Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Giải Pháp Triệt Tiêu Vấn Nạn Hối Lộ (CSGT)


Đã hứa hẹn với người Cô--một nhà báo, nhà quản lý ở Hà Nội--rằng sẽ viết bài cho báo của Cô đã lâu song chưa thấy hứng khởi…đầu năm con Ngựa này tự nhiên có quá nhiều chuyện cần chia xẻ (câu chuyện “Cánh Chim Hà Đông” là một câu chuyện đáng nói nhưng sẽ để dành trong một
bài sau)...còn trong lúc này hãy thử ngẫm nghĩ một vài chuyện nhỏ (hay chuyện lớn) tùy bạn.
Chuyện đầu tiên, câu chuyện giáo dục. Tuần trước, thấy báo chí đăng tin Chính phủ “đề nghị” các trường Đại học “đặt tên lại theo chuẩn quốc tế”. Trước hết hãy nói rỏ, đấy là ý kiến của tân Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, và Phó thủ tướng nhân danh Thủ tướng đặt vấn đề ấy, bởi thế bảo “Chính phủ” cũng không ngoa chút nào. Khổ nổi, đã là Chính phủ (Executive branch) thì phải “chỉ đạo” hay “chỉ thị” chứ sao lại “đề nghị”? Nếu là chuyện chưa rõ đúng sai thì còn “đề nghị”, chứ chuyện (đặt tên sai, dịch tên sai) thì cả nước, cả thế giới đều biết rồi. Đã là “đề nghị” thì người ta có thể làm, có thể không làm. Thế nếu các trường, Bộ giáo dục đều làm ngơ cả thì Chính phủ đứng ngó à? Chuyện nhỏ hở các bạn?
Này nhé, trong các quyết định của ngành giáo dục năm qua có một quyết định quan trọng, có ảnh hưởng nhiều mặt đến công tác quản lý và chất lựơng của ngành giáo dục (vốn bị mang tiếng xấu khá nhiều) đã đựơc đưa ra bởi các quan chức của Bộ một cách dũng cảm và triệt để với thay đổi có tính gốc rễ (radical) đó là quyết định cho phép thu hình trong phòng thi sau sự cố “Đồi Ngô”.
Quyết định ấy (chưa từng thấy ở các nước phát triển) và có thể gây khó khăn, lúng túng cho hàng vạn giáo viên coi thi…nhưng dường như quyết định ấy đã xóa tan tất cả hoài nghi về tiêu cực (ít lắm cũng là trong phòng thi quốc gia). Trong khi tiêu cực khác từ “chạy trường, chạy lớp, chạy điểm” vẫn còn nhiều và mong rằng ngành giáo dục tiếp tục có những quyết định “thay đổi tận gốc rễ” (disruptive, radical) như thế.
Trở lại với chuyện “đặt tên và dịch chữ”. Chao ôi, cái chuyện “university nằm trong university” ấy thì có lẽ học sinh lớp 12 chuẩn bị thi vào đại học khi nhìn quanh các trừơng ở Hà nội và TP Hồ chí Minh rồi nhìn sang các trường Singapore, Hong Kong, Hàn quốc, Nhật bản thì đã thấy rồi chứ chờ đâu cấp cao nhất của hệ thống hành chính quốc gia?
Chuyện đáng nói là khi “đổi tên” trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thành College of Business Administration và University of Ha-noi chẳng hạn thì có người lại nhầm tưởng ĐH Kinh Tế Quốc Dân bị “hạ cấp” trở thành “Cao đẳng” (một sự nhầm lẫn tai hại)!
Vấn đề đáng nói (và đáng làm) hơn là “Cao đẳng” Kinh tế Quốc dân lúc ấy dạy những gì?
Thông thường, College (thuộc University) chỉ dạy những môn chuyên ngành (Tài chính và Kế toán ở Kinh Tế Quốc Dân đối lại với Xây Dựng và Giao Thông ở Bách khoa hoặc Vật lý và Hóa học ở Khoa học Tự nhiên). Vậy nếu làm đúng căn cơ và bài bản mà hầu hết hệ thống giáo dục tiên tiến đang làm thì từ rày sinh viên các năm đầu, năm nhì sẽ đến học các môn phần cơ sở ở Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học Nhân văn trứơc khi vào chuyên ngành ở Bách khoa hay Kinh Tế Quốc Dân. Việc sắp xếp lại tận gốc rễ như thế hẳn sẽ là “đề tài cấp Nhà nước” chứ không phải chuyện của các trường nữa. Hy vọng tân Phó Thủ tướng (nhân danh Chính phủ) sẽ xắn tay áo lên làm chứ không chỉ “đề nghị” mà thôi. Đấy là chuyện lớn chứ?
Giờ hãy sang trang đến một câu chuyện nhức nhối khác ở Việt Nam là chuyện giao thông nhé.
Chẳng ai không biết ông Bộ trưởng đã “tả xung, hữu đột” quanh năm nhưng tai nạn giao thông và số người chết vẫn cứ tăng…bởi thế ông buột miệng tuyên bố một câu bất hủ “tất cả đều đúng cả thế mà tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra”??
Vấn nạn giao thông, vấn đề “mãi lộ” ở Việt Nam là câu chuyện nhức nhối, đôi khi mang tính “nhân, quả” (vi phạm giao thông nhiều nên sinh hiện tượng cảnh sát moi tiền; lơ là tuần tra làm tăng thêm nhiều tai nạn nghiêm trọng) đấy là chưa kể rất nhiều nhấn tố khác nữa (chẳng hạn
đừơng sá, cầu cống, biển báo). Bởi thế hãy thử bóc tách từng khía cạnh và thử tìm xem có giải pháp nào mang tính “căn cơ, triệt để, gốc rễ” và có thể giải quyết phần nào vấn đề?
Trước hết hãy nhìn thử vào giao thông ở hai xã hội ít nhiều “quen thuộc” với Việt nam đó là Nga và Mỹ. Ở Mỹ, trong suốt ba thập niên đầu của thế kỹ 20 kể từ khi dân chúng bắt đầu có dịp “trải nghiệm” hình thức giao thông tiện lợi và tự do nhất đó là ôtô (chẳng khác gì xe máy ở Việt nam trong khoảng 50 năm trở lại đây) thì số người chết vì tai nạn giao thông trên đường phố hầu như tăng dần mỗi năm (dân số tăng, số ngừơi sắm xe tăng, kinh nghiệm lái xe ít, đừơng sá chưa đủ) nên cũng dễ hiểu. Điều đáng nói là sau khi “cán mốc” cao nhất 300 người chết vì TNGT cho mỗi triệu dân vào 1937 thì bắt đầu có xu hướng giảm (nhưng chưa giảm hẳn). Sụt giảm đáng kể phải mất gần bốn mươi năm sau vào 1975, 1976 với 200 người chết vì TNGT cho mỗi triệu dân.
Đến nay (2012) con số đó chỉ khoảng 100 người chết mỗi triệu dân.
Thử nhìn sang Nga. Với dân số chưa bằng phân nửa của Mỹ, số xe ôtô chưa đến một phần tư (và số kilômét di chuyển lại càng ít nữa nhưng đáng tiếc Nga không có số liệu) nhưng số người chết vì TNGT cũng xấp xỉ Mỹ. Hay nói cách khác, ở Nga số người chết vì TNGT cho mỗi triệu ôtô cao gần 5 lần ở Mỹ! Điều này thì cũng không khó kiểm chứng khi nhìn vào các tuyên bố thừa nhận điều tệ hại đó của lãnh đạo Nga (như Mendelev và Putin về vấn đề này) hoặc xem các “máy ghi hình hành trình” (dashcam videos) của lái xe Nga. Thú thật, một người sống ở Mỹ khi xem các video này sẽ có cảm tưởng về hành vi các lái xe Nga còn tệ hại hơn Mỹ 50, 70 năm về trước!
Có lẽ vì dân Nga thiếu kỹ năng lái xe, luật lệ lẫn tôn trông luật pháp. Chuyện nhỏ hở bạn?
Nhân nói về chuyện dashcam, thậm chí rất nhiều người ở Mỹ tự hỏi “tại sao người Nga phải dùng máy ghi hình hành trình” nhiều như vậy? Thì ra, đó là biện pháp tự vệ hữu hiệu để chống lại các tình huống tiêu cực (từ Cảnh sát ăn hối lộ đến lái xe xấu tính hoặc làm bằng chứng trước tòa). Trong hoàn cảnh “công chức lưong tiền khó khăn” người Nga đã phải tự vệ như thế đấy!
Thử hỏi, nếu một vạn Cảnh sát Nga được trang bị “máy ghi hình trên nón” (helmet cam, body cam) thì có lẽ triệu dân Nga không phải sắm máy ghi hình linh tinh như thế nhỉ?
Đấy là điều mà Cảnh sát tại nhiều thành phố ở Mỹ đang yêu cầu, “đề nghị” cư dân thành phố trang bị cho họ (thông qua các phiên họp duyệt xét ngân sách của Hội đồng thành phố). Nếu ai có theo dõi thời sự quốc tế hẳn không quên tai nạn hi hữu với chiếc máy bay Asiana 214 ở San Francisco năm ngoái. Máy bay ấy va vào đường băng, gãy đuôi, nhưng may thay chỉ có 2 học sinh Trung Quốc bị văng ra khỏi máy bay chết ngay. Một nữ học sinh thứ ba sống sót từ va chạm ban đầu nhưng không may đã bị xe Cứu hỏa cán chết (trong lúc phun nước chữa cháy máy bay).
Trong bối cảnh hỗn loạn của tai nạn máy bay, thật khó lòng (nếu không muốn nói là không thể) truy tìm nguyên nhân cái chết của cô học sinh này nếu cảnh sát cứu hỏa San Francisco không mang “máy ghi hình cá nhân trên nón”. Việc này ban đầu mang tính tự phát của cảnh sát như
một hình thức tự bảo vệ cho họ trong khi làm nhiệm vụ (vì họ không có gì phải che giấu) nhưng nay đã trở thành “yêu cầu” (demand) tại rất nhiều đơn vị cảnh sát khác trên nhiều thành phố.
Làm thế nào Việt Nam có thể “học tập và vuợt” Nga, Mỹ? Thử tưởng tượng tất cả Cảnh sát giao thông ở TP Hồ chí Minh và Hà Nội “được” trang bị máy ghi hình trên nón? Chi phí mỗi máy hiện nay rất thấp (chỉ khoảng VND 2 triệu) và 40 giờ ghi hình cho mỗi máy (càng rẻ hơn). Tại sao phải 40 giờ ghi hình? Để sau mỗi ngày, từng đơn vị cảnh sát có thể “up” video 8 giờ làm việc lên internet cho mọi công dân kiểm tra (cảnh sát giao thông làm việc “thanh thiên, bách nhật” thì chẳng có gì phải che giấu nhỉ) và lưu lại đó một tuần lễ truớc khi lấy xuống, lặp lại.
Một nghìn CSGT tại thành phố HCM với trang bị đó chỉ khoảng vài tỉ đồng Việt Nam, một chi phí quá nhỏ đối với ngân sách thành phố lớn mà có thể “tận diệt”, “tuyệt diệt” được vấn nạn tham nhũng trên tất cả đường phố của thành phố quan trọng và lớn nhất nước? Cũng nên công bằng với “các anh” giao thông. Nếu làm triệt để như thế thì cũng phải “triệt để đảm bảo đời sống” các anh.
Vậy nhìn sang xem Cảnh sát Mỹ sống như thế nào nhé. Cảnh sát giao thông Mỹ làm việc nghiêm túc thế nào hy vọng những người có dịp đến Mỹ đã rỏ. Với “tổng sản phẩm quốc gia” theo đầu ngừơi mỗi năm khoảng US$ 50,000 (một tỉ bạc Việt nam), bạn có ngạc nhiên biết rằng lương Cảnh sát ở Mỹ chỉ khoảng $35,000-70,000 mỗi năm, tùy theo thành phố và giá cả sinh hoạt ở địa phương. Nói cách khác, lương Cảnh sát Mỹ khoảng 70% đến 150% tổng sản phẩm xã hội bình quân (trong khi lương kỹ sư là 100-200% con số đó). Vậy nếu tổng sản phẩm xã hội theo đầu người ở TP/HCM là $5000 hay VND 100 triệu thì lương “đảm bảo đời sống” khoảng từ 70 triệu đến 150 triệu năm hay là 6-12 triệu mỗi tháng? Được biết mỗi kỹ sư hoặc cử nhân ở TP/HCM chỉ “ao ước mức lương đáng sống” khoảng 20 triệu mỗi tháng. Vậy Cảnh sát với 12 triệu đồng mỗi tháng là đã “hợp lý” chưa?
Bạn cho ý kiến nhé: Bạn có sẳn sàng đồng tình với UBND thành phố HCM và thủ đô Hà Nội nếu họ muốn “tận diệt” vấn nạn mãi lộ, tham nhũng trên đường phố (và không ai nghi ngờ rằng sẽ có chuyển biến với tai nạn giao thông dù rằng giảm thiểu tử vong đòi hỏi nhiều biện pháp khác
trong nhiều năm nữa) với chương trình mang máy ghi hình cá nhân (helmet cam, body cam) và “up” băng ghi hình để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”? Việc này nếu cần sẽ đi đôi với việc điều tiết quỹ phạt vi phạm giao thông để đảm bảo cuộc sống xứng đáng cho các anh?
Vĩnh Thức (vinh.v.thuc@gmail.com)
Kỳ tới: những vấn đề quản lý xã hội khác, so sánh giữa xã hội đã phát triển và đang phát triển để tìm ra bài học chung.

Vĩnh Thức
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét