Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Giới thiệu sách: Chết Dưới Tay Trung Quốc

DeathByChina145x209
Chúng tôi vừa nhận được cuốn sách Chết Dưới Tay Trung Quốc, bản dịch của tiến sĩ Lê Minh Thịnh và bằng hữu, từ cuốn Death By China của hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry.
Tiến sĩ Lê Minh Thịnh đã cùng các bạn hữu là các cựu sinh viên Viện Kỹ Thuật Á Châu ( Asian Institute of Technology-AIT), dịch thuật, hiệu đính và biên tập để người Việt chúng ta , dù đủ khả năng Anh ngữ, cũng  có thể nhận thức  được tầm quan trọng của “Cái chết dưới tay Trung Quốc”.
Cuốn sách được ấn hành lần thứ nhất ở Canada vào tháng 12 năm 2013.
Xin ân cần giới thiệu cuốn sách với quý độc giả của Thời Báo
Quý vị độc giả muốn liên lạc với tác giả xin qua địa chỉ:
Ts. Lê Minh Thịnh, Giám đốc Điều hành
phụ trách Ban Thông-tin
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal
Trang mạng: www.vietnam.ca
Điện thư: thinh.m.le@gmail.com
Lời giới thiệu của bác sĩ Từ Uyên ở Montreal:
“Trung quốc từ ngàn xưa, ngay từ thời Tần Thủy Hoàng, đã có tham vọng trở thành bá chủ thế giới. Với danh xưng Trung quốc, họ nghĩ là sớm muộn gì, họ cũng sẽ là trung tâm của hành tinh này. Tuy nhiên ý định này chưa thành, thì các chư hầu phản ứng lại và Trung quốc bị xâm chiếm  bởi các sắc tộc bi coi như là man di. Nào là Mông Cổ, nào là Mãn Thanh đã thống trị Trung quốc trong  nhiều khoảng thời gian dài.
Từ khi tư tưởng cộng sản được du nhập vào Trung quốc, đảng cộng sản đã thanh trừng, tiêu diệt cả trăm triệu dân, và sau này qua việc thay đổi chiến lược của Đặng Tiểu Bình và những lãnh tụ thừa kế, tuy vẫn dùng độc tài đảng trị và thủ tiêu đối lập, nhưng Trung quốc ngày nay đang trở nên hùng mạnh và bắt đầu manh tâm làm bá chủ thế giới một lần nữa.”
Lời giới thiệu của ông Jon Gallinetti – Thiếu tướng, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đã về hưu
“Tôi đã từ lâu quan tâm đến thách thức quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, nhưng Chết dưới tay Trung Quốc tiết lộ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc hiệp đồng tấn công trên nhiều mặt trận. Các tác giả đưa ra các tài liệu về phương cách Bắc Kinh dùng những vũ khí kinh tế của giới con buôn, thao túng tiền tệ, phối hợp với hoạt động gián điệp, chiến tranh internet, vũ khí không gian, độc quyền nguồn tài nguyên, và ăn cắp kỹ thuật để đạt được sự thống trị như thế nào. Trong quá trình này, các thế mạnh kinh tế và địa chính trị căn bản làm nền tảng cho ưu thế quân sự của Hoa Kỳ đang bị xói mòn một cách có hệ thống trong khi Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng hơn trong các tranh chấp trong khu vực. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Tây phương nên đọc cuốn sách này. Ngay bây giờ!”
Lời mở đầu cuốn sách của Tiến sĩ Lê Minh Thịnh
“Death by China hay Chết dưới tay Trung Quốc được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro và đồng sự Greg Autry. Phiên bản điện tử của quyển sách 320 trang này đã thống kê một cách cặn kẽ những chiêu thức xã hội, kinh tế, tài chánh, và quân sự của Trung Quốc đã lấy đi hàng chục triệu việc làm của Hoa Kỳ cùng mới 5 hiểm họa quân sự mà Hoa Kỳ và thế giới tự do phải đối đầu trong những thập niên tới. Gs. Navarro cũng phản biện mạnh mẽ những ý kiến của Thomas Friedman về thuyết “Thế giới phẳng”. Ông cho rằng thế giới quả thật sự phẳng chỉ khi các quốc gia cùng tuân thủ một luật lệ chung. Trung Quốc không phải là trường hợp này.
Chúng tôi, trong điều kiện làm việc hạn hẹp về thời gian và tài chính, cùng với quý bằng hữu khắp nơi mà chúng tôi không được phép nêu tên vì lý do gia cảnh và an ninh đã khởi đầu việc dịch thuật cuốn Death by China với sự đồng ý của Gs. Peter Navarro. Chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị bản dịch này, lần lượt theo sức có hạn, và theo nguyện vọng của quý bằng hữu là làm sao chuyển đến càng đông người đọc càng tốt, trong đó có đồng bào quốc nội và hải ngoại. Và nếu có thể, chúng ta giới thiệu nguyên tác bằng Anh ngữ đến những người bạn ngoại quốc, chính khách ngoại quốc quan tâm đến Việt Nam trong bối cảnh lịch sử thế giới hiện đại.
Nếu chúng tôi có sai phạm về ngôn ngữ, ý tưởng, mong quý vị thông cảm, và gửi ý kiến xây dựng để chúng tôi hoàn thiện. Quý vị cũng sẽ có thể tìm thấy trên mạng một vài bản Việt ngữ với ngôn từ hơi khác biệt và nội dung đầy đủ hay tóm lược. Trong bản Việt ngữ của chúng tôi, chúng tôi cố gắng dùng từ ngữ mà đồng bào hải ngoại thường dùng, đồng thời, khi ra sách, chúng tôi sẽ thêm phần phụ lục từ ngữ Anh – Việt cũng như phiên âm Hoa – Việt để tiện tra cứu.
Mong quý vị và các bạn ủng hộ nhiệt tình.
Kính thư,”
Những nhận định của ông Baiqiao Tang (Đường Bách Kiều), người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn và là đồng tác giả của cuốn “Hai nước Trung quốc của tôi: Hồi ký của một tên phản cách mạng Trung Quốc”.
“Vào cuối những năm 1980, Trung Quốc ở trong tình trạng đầy phấn khích và đầy khả năng khi mà các luồng tư tưởng mới, quyền tự do cá nhân, và các cơ hội kinh tế chảy ồ ạt vào từ Tây phương như một dòng sông cuốn đi những rác rưởi của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao khởi xướng.
Trong những năm đầy hy vọng này, tôi là thành viên của một nhóm các lãnh đạo sinh viên trẻ đứng ra kêu gọi cải cách chính trị để hợp với tư duy mới và đưa Trung Quốc đàng hoàng vào với thế giới hiện đại. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình và đọc diễn văn tại các trường học và các quảng trường trên khắp đất nước, và chúng tôi nhiệt thành tin rằng giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ lắng nghe. Thay vào đó, phong trào của chúng tôi đã bị nghiền nát bằng làn súng xe tăng và những sự kiện bi thảm ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, mà rất nhiều bạn đã kinh hoàng thấy trên TV.
Ngày đó, nhiều thứ bị mất đi – không những chỉ mất mạng sống của rất nhiều người Trung Quốc dũng cảm mà chúng ta khóc thương mà còn mất cơ hội có một không hai để được sống tự do trong một Trung Quốc dân chủ với tương lai tươi sáng lạn nhất
Không lâu sau cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, tôi bị bắt giam, và cộng với hàng ngàn người biểu tình khác, đã phải chịu nhiều tháng bị tra tấn và ngược đãi. Trong thời kỳ đen tối này, tại nhiều nơi cực kỳ đen tối (hắc ám) khác nhau, nhiều bạn bè tôi đã chết; và cho đến hôm nay, một số nạn nhân Thiên An Môn còn sống sót vẫn đang còn bị lưu đày trong tù ngục hay trong các trại cưỡng bức lao động.
Buồn thay, cả một thế hệ mới của thanh niên Trung Quốc chẳng biết điều gì đã xảy ra tại Thiên An Môn. Trong khi chúng ta sống ở Tây phương có thể tự do xem các đoạn video và hình ảnh trên mạng Internet liên quan đến vụ thảm sát, thì toàn bộ các tài liệu đó đã bị “tẩy rửa” theo đúng lễ nghi quan cách khỏi mạng Internet ở Trung Quốc bằng một đội quân kiểm duyệt hùng hậu.

Cho đến nay tôi đã trải qua nửa đời người chiến đấu chống lại sự kiểm duyệt đó và đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, tôi nhiệt thành tin rằng bất cứ ai có lý trí ở bên ngoài Trung Quốc phải hiểu rõ được điều này:
Hơn hai thập niên sau sự kiện Thiên An Môn, con hổ toàn trị vẫn không hề thay đổi các sọc vằn của nó. Thực vậy, khác hẳn với các quốc gia đã ổn định, sự chi tiêu của Trung Quốc cho công an và kiểm soát xã hội hiện đang ngày càng tăng, nhanh hơn cả ngân sách quốc phòng vốn đã tăng vùn vụt của Trung Quốc!
Tôi thấy thật là điều mỉa mai hay đáng phẫn nộ khi thấy rằng chính nhiều quan chức đảng Cộng sản ngày xưa đã giám sát việc đánh đập, bỏ tù, và giết hại các bạn sinh viên của tôi trong sự kiện Thiên An Môn nay lại điều khiển sự bức hại không thương xót đối với các tín đồ tôn giáo như Pháp Luân Công (Falun Gong) và sự đàn áp tàn nhẫn các dân tộc thiểu số hòa bình như người Tây Tạng (Tibetants) và người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs). Cũng chính đảng Cộng sản Trung Quốc đã cấp thời đàn áp mọi phong trào đối kháng chính trị như bản Tuyên ngôn Hiến chương 08 và Phong trào Cách mạng Hoa Lài đang lên. Chỉ có một thay đổi là bè lũ cầm quyền của thế kỷ mới này – hơn bao giờ hết – xảo quyệt hơn, lén lút hơn, và dùng kỹ thuật tinh vi hơn.
Ngày nay, khi tôi đang sống thoải mái, an toàn, và tự do ở thành phố New York, tôi có thể hiểu được tại sao những người Tây phương lại khó có thể thấy rõ rằng đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm – cho cả cho nhân dân Trung Quốc lẫn những dân tộc khác thế giới. Xét cho cùng, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh trông có vẻ rất dễ mến trên TV, và ngày nay theo một chiến lược định sẵn họ cố gắng không lải nhải chống Tây phương như thời của Mao.
Nhưng sự thật là sự thật, và chân lý vẫn là chân lý. Và khi các trang sách này lần lượt được mở ra, bạn sẽ đối mặt với từ sự thật này đến sự thật rành rành khác rằng kẻ cai trị ở Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp hung bạo những tiếng nói của chính người dân Trung Quốc ngay cả khi họ – một cách có hệ thống – làm tràn ngập thế giới bằng các hàng hóa nguy hiểm, sử dụng một loạt các vũ khí tác hại của chủ nghĩa con buôn và chủ nghĩa bảo hộ để hủy hoại nền kinh tế của Hoa Kỳ và Tây phương, và nhanh chóng trang bị vũ trang bằng những hệ thống vũ khí tốt nhất mà mạng lưới gián điệp tinh vi của họ có thể ăn cắp được từ Ngũ Giác Đài.
Tôi cũng có thể hiểu tại sao những sự thực phũ phàng khiến cho ta thức tỉnh này lại có thể không ăn nhập gì với kinh nghiệm cá nhân của bạn. Khi du lịch đến Trung quốc, bạn có thể đã có một chuyến đi vui thích xuôi dòng Dương Tử, bị mê hoặc bởi đạo quân đất nung tại lăng Tần Thủy Hoàng, hứng khởi bước dọc theo Vạn Lý Trường Thành, hay bị hoàn toàn thu hút bởi Tử Cấm Thành. Hoặc thậm chí bạn có thể là một giám đốc kinh doanh người Mỹ ở Thượng Hải hay Thâm Quyến kiếm được bộn tiền và được thiết đãi các bữa tiệc thịnh soạn mà chẳng có lý do ngoài việc ngắm bầu trời trong xanh và một con đường gạch vàng trước mặt. Đáng tiếc là, hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nhìn thấy một mặt khác của Trung Quốc và người dân Trung Quốc đã phải trả giá như thế nào cho tất cả sự “tiến bộ” này với một hệ thống sinh thái bị hủy hoại tàn khốc, tham nhũng, bất công xã hội, nhân quyền bị xâm phạm, thực phẩm độc hại, và quan trọng nhất là sự băng hoại tâm hồn con người.
Mặc dù tôi nhớ Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ đã trở thành mái nhà thân yêu thứ hai của tôi; và sự hỗ trợ của người vợ đẹp cho tôi thấy hằng ngày rằng tại sao Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Tôi cũng thấy sức mạnh này ở rất nhiều điều nhỏ bé ở Hoa Kỳ, ví dụ như dòng chữ trên bửng xe hơi: “Tự do không phải miễn phí” (Freedom is not free).
Cá nhân tôi biết rất rõ câu nói trên là thật đến thế nào. Tôi cũng biết rằng cái giá của tự do không phải lúc nào cũng đánh nhau bằng quân sự. Mà nó còn bao gồm những sự hy sinh cá nhân, chính trị và kinh tế để tranh đấu một cách hòa bình cho các quyền con người và dám bảo vệ những nguyên tắc tự do và dân chủ.
Sẽ không bao giờ là một sự lựa chọn sai lầm khi đòi hỏi rằng chúng ta phải sống xứng đáng với những nguyên tắc ấy như hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đã nêu ra trong cuốn sách gây xúc động sâu xa này. Chính điều đó giải thích tại sao đã đến lúc các công dân của thế giới phải thực sự đứng về phía nhân dân Trung Quốc – chứ không phải là về phía chế độ hà khắc và lỗi thời dã man đang cai trị họ. Nếu có một sự thật vĩnh viễn còn nổi bật lên sau sự kiện Thiên An Môn, thì sự thật đó là chỉ có một nước Trung Quốc tự do và dân chủ mới có thể làm lợi cho thế giới.
Nguyễn Tuấn Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét