Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Lee Harvey Oswald là ai?

LKTD2_30_11

Chu Nguyễn

Tháng 11, 2013 sắp kết thúc, vụ án Kennedy 50 năm trước lại một lần nữa sẽ chìm vào dĩ vãng. Tuy nhiên, một tài liệu về kẻ bị ngờ là thủ phạm sát hại vị tổng thống Mỹ thứ 35 lại được nhiều người suy ngẫm sau khi bài viết của một tác giả nổi tiếng, Edward Jay Epstein, với tác phẩm The Annals of Unsolved Crime (Hồ sơ vụ án còn dang dở), xuất hiện trên vài tờ báo Bắc Mỹ. Một lần nữa, nhà nghiên cứu Jay Epstein cho ta biết thêm về hung thủ Lee Harvey Oswald, hy vọng giải mã giả thuyết hành vi ám sát Kennedy của Oswald phải chăng do cộng sản Cuba hoặc của KGB của Nga thúc đẩy? Bài này được đăng trên Huffington Post vào 22 tháng 11, 2013.
Có bao nhiêu câu hỏi mà nhiều thế hệ sau vụ ám sát Kennedy vào 22/11/1963 chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, nào là những viên đạn nã trúng JFK do một hay hai sát thủ bắn ra, động cơ sát hại từ đâu (từ đối thủ của Mỹ là Nga và Cuba, từ phe diều hâu ở Mỹ hay từ tay cộm Mafia trong thế giới ngầm…?). Thêm nữa, lời nhân chứng diễn tiến quanh vụ ám sát không thuần nhất… Tất cả khiến dư luận cho rằng vụ Kennedy bị giết là một vụ án không tìm ra lời giải đáp toàn vẹn cho dù được điều tra tới điều tra lui nhiều lần.
Tuy nhiên, trong bao nhiêu đầu dây mối nhợ trong vụ án phức tạp, nổi bật một vai trò chính, đó là Lee Harvey Oswald. Khẩu súng bắn những viên đạn chí tử vào JFK được tìm thấy ở nơi hắn nấp. Các hộp đạn được tìm thấy ở bên người cảnh sát bị sát hại khi hắn chạy trốn và khi hắn bị bắt thì trong tay còn cầm lăm lăm khẩu súng lục đã lên đạn toan chống cự. Các cuộc điều tra của các ủy ban như Warren Commission và the House Select Committee đều cho rằng Oswald là thủ phạm duy nhất trong cái chết của JFK.
Với những bằng chứng để kết tội Oswald, người Mỹ không mấy thắc mắc nữa, nhưng có điều khiến dư luận xôn xao vì Oswald có liên hệ với các cơ quan tình báo ngoại quốc khi ấy là kẻ thù của Mỹ.
Mới chỉ tám tuần trước vụ ám sát JFK, các cơ quan an ninh Mỹ là FBI và CIA chú ý tới việc Oswald tiếp xúc với nhân viên tình báo Cuba và Liên bang Soviet ở Mexico City (Mexico). Mặc dù những cuộc tiếp xúc này khiến an ninh Mỹ hết sức chú ý nhưng sau cái chết của JFK, họ không muốn lộ ra loại tin tức có thể gây chấn động thêm trong dư luận trong nước và nhất là quy trách nhiệm bất cẩn cho họ.

Oswald từ tuổi thiếu niên đã có khuynh hướng cực tả
Oswald, sinh 1939 ở New Orleans, dân Mỹ chính hiệu không phải là kẻ lạc loài hay rác rưởi trong xã hội Mỹ nên mới có hành động chống đối xã hội. Thực ra, anh ta là kẻ thiên tả, chống đối thế giới xung quanh ngay từ tuổi học sinh.
Vào tuổi học trò, Oswald đã đi phát truyền đơn hô hào phản đối vụ hành quyết vợ chồng nhà khoa học Julius và Ethel Rosenberg về tội gián điệp cho Nga và tìm cách liên hệ với các tổ chức chống đối chính sách của Mỹ.
Vào tuổi 16, Oswald đã khẳng định lập trường của mình: “Tôi là người theo chủ nghĩa Marx và nghiên cứu nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”. Tay học sinh bị marxism nhồi sọ này, yêu cầu được gia nhập đảng xã hội và còn thuyết phục bạn gia nhập đoàn thanh niên Cộng sản. Cậu ta có thư từ qua lại với thành viên của nhiều tổ chức có khuynh hướng xã hội hay cộng sản như Socialist Workers Party, Socialist Labor Party, Daily Worker, The Fair Play for Cuba Committee và Communist Party, USA. Cũng vì hành vi trên mà Oswald bị FBI theo dõi.
Có lập trường chính trị phức tạp như thế, Oswald xin gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ ở tuổi 17 (1956).
Vào tháng 10, 1959, sau hai năm giữ nhiệm vụ vận hành radar (radar operator), Oswald trở thành binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đào ngũ sang Liên bang Soviet. Ở Moscow, hắn tuyên bố công khai: “cam kết trung thành với liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Soviet”.
Không những thế, Oswald còn tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ và cho tòa lãnh sự Mỹ ở Moscow biết rằng hắn sẽ đưa những bí mật về quân sự mà hắn thu thập khi phục vụ cho binh lực Mỹ cho giới hữu trách liên bang Soviet và rằng có nhiều dữ liệu người Nga rất chú ý.
Có thể hắn đã đưa những bí mật quân sự như máy bay dò thám U-2 và “code” giải mật của Mỹ khi hắn đang làm “radar operator” nên việc hắn đào ngũ gây ra không ít bối rối cho an ninh Mỹ.
Trong thời gian ở Nga, có lúc Oswald đã viết thư cho người anh là Robert Jr. và tâm sự có ý định giết kẻ đối đầu với hắn về chính kiến với những dòng như sau: “Em muốn anh hiểu rõ những điều em nói đây, em nói thực đấy và biết mình nói gì kể từ lúc gia nhập quân ngũ… Nếu xảy ra cuộc chiến em sẽ giết bất cứ người Mỹ nào trong quân phục bảo vệ chính quyền Mỹ”, và còn nhấn mạnh thêm sẽ giết “bất cứ người Mỹ nào cản đường”. Mặc dù lá thư này được CIA thu giữ vào microfilm nhưng giới an ninh Mỹ lúc đó coi nhẹ một lời dọa dẫm của một thanh niên bị xếp vào loại cuồng trí.
Tuy nhiên, KGB Nga sau khi khai thác những gì cần biết rồi tống Oswald về Minsk cho làm một công nhân bình thường trong một nhà máy điện tử. Sinh hoạt không như mộng tưởng khi tìm tới “thiên đường Soviet”, nên Oswald, vào tháng 6, 1962, sau khi lấy vợ Nga, lại xin về Mỹ và được chấp nhận vì giới hữu trách Mỹ lúc bấy giờ tin rằng mình đã “chiêu hồi” được một công dân lầm đường lạc lối.

Hành vi phức tạp từ lúc về Mỹ
Có thể chán thiên đường cộng sản nhưng Oswald chưa chán chủ nghĩa Marx và lòng thù hận với những kẻ mà Oswald cho rằng là đại diện cho chủ nghĩa tư bản càng hằn sâu trong tâm trí hắn. Kẻ thù trước mắt hắn khi ấy là những người chống Fidel Castro của Cuba. Oswald cho rằng Mỹ đã chèn ép Cuba và muốn tiêu diệt Fidel Castro và nhà nước xã hội chủ nghĩa của ông ta.

Một trong những tay cực hữu vào thời gian này là tướng hồi hưu Edwin A. Walker, một tay bảo thủ có vai trò quan trọng trong việc tổ chức đội du kích chống Castro. Oswald khi ấy nhiều lần cho biết ý định giết Walker và cho rằng ông ta là một tên sát nhân đang tự do và rằng ông ta là một lãnh tụ phe faxcist ở Mỹ.

Nhân chứng cho biết Oswald đã dùng tên giả để mua súng trường và súng lục cùng ống nhắm và rình rập Walker. Sau mấy lần rình hụt vị tướng này, vào khoảng tháng Tư 1963 Oswald có cơ hội nổ súng. Viên đạn xuyên qua cửa kính nhà nạn nhân và suýt nữa thì trúng đầu nạn nhân.

Ngày đó, giới hữu trách Mỹ có mở cuộc điều tra nhưng chưa có lý do ngờ Oswald là thủ phạm vì Walker có quá nhiều kẻ thù. Sau này, khi so sánh cỡ đạn mà Walker chết hụt với cỡ đạn JFK bị sát hại người ta mới kết luận chính Oswald là thủ phạm vụ mưu sát tay cực hữu nổi tiếng ở Mỹ trong thập niên 60.

Càng ngày lòng hận thù của Oswald nhắm vào “bọn tư bản” và “hiếu chiến” càng dâng cao. Một nhân chứng là bà Marina Oswald, bà vợ người Nga của Oswald sau này cho các nhà điều tra biết, Oswald có dấu hiệu muốn làm một chiến sĩ quyết tử nên từng nhờ bà ta chụp hình trong chiến phục màu đen, súng trên tay như sắp làm việc “tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn” và rằng hắn siêng năng tập luyện việc bắn bia ngay trong sân sau nơi cư ngụ. Lập trường bạo hành của hắn đã xuất hiện trên tờ Militant của nhóm thân Castro ở Mỹ nhưng ngày đó CIA chưa coi đó là biểu hiệu nguy hiểm.

Sau vụ ám sát hụt Walker, Oswald đi New Orleans và thuê nhà ở đó, và trở thành một tay đắc lực cho tổ chức thân Castro có tên là Fair Play for Cuba Committee. Tổ chức này đã in truyền đơn, tổ chức biểu tình ủng hộ Castro. Oswald từng bị bắt giữ ở New Orleans vì hoạt động gây rối trị an vào tháng 8, 1963 nhưng sau đó được thả.

Cũng theo Marina Oswald thì có lúc chồng bà ta cho biết định cướp máy bay đi Havana để bảo vệ thần tượng Fidel Castro. Cũng vào thời điểm này, trên một tờ báo, vào đầu tháng 9, 1963, chính Castro cảnh cáo các lãnh tụ Mỹ rằng “nếu giúp kế hoạch loại trừ các lãnh tụ Cuba… thì chính họ cũng không an toàn” (aiding plans to eliminate Cuban leaders…they themselves will not be safe).
Đe dọa này Oswald hẳn biết, nên hai tuần sau hắn bảo vợ là lần này hắn có thể không gặp lại vợ con nữa và sang Mexico City vào tòa đại sứ Cuba ở đó.

Vào 27 tháng 9, 1963, Oswald xin visa tại tòa đại sứ Cuba với lý do sẽ đi thăm Liên xô nhưng ban đầu Cuba chối từ vì đòi hắn phải được Liên xô chấp nhận cho thăm trước đã. Oswald mất nhiều thì giờ tới lui các tòa đại sứ của Liên bang Soviet và Cuba trong thành phố Mexico City và gặp tay tổ tình báo Nga khi đó là Kostikov. Cuộc thảo luận ngầm giữa họ đến nay không ai biết nội dung, chỉ biết cuối cùng Cuba chấp nhận cấp visa cho Oswald vào ngày 18 tháng 10.

Oswald trở về Dallas, mang lý lịch giả và có thái độ quyết liệt, cách ly gia đình, dọn tới ở một phòng trọ, cấm vợ tiết lộ hành tung của hắn. Tiếp đó hắn xin được việc làm ở kho sách Texas Book Depository, một vị trí có thể theo dõi ba con đường chính vào trung tâm Dallas.

Thế rồi vụ ám sát JFK xảy ra vào 22 tháng 11, 1963.

Câu hỏi còn mãi tới ngày nay, trong 5 ngày Oswald bàn bạc gì ở sứ quán Cuba ở Mexico City và vai trò của KGB trong cái chết của Kennedy ra sao?

Có lẽ bí mật này đã chôn theo cái chết của Oswald chỉ hai ngày sau hắn bị chủ một hộp đêm ở Dallas là Jack Ruby hạ gục trước mặt cảnh sát ở tuổi 2

Chu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét