Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Chứng cứ "Rửa Tiền" ở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam


Sau khi trang Dân Luận đăng liên tiếp 4 bài báo tố cáo tiêu cực ở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) với những số liệu cụ thể, chính xác đến từng dấu phẩy, thì hầu ban chuyên môn nào trong cơ quan cũng bị lãnh đạo LHHVN theo dõi, rình mò. Bất kỳ ai bên cạnh cũng có thể là người bẩm báo lãnh đạo khiến cán bộ ở đây không còn dám trao đổi trò chuyện, dù là những chuyện tào lao, bởi chỉ cần túm tụm dăm ba người với nhau là lập tức bị nghi ngờ rồi. Một chuyên viên IT của LHHVN, người mà Tổng thư ký Phạm Văn Tân mới đưa về, đang khẩn trương làm việc như “cớm”, anh này được lệnh theo dõi và đánh cắp dữ liệu máy tính của mọi người. Thậm chí có tin đồn là lãnh đạo LHHVN còn thuê công an để nghe lén điện thoại của những cán bộ nghi vấn (nếu quả thật như vậy thì đây là một việc phạm pháp hình sự nghiêm trọng). Những số liệu của bài “Hé lộ vụ tham nhũng 9 tỷ đồng ở LHHVN” mà Dân Luận cho đăng đang làm “bè lũ bốn tên” lo cuống, nhất là ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, chủ tài khoản, người “ăn dầy” nhất. Đã có mấy tờ báo “lề phải” dựa theo số liệu được Dân Luận cung cấp đã đến tìm hiểu để viết bài, nhưng toàn thể lãnh đạo LHHVN trốn tránh trả lời, người nọ “đá bóng” cho người kia. Chúng tôi đã chứng kiến một phóng viên báo DT xin gặp ông Đặng Vũ Minh để hỏi về những sai phạm được nêu đích danh, ông Minh “ban chuyền” xuống ông Trần Việt Hùng là Phó Chủ tịch, ông Trần Việt Hùng lại “đá” xuống một ông Trưởng ban, ông Trưởng ban này cáo bận không tiếp phóng viên nọ. Được biết, có cán bộ bức xúc quá đã gửi đơn tố cáo sai phạm ở LHHVN lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hy vọng ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, (quan chức hiếm hoi mà dư luận gần đây khen là người tích cực, mạnh mẽ trong việc chống đầu tư dàn trải, không hiệu quả) sẽ sớm cho thanh tra để phanh phui những khuất tất ở cái cơ quan trí thức xôi thịt này.
kinh_te_tw.jpg
Một hoạt động vô bổ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng mạng hãy bảo vệ những cán bộ của LHHVN, nếu thấy va chạm giao thông, đâm chém do “nhầm lẫn”, có thể cả tạt axit, hay cháy, nổ… có thể hiểu là mafia ở LHHVN đã ra tay trừ khử kẻ bị nghi kỵ. Tiền lệ đã có, trước đại hội lần thứ VI của LHHVN, ông Phạm Văn Tân đã đe doạ những người chống đối ông ứng cử chức Tổng thư ký. Gần chục cán bộ Tạp chí Khoa học và Tổ quốc – Cơ quan ngôn luận của LHHVN đã bị mất việc, phòng bị niêm phong, không cho vào làm việc, không được trả tiền lương chỉ vì “dám” ngăn chặn sự sai phạm của người nhà ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch LHHVN. (Đánh đuổi tập thể cán bộ, phóng viên tạp chí Khoa học và Tổ quốc là hình thức lãnh đạo LHHVN dằn mặt toàn thể cơ quan, một lũ nhà báo mà họ còn đuổi được thì họ còn kiêng nể gì ai). Phòng của Tạp chí đã bị niêm phong 6 tháng nay, bất cứ cán bộ nào ra vào cơ quan cũng rùng mình khi nghĩ đến tương lai đen tối của mình một khi dám trái ý lãnh đạo.
“Bè lũ bốn tên” của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kẻ nào cũng tham lam, tàn nhẫn như nhau, lần lượt chúng tôi sẽ đưa thông tin đến bạn đọc. Trong bài viết lần này, chúng tôi chỉ nói đến vai trò của Tổng thư ký Phạm Văn Tân, những vụ chia chác tiền, tham ô, tham nhũng do ông này đầu trò.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội, nhà nước bao cấp kinh phí hoạt động theo quy chế tổ chức chính trị xã hội đặc thù. Về hành chính, LHHVN chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, thông qua Ban Tuyên giáo và Ban Tổ chức trung ương Đảng (đây là kẽ hở dễ lách các thủ tục chi tiêu, vì các ban Đảng thiếu chuyên môn nghiệp vụ tài chính nên dễ bị qua mặt).
Ngân sách chi hoạt động KH&CN của cả giới trí thức khoa học và công nghệ thông qua LHHVN không nhỏ chút nào. Số liệu công bố công khai cho thấy trong 6 năm qua, ngân sách cấp cho cơ quan này là 267 tỷ đồng (lấy tròn số), trung bình 44 tỷ/năm, với biên chế 29 người cho đến năm 2012, năm 2013 là 33 người. Trong đó ngân sách sự nghiệp KH&CN là 185 tỷ; hành chính sự nghiệp 30 tỷ. Mỗi năm ngân sách lại tăng thêm, không phải do họ làm được việc ích nước lợi dân mà vì độ “chịu chơi” “chịu chi” của các anh tài LHHVN. Ai hưởng? chắc chắn không phải các nhà khoa học với những công trình khoa học mang lợi ích quốc gia.
Công bằng mà nói, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng có giai đoạn huy hoàng khi người lãnh đạo là những nhà khoa học đầy tâm huyết như: Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Hà Học Trạc, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng. Ngay khi Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng vừa mất, Phạm Văn Tân đã muốn tâu tóm tài chính, nhưng lại gặp “vật cản” là ông Nguyễn Mạnh Đôn – Trưởng ban Khoa học công nghệ, là người sắc sảo, có tài, một công thần của LHHVN ngăn chặn nên bọn chúng không làm gì được. Nhưng khi ông Nguyễn Mạnh Đôn vừa nghỉ hưu thì Phạm Văn Tân đã mau chóng kéo bè kết đảng, đưa người đồng hương vào các vị trí trọng yếu để thâu tóm quyền lực, ăn chia trắng trợn tiền Nhà nước.
Tiền ngân sách chi cho hoạt động khoa học công nghệ, đúng ra là cần chi cho các hoạt động hội chuyên ngành, các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc LHHVN để phát triển nền KHCN nước nhà, giúp ích cho nền kinh tế quốc gia và đời sống nhân dân. Nhưng ngược lại, các đơn vị được số tiền rất nhỏ, nếu đề tài thì cắt nghiến 5%, với đơn vị KHCN trực thuộc thì bị thu 7,2 triệu tiền phí hoạt động/năm (LHHVN có 382 đơn vị KHCN trực thuộc). Với vị trí và quyền lực trong tay, ông Phạm Văn Tân và bộ sậu đã chia và rửa trót lọt hàng trăm tỷ đồng ngân sách thuộc các mục như sau:

1/ Chia cho Quỹ Hỗ Trợ Sáng Tạo Kỹ Thuật Việt Nam (Vifotec)

Vifotec khi mới thành lập là đơn vị sự nghiệp, tự chủ, tự hạch toán, trực thuộc LHHVN với chức năng thúc đẩy hoạt động thi đua sáng tạo KHKT. Sau khi VS. Vũ Tuyên Hoàng mất, dưới đầu óc thủ đoạn, bàn tay phù thuỷ của ông Tân cũng như lãnh đạo LHHVN, Quỹ đã biến tướng trao giải từ hội thi “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc” 2 năm/lần, thành “Giải thưởng Vifotec”, hội thi tổ chức nhan nhản như nấm sau mưa để mua bán giải (nhờ vậy mà “nhà khoa học nhớn” Đặng Vũ Minh, trùm sò LHHVN suốt ngày được đi trao Bằng khen). Ông Tân mặc cả với ông Lê Duy Tiến - Giám đốc Quỹ Vifotec “nhường” chức này cho một người đồng hương Thái Bình của ông ta (người đồng hương này đã 60 tuổi, hết tuổi bổ nhiệm rồi nhưng họ vẫn phớt lờ mọi quy định của Nhà nước). Đổi lại, ông Tiến được đưa lên làm Trưởng ban Kế hoạch tài chính của LHHVN (tương đương Vụ trưởng). Điều cần lưu ý là ông Tiến là người ngoài biên chế, theo quy định thì không thể làm Trưởng ban ở một tổ chức chính trị xã hội (theo quy định bắt buộc phải là viên chức nhà nước). Chính do sự mặc cả này mà tiền ngân sách tăng ào ào rót về Vifotec: từ 2,3 tỷ năm 2008, lên 6,6 tỷ năm 2013 và 6,9 tỷ năm 2014 (ai mà chẳng hiểu lại quả ra sao với người vừa phê chuẩn, vừa quyết toán Phạm Văn Tân).

2/ Chi qua kênh “Tuyên truyền, phổ biến thông tin kiến thức KH&CN”

Mảng này, do ông Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch LHHVN nắm. Ông Mậu vốn là “cánh hẩu” của ông Tân nên được phân bổ hậu hĩ. Riêng mảng này mỗi năm chi vài tỷ đồng. Kết quả công việc cho ra cái “cổng thông tin điện tử” trị giá 9 tỷ, chưa sử dụng đã “liệt” như các bài trước đã viết. Biển thủ qua kênh này rất dễ tạo chứng từ, chẳng hiểu phổ biến kiến thức gì, cho ai, dân được gì, chẳng có tiêu chuẩn cân đo đong đếm, nhưng quan thì chắc chắn có lợi. Phân bổ ngân sách hàng năm cũng tăng chóng mặt.

3/ Chi cho “Hoạt động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ”

Đố ai biết chi này là chi gì? Lại quả, hay hoạt động tầm nguyên tử nên không thể công khai? Chỉ biết mỗi năm quyết toán được từ 2-3 tỷ đồng trong tổng ngân sách KH&CN của LHHVN. Người trần mắt thịt thì không nhìn thấy công trình.  Phối hợp gì để tiêu hàng tỷ đồng thì chỉ có Ban Nội chính hay Thanh tra Chính phủ vào cuộc tìm hiểu may ra mới rõ được.
Cũng có thể coi là nhỏ, không tách mục làm gì, đó là chi phí ngoại giao hàng năm của LHHVN theo báo cáo là trên 300 triệu đồng.

4/ Chi qua “hoạt động của Đoàn Chủ tịch”

Mỗi năm ông Phạm Văn Tân chi cho hoạt động này theo số liệu ghi là 3 tỷ đồng. Đoàn Chủ tịch là ai? Đúng là toàn những nhà khoa học, phần lớn hoặc về hưu, hoặc đang ở các tổ chức khác. Tôi nêu tên cụ thể:

Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
1. Đặng Vũ Minh
2. Phạm Văn Tân
3. Trần Việt Hùng
4. Phan Tùng Mậu
5. Vũ Ngọc Hoàng
6. Nguyễn Văn Cư
7. Nguyễn Văn Đúng
8. Nguyễn Ngọc Giao
9. Chu Hảo
10. Lê Tuấn Hoa
11.Trần Ngọc Hùng
12. Nguyễn Đình Hương
13. Phan Thị Kim
14. Đỗ Nam
15. Nguyễn Hữu Ninh
16. Y Ghi Nie
17.Dương Trung Quốc
18. Phạm Bích San
19. Đặng Văn Thanh
20. Lê Xuân Thảo
21. Lê Đình Tiến
22. Lương Đức Trụ
23. Đỗ Thị Vân
Tổng số có 23 thành viên Đoàn Chủ tịch, một năm họp khoảng dăm lần, không hiểu chi gì hết 3 tỷ đồng? Tôi nêu tên cụ thể của từng vị trong Đoàn chủ tịch để các vị tự vấn lương tâm, cũng như các bạn đọc nào quen các vị này thì hỏi giúp, các vị chỉ họp rồi ra phán quyết, chỉ thị gì đấy cho LHHVN hoạt động, mà nó hoạt động hiệu quả ra sao thì cũng rõ rồi, vậy mà bổ chung đầu người mỗi người hơn 130 triệu một năm, giời ạ?

5/ Chi qua “Hợp tác quốc tế”

Gần 1 tỷ đồng ngân sách một năm để ông Phạm Văn Tân cùng bộ sậu đi công cán nước ngoài. Hợp tác ra sản phẩm gì, được gì cho đất nước thì chưa một ai ở LHHVN được biết. Có lần trong một cuộc họp báo cáo sau chuyến đi Mỹ, cán bộ ở LHHVN hỏi lãnh đạo đi Mỹ học được những gì, ông Tân trả lời thật “hồn nhiên”: Đi có 2 tuần, “cưỡi ngựa xem hoa” nên cũng chưa biết được gì nhiều. Hỡi ôi, tiêu mấy trăm triệu của Nhà nước cho một chuyến đi công tác mà “chả học được gì”. Hài hơn nữa, Ban hợp tác quốc tế được ông Tân trả ơn đã tạo điều kiện cho ông đi vui thú nước ngoài bằng hàng trăm triệu cho  đề tài nghiên cứu khoa học có tên: “Nghiên cứu Luật Bảo hiểm xã hội”. Chắc kết quả nghiên cứu trên làm xong đem bán được cho nông dân quá?

6/ Chi qua “thuê mướn lao động”

Về mặt tổ chức, ai cũng hiểu cơ quan định biên người để tương ứng với khối lượng công việc. Nhà nước cho cơ quan Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam 29 biên chế, tăng thêm 5 người năm 2013. Một thời gian dài, không sử dụng hết biên chế, vì cũng có mấy việc đâu mà đòi hỏi nhiều người. Nhưng thời ông Tân thì không, nhận người vào là có tiền. Lương trả thì phù phép lấy từ các nguồn khác sang. Khi kiểm toán vào, dù đã trám kỹ vẫn bị yêu cầu xuất toán hơn 100 triệu. Hiện nay người lao động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là 63 người. Số người làm việc thì ít, số là “vườn trẻ” thì nhiều, và còn một số khác thừa ra đập vào. Muốn hả, đập dăm chục triệu ra để vào làm đi, khi nào chán thì ra, càng nhiều người bỏ càng hay, vì lại có chỗ trống để nhận người, ăn tiền. Đến trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở 53 Nguyễn Du thì thấy, anh em thì quán xá, chị em thì mua sắm, số đang ngồi trong phòng làm việc có vẻ rất nghiêm túc hóa ra là đang chơi game!

Lời kết

Con số 44 tỷ/năm, hiệu quả công việc thế nào, tự bạn đọc đã rút ra được. Đây là con số biết nói. Đằng sau con số này sẽ còn sự biến tấu đảo tài khoản để dễ bề rút, sẽ được giới thiệu với bạn đọc sau.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đại diện cho hơn 1,2 triệu trí thức cả nước, với 74 hội ngành Trung ương, 60 LHH địa phương, 382 tổ chức KHCN sao lại để thảm hoạ thế này.
Nếu ai cũng im lặng vì lo sợ thì ai vì cái chung. Sự hưng vong của quốc gia là do mỗi con người góp vào, trong đó lực lượng trí thức phải là nòng cốt. Vậy mà ở LHHVN toàn trí thức cả, sao nỡ cướp cơm chim của dân thế, hỡi ôi!
Trực Ngôn

Trực Ngôn
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét