(Dựa trên bản dịch của Trương Hồng Quang)
1/ Về hình thức:
Bài phát biểu này cho ta thấy trước hết lề lối sinh hoạt chính trị của các nước dân chủ pháp trị Tây phương. Thấy gì?
Thấy là trước khi người lãnh đạo lấy một quyết định trọng đại liên quan đến vận mệnh của quốc gia, mọi tiếng nói đại diện các khuynh hướng chính trị của người dân trong nước, qua người đại biểu của họ, đều được quyền lên tiếng nói. Ủng hộ hay phản đối đều được bày tỏ. Không chỉ ở Đức, bên Pháp (hay các xứ tự do khác), trong Quốc hội có phe chống, có phe ủng hộ chính trị của Putin. Bên Đức phe ủng hộ là phe tả. Bên Pháp, phe ủng hộ là phe cực hữu. Phe nào cũng vì quyền lợi của đất nước mình. Nhưng mỗi phe, mỗi khuynh hướng chính trị, nhìn vấn đề qua những lăng kính triết lý về kinh tế, pháp lý, chiến lược… khác nhau.
Về vấn đề Cremea, riêng thế giới tự do, khuynh hướng chống Putin can thiệp thô bạo vào nội tình Ukraine là áp đảo với đa số tuyệt đối.
Điều này cho ta thấy cái siêu việt của nền dân chủ pháp trị.
Trong khi ở Nga thì không có phe nào. Quốc hội chỉ thể hiện một tư tưởng, tuân theo một mệnh lệnh, một hành động của Putin. Đó thể hiện điều gì nếu không phải là một nhà nước độc tài?
Dĩ nhiên điều này rất nguy hiểm. Thử ví lãnh đạo đất nước như là lái xe. Ở các nước dân chủ, phe đối lập là cái thắng. Phe đối lập mặc dầu không dành được tay lái nhưng họ có khả năng kềm hãm lúc tài xế chạy quá trớn. Nếu lãnh đạo thất bại thì hậu quả cũng không trầm trọng, đem lại đổ vỡ cho đất nước.
Còn trong nước độc tài (như Nga), khả năng xe lao xuống vực là điều có thể đoán trước. Cả nước cùng đạp vào chân ga, nhanh thì có nhanh, lên cũng vậy mà xuống cũng vậy. Không phải đã từng tan vỡ vào năm 1991 hay sao?
Trường hợp VN, là một xứ độc tài, điều trớ trêu là độc tài đảng trị với TW một đám cá đối bằng đầu, không ai phục ai. Vì vậy ai cũng muốn dành cầm tay lái. Điều trớ true khác nữa là người nào cũng rà chân trên thắng. Do tâm lý sợ trách nhiệm. Vì bất tài, không chắc được kết quả điều mình làm, không ai dám làm việc gì. Đất nước rốt cục đứng ì một chỗ.
2/ Về nội dung, nhiều lý lẽ của Gregor Gysi đưa ra nhằm bênh vực Putin cần phải xem xét lại, nhất là lãnh vực công pháp quốc tế và về hệ quả chiến tranh lạnh.
Dẫn Gregor Gysi 1:
« Tôi bắt đầu với Gorbachew vào năm 1990. Ông đã đề nghị thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsav, xây dựng một quan niệm “An ninh chung” với Nga. NATO đã bác bỏ đề nghị này và nói rằng: Giải thể Khối hiệp ước Warsav thì được, nhưng NATO vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Và từ một liên minh phòng thủ, NATO đã trở thành một liên minh can thiệp »
Tôi cho rằng ông GregorGysi đã hiểu sai ý nghĩa của “chiến tranh” trong “chiến tranh lạnh”, đã diễn ra trong 5 thập niên, từ sau thế chiến II đến khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Sai lầm vì ông nghĩ rằng nó chỉ như một cuộc đánh cờ. Phe Liên Xô do Gorbachev đại diện, lúc « cờ đang lỡ cuộc không còn nước » thì muốn« xù », đánh lại. Một cuộc chiến tranh, lạnh hay nóng, khi bị địch thủ dồn vào thế bí, chỉ còn tử thủ hay đầu hàng mà thôi. Không địch thủ nào rút vòng vây để bày cuộc chơi lại hết.
Năm 1990, LBXV còn có thể lực nào để mà thương lượng với NATO, yêu cầu « thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsav »?
Không còn gì cả!
LBXV không còn thực lực gì, từ khi lý thuyết « My Way » tức « Đường ai nấy đi » của Gorbachev được áp dụng. Thuyết này trái ngược với « thuyết can thiệp » của Brejnev.
Thuyết canthiệp của Brejnev cho phép Liên Xô có quyền can thiệp vào nội tình của bất kỳ quốc gia nào nếu ở đó « xã hội chủ nghĩa » bị đe dọa. Nó thể hiện qua hai hành động xâm lăng hai nước đồng minh của mình (cùng thuộc khối Warsaw) là Hung (1956) và Tiệp Khắc (1968).
Ngược lại thuyết Brejnev, thuyết « đường ai nấy đi » của Gorbachev, được biết từ năm 1989, qua các tuyên bố của ông này, cũng như từ bộ trưởng Ngoại giao Sô Viết thời đó là Chevardnadze trước các diễn đàn quốc tế. Nội dung theo đó Sô Viết nhìn nhận quyền độc lập tự chủ của các nước trong việc quyết định chính trị nội bộ của quốc gia. Tuyên bố này cũng được áp dụng cho các nước thuộc khối Warsaw. Lý thuyết này còn được gọi là « thuyết Sinatra », vì phù hợp với nội dung bài hát « my way » (của ca sĩ nổi tiếng Frank Sinatra).
Sự ra đời của thuyết này là do Gorbachev không thể làm khác. Liên bang Xô Viết không còn đủ tài lực để gánh vác bất kỳ một can thiệp nào, chính trị hay quân sự, ở bất kỳ một quốc gia nào.
Khi không còn « lá bài » nào trong tay, Gorbachev có thể thuơng thuyết cái gì?
Việc đến phải đến, tháng giêng 1991, các nước Ba Lan, Hung, Tiệp Khắc đồng loạt tuyên bố rút ra khỏi khối Warsaw.
Ngày 25 tháng 2 năm 1991, hội nghị các bộ trưởng các nước thuộc khối Warsaw họp tại Budapest tuyên bố chấm dứt hoạt động. Cùng tháng, Bungary rút khỏi khối Warsaw. Ngày 1 tháng 7 năm 1991, khối Warsaw chính thức giải tán trong buổi họp thường niên của các thành viên của Khối (tại Warsaw).
Việc giải tán khối Warsaw do đó là hệ quả đương nhiên của thuyết « đường ai nấy đi », nhưng đến từ một cục diện lớn hơn là khối XHCN đã thua trận « chiến tranh lạnh ».
Sai lầm của ông Gregor Gysi là muốn đặt lại bàn cờ lịch sử, cho đối thủ một cơ hội là « giải tán NATO cùng với khối Warsaw, xây dựng một quan niệm an ninh chung với Nga… », muốn người ta phải nhìn nhận ảnh hưởng trước kia của Nga tại các nước Đông Âu và các nước Cộng hòa mới độc lập từ tro tàn LBXV.
Lý lẽ này không hề thuyết phục, nhưng nó có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: tái lập lại thuyết « cai trị », theo đó các đế quốc có thể đòi hỏi quyền lợi của mình tại các nước thuộc địa (hay chư hầu) cũ.
Ta càng lo ngại hơn khi ông Gregor Gysi nói rằng: « Người ta đã coi thường một cách thô bạo các quyền lợi của Trung Quốc và Nga ».
Chúng ta, người VN, có thểnào không biết TQ đã dùng lý thuyết « cai trị » để cho rằng họ có « quyền lợi » ở Biển Đông qua tấm bản đồ 9 đoạn chữ U?
Dẫn Gregor Gysi 2:
« Sai lầm thứ hai: Khi tiến hành thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc đó là Genscher và các Bộ trưởng Ngoại giao khác đã tuyên bố với Gorbachew rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa hẹn này đã không được giữ. NATO đã được mở rộng một cách quyết liệt vềhướng của Nga. »
Lý lẽ này lấy từ miệng của Putin (và phe ủng hộ ông này). Lý lẽ này cũng được một số chính trị gia Pháp nhắc lại. Ý kiến của những người này đưa ra nhằm tìm một giải pháp trung dung, mỗi phe cùng nhượng bộ một bước, để có thể có một giải pháp Cremea được chấp nhận từ mọi phía.
Nhưng lập luận này có một số điều liên quan đến quốc tế công pháp cần thảo luận lại.
Quá trìnhthống nhất nước Đức được bắt đầu khi Đông Đức (tức Cộng hòa dân chủ Đức) rút khỏikhối Warsaw. Ba ngày sau nước Đức được thống nhất (3 tháng 10 năm 1990.) Đông Đức như vậy là « nước » đầu tiên thuộc khối Warsaw, ly khai khỏi khối này, sau đó gia nhập vào khối NATO.
Lo ngại các nước khác (thuộc khối Warsaw) theo gương Đông Đức, gia nhập khối NATO, Sô Viết yêu cầu phía NATO cam kết rằng khối này sẽ không mở cửa cho các nước Đông Âu.
Ngoại trưởngMỹ và Đức có tuyên bố lúc đó là sẽ không có việc NATO mở rộng về phía đông.
Câu hỏi đặt ralà « tuyên bố » này còn hiệu lực hay không, khi mà Liên bang Sô Viết đã giải tán?
Liên bang Sô Viết tuyên bố giải tán ngày 26-12-1991. Từ đống tro tàn này 15 quốc gia được tái sinh (thành các quốc gia độc lập), trong đó có Nga và Ukraine.
Nước nào trong những nước này kế thừa LB Sô Viết trong các kết ước với Mỹ (và NATO)?
Về tư cách pháp nhân của quốc gia, theo quốc tế công pháp, sự liên tục quốc gia được áp dụng cho tất cả các nước ly khai. Điều này có nghĩa các nước cộng hòa cũ của LB Xô Viết có đủ tư cách pháp nhân (như Nga) để kế thừa và tiếp nối LB Xô Viết.
Vì có tư cách pháp nhân, các quốc gia này có thể đơn phương quyết định chấm dứt mọi cam kết (nếu có) giữa LBXV và các nước khác.
Các quốc gia Baltique (Lithuania, Estonia, Latvia) thuộc LBXV cũ đều gia nhập khối Châu Âu (UE) và NATO, đồng thời với các nước Đông Âu Bungary, Rumani, Slovakia và Slovenia năm 2004.
Trước đó, các nước Đông Âu cũ là Ba Lan, Hung, Czech đã gia nhập NATO từ năm 1999.
Nước Nga, cũng là một quốc gia « kế thừa » di sản pháp lý của LBXV, không có tư cách để phản đối hành vi của các quốc gia khác. Đơn giản vì nước này phải tôn trọng quyền độc lập và chủ quyền lãnh thổ của các nước đó.
Đối với NATO, khi đối tác không còn (Liên bang Xô Viết), có thể nói rằng tuyên bố « không mở rộng về phía Đông » đã « caduc », tức đã không còn hiệu lực. Bởi vì có đến 15 nước sinh ra từ LBSV, trong số đó nhiều nước đã xin gia nhập vào NATO, giá trị rang buộc của nó dĩ nhiên đã không còn nữa.
Vì các lý lẽ này, lập luận của những người bênh vực cho Putin, lên án NATO bội ước, khi nại cam kết giữa NATO và LBXV về việc « vĩnh viễn không mở rộng về phía Đông » là không thuyết phục.
Điều khác, nếu Nga đã không phản đối từ các năm 1999 khi Ba Lan, Hung và Czech gia nhập NATO, hoặc năm 2004 cho cácquốc gia Lithuania, Estonia, Latvia, Bungary, Rumani, Slovakia và Slovenia…, thì hôm nay không có lý do nào để phản đối nữa.
Dẫn Gregor Gysi 3:
“Và sai lầm thứ ba tiếp theo đó là quyết định đặt tên lửa ở Ba Lan và Séc. Chính phủ Nga đã nói rằng: Việc này ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của chúng tôi; chúng tôi không muốn điều đó. – Thế nhưng Phương Tây đã tuyệt nhiên không hề quan tâm tới ý kiến này. Quyết định đặt tên lửa vẫn được thực hiện.”
Thực ra “sai lầm thứ ba” này trọn vẹn là của ông Gregor Gysi, nếu ta xem lại các động thái gần đây của TT Mỹ Obama. Theo các nguồn tin đã đăng tải: “Tổng thống Barack Obama đã bỏ kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn đặt tại Ba Lan và CH Czech”.
Dẫn Gregor Gysi 4:
“Ngoài ra trong cuộc chiến ở Nam Tư, Phương Tây đã nhiều lần vi phạm và vi phạm một cách nghiêm trọng công pháp quốc tế… Serbia đã không tấn công một nhà nước khác, và cũng không có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy mà nó đã bị ném bom, với sự tham chiến lần đầu tiên của Đức sau 1945…. người dân của Kosovo đã được phép quyết định li khai khỏi Serbia thông qua một trưng cầu dân ý…
Ở Kosovo các quý vị đang mở nắp chiếc bình của Pandora [3]; bởi vì nếu việc này được cho phép ở Kosovo thì các quý vị cũng sẽ phải cho phép nó ở những nơi khác…. Tôi xin nói với các quý vị rằng: Người Basque hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Người Catalan hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Và tất nhiên bây giờ người dân của Krym cũng sẽ hỏi như vậy.”
Về việc can thiệp của NATO ở Kosovo là dựa trên lý thuyết “can thiệp vì lý do nhân đạo”. Lý thuyết này từng gây tranh cãi tại LHQ, chỉ có Nga và TQ là chống. Các nước Châu Âu đâu thể nào ngồi nhìn quân Serbia giết chóc, hãm hiếp, thanh lọc chủng tộc Kosovo (gốc Albania) mà không có hành động thích ứng?
(Nếu phản đối việc can thiệp này thì cuộc chiến chống diệt chủng của VN tại Kampuchia cũng không có ý nghĩa phải không?)
Vì vậy sự can thiệp của NATO nhằm chấm dứt một vụ diệt chủng ở Kosovo là một hành vi đáng lẽ cần phải tuyên dương. Thái độ phải đối của ông Gregor Gysi khiến người ta có thể đặt lại, không chỉ về quan niệm đạo đức, mà còn tiêu chuẩn “nhân đạo” cần có của một người làm chính trị “cánh tả”.
Về tính hợp lệ hay bất hợp lệ của việc đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo, tôi cho rằngông Gregor Gysi cố gắng đả phá nền móng công pháp quốc tế hiện thời để bênh vực cho Putin.
Vụ ly khai, tuyên bố độc lập của Kosovo có vi phạm công pháp quốc tế không?
Để biết, ta cần qui chiếu với Nghị quyết 1415 của Đại hội đồng LHQ năm 1960, nói về việc “trao trả độc lập cho các dân tộc và các lãnh thổ thuộc địa”.
Điều 6 của Nghị quyết không cho phép việc xâm phạm sự thống nhất và vẹn toàn lãnh thổ quốc gia. Dựa vào điều này ông Gregor Gysi kết luận việc Kosovo tuyên bố độc lập là trái với công pháp quốc tế.
Nhưng điều 2 nghị quyết cho phép các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có quyền thành lập nhà nước cùng với chính phủ của riêng mình, với điều kiện dân tộc đó thỏa mãn hai điều (ắt có và đủ): a) dân tộc này đang đấu tranh chống chế độ thuộc địa và phụ thuộc và b) đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc.
Dân tộc Kosovo rõ ràng là một dân tộc “phụ thuộc” vào Serbia. Dân tộc này có quá trình đấu tranh dành độc lập. Dân tộc này là nạn nhân, chịu những đàn áp khốc liệt từ quân Serbia như các vụ thanh trừng, thanh lọc chủng tộc. (Một số lãnh đạo Serbia đã bị Tòa án hình sự quốc tế xét xử và hiện bị tù, như Milosevic là thí dụ).
Dựa vào điều 2, các dân tộc khác như Nam phi, Palestine… đã tranh đấu để dành quyền tự quyết, hay quyền được nhìn nhận là công dân đúng nghĩa.
Kosovo tuyên bố độc lập là phù hợp với nguyện vọng của dân tộc này đồng thời phù hợp với các nguyên tắc “dân tộc tự quyết” của công pháp quốc tế.
Việc này được khẳng định qua phán quyết 22-7-2010 của CJI về việc « đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo có vi phạm công pháp quốc tế hay không? »
Kết luận của Tòa, đoạn 122, như sau: tuyên bố độc lập 17-2-2008 (của Kosovo) đã không vi phạm công pháp quốc tế, không đi ngược tinh thần Nghị quyết 1244 (1999 của hội đồng Bảo an LHQ), cũng không vi hiến. Tuyên bố trên không vi phạm bất kỳ một điều luật quốc tế nào.
Dựa vào đâu ông Gregor Gysi nói rằng việc tuyên bố độc lập của Kosovo vi phạm công pháp quốc tế?
Ông này lại so sánh vụ Kosovo với vụ tuyên bố độc lập của Cremea. Sau đó suy diễn xa hơn cho trường hợp vùng Catalan của Tây Ban Nha.
Ông Gregor Gysi đã nhìn nhận vụ Cremea tuyên bố độc lập là không phù hợp với công pháp quốc tế. Nhưng ông lại so sánh (một vụ không phù hợpvới công pháp quốc tế) với một vụ (phù hợp với công pháp quốc tế).
Không phải là phi lý hay sao?
Dẫn Gregor Gysi 5:
«… về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia… các nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Serbia, Iraq và Libya… »
Điều này không đúng. Mỹ và 22 nước khác can thiệp vào Iraq theo Nghị quyết 1843 của Hội đồng Bảo an LHQ. Nội dung cho phép liên quân ở lạinước này đến năm 2008. Còn tại Libya thì các nước can thiệp theo Nghị quyết 1973 của HDBA LHQ.
Tức là các nước chỉ can thiệp theo một « mandat » của LHQ, tức thi hành một « công tác » của LHQ.
Như vậy ở chỗ nào quốc tế công pháp bị vi phạm?
Trong khi Nga đem quân vào Cremea là trái với tinh thần Hiến chương LHQ. Sau đó qui trình sát nhập Cremea vào Nga là cả một chuỗi vi phạm quốc tế công pháp.
3/ Kết luận:
Lý lẽ của ông Gregor Gysi đả phá công pháp quốc tế, đặt ngược thực tế lịch sử chiến tranh lạnh… mục đích bênh vực hành động của Putin do đó hoàn toàn không thuyết phục. Nhưng ông ta có cái « lăng kính » về lịch sử, kinh tế, chiến lược… của riêng ông.
Điều làm chúng ta, người Việt Nam, quan tâm là khi bênh vực Putin, cho rằng Nga có quyền lợi ở các nước Đông Âu hay Liên Xô cũ, hay nhìn nhận việc ly khai ở Cremea là chính đáng, là đã dựa vào « học thuyết cai trị » (xuất hiện vào thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản). Theo đó lãnh thổ quốc gia được xác định là khoảng không gian mà quyền lực nhà nước được thể hiện. « Lãnh thổ quốc gia » không phải là « vật », mà là « phạm vi » cai trị của quốc gia.
Chủ trương, hay tái lập lại « học thuyết về cai trị » là cho phép nhà nước Nga đặt lại vấn đề biên giới với tất cả các nước cũ thuộc LBXV (cũng như TQ đối với các thuộc quốc cũ). Cần biết là Trung Quốc cũng có quan niệm tương tự cho chủ trương đường chữ U 9 đoạn. Không phải đế quốc Trung Hoa đã từng cai trị VN cũng như nhiều nước trong khu vực hay sao?
Trong khi quan niệm kim thời của công pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia là một quyền tối cao, thiêng liêng, bất khả xâm phạm trên cả hai phương diện vật chất và quyền lực.
Lập trường chính thức của Việt Nam về vụ khủng hoảng Ukraine, qua lời của Lê Hải Bình trước báo chí ngày 21-3:
"chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân."
Tôi cho rằng câu « nguyện vọng chính đáng của người dân » trong chừng mực đồng ý với vụ trưng cầu dân ý với quyền « dân tộc tự quyết » của Cremea.
Đây là một việc nguy hiểm, nếu ta xét lại nội dung Hiệp ước 1972 (nhìn nhận dân miền Nam có quyền « dân tộc tự quyết ») hay lịch sử lập quốc của VN. Nó là con dao hai lưỡi.
Trương Nhân Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét