Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Tư bản Đỏ

hinh 2
Hinh : Tỉ phú Tông Khánh Hậu, người giàu thứ nhì ở TQ, với con gái rượu Tông Phức Lị, sinh năm 1982, đến nay chưa chồng ‘vì mọi chàng trai đến với tôi đều nhắm vào tài sản của bố tôi’.


NgyThanh

Ở Ý có một tờ báo chuyên đề về kinh tế đặt tòa soạn tại thành phố Milan, với con số phát hành mỗi ngày 390 ngàn tờ. Tờ báo này có cái tên hơi khó nhớ: Il Sole 24 Ore, do Liên đoàn Lao động Ý làm chủ. Đây là tờ báo sát nhập lại từ tờ Il Sole (Thái Dương) chào đời tư năm 1865, với tờ 24 Ore (24 Giờ) xuất bản ngày 15/02/1933 – cả hai đều có lịch sử khá dày, và uy tín không nhỏ.
Trên trang đầu số phát hành hôm 22/11/2013, tờ Il Sole 24 Ore đưa tin rằng một nhà đầu tư Trung quốc Vương Kiện Lâm, Tập đoàn trưởng Vạn Đạt, đang ở tư thế sẵn sàng mua cổ phần Loại A của đại ngân hàng UniCredit tại Ý. Trước đó, trong bản tin ngày 17/09/2013, ký giả Nicole Sperling tường thuật trên tờ Thời Báo Los Angeles rằng tập đoàn truyền thông Vạn Đạt của TQ đã hiến tặng 20 triệu đô la cho Hàn lâm viện Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences – AMPAS) để dùng riêng cho viện bảo tàng phim ảnh. Để tỏ lòng biết ơn, AMPAS quyết định đặt tên cho phòng trưng bày lịch sử phim ảnh là Phòng Triển Lãm Vạn Đạt. Ông Bob Iger, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Walt Disney, nói: “AMPAS là một cơ quan văn hóa toàn cầu và sự giúp đỡ của Tập đoàn Vạn Đạt vào những dự án của viện đã nói cho thế giới rõ tầm quan trọng và sự hấp dẫn của điện ảnh. Món quà tặng của họ dành cho viện bảo tàng là một động cơ thúc đẩy lớn giúp cho các nỗ lực của chúng tôi nhắm vào thiết kế và xây dựng thành một nhà bảo tàng điện ảnh đứng đầu thế giới”.
Vô sản và Tư bản có thể là chị em sinh đôi?
Vạn Đạt là tập đoàn sở hữu chủ dây chuyền rạp chiếu phim AMC (tổng hành dinh nằm ở Leawood, Kansas) gồm 378 hý viện ở Mỹ và Canada, một hý viện ở Manchester bên Anh, một ở Dunkirk thuộc Pháp, và hai ở Hong Kong, chưa kể 86 rạp chiếu phim mang tên Vạn Đạt nằm rải rác trên lục địa TQ, nơi đặt trụ sở chính của hãng mẹ Vạn Đạt.
Chủ nhân của tập đoàn 10 thousands successes (1 vạn lần thành công), chữ người Mỹ dùng để dịch cái tên Vạn Đạt, ông Vương Kiện Lâm cho hay sau món quà dành cho AMPAS – tổ chức xét duyệt và tặng giải điện ảnh Oscar hằng năm, ông còn muốn đầu tư thêm 10 tỉ đô vào các hãng xưởng Mỹ trong vòng 10 năm tới. Món tiền đó sẽ được ông đổ vào các thương vụ mua lại các siêu thị, các dây chuyền khách sạn, và ít ra là thêm một dây chuyền rạp chiếu phim khác nữa. Trên toàn cầu, Vương Kiện Lâm nói ông sẽ đầu tư tới 30 tỉ đô.
Nữ ký giả Nicole Sperling viết một câu rất buồn cười: “Vương Kiện Lâm, nhà tỉ phú TQ chuyên đầu tư địa ốc, người vừa mua trọn toàn bộ dây chuyền rạp chiếu bóng AMC hồi năm ngoái với giá 2.6 tỉ, là người giàu nhất Trung quốc”. Buồn cười vì chuyện Vương Kiện Lâm giàu nhất Trung hoa lục địa là chuyện ai cũng biết rồi. Cái đáng nói, chị lại không nói: Vương Kiện Lâm là một đảng viên Cộng sản kiêm trùm tư bản – mà cách thích hợp nhất để gọi phải là trùm “tư bản đỏ”. Red Capitalists là từ ngữ được Giáo sư Bruce J. Dickson chuyên dạy môn chính trị và bang giao quốc tế tại Viện Đại học George Washington dùng lần đầu, trong cuốn sách thứ nhì của ông, “Red Capitalist in China” (Tư Bản Đỏ tại TQ), phát hành hồi năm 2003. Chỉ có điều, trong cuốn sách ấy, tác giả tập trung phân tích hai chủ đề: (1) liệu đảng CSTQ có mong muốn và có khả năng để ứng dụng môi trường kinh tế vào công cuộc cải cách của họ đang chuyển đổi về hướng ấy, và (2) liệu các nhà “tư bản đỏ” TQ, các nhà kinh doanh vừa là đảng viên CS, có hóa thân thành kẻ tiền phong của sự đổi thay chính trị. Thay vì liệt kê tên tuổi của các tay tư bản đỏ TQ như các bài phóng sự của nhà báo thường làm, ông Dickson đã tập trung mổ xẻ và so sánh Hoa Lục với các quốc gia khác, chủ yếu là với các nước ở đông Á và đông Âu, rồi so sánh hiện tình TQ với một TQ trước khi Mao Trạch Đông nắm quyền năm 1949, quan trọng nhất là sử dụng các thống kê gốc để làm sáng tỏ quan hệ giữa các sư tổ lái buôn với Đảng CSTQ, cho đến cuộc tranh cãi gay gắt và thường xuyên vấn đề nên hay không nên kết nạp con buôn vào đảng, hay vấn đề tỉ lệ tư bản đỏ gia tăng trong tập thể đảng viên.
Hai năm trước ngày chào đời của cuốn “Tư Bản Đỏ tại TQ”, ở Bắc Kinh vấn đề niềm tin chính trị và tư cách của các nhà tư bản đỏ TQ đã được mang ra tranh luận.
Trong diễn văn tại buổi lễ mừng lần thứ 80 ngày thành lập đảng CSTQ, hôm 1/07/2001, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân nói: “Từ khi TQ thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, bối cảnh xã hội của các giai cấp TQ đã thay đổi tới một chừng mực nhất định. Giữa các thành phần khác, bây giờ còn có các chuyên gia kỹ thuật và những nhà kinh doanh. Phần lớn các người nầy trong giai tầng mới đã đóng góp công sức vào việc triển khai các lực lượng sản xuất cũng như các sinh hoạt đi kèm của họ trong một xã hội xã hội chủ nghĩa thông qua lao động chân chính, hoặc các nghiệp vụ kinh doanh hợp pháp… Họ cũng đồng thời làm việc để xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cung cách riêng của dân tộc Trung hoa”. Có lẽ câu nói nầy nhằm trả lời cho Trương Đức Giang, bấy giờ còn là Bí thư Tỉnh ủy Triết Giang, hôm 11/05/2003 trước đó đã tuyên bố rằng: “Nếu các tay doanh nhân được thu nhận vào đảng, một số trong đám ấy sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế để khuynh đảo các cuộc bầu cử hạ tầng và nắm quyền kiểm soát các cơ quan đoàn thể hạ tầng. Điều ấy sẽ dẫn tới sự phân hóa trầm trọng”. Mười năm sau, ông Trương Đức Giang trở thành chủ tịch quốc hội TQ, còn Giang Trạch Dân, một năm sau câu tuyên bố của mình, đã thôi giữ chức tổng bí thư, qua năm kế 2003, mất luôn chức chủ tịch nước. Xem ra, có vẻ phe chống tư bản thắng thế, nhưng sự thực, chỉ có hiện tượng lên voi của trùm tư bản đỏ Vương Kiện Lâm mới khẳng định được vai trò thực sự của đồng tiền trong một nước Cộng sản, dù là cường quốc kinh tế thứ nhì của thế giới.
Những ông trời con
Họ Vương, người nắm tập đoàn Vạn Đạt, chủ nhân của các khách sạn, thương xá và rạp chiếu phim, kiểm soát một tài sản ước tính 22 tỉ Mỹ kim, đứng dầu danh sách Hồ Nhuận Bách phú (胡润百富), mỗi năm chuyên điều tra và thống kê 100 đại gia giàu có nhất TQ. Nhờ giá thị trường chứng khoán nhảy vọt bất tử, kéo theo giá trị bất động sản, cộng hưởng với nền kinh tế bùng nổ của TQ, con số những đại gia TQ có tài sản từ 1 tỉ trở lên đã từ 64 người nhảy lên đến 314 chỉ trong vòng một năm. Cần nhớ rằng cách đây 10 năm, ở TQ chưa ai có tới 1 tỉ đô trong tay. Hiện tượng giàu có bất tử nầy gồm cả Tông Khánh Hậu, người giàu nhất trong danh sánh Hồ Nhuận năm ngoái, năm nay xuống hạng nhì với tài sản 18.7 tỉ đô.
Ông Số Ba
Nếu chỉ tính ba người giàu nhất TQ, đếm ngược theo kiểu Mỹ, thì nhân vật giàu thứ ba là tay kinh doanh mạng điện tử Mã Hóa Đằng (Ma Huateng / 马化腾). “Người” rất trẻ, sinh ngày 29/10/1971 ở quận Triều Dương, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến, thành phố cùng tỉnh, chỉ cách Hong Kong một con sông. Báo TIME xếp chàng vào danh sách những người có ảnh hưởng nhất trên hành tinh chúng ta trong năm 2007, là người giàu thứ 223 trên thế giới, còn tại TQ, chàng nằm vị trí thứ ba, trong danh sách phú ông, với 10.1 tỉ đô – hơn cả Ngụy Kiến Quân, chủ hãng chế tạo xe hơi Trường Thành với tài sản “chỉ có” 8.4 tỉ.
Họ Mã – được báo chí Anh Mỹ biết đến bằng biệt danh “Pony Ma” – là người đồng sáng lập công ty Tencent (nghe cứ tưởng là 10 xu!) năm 1998. Nếu năm bảy năm trước những chuyên gia thời sự thế giới không biết “QQ” là con ất con giáp gì, thì bên trong lục địa TQ, cái tên “vô hình” ấy đã trở thành một thứ hàng hiệu, đang làm đảo lộn những nhu cầu cơ bản của lớp trẻ trong cách hội ngộ, chia sẻ ý tưởng và giải trí. Ngày nay, khó mà tưởng tượng được nước TQ sẽ ra sao nếu loại bỏ công ty Tencent và dịch vụ QQ mà họ phục vụ. Đối với lớp trẻ TQ, Pony Ma là anh hùng kiểu mẫu. Vả lại, anh chàng là thứ hoàng đế tự phong vương. Hắn khởi nghiệp Tencent với một nhúm vốn liếng và tạo dựng cơ đồ bằng chủ trương tự khẳng định, lắng nghe khách hàng thay cho học hỏi các bản phân tích trên mạng, hay những bài bình luận chê khen vô thưởng vô phạt.
Rất sớm khi vừa đặt bước vào thương trường, anh chàng Pony nhà ta ý thức ngay rằng mình cần tạo dựng những cái gì đó nhiều hơn là một trang mạng. Quả tình, anh ta tạo dựng ra cả một cộng đồng, tức là một thứ dịch vụ để thỏa mãn các gia đình mà nhà nước chỉ cho phép đẻ một đứa con. Anh ta móc nối những đứa con một nầy lại trên mạng, sắp xếp để biến chúng thành bạn bè của nhau, chế ra các mạng lưới xã hội khác khẩu vị để chúng chọn, gia nhập, chít chát, chơi game với nhau, hay làm bất cứ thứ gì mà bố mẹ chúng không có điều kiện để làm cho chúng. Nói chung, bất cứ cái gì, miễn dzui là được. Sản phẩm đầu tiên của Pony là một đồ chơi có thể truyền đi lời nhắn, mang tên Tencent QQ, rồi từ đó chuyển qua bước nhì, “Câu trả lời của TQ cho AOL”. Pony chứng tỏ có một khả năng thiên phú thật phi thường để ứng dụng các mẫu mã thị trường quốc tế vào địa phương tại xứ sở Trung quốc, trên căn bản thấu hiểu sâu sắc của anh về khách hàng của mình. Đáp ứng lại, lớp trẻ TQ gia nhập cộng đồng mạng của anh, làm công ty QQ phát triển bằng các bước tăng gia đột phá, trong lúc nhiều hãng internet khác chủ trương loại trừ mẫu mã Tây phương, để đi đến thất bại. Tới tháng 9/2012, QQ nối kết với 784 triệu khách hàng – tăng 10% so với 12 tháng trước đó. Bên cạnh, vào năm 2011, Pony chào hàng công ty điện thoại di động Wechat (chúng ta tán phét với nhau), đến cuối năm 2012 đã có con số khách hàng vượt 200 triệu, chưa kể game mạng Quái vật Ngộ Long và game Hiên Viên Kiếm đã bắn số vốn lên thêm 1.5 tỉ Mỹ kim. Thế giới sẽ chứng kiến ảnh hưởng của Mã Hóa Đằng vào lớp trẻ TQ hôm nay khi nhìn vào hiện tình TQ ngày mai, vì tập thể thành viên QQ chủ trương một thế hệ mở rộng vòng tay, tín nhiệm và sáng tạo.
Ông Số Hai
Người giàu thứ nhì ở TQ là Tông Khánh Hậu (Zong Qinghou / 宗慶後) sinh năm 1945 tại Chiết Giang, có bà vợ tên Thi Ấu Trân (Shi Youzhen / 施幼珍) và người con gái một tên Tông Phức Lị (Kelly Fuli Zong / 宗馥莉). Cùng với vợ và con gái, ông Tông sở hữu và cai quản Công ty Hữu hạn Bé Cười Hàng Châu, một tập đoàn đứng hàng đầu về sản xuất bia tại lục địa, với tài sản tổng cộng 18.7 tỉ Mỹ kim, tức thứ hạng 86 trên thế giới. Là doanh nhân, nhưng ông Tông cũng là Đại biểu Nhân dân của Quốc hội Cộng sản.
Thời thơ ấu, Tông Khánh Hậu không được ăn học đến nơi đến chốn. Vừa xong cấp 2, ông phải theo mẹ khi bà này bỏ đất liền ra đảo Chu Sơn. Ở đây, bà mẹ làm nghề dạy học, còn ông làm công trong một cơ sở làm muối biển. Đến năm 1979, khi bà mẹ nghỉ hưu và quay về lục địa, ông lại theo về và chỉ kiếm được một chân lao công trong một trường học địa phương, vì trình độ văn hóa thấp kém. Tám năm sau, ông mở một quầy hàng loại bỏ túi ngay bên trong hàng rào của nhà trường ở quận Thượng Thành, thành phố Hàng Châu, để bán sữa, nước đá cục và nước xi-rô màu nhằm kiếm thêm cho đủ no dạ dày. Nhưng chính cái quầy hàng ấy là thời kỳ phôi thai của công ty Bé Cười sau nầy, chuyên phân phối nước đá và đồ uống ướp lạnh. Chính thời điểm mà nhu cầu thức uống có chất bổ dưỡng được đòi hỏi gắt gao đã đặt nền tảng cho đế chế của ông. Khi nhà máy làm nước uống của thành phố sụp đổ, chính quyền mời gọi ông đứng ra đảm nhiệm trọng trách ấy. Thấy làm ăn được, ông rủ thêm hai nhà giáo vừa nghỉ hưu, và vay 140 ngàn đồng Nguyên, để khởi nghiệp bằng cách sản xuất các thức uống có gốc sữa, và mang đi giao hàng thẳng cho các tiệm, rồi vươn lên thành công ty rượu bia. Cung cách làm ăn nghiêm túc cộng với đạo đức cá nhân của ông đã biến Wahaha (Bé Cười) thành hãng rượu bia lớn nhất TQ. Khi đã vững vốn rồi, bằng cách đầu tư 70 triệu đô vào công ty thực phẩm Dannon của Pháp ngày 29/02/1996, Tông nắm 51% cổ phần. Năm 2007, việc làm ăn giữa Wahaha với Dannon cơm không lành, canh chẳng ngọt. Phía Dannon cáo buộc Tông bí mật tiến hành một nhánh công ty khác, theo đúng khuôn mẫu của công ty liên doanh, sản xuất những mặt hàng rập khuôn, để kinh doanh và làm lợi riêng, thu về 100 triệu đô – trong khi hồ sơ lưu ở ngân hàng cho thấy công ty Dannon đã phải trả cho phía ông Tông 71 triệu đô tiền lệ phí phục vụ từ năm 1996 đến 2006. Việc tranh tụng nầy đưa đến kết quả liên doanh tan rã. Riêng Tông Khánh Hậu từ chức chủ tịch vào giữa năm ấy.
Tông Phức Lị (Kelly Fuli Zong), sinh năm 1982, hiện là quản đốc thu mua nguyên liệu của công ty Bé Cười, nắm quyền kiểm soát 80% toàn thể tập đoàn. “Công chúa” nhà họ Tông theo học trường Mỹ từ bậc trung học và tốt nghiệp Đại học Pepperdine ở Nam California. Cô này có một thời gian sống với mẹ ở San Marino trong quận Los Angeles, đã trở thành công dân Mỹ, nhưng khi bố cô từ chức chủ tịch, cô về nước để lãnh nhận quyền điều hành tập đoàn. Ở TQ, các chủ nhân hãng xưởng lớn nhỏ có thông lệ tin tưởng vợ con, hơn là trao đồng tiền và sinh mạng kinh tế của mình vào tay quản lý, giám đốc, dù họ có giỏi, hay dù họ có bằng cấp. Chính phủ Mỹ đã tiến hành hủy bỏ quốc tịch của cô, nhưng chính cô cũng lập thủ tục bỏ quốc tịch Mỹ, để khỏi đóng thuế. Ở trong nước, hãng Bé Cười được chính quyền và người tiêu dùng ủng hộ mạnh, vì họ coi Wahaha là cậu bé “David” dám đương đầu với tay khổng lồ “Goliath”, tức ngoại kiều Dannon. Uy tín của Tông Khánh Hậu chỉ suy giảm tại TQ vào năm 2008, khi báo chí khui việc ông còn giữ giấy chứng nhận thường trú của Mỹ, kéo theo sự suy giảm hậu thuẫn. Tông tuyên bố ông không hề quay lại nhập cảnh Mỹ sau nhiều năm, nên mặc nhiên quy chế thường trú nhân Hoa Kỳ của ông đã bị vô hiệu hóa.
Tháng 8/2007, Phòng Thuế vụ thành phố Hàng Châu nơi hãng Bé Cười đặt tổng hành dinh đã mở một cuộc điều tra Tông Phức Lị về hành vi trốn không đóng 300 triệu đồng Nguyên (suýt soát 43 triệu đô) tiền thuế, trong suốt một thập niên. Sau đó tạp chí Tài Kinh (财 经) xuất bản tại Bắc Kinh tường thuật rằng sau khi ông tỉ phú đã chịu đóng hơn 200 triệu Nguyên vào tháng 10, cả tập đoàn Bé Cười lẫn chính quyền đều từ chối bình luận, mặc dù ông vẫn còn thiếu thuế tới cả trăm triệu nữa. Kể như vụ ấy được chìm xuồng. Nếu làm tới nữa, Tông sẽ bị rơi vào con đường tù tội, vì luật pháp hiện hành qui định cá nhân nào trốn thuế 100.000 Nguyên tiền thuế trở lên, nếu con số ấy là 30% tổng tiền thuế, sẽ bị tù giam đến 7 năm, và bị phạt vạ thêm 5 lần số tiền thuế còn thiếu.
Trong một bức thư phân bua được lưu hành sau khi thương vụ làm ăn giữa Dannon và Bé Cười đổ vỡ, Tông Khánh Hậu viết rằng ông là “vị tổng giám đốc điều hành có đồng lương mạt nhất thế giới”, mỗi năm chỉ lãnh 4.700 đô, cộng 157.000 đô tiền phụ cấp, thêm 1 phần trăm lợi nhuận của toàn thể tập đoàn. Những con số “lẻ tẻ” nầy gom lại sẽ bằng 70 triệu đồng Nguyên, tức hơn 10 triệu Mỹ kim mỗi năm. Báo Tài Kinh kết luận cuộc điều tra cho thấy ông đút túi nhiều hơn con số vừa kể, làm tiền thuế quốc gia đã bị thất thoát thêm, nhưng nội vụ đã kết thúc. Nói gì thì nói, Tông Khánh Hậu vẫn là tư bản đỏ, vừa có lắm tiền, vừa có nhiều quyền – một tỉ phú giàu bậc nhì TQ, chứ không thèm là chủ tịch nước hay tổng bí thư trung ương đảng.
Hồi giữa năm 2011, ký giả Nick Rosen của BBC được Tông Khánh Hậu tiếp một lần trong một văn phòng giấu tên ở cao ốc nằm sát ga xe lửa Hàng Châu. Tập đoàn Bé Cười nắm giữ 15% cổ phần thức uống của cả nước, và thu về mỗi năm ngót 1 tỉ đô từ tiền bán quần áo trẻ con. Nick kể rằng trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, anh được dẫn vào phòng ăn của hãng, nơi các lãnh đạo của tập đoàn ngồi chung bàn và ăn cùng món với nhân viên. Và khi bước vào văn phòng của ông tỉ phú, anh nhận xét là phần ăn để trên bàn của Tông Khánh Hậu giống y phần ăn ngoài căng-tin của công nhân. Cách sống đạm bạc của một nhà tu mà ông nầy thực hiện để chỉ tập trung vào công ăn việc làm, là sinh hoạt hằng ngày. Một cựu nhân viên còn cho anh nhà báo biết đích thân ông chủ tịch xét duyệt chi phí của từng món chi tiêu, ngay cả mua một cái chổi quét nhà. Không còn giữ chức chủ tịch tập đoàn nhưng chính ông ký từng quyết định chi tiêu của hãng. Trong văn phòng ông có hai tủ sắt là nơi ông cất giữ tất cả mọi con dấu của toàn thể 200 cơ sở, phòng ban mà ông trực tiếp coi sóc. Ông tâm sự mỗi ngày ông chỉ tiêu hết 20 đô: “Việc vận động duy nhất của tôi là nghiên cứu thị trường… các thú vui duy nhất của tôi là hút thuốc lá và uống trà”. Khi được hỏi loại trà nào, ông không giấu giếm: trà Lipton. Quan điểm từ thiện của ông chẳng khác gì của phần lớn các doanh nhân TQ khác. Ông không thèm giấu chủ trương của mình: “Siêng năng cần mẫn là chìa khóa để người ta vươn lên từ nghèo đói. Nếu anh cho họ tiền, họ chỉ biết có một việc, là tiêu tiền”. Ông cụ 68 tuổi vẫn nhìn tới phía trước, và toan tính bành trướng tập đoàn của mình theo hướng bán lẻ. Trong khi các hãng Walmart và Carrefours đang rút chân dần ra khỏi thị trường TQ, Tông Khánh Hậu đang trù tính sẽ khai trương khoảng 100 cái siêu thị loại lớn ở các thành phố với tầm cỡ thuộc hàng thứ nhì và hàng thứ ba.
Ông Số Một
Vào giờ Nhâm Tý, tiết Sương Giáng, ngày Quý Sửu, tháng Giáp Tuất, tức 24/10/1954 dương lịch, tại huyện Thương Khê, tỉnh Tứ Xuyên, có một thằng bé chào đời, mang tên Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin /王健林) – nhưng chẳng có thầy bói nào trên thế giới sờ mu rùa để báo trước được sự xuất lộ của một tinh tú rực rỡ. 59 năm sau thằng bé ấy trở thành người giàu nhất lục địa Trung Hoa.
Ngay bản thân đương sự cũng khó mà biết có một lúc nào đó sau nầy thần tài sẽ chui vào túi mình mà không vào túi bốn đưa em trai, tới những 22 tỉ Mỹ kim. Năm 25 tuổi, Vương gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân, và trụ luôn ở đó 16 năm, để kiến thiết cuộc đời theo con đường binh nghiệp. Được quân đội cho đi học, năm 1986, ông tốt nghiệp Đại học Liêu Ninh, một trường nằm sát biên giới Bắc Hàn, rồi được bổ nhiệm làm việc ở Văn phòng Hành chánh quận Tây Cương, thành phố Đại Liên của tỉnh. Ba năm sau, ông nhận chức Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Dân cư Tây Cương, trước khi trở thành sếp một nhà máy có bản doanh ở huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô. Tới 1992, Vương Kiện Lâm bắt đầu nắm chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Đạt, và sau chỉ một năm, đã nhảy lên chức Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn. Ngoài ra, ông kiêm thêm Phó Tổng giám đốc công ty Thủy cục Giang Tô Giang Nam.
Năm 1976, Vương Kiện Lâm gia nhập đảng Cộng sản TQ, và trở thành phó chủ tịch đại hội đảng lần thứ 17. Hiện nay, chức vụ của ông là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công Thương nghiệp Toàn quốc, kiêm thành viên Hội đồng Tư vấn Chính trị Quốc gia từ năm 2008. Bên cạnh đó, Vương ông có chân trong Hiệp hội Doanh nhân TQ, Hiệp hội các Giám đốc Doanh nghiệp TQ, và Liên đoàn Bất động sản và Tổng Thương hội TQ.
Trong thiên hạ chẳng thiếu gì người mang họ Vương và họ King, nhưng không phải bất cứ ai mang họ như thế đều thành vương thành bá. Riêng Vương Kiện Lâm đã thực sự trở thành vua về tiền và của, không những thế, còn tiền rừng bạc biển, đông như cây cối trên rừng như tên Lâm (林) mà cha mẹ ông đã khao khát. Tập đoàn của ông sở hữu 9.03 triệu mét vuông mặt bằng bất động sản, 49 thương xá mang tên Vạn Đạt, 26 khách sạn hạng sang, 86 rạp chiếu bóng trước khi sang lại dây chuyền AMC, 45 trung tâm ca nhạc karaoke khắp nước. Ngày 22/09/2013 mới đây, trước mặt các khách mời danh dự rất hạn chế gồm Leonardo DiCaprio, Nicole Kidman, Christoph Waltz, Kate Beckinsale, Ewan McGregor, John Travolta, Catherine Zeta-Jones, Harvey Weinstein, Rob Friedman, Cheryl Boone Isaacs, Zhang Ziyi, Jet Li, Tony Leung, Donnie Yen, Huang Xiaoming, Zhao Wei… đến dự lễ đặt viên đá đầu tiên của sảnh đường lớn nhất thế giới, ông Vương cho biết Thủ đô Điện ảnh Đông phương (Oriental Movie Metropolis) của ông sẽ đồng loạt đi vào hoạt động vào tháng 6/2017, sẽ là một hý trường chủ yếu của TQ, kết hợp vừa sản xuất phim ảnh vừa truyền hình, vừa là một công viên giải trí. Thủ đô Điện ảnh tọa lạc tại Thanh Đảo – thành phố nằm ở phía đông tỉnh Sơn Đông, trên bán đảo cùng tên. Các dự án xây dựng khi hoàn tất sẽ cho ra đời một sảnh đường lớn nhất thế giới choán 10.000 mét vuông, trong đó còn có một sân khấu thường xuyên nằm bên dưới mặt nước. Ngoài ra, Thủ đô Điện ảnh Đông phương rộng 376 hecta sẽ tổ chức liên hoan điện ảnh quốc tế riêng của mình, vừa là nơi đặt một viện bảo tàng sáp, một viện bảo tàng phim ảnh, một phòng lab để nghiên cứu kỹ thuật điện ảnh IMAX – tức phương thức điện ảnh do người Canada phát minh, có khả năng thu hình và chiếu lại ở kích thước và độ phân giải lớn hơn nhiều lần hệ thống phim ảnh đang dùng đến ngày nay. Hiện cả nước TQ mới có 25 rạp chiếu loại phim IMAX trong tổng số 697 rạp trên thế giới, Vạn Đạt tính toán sẽ mở rộng thị trường nầy bằng cách xây thêm rạp, quay tối thiểu 130 cuốn phim mỗi năm, và hạ giá vé vào cửa để thu hút khán giả TQ. Vương Kiện Lâm tính toán rằng chỉ một năm sau khi khánh thành, lợi nhuận của ngành chiếu bóng TQ sẽ gấp đôi tiền lời của cả Mỹ lẫn Canada cộng chung.
Về đời tư, tỉ phú họ Vương là một người ái mộ nhạc dân ca, bản thân ông thường hát dân ca Tây Tạng và Mông Cổ trong các đại hội thường niên của tập đoàn. Ông là con trai trưởng trong gia đình 5 anh em trai, bố từng là quân nhân theo Mao trong cuộc Vạn lý Trường chinh. Riêng ông có một con gái và hai con trai.
Ngày 4/11/2013, họ Vương đã bỏ ra 28.2 triệu đô để mua lại chỉ một bức tranh “Claude et Paloma” do Pablo Picasso vẽ năm 1950. Tuy nhiên, không ai biết ông đã tốn bao nhiêu, để cơ quan thông tấn xã Bloomberg của đương kim thị trưởng New York can đảm thủ tiêu bài viết của Michael Forsythe, và ra lệnh treo bút anh ký giả này sau khi anh có loạt bài khui trần những móc ngoặc (bên TQ gọi là 关系, tức quan hệ) giữa Vương Kiện Lâm với các nhà lãnh đạo độc tài Cộng sản vô lương tâm, đang lãnh đạo quốc gia bằng cách gieo rắc kinh hoàng và với bàn tay thép – thông qua bà con cật ruột của bọn cầm quyền.
Nói chuyện với Vương Kiện Lâm
Cách đây 2 năm, tỉ phú Vương đã tiếp ký giả Tom Spender của công ty Global Blue từ Thụy Sĩ chuyên tiếp thị khách mua sắm quốc tế. Anh nhà báo kể rằng trong khi đa số doanh nhân TQ mơ ước được giàu nhanh, Vương Kiện Lâm có chủ trương khác hẳn, thích chiến lược trường kỳ, đã tuyên bố: “Các hãng xưởng lớn được sinh ra, chứ không phải được phát triển, vì mỗi công ty có loại máu huyết riêng của mình. Không như các công ty khác, chúng tôi có tham vọng rất lớn. Chiến lược của chúng tôi là phát triển để trở thành một hãng tầm cỡ thay vì đánh nhỏ giọt, bỏ chút xíu vốn vào canh bạc và ngồi chờ may mắn. Chúng tôi muốn phát triển những dự án thế kỷ”. Thực tế, văn phòng rộng lớn của ông đặt ở tầng 25 của cao ốc Vạn Đạt nối dài với khách sạn hạng sang Sofitel và một rạp chiếu phim, nằm ở khu thương mãi Quốc Mậu thuộc trung tâm thủ đô Bắc Kinh, bảo chứng cho câu nói kể trên.
Khởi nghiệp với nửa triệu đồng Nguyên vào năm 1988 (khoảng 130.000 đô), ngày nay Vương nắm trong tay một tài sản khổng lồ như vòi bạch tuộc quấn vào 5 lãnh vực: địa ốc thương mãi, khách sạn cao cấp, du lịch, kỹ nghệ văn hóa và dây chuyền bán lẻ, chui sâu vào hơn 60 thành phố, cộng chung không dưới 31 tỉ đô. Tập đoàn của ông vận hành 49 siêu thị mua sắm, mỗi cái tạo công ăn việc làm cho 10.000 người, và 40 cửa hàng bán lẻ, chưa tính 26 khách sạn 5 sao, 730 phòng chiếu phim, 86 rạp hát và 94 rạp chiếu bóng – hồi chưa mua lại AMC. Không chỉ thu vào đồng tiền lớn, ông cũng là người cho ra món tiền nặng ký: ông đứng đầu danh sách các nhà hảo tâm thế giới của báo Forbes, đã hiến tặng gần 200 triệu đô, trong đó có khoản tiền cúng dường để tái thiết nguyên một ngôi chùa cổ ở Nam Ninh. Vạn Đạt cũng có lúc gặp sóng gió, nhất là trận năm 1993, khi tập đoàn phải đảm đương việc di dời cùng lúc cho 6 ngàn hộ gia đình vào thời điểm mà nhà nước buộc ngân hàng ngừng cho các nhà địa ốc vay, đồng thời, tất cả số nợ họ còn thiếu phải hoàn trả ngay tức khắc. Quyết định nầy làm 70% các công ty địa ốc phải khai phá sản, riêng Vương Kiện Lâm phải vào nằm bệnh viện li bì suốt một tuần. Nhưng ông đã học được bài học: luôn luôn thủ tiền mặt. Bài học nầy đã cứu ông thêm nhiều lần, vì, chạy theo tốc độ phát triển nhanh chóng, nhà nước Cộng sản phải thay đổi chính sách đều đặn như thay quần lót. Ông bình thản nhận định: “Hiện tượng ấy cũng tự nhiên thôi. Tình thế càng bất thường, nó càng sản sinh nhiều cơ may. Nếu luật lệ chắc nịch và ổn định như ở Mỹ, sẽ không có bao nhiêu cơ hội làm giàu, và làm sao kiếm được lợi tức quá 3 phần trăm?”
Vương cho rằng trước kia con số đầu người tại TQ là một gánh nặng. Nhưng ông chủ trương phục vụ tập thể vĩ đại ấy, vì ngành phục vụ không thể thiếu, lại tiến rất nhanh. Đó chính là thị trường. Bản thân ông mắc bệnh “mua sắm”. Mỗi năm, ông qua Paris ít ra hai chuyến để sắm áo quần. Không chỉ thế, ông còn là một tay ghiền xem bóng đá. Tháng 7/2011, ông bỏ ra 95 triệu đô để bảo trợ đội TQ. Một câu đáng ghi nhận của ông là: “Bác ái đối với Vạn Đạt đã trở thành truyền thống và hệ thống. Chủ trương chính của chúng tôi không nhằm san bằng nghèo khó của mọi người, nhưng nâng cao học vấn, tài trợ kinh doanh và khuyến khích liên doanh. Theo quan điểm cá nhân, tôi muốn đóng góp phần lớn tài sản của tôi cho một quỹ từ thiện để giúp đỡ người nghèo”. Nhận định chung về thị trường TQ, ông phát biểu: “Vấn nạn lớn nhất của TQ là thiên hạ quen xem viên chức chính quyền quan trọng hơn nhà kinh doanh. Chúng tôi muốn khuyến khích những doanh nhân trẻ. Cùng với 5 người khác, chúng tôi đã lập một quỹ chung để yểm trợ lớp trẻ. Đáng tiếc, tiền đã sẵn đó, ứng viên thì thắp đuốc tìm chẳng ra”. Câu cuối cùng mà nhà báo hỏi là: “Ông làm gì vào những lúc rảnh rỗi?” Vương đáp bằng một câu hỏi: “Làm gì tôi có được thì giờ nhàn rỗi?”
Ba cuốn từ điển Harper Collins, Webster và American Heritage đều định nghĩa y hệt nhau về danh từ “tư bản” (capitalist): đó là người giầu, kẻ có nhiều của cải. Nhưng ở Bắc Kinh, đảng Cộng sản coi Vương Kiện Lâm là một đảng viên vô sản. Như thế, có phải tư bản đỏ đã phản bội lý tưởng và lý lịch đảng, hay Karl Marx và Friedrich Engels cần sống lại để thú nhận với Lenin và Mao, với Hồ Chí Minh, Castro và Kim Chính Ân – rằng 2 ông này đã đắc tội với lịch sử và nhân loại?
NgyThanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét