Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Các anh có bao giờ tự soi gương?


(Tiếp lời chị Từ Huy trong bài: Bao giờ các anh thôi hèn?)
Người Việt có quan tâm đến chính trị không? Nhiều người nói “Không”, họ nói người Việt thờ ơ lắm. Còn tôi thì ngược lại, đâu đâu tôi cũng thấy người Việt, đặc biệt là đàn ông, bàn về chính trị. Các anh nói về chính trị trên bàn nhậu, ở quán cà phê đầu hẻm, trên những chuyến xe bus du lịch hay trên máy bay. Các anh nói rầm rộ nữa là đằng khác. Các anh quan tâm tới tình hình Ucraina, quan tâm tới chuyện con ông Dũng về Kiên Giang, quan tâm tới anh X với anh 4S chém nhau ra sao, ai về phe ai. Các anh cũng biết luôn là Bùi Hằng bị bắt, biết cả chuyện bé Phương Uyên đi tù, biết ngày nào có biểu tình, rồi các anh luôn tặc lưỡi thở dài: “Cũng chẳng đi tới đâu!” Tệ hơn nữa là những anh vốn hưởng quan lộc, miệng leo lẻo dạy đời: “Đúng là phường đàn bà, nghe lời xúi giục của bọn luật sư nước ngoài với mấy thằng dân chủ cơ hội trong nước, vô tù là đáng!”
Khi tôi hỏi các anh rằng: “Các anh có hài lòng với cái xã hội mà các anh đang sống không?” Phần nhiều các anh lắc đầu. Các anh thấy xã hội bất ổn, trộm cướp tùm lum. Chỉ cần nhắc tới 4 chữ “cảnh sát giao thông” là mặt các anh hằm hằm, chửi nào là chó vàng, nào là quân cướp ngày. Nói tới công việc là các anh than phải đút lót, chạy chọt. Các anh chán cái xã hội này vô cùng tận. Nhưng khi hỏi: “Anh nghĩ xã hội này có thay đổi được không?” Các anh cũng lắc đầu luôn. Các anh bảo: “Nhiều lúc anh cũng muốn đi biểu tình, anh cũng muốn làm cái gì đó đóng góp cho xã hội, lật đổ cái chế độ này đi. NẾU không vì vợ dại con thơ mẹ già thì anh chơi tới bến!”
Ừ, vợ dại, con thơ, mẹ già, các anh có đủ cả lý do rồi. Nhưng cho tôi hỏi các anh một tí, các anh có nhậu không? Có. Các anh nhậu cuối tuần mừng đám cưới bạn, các anh nhậu giữa tuần mừng sinh nhật cô em, các anh nhậu… vì nhậu thôi, chả cần vì gì cả. Nhậu xong rồi thì các anh đi uống bia ôm, vui nữa thì chơi tới bến mà bến nào bao cao su cũng đi vắng. Mà rượu vào rồi, nhiều khi nổi nóng chỉ vì vài câu nói, các anh sẵn sàng choảng chai bia vào đầu nhau. Rồi bản lĩnh nam nhi của các anh có thể nổi lên cuồn cuộn bằng việc kéo thêm viện binh, rượt nhau loạn cả hai bờ kênh Nhiêu Lộc ấy chứ. Hoặc khiêm nhường hơn tí, các anh leo lên xe mà không biết bằng cách nào mình lại chạy về đúng nhà mình, thế mới tài. Vậy thì những lúc đó, các anh có nghĩ cho vợ dại, con thơ, mẹ già không hả các anh?
Là doanh nhân, các anh sẵn sàng nhập những thứ phế thải của Tàu về cho dân mình ăn, xuất khẩu hàng đi thì thay vì tìm khách hàng tốt, các anh lại ép giá đồng bào mình. Các anh bỏ thời gian đi nhậu với quan chức, ép nhà cung cấp nhậu thì được chứ thời gian đó dùng để ngồi tính lại lịch sản xuất thì các anh không làm. Công trình nào cắt xén được là các anh cắt tận cùi.
Là văn nghệ sĩ, các anh lúc nào cũng mang gương mặt của kẻ bất đắc chí, thất thểu, lê lết, nhậu từ quán này sang quán kia, hạng người nào các anh cũng ngồi cùng mâm, ăn cùng bát. Chữ nghĩa các anh bao nhiêu năm qua vẫn ngần ấy thứ, vẫn là nỗi cô đơn của người nghệ sĩ không tìm được ai chia sẻ, vẫn là nỗi đau chiến tranh dù nó đã đi qua 39 năm, mới hơn chút là các anh viết về sự lạnh lùng của con người mới XHCN trong cơ chế thị trường. Làm phim thì bao nhiêu năm, các anh cũng xài hoài mấy cái chiêu hài rẻ tiền từ anh Béo tới anh Gầy, câu thoại cũ rích, tình tiết lê thê. Phim như cứt nhưng mà hễ nói tới cái cuộc đời đáng chán này là các anh bảo: “thật ra phim đấy là ý anh xiên xỏ thằng này, đá thằng kia nhé!” Ẩn ý của các anh phải được giấu kín tới mức an ninh văn hóa ngồi coi mỏi mắt vẫn không thấy chi tiết nào đáng để cắt xén là thì các anh mới yên tâm. Các anh cũng vỗ ngực rằng mình là nghệ sĩ, những kẻ thức thời, thế nhưng khi được những giải thưởng của Hội Điện Ảnh, Hội Nhà Văn, những kẻ làm nghệ thuật theo trường phái cừu đi thẳng lối, thì các anh lại khoe lấy khoe để.
Là giảng viên đại học, ngày nào các anh cũng lên bục giảng để nói những điều giống nhau năm này sang năm khác. Bao nhiêu người trong số các anh đọc thông viết thạo một thứ ngoại ngữ để có thể đọc tài liệu tham khảo? Cuối tuần các anh bận đá bóng, bận chơi tennis, bận chạy sô dạy từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Con cái là sự nghiệp, các anh luôn bảo thế, vậy thì 1 tháng các anh đưa con đi chơi được mấy lần? Để trả lời những câu hỏi của con mình, để khuyên nó thành một công dân tử tế, một tháng các anh đọc được mấy quyển sách? Các anh có biết chơi 1 thứ nhạc cụ nào đó để chơi cùng con mình không? Thương vợ, sau 20 năm cưới nhau, các anh có mấy cô bồ? Thương mẹ già, một năm anh đưa mẹ đi du lịch được mấy lần? Hay chỉ đơn giản là bỏ nhậu cuối tuần về lau cái tủ, sửa cái bếp cho mẹ, các anh có làm được không? Vợ con các anh có thật sự đòi hỏi nhà lớn, xe đẹp hay đó chính là những phương tiện để thỏa mãn sĩ diện nam nhi của chính các anh? Các anh có mẹ để chịu trách nhiệm cho quá khứ, vợ chịu trách nhiệm về hiện tại còn con chịu trách nhiệm cho tương lai.
Như vậy, những câu chuyện chính trị cuối cùng cũng chỉ là dĩa mồi trên bàn nhậu của các anh dưới hình thức những tin đồn. Những người đàn ông quan tâm đến chính trị thực thụ họ có vẻ đẹp riêng của mình. Đó là vẻ đẹp của những người ham hiểu biết, của những người sở hữu đầu óc phản biện và tin vào sự liêm chính của con đường mà họ theo đuổi. Giữa những người đàn ông mặt béo bụng phệ làm quan tham với những người đàn ông cương nghị đang đối mặt với cái ác, giữa một người đàn ông đang đợi ngày chết vì bệnh tật do ăn nhậu với một người đang ngồi chờ mãn hạn tù vì thể hiện quyền tự do ngôn luận, các anh nghĩ chúng tôi chọn ai?
Các anh có bao giờ soi gương không? Một bữa nào đó, các anh thử cầm trên tay tấm hình của mình ở tuổi 20 và nhìn lại mình ở tuổi 35-40 trong gương. Hai hình ảnh đó khác nhau nhiều lắm phải không các anh. Đâu rồi những góc cạnh cương nghị trên gương mặt, đâu rồi thần thái của đôi mắt sáng. Giờ đây, các anh thấy mặt mình mỡ lấp hết xương, đẩy cả mắt mũi miệng dồn thành một chùm về phía trước, mắt các anh lu mờ đi. Các anh đánh mất hết những ước vọng, những lý tưởng tuổi 20, các anh đánh mất cả sự chính trực, đánh mất thần thái, tinh anh của mình.
Tôi nói ra thế này, hẳn sẽ có anh bảo: “Con đấy lấy thằng chồng Tây rồi quay lại to mồm chê trai Việt.” Người ta nói: “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”, tôi đây nhan sắc trung bình, nhưng giả mà không lấy được đấng nam nhi chính trực thì thà đêm nằm “trơ cái hồng nhan với nước non”, ôm gối chiếc cô phòng chứ ai lại lấy phải những tấm chồng chỉ để phí cái xuân xanh.
Lyon 24/03/2014
Lan-Phương

Lan-Phương
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét