mới của quân phiến loạn Taliban sau khi giết hụt Malala. Kainat Riaz bị quân Taliban bắn trúng vai, đến nay tuy đã lành vẫn còn đau. Sau khi Malala Yousafzai nổi tiếng, cô trở thành mục tiêu mới của nòng súng phiến quân Taliban. Đầu năm 2012, một quả bom nổ gần nhà cô, nhiều người hàng xóm chết vì quả bom đó. Từ 12/2012 đến tháng 03/2013, cô chỉ đến trường học 2 ngày. Phần lớn thời gian đều ở nhà. Nhiều người sợ cô mang tai họa đến cho dân chúng trong thôn, thường xuyên chỉ trỏ vào cô tỏ vẻ oán trách, khiến cô chịu nhiều áp lực về tâm lý và tinh thần.
Tình trạng của cô bạn thứ 2 là Shazia Ramzan cũng không kém gì Kainat Riaz. Cô vẫn đi học đều đặn. Do sợ cô liên lụy đến họ, những người xung quanh thường chỉ trỏ bàn tán xôn xao. Cha cô cũng lo sợ nên có ý định đóng cửa quán ăn đã mở lâu năm, đưa gia đình về quê nhà ở tỉnh Punjab.
Khi Malala Yousafzai hay tin trường Cao đẳng Atlantic có ý định cấp học bổng cho cô, bèn đề nghị trường Cao đẳng này cấp cho 2 người bạn bị quân Taliban bắn cùng mình trên một chuyến xe buýt. Nhờ vậy, tháng 07 và 09 năm 2013, Kainat Riaz và Shazia Ramzan được nhận di dân đến Anh Quốc vào học tại trường Cao đẳng Atlantic.
Hai cô bạn cùng lứa tuổi với Malala luôn bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng về vụ tàn sát ngày 09/10/2012. Tới hôm nay, Shazia vẫn còn gặp ác mộng, Kainat thì luôn thấp thỏm sợ bị đánh bom như vụ nổ bom gần nhà cô không lâu sau tai nạn. Kể lại câu chuyện ngồi bên Malala trên chiếc xe buýt và chứng kiến cảnh quân phiến loạn Taliban bắn vào họ, hai cô vẫn chưa hết kinh hoàng.
Sau khi Kainat Riaz và Shazia Ramzan nhận được học bổng từ trường Cao đảng Atlantic theo học y khoa, giấc mơ được tiếp tục đến trường và trở thành bác sĩ của 2 cô đã thành hiện thực, dù nó bắt đầu bằng một cơn ác mộng! Ngày 2 cô đến trường Cao đẳng học, Kainat Riaz nói: “Tôi chỉ là một cô gái bình thường ở thung lũng Swat, giờ đây tôi đã được thỏa nguyện. Hôm nay đúng là một ngày trọng đại đối với tôi. Tôi đã được tự do, không còn như ở Swat, ở đây tôi có thể làm những điều mình muốn”. Dù vẫn còn gặp ác mộng và không được ăn các món ăn quê nhà Pakistan, lần đầu tiên sau một năm 2 cô mới thấy mình thật sự được an toàn.
Kainat Riaz cho rằng, những hy sinh của các cô sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn. Cô chia sẻ: “Trước khi chúng tôi bị bắn, chuyện các cô bé ở thung lũng Swat được đi học thật hiếm hoi, giờ đây cha mẹ các bé gái đã bắt đầu cho con đến trường”.
Nhiều thiếu nữ Pakistan thất học vì
bọn Taliban điên cuồng
Trong khi Malala Yousafzai nổi tiếng thế giới, Shazia Ramzan và Kainat Riaz đến Anh Quốc học y khoa theo ước nguyện của mình, hấp thụ không khí trong lành trên bầu trời nước Anh tự do, nhiều nơi ở Pakistan vẫn bị Taliban chiếm đóng và quấy phá. Tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và các Bộ lạc trực thuộc chính phủ Liên bang (Federally Administered Tribal Areas – FATA), còn có hàng triệu thiếu nữ như Malala Yousafzai và Shazia Ramzan và Kainat Riaz không được đến trường.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trên thế giới có 570 ngàn trẻ em không được đến trường Tiểu học, trong đó 32% là bé gái. Pakistan là một trong những quốc gia trầm trọng nhất.
Tại Pakistan, số phụ nữ được đi học gần 40%, thấp hơn nam giới với tỷ lệ 69%. Tỉnh Khyber Pakhtunkhwa chỉ có 36% phụ nữ đi học. Từ trước tới nay, quân phiến loạn Taliban vẫn coi nhà trường tượng trưng cho thế lực phương tây. Bọn chúng cho rằng, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đối với nữ giới, có sức mạnh uy hiếp những người bảo thủ. Chính vì vậy mà phiến quân Taliban ở Pakistan vẫn tuyên bố chúng sẽ tìm cách giết chết cô nữ sinh Malala Yousafzai. Theo chúng, Malala không phải là kẻ đòi quyền học cho nữ sinh. Cô là kẻ “tấn công đạo Hồi”, . Trong cuộc phỏng vấn của ABC News Hoa Kỳ ngày 06/10/2013, Shahidulla Shahid, phát ngôn viên của Taliban, nói: “Chúng tôi tìm thấy cô ấy một lần nữa, nhất định sẽ tìm cách giết chết cô gái này. Giết chết cô ta là niềm tự hào của chúng tôi”. Hắn còn cho biết thêm, chúng không giết cô gái này vì cô ta ủng hộ và truyền bá giáo dục mà vì cô ấy đã chế nhạo đạo Hồi. Chỉ mỗi lý do đó đủ để cô ta phải “lãnh án tử hình”.
Từ năm 2008 đến nay, những tỉnh, thành phố, thôn xóm ở Pakistan bị Taliban khống chế, lúc đêm khuya, trường học và nơi ở của nữ sinh thường bị phá phách. Trên 1000 trường học bị phiến quân Taliban đánh bom sụp đổ, khiến cho hơn 80 ngàn học sinh, đa số là nữ, không có trường đi học.
Tại những khu vực phiến quân Taliban khống chế, chúng tàn sát nhiều nữ sinh, không riêng gì những người dũng cảm đấu tranh với chúng như Malala. Ngày 15/06/2013, một chiếc xe buýt chở nữ sinh viên Đại học chạy trong thành phố Quetta ở phiá tây nam Pakistan, bỗng bị phiến quân Taliban đánh bom, giết chết 14 nữ sinh viên, sau đó bọn chúng đuổi theo xe cứu thương chở những nữ sinh viên đến bệnh viện cấp cứu, bắn những người trên xe cứu thương đó, giết thêm 11 nữ sinh viên.
Nhiều phụ huynh học sinh ở Pakistan khiếp sợ những cuộc tàn sát học sinh của phiến quân Taliban, không cho con em đến trường, đặc biệt là nữ sinh. Sau khi Malala bị bắn và trở thành người nổi tiếng khắp thế giới, chính quyền địa phương lấy tên cô đặt cho một trường học, cũng bị cha mẹ học sinh phản đối. Họ lo sợ con em mình trở thành mục tiêu tàn sát của phiến quân Taliban.
Một số cha mẹ hiểu rõ cho con đi học là điều vô cùng quan trọng. Họ cho con đến những trường ở các khu vực an toàn học hành và ký túc ngay trong trường. Thủ phủ Peshawar tỉnh Khyber Pakhtunkhwa được chọn là nơi khá an toàn, có nhiều học sinh từ xa đến học. Peshawar có trên 5.000 trường học, trong đó trên 2000 là trường tư thục, ngoài ra còn có nhiều trường Đại học. Có thể nói đó là thành phố nổi tiếng về giáo dục ở vùng tây bắc Pakistan.
Muhammad Alam, một viên chức làm việc ở Sở giáo dục Peshawar cho biết, khu vực các Bộ lạc trực thuộc chính phủ Liên bang (FATA) có trên 20 ngàn học sinh đến Peshawar học. Trong số này 90% học sinh ăn ngủ trong ký túc xá nhà trường. Tuy nhiên, thành phố này gần biên giới Afghanistan, có khá nhiều phiến quân Taliban, thậm chí có cả bọn khủng bố al-Qaeda trà trộn vào, không phải là nơi thật sự an toàn. Chỉ trong tháng 10/2013, Peshawar đã có trên 100 người chết vì bom đạn của Taliban. Có điều, Peshawar là thành phố lớn, có nhiều quân đội chính phủ đóng, nhiều trạm canh gác, so với nơi khác an toàn hơn. Mặc dù vậy, đầu tháng 11/2013, 4 trường nữ ở thành phố này nhận được giấy đe dọa của phiến quân Taliban đã đóng cửa tạm thời. Tóm lại, nữ sinh Pakistan muốn đến trường học phần lớn đều phải đi trên những con đường thấm đầy máu.
Hiện nay ở Pakistan đã có nhiều nữ sinh trở thành “Những Malala kế tiếp” (The Next Malalas), chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị trong một bài báo khác.

Lý Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét