Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Những hạt đậu đen (Tiếp theo và hết)



Hai

 - Chú à, bây giờ người mới thay đổi quy chế thông quan, hàng gia công xuất khẩu thay vì mời kiểm hóa hàng theo đơn hàng, theo tờ khai thì phải rà soát định mức, duyệt xét lại các danh mục đã khai… Cái ông tướng hải quan mới tới làm trưởng phòng khó quá. Ba ngày rồi lên xuống trình báo, đủ thứ giấy tờ lão cũng không xác nhận cho hàng xuất kho cho kịp tàu. Ba mươi công nhân bốc xếp nằm chờ chực tại kho công ty, xecông-ten-nơ đã đăng kí, công an giao thông đường vào cảng cũng mua đuờng rồi… chỉ chờ trưởng phòng Giám Quản hải quan ký duyệt.

- Ông ấy còn đòi gì nữa, cứ theo lệ chung chi mỗi công-ten-nơ 20 phít bao nhiêu, công 40 phit bao nhiêu thì cháu cứ tự động quyết đi.

- Lo đâu đó hết rồi mà lão vẫn không chịu, nhất định đòi gặp người thay mặt công ty ký vào tờ khai này. Con có nói Giám đốc đi vắng nên chú là phó ký thay, lão hẹn gặp chú sáng mai mà tối mai tàu chạy, khi mà chú gặp lão, nếu không giải quyết xong thì lại tốn thêm một lố tiền nữa phải chạy nộp cho công an giao thông vì xe công-ten-nơ chạy ngoài giờ quy định, hơn nữa tám công hàng bốn mươi phít thì công nhân sức đâu mà chất kịp, tội nghiệp bọn họ ăn ngủ chờ chực mấy ngày rồi…

- Được rồi, để sớm mai chú lên thử xem.

 Tôi bước vào gặp Trưởng phòng Giám Quản hải quan. Hai dãy ghế xếp trước phòng, mỗi người cầm xấp giấy tờ dày cộm thấp thỏm chờ. Cậu nhân viên của công ty tôi sốt ruột nhấp nhỏm nhìn cánh cửa khép kín. Rồi cũng đến phiên gọi tên công ty tôi, tôi và cậu nhân viên bước vào. Một người bệ vệ ngồi lút sâu trong ghế bành da, cắm cúi gạch gạch, sổ sổ trên xấp giấy trước mắt, không ngước mặt lên nhìn, nói như ra lệnh cho cậu nhân viên tôi:
- Anh đưa giấy tờ đây để tôi ký duyệt, về lo kiểm hóa gấp mới kịp chuyến tàu tối nay. Còn phó giám đốc công ty ngồi đấy chờ tôi làm việc, về sau.

 Tôi ngồi xuống chờ, mấy phút trôi qua. Ông trưởng phòng ngưng công việc, nhìn tôi qua đôi kính gọng vàng, giọng Bắc chắc nịch ấm và rền:
 - Thật sự bác không nhận ra tôi sao? Ông ta nhíu mày cười thân thiện.

Tôi ngớ người nhìn vào mái tóc dày đậm, cặp kính gọng vàng sáng bóng trên khuôn mặt phệ. Nhìn vào cặp mày sậm cắt ngang khuôn mặt và đôi mắt nhỏ hấp háy sau đôi kính, tôi mơ hồ nhận ra.

- Em là Lê Viễn Thông đây mà, bác không nhận ra em sao?

- A, chú Thông trại heo giống Dak Kô, tôi mừng rỡ nhận ra gã, cái anh chàng ”nòng nợn nuộc” ngày nào trên huyện phố núi heo hút.

 Gã đứng dậy, cười híp mắt vồ vập ôm lấy tôi, vỗ đồm độp vào lưng:
 - Ồ, dễ ra đã gần hai mươi năm rồi bác nhở.

 - Ah, a… đúng, gần hai mươi năm rồi chú Thông!

Gã hể hả nói cười, gã vui mừng kể lể huyên thuyên, không đầu, không đuôi. Nối liền những mảnh rời, khi vui quá, gã kể chẳng có mạch lạc, tôi được biết sau thời gian tôi đổi công tác xa, thì gã cũng đã đưa gia đình về tỉnh. Trại heo ngáp ngáp đâu vài năm sau thì giải thể vì thua lỗ không gượng nổi. Con đường tiến thân của gã lên vù vù nhờ cái dù ông anh bà chị, nhờ tài thăm dò ý muốn thượng cấp và ráp nối các chuỗi ân huệ bất tận. Đôi bàn tay đen, thô của gã nắm chặt tay tôi lúc lắc theo nhịp nói vồn vã:
 - Bác biết rồi đấy, sau khi bác đi về huyện phía bắc thì em vẫn thường liên lạc với bác Sính ở tổ đời sống của đội xe. Bác ấy lành thật! Xí nghiệp heo teo dần và chờ ngày giải thể, bệnh heo ”lắc đầu” bớt dần; nhưng sau vài năm xử lý nội bộ, cũng quá nửa bầy heo thịt lại ra đi. Em rời xí nghiệp khi nó ngoắc ngoải chết, bán căn hộ và vườn đất nơi bác hay ghé nhà em đấy, em lên tỉnh sau khi xong cái đại học tại chức.

 - Thế cô Hường và ba cháu nhỏ thế nào rồi?

 - Cũng nhờ ông anh bà chị em trên tỉnh, nhà em được chuyển về làm tạp vụ Văn phòng tỉnh, còn cháu Mến đã lập gia đình, có một con, hiện cháu là bác sĩ theo chồng về làm việc ở bệnh viện Nha Trang.

 - Ngày ấy tôi nghe bác Sính nói cháu Mến được tỉnh cử đi học đại học y tế cộng đồng, tình nguyện về nơi núi rừng xa của bà con Ra dê mà?

 - Lại bác nữa! Bao năm bác vẫn vậy! Thì ta phải tìm thang tre mà leo lên, nhưng khi đã lên cao rồi thì bỏ thang tre mà đi cầu thang bê-tông lầu cao tầng chứ lị. Cái dù ông bác Phòng Tổ chức đâu mà cháu gái phải về nơi khỉ ho cò gáy! – Gã nhíu mắt nhìn tôi cười, nói tiếp. – Bây giờ thì vợ chồng em và hai cháu trai đều về thành phố được năm năm rồi. Hai cháu trai, một đứa đang trung học tại đây, cháu Thọ ngày ấy nay du học, học bổng đi Đức, ngành lâm nghiệp.

  - Từ ngày ấy, tôi chẳng hay biết gì về chú, chú Thông ạ.

  - Làm sao mà bác biết được. Tôi ngạc nhiên khi thấy tên bác ký vào giấy tờ thông quan, nếu cứ như mọi lần ông Giám Đốc của bác ký thì làm sao anh em mình gặp nhau. Đâu ngờ bác nhỉ? Thế bác bỏ tay lái cát đá từ bao giờ?

 - Đời người chỉ như ngọn cỏ gió lùa. Khi xét biên chế thì tôi gốc là lính cộng hòa, lý lịch xấu, bị loại ra. Người ta thực hiện đúng kế hoạch trong sạch hóa hàng ngũ … Tôi thất nghiệp, về đây lang bang sống nhờ nhà vợ bán hàng chạy tem phiếu. Thế rồi đến thời mở cửa cho kinh tế tư nhân, tôi được cho vô làm phụ bà con bên vợ, sống qua ngày. Mấy người bên họ nhà vợ, người Hoa Chợ Lớn thành lập công ty gia công túi xách và giày dép xuất khẩu, họ có chồng con ở Hồng Kông, có nhà xưởng sản xuất bên ấy. Người Tàu có máu làm ăn, truyền thống của họ là đánh hơi ra nơi nào làm ra tiền.  Họ thấy  nơi nào có nhân công giá rẻ, có nhà nước kêu gọi đầu tư bằng chính sách thuế, là họ mang dàn máy móc cũ, khách hàng cũ, sản phẩm cũ cho một giá sản xuất rẻ mạt ở nơi mới… Mình cũng chỉ là nhân công chạy gạo, làm đầy tớ có-hia-có-mão thôi mà!

 - Em biết, em biết tất. Bao công ty, nhà hàng có cái vỏ Việt vậy thôi, chứ trong ruột không Tây, Mỹ thì cũng là Tàu, là Thái tuốt tuột cả thôi mà. Mấy mươi năm mài răng đánh đấm là chính, biết gì đâu mà quản lý kinh tế thị trường. Ôi, cứ nhìn như em đây thì bác biết toỏng, trường làng chữ nghĩa chưa được một chén, rồi gặp thời lên bổ túc trung cấp, rồi tại chức đại học, quấy quá chạy chọt quen biết mua tấm bằng kiếm cơm. Đã không biết gì mà chễm chệ ở Cảng Vụ từ Qui Nhơn, Nha Trang, Bà Rịa Vũng Tàu, rồi nay Thành phố…

Gọi là biết để hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất thì chẳng ai biết gì, nhưng biết làm khó để hạch sách kiếm tiền thì thằng nào cũng sành, vị trí nào cơ quan nào cũng có bài của nó tất. Tay nào liêm chính vào cái dây chuyền nhũng nhiễu này thì sẽ tự động bị loại. Nó không lấy dưới chung trên thì chẳng ai cho nó ngồi đó cả. Đấy, như hôm nay, làm sao để giúp bác gia công nuôi cả ngàn công nhân? Em chẳng biết phải làm gì, nhưng chỉ cần nhíu mắt, gằn giọng thì bác chạy có cờ… Hôm nay em bảo đảm bác cũng cò kè lên nộp em mười vé phải không nào? 

- Đúng, chú tinh thật, anh định lên sẽ gởi trưởng phòng mươi triệu xin duyệt cho… kẻo không thì bị phạt còn khốn hơn! May quá, anh gặp chú.

Nói chuyện với tôi, gã thẳng thừng ruột ngựa, nói toẹt về cái xấu của mình mà không ngượng mồm. Chỉ năm ba câu sắc gọn, như người xài đoản đao, gã đã xoáy gọn cái nhìn sắc bén vào hoạt động của gã và mọi hướng chung quanh mình:
- Làm quái gì có thứ lý tưởng nửa vời bác nhỉ; trai gái thương nhau rần rật, ôm nhau rần rật, mà cứ luôn mồm: “Anh chỉ ôm thôi, chỉ vuốt ve thôi!” Chúng mình chỉ có tình yêu lý tưởng thôi… phét, láo cả! Bởi thế làm quái gì có thứ kinh tế thị trường định hướng này nọ. Không tưởng! Hoặc là phét, hoặc là bệnh thần kinh, hoặc chỉ là chiêu dụ khị đánh lừa kẻ ngây thơ. Đã làm kinh doanh thì tranh nhau hơn thua về lợi nhuận, mà muốn thế thì cạnh tranh sao cho có sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ tốt, giá cả tốt, tiếp thị quảng cáo tốt. Họ bảo kinh tế thị trường bởi cạnh tranh nên tàn sát nhau, bóc lột nhau, phi nhân bản... nên trước sau gì rồi bọn tư bản cũng lăn quay ra dẫy chết tất! Còn lâu, vẫn cứ lải nhải cái chuyện tư bản thời thế kỉ 19, cái thời làm giàu nhờ bóc lột sức lao động đã ra rìa đời tám hoánh nào rồi. Bọn tư bản, chúng sẽ dựng tượng cảm ơn ông tổ Mác-Ănghen của các ngài. Bọn chúng nhờ biết lắng nghe phê phán mà họ sửa đổi để hòan thiện hơn, đổi thay để nhân bản hơn những kẻ thù muốn tiêu diệt mình. Thế nên tay thì ôm kinh tế thị trường mà lòng chỉ chực có cơ hội là lấy hết không bỏ sót, rồi quay về cái định hướng xa vời vợi đó. Tranh nhau hơn thua kiếm lợi nhuận trong kinh tế thị trường có gì xấu nào? Luật pháp nghiêm, kiểm soát tốt, quang minh trong quản lý, thông qua tự do ngôn luận để có hàng ngàn mắt lưới kiểm tra hành vi công quyền… Còn bác thấy bây giờ thì sao nào?  Cái thứ kinh tế quái thai “lại cái” này là ổ tham nhũng, không minh bạch: Sau bao nhiêu năm nghiến răng nghiến lợi sống trong khốn cùng, có muốn tham thì cũng chẳng có gì mà tham, ngoài vài ưu quyền nhỏ nhoi giữa mọi người xác xơ nghèo đói, như mấy tay chủ nhiệm hợp tác xã có nhũng nhiễu chỉ vài cân thóc, bữa đám giỗ. So ra, đáng gì với cái thời “lại cái” này, nó bán cả nước cũng nhơn nhơn là yêu nước cơ đấy. Làm gì nhau nào!

Nó ôm doanh nghiệp nhà nước, cái gì béo bở thì ngài thủ trưởng đưa hết về công ty tư nhân sân saucủa đồng bọn, cái gì xương xẩu khó nuốt thì lại nhận cho xí nghiệp nhà nước, hàng hóa làm từ công ty sân sauhư, bị trả thì tìm cách ảo thuật đổi hàng: Hư là của doanh nghiệp nhà nước, tốt là của công ty sân sau…Trời ạ, chúng làm ăn thế mà doanh nghiệp nhà nước không phá sản mới là lạ. Loại hình kinh tế bán-nam bán-nữnày là hũ mắm đầy dòi, mà lý lẽ duy nhất để cái hũ yên vị tồn tại mà không chùi rửa sạch được là bởi quyền quyết định sự tồn tại của hũ mắm lại là  quyền của lũ dòi lúc nhúc nằm phè trong hũ mắm.

- Lâu rồi, gặp bác là nhớ cả một thời cơ hàn, gần hai mươi năm rồi còn gì, hôm nay em thật là vui. Công việc là trước tiên, việc gì bác cần, đã giải quyết xong. Bác còn cần gì nữa không?

 - Thì chú cũng biết đó thôi, hàng công ty anh chưa thông quan được cũng vì mấy cái zíp kéo. Nay chú đã ký cho thông quan, coi như xong.

 - Thật ra đó là bài toán đánh đố, túi xách, áo quần giày dép gia công ở thị trường mỗi ngày mỗi đổi mốt, thay kiểu cách thì phải thay nguyên vật liệu, vậy mà các quan ta nhốt cái đổi thay sống động đó vào danh mụcba-mươi-hai loại nguyên liệu gia công ra cái túi xách; hay sáu-mươi-bốn loại cho đôi giày. Luật của ta cái gì cũng có, cái gì cũng nửa vời, giải thích kiểu gì cũng được bởi hàng ngàn thông tư, quyết định dưới luật. Mà ai xét cho cái đúng sai trong hoạt động kinh tế thị trường? Có luật mà không có luật sư bào chữa, có nghề mà không có hội-ngành-nghề bảo vệ, có miệng mà không được nói, mà nói ai thèm nghe… Các hội-nghề-nghiệpđều… có đủ, đó là văn phòng nuôi vài công chức quốc doanh, họ đâu có trách nhiệm bảo vệ các hội viên doanh nghiệp trước sự mè nheo, gầm rú của linh cẩu và kền kền trên đường xua đuổi con mồi cho đến gục ngã và bị phân thây?  Cũng từ đó có cái nghề chạy cho ra các loại thông tư, hướng dẫn, quyết định từ bộ, cục, địa phương sao cho phù hợp với ý đồ và khẩu vị của người đặt hàng. Chúng thâu tóm đất rồi chạy qui hoạch, chúng vẽ hàng ngàn đường cho hươu chạy vào rọ, rồi thúc trống truy đuổi hươu. Tựu trung cũng bởi dốt về chuyên môn và quản lý; tham lam mà độc quyền và trên hết mọi sự là hoạt động công không quang minh: Nơi ẩm thấp, càng thiếu ánh sáng sẽ là ổ của vi trùng và dòi bọ!

Còn nói về những nhà sản xuất của mình. Bác ơi, năm năm qua thằng em bác ngồi ghế hải quan từ cảng Qui Nhơn, đến Vũng Tàu, Thành Phố… đi từ nhân viên kiểm hóa đến xét duyệt định mức, đến xử lý các sai phạm… em biết tất, em hiểu tất, chúng ta cả nước này không khéo chỉ là miếng mồi ngon của cái lưới lồng lộng văn hóa  “kinh-tế du-cư” của Chệt. Người Hoa họ rải khắp năm châu bốn biển đã bao thế kỷ trước, họ vẫn quần cư tại nơi đến, họ vẫn giữ tập quán và ngôn ngữ. Tinh thần dân tộc nối kết họ lại dù xa, dù gần. Nay, có internet, có kinh tế toàn cầu hóa, có hệ thông siêu thị, đó là mây cho rồng bay, ba tàu sẽ phát huy hết sức bật cho bác xem. Họ chỉ cần nhấp chuột là nối liền mạng tiêu thụ, mạng lưới sản xuất nguyên vật liệu và lao động nghèo tất cả các nước sẽ làm công giá rẻ cho họ, sẽ là thị trường béo bở tiêu thụ hàng hóa của họ. Họ là công dân nhiều nước khác nhau về lý thuyết, nhưng họ có một nền văn hóa dân tộc chung, công ty nước này mua bán với nước kia chỉ là hình thức pháp lý của họ với nhau. Sản xuất, gia công, mua nguyên liệu… họ làm giá, họ hối lộ, họ chạy chính sách, họ tự phân vai chủ lớn, chủ bé bên ngoài, còn bên trong đều là trò lừa bịp có tính truyền thống bao đời nay của họ. Họ không xấu, họ tồn tại theo cách thức thương lái giang hồ bốn bể đã ngàn năm rồi. Một đất nước yếu, mà lắm kẻ hèn và tham ô nhũng nhiễu là mảnh đất màu mỡ cho Đại Hán bành trướng!  Huống hồ đất nước ta lại ở sát cạnh anh đại hán đầy mưu đồ ấy.

Ngồi nhìn gã loay hoay kí xoành xoạch, làm mặt nghiêm, gằn giọng rồi thoắt thản nhiên tém bao thư hất xuống hộc bàn điệu nghệ như vũ nữ ba lê khoát tay cúi sát chào khán giả. Chỉ trong một chốc gã đã giải quyết hết số hồ sơ trên bàn, rồi gã mở tủ lấy ra chai rượu Whisky Chivas 18, gọi nhân viên bảo tài xế đến đưa tôi và gã đi .

 - Này, hôm nay anh đi với ông anh kết nghĩa, gã cao giọng, các chú cứ làm việc, có gì khẩn thì điện anh, ai hỏi bảo anh đi công tác.

 - Hôm nay thì anh em mình cưa chai này, kỷ niệm hội ngộ, uống để nhớ mấy ly đế trắng sơ giao với “nòng nợn nuộc” ngày nào bác nhá. Gã luôn thích tự hài hước giọng nói quê của mình khi mới vào Nam.

  Tôi và gã ngồi trên chiếc xe đen bóng, bảng số nhà nước, chạy về hướng Thủ Đức. Tôi nhìn gã ngồi dựa ngửa, bụng tròn lưỡng nặng nề, khuôn mặt đen gân guốc ngày nào bây giờ phì ra, tai tái bủng, làm những chấm rỗ hoa ngày nào nay mum múm như vỏ cam sành. Gã xúc động vì tình cảm thật sự với tôi, vì tôi là nhân chứng sống cho cả một quá trình vượt khó đi lên của gã và gia đình. Có thể gã cũng có vẻ ngượng, chột dạ khi ngoái nhìn lại những bước đi thần kỳ của mình. Bàn tay thô đen múp những thịt của gã cầm lấy tay tôi siết chặt, vừa nói vừa lắc như nổi vui hồn nhiên của một người trẻ tuổi:
 - Em rất quí bác, ngày ở Trại heo không có bác chịu khó giúp hai vợ chồng em săn đón quà cáp hằng tuần cho ông anh, bà chị em và các ông bà các sở, thì em đâu có tận dụng nó mà leo lên. Tối qua em nói với vợ em thấy tên bác trong hồ sơ thông quan hàng gia công, họ và tên của bác khó mà có người trùng, y như rằng!  Vợ em nghe, nó mừng lắm, còn nhớ vợ em mang cái bụng chửa lặc lè ngồi ca bin xe bác lên tỉnh khám thai, ôi cái thằng con trai Út  khi sinh ra đâu giáp tháng là bác chuyển đi đấy. Bây giờ nó học năm cuối trung học ở đây, thằng Thọ thì nay có học bổng đi Đức học về lâm nghiệp. Thấy bác là vợ chồng em nhớ lại cả đoạn đường gian truân, chen chân tìm cách đi lên, cách tồn tại… và bác cứ nhìn bọn em là hiểu ra cả triệu người Bắc vào Nam sau năm bảy-lăm, mỗi người một lối, chen nhau tìm chỗ đứng, chỗ đổi đời trong Nam này. Bác là chỗ anh em với gia đình em, bác đã gặp em từ đầu, vậy mà bây giờ… thế này, khó mà tin được bác nhỉ. Phải chi em tài ba, học hành đến nơi đến chốn, một lòng tận tụy vì dân vì nước cho cam. Tụi này bơi trong một dòng chảy mới, trong cơ hội đổi mới nửa vời này, như em đã nói chuột không ra chuột, dơi chẳng ra dơi. Đổi mới kiểu kinh tế thị trường định hướng này nọ, nó như con sâu lột kén nửa chừng, cánh thì xập xình đập, thân còn dính sát rát rạt vào vỏ kén, bay không lên, rút vào không xong, ngước nhìn thì thấy bao cánh bướm các nước quanh ta nhẹ nhàng bay, sao nó đẹp thế. Thực ra đổi mới kiểu này chỉ tổ là cái ổ mối mọt. 

  - Nè, gã nói với tay tài xế, cháu chở hai chú đến quán Bạch Dương quen thuộc, mang chai rượu lên phòng lạnh trên lầu, bảo tụi tiếp viên hôm nay để chú yên nói chuyện với ông anh. Xong cháu về cơ quan, khi nào cần về chú gọi.

Quán là một biệt thự hai tầng nằm núp bóng dưới đám bạch đàn. Các em thấy khách đến ùa ra lố nhố móng đỏ môi hồng, rồi như có mật lệnh, họ rút yên, tôi cùng gã lên lầu ba. Các quán thế này nằm trong hệ thống dịch vụ tinh vi của từng ngành, chúng tôi vẫn thường nghe nhân viên giao nhận nói đến quán Bạch Dương. Công an giao thông, nhà đất, lương thực, trường dạy lái xe, học vụ… ngành nào có quán quen thuộc ngành đó, có dịch vụ xe cộ chuyên chở đó, để đưa anh Bảy, chú Ba đến công tác, đến kiểm tra, đi thư giãn…và chỗ ra giá, thỏa thuận, ăn chơi. Trăm việc, cuối cùng người chi tất là nhà sản xuất. Nhìn các cô gái thập thò rồi lẩn đi sau lệnh của gã, biết ngay gã là khách hàng quen thuộc của quán. Mỗi nhóm quan chức thuộc mỗi ngành trong thành phố này đều có những quán quen thuộc. Công ty nào rồi  cũng phải nuôi một vài nhân viên chuyên lo múa may, tìm hiểu ham muốn của các anh Bảy, anh Ba, chiều chuộng, chung chi, khổ nhục nuông chiều đám quan chức.

Gã nhíu mày cười hỏi tôi:
 - Em hỏi thực với bác chứ làm doanh nghiệp, bác có đi bia ôm với các quan chức chưa? Bác nghĩ thế nào về cái trò này? Hi hi, bác cứ thử nói em nghe.

Gã trầm ngâm:
- Này bác, có phải các trò sờ mó bia bọt này là trái ngọt đầu mùa của nền kinh tế tự do không bác? Bác sống trong Nam, trước kia có thứ này không bác? Gã lại tự trả lời.

- Có nước nào giá phụ nữ lại rẻ mạt thế này không bác? Bao công sức nuôi đứa con gái lớn mười tám đôi mươi, rồi đành để cho đám bệnh hoạn nó dày vò thân xác với mấy tờ “boa” năm chục, một trăm… Vừa uống vừa ôm vừa sờ mó, nói cười nham nhở, trên màn hình thì hát hò, em cứ hát hò, dưới bàn thì các anh các cụ tay trái tay phảỉ ló mó, lần mần …

- Hầy, chú Thông vẫn thế, dù đã bao năm trôi qua. Chú vẫn thích cào cấu vào những vết thương đầy mẩn ngứa của chính mình. Đau rát lắm chú ạ, thời thế nó vậy.

Tôi nhìn gã trầm ngâm cùng tôi uống mấy ly sec. Tôi biết tửu lượng của gã, ngày ấy, khi đối ẩm cùng tôi gã luôn miệng nói: “Em thích cách uống của bác, lặng lẽ đi theo mà tràn đầy tình, vê cốc rượu gọn, dứt khoát”.

Qua vài ly với mấy miếng sườn non nướng mọi chấm muối ớt, môi gã mấp máy như một ly nước sóng sánh chực tràn, gã muốn tâm sự điều gì. Tôi đánh tiếng trước:
- Rồi bà chị và ông anh Trưởng ban tổ chức tỉnh, nay chắc đã về hưu?

- Cả hai anh chị đã về hưu, con cái thì cậu trai lớn đi du học học bổng, nay đã về làm việc ở tỉnh, cô gái có chồng Hà Nội. Anh chị có căn biệt thự mua hóa giá, nay bán lại được hơn trăm cây. Rồi mua căn hộ lớn ở thành phố cho thuê, nói chung đó là khuôn mẫu thành công của một đời đi cách mạng về hưu an toàn.

 Gã uống cạn ly rượu, mắt đăm đăm nhìn ra cửa, nói như thì thầm biện bạch:
 - Bác nghĩ xem, cậu Út em bị bỏ đói chết ở đình làng vì không chịu tố gian cụ Chánh, năm 83 ông chú già ở làng bảo em bỏ làng mà đi đi, ông nói mày sống trong một khuôn mẫu mới, người ta đặt thế, nếu không chịu được thì đi đi, bất mãn, chửi rủa chỉ tổ hại thân, đi xứ khác mà sống theo kiểu của mày. Đi đi, tìm đường mà sống. Em nhớ, quần ống thấp ống cao, bỏ làng đi… Hình như chuyện này, xưa em kể với bác rồi. Đấy, bà chị họ, ông anh rể là những người vì lý tưởng xác lập một nền móng mới, họ chiến đấu và đã chiến thắng. Họ đã hy sinh cả đời cho các điều họ tin tưởng và họ xứng đáng có đuợc thứ họ cần. Nếu cả đất nước hy sinh mất mấy mươi năm để có thống nhất, có độc lập, rồi như thế này… chỉ mang đến áo cơm gạo tiền, điều kiện tiến thân cho một tầng lớp mới thay tầng lớp cũ và ước mơ công bằng xã hội còn xa vời vợi… Bác có hiểu biết gì nhiều, nói cho em nghe đi, biết bao gia đinh ly tán, mấy triệu con người từ Bắc đến Nam đã nằm xuống, cả một dân tộc thụt lùi lại so với  thế giới cả trăm năm, để làm gì vậy bác? Chẳng nhẽ, chỉ được có tiếng vĩ đại, anh hùng, đánh đuổi mấy thằng to nhất, lớn nhất, khốn nạn nhất nhân loại! Có phải thật vậy không bác? Năm 79 em súyt mất mạng ở Lũng Cú vì anh cả Tàu quí mến, em đã chứng kiến cảnh đàn anh đồng chí khát máu tàn sát, hiếp dâm không gớm tay cả đàn bà trẻ em, xác phơi đầy biên giới. Rồi ải Chi Lăng ngày nào, một nửa thác nước Bản Giốc, biển đảo Hoàng Sa… Tại sao ta lại vui vẻ, quí mến để người anh em chiếm đoạt? Sao vậy bác? Em làm việc tại các cảng vụ, đọc các tờ khai xuất nhập, đọc các vận đơn gian lận một cách hợp pháp về xuất xứ của người Hoa trong kinh doanh. Họ âm thầm ăn rỗng xương tủy nền kinh tế của ta bác ạ. Nhân danh cái gì mà để chuyện ngàn năm kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ độc lập của cả dân tộc phải thế này hả bác?  Có phải đây cũng là chuẩn đạo đức mới, như dẫu anh biết ông Cụ chánh trong làng không là người ác, nhưng nhất định tố gian buộc tội, đánh đến chết, có thế mới là người tốt trong chuẩn mới? Dẫu biết tổ quốc mất đất, mất dân nhưng vì là anh em đồng chí, cùng tiêu chuẩn đạo đức mới, nên câm lặng vui mừng mới là yêu nước?

Bác hỏi về ông anh rể và bà chị họ, làm em chạnh lòng nghĩ đến bản thân mình, nghĩ lan man đến chuyện đất nước. Từ em, em suy ra tất. Anh chị em, cũng như nhiều người đã chiến đấu và đã chiến thắng, họ đã hy sinh và họ đã xứng đáng thụ hưởng các thành quả đó. Nhưng những người đó được bố trí vào các vị trí, các chức vụ không phải là nhiều, biết bao người sau bao năm tháng hy sinh trở về là một công dân lương thiện, và họ ngao ngán khi chứng kiến thực tại! Không phải ai ai ở vào vị trí tốt đều bán rẻ lý tưởng và tham nhũng cả đâu.  Họ nhiệt tâm nhưng vụng về và dốt nát về quản lý nên khi ban phát ân huệ và quyền lực là kẽ hở lớn cho lòng tham và dục vọng của những người cơ hội. Những người xấu và bọn cơ hội thời nào, ở đâu mà không có. Sau 75, bọn cơ hội tiềm ẩn của chế độ từ Bắc vào, ở rừng ra cộng với bọn cơ-hội ba-mươi-tháng-tư trong Nam này nở rộ như đồng cỏ cháy gặp mưa. Anh chị của em như bao ông cách mạng khác, họ say sưa trên chiến thắng, họ đồng hóa cái lý của súng đạn, mưu lược, ngụy trang, lừa phỉnh của chiến đấu với quản lý xã hội, và quản lý kinh tế. Với họ quản lý xã hội dân sự, quản lý kinh tế cũng như đánh du kích, mọi cách đều được dùng miễn là thắng… Họ cũng chơi chiêu, chơi trò như thời chiến… nhưng đời sống thời bình và phát triển của xã hội không phải là việc du kích, phục kích, gài mìn… quản lý theo cách nới rộng rừng ra phố. Chắc bác còn nhớ, chỉ cần một động tác vô thưởng vô phạt, ông anh em thăm Trại heo, kéo em sát tai thì thầm về chuyện: “Chị mày dặn còn mấy ngày nữa có đám giổ, nhớ…” Vậy mà cũng từ đó thay đổi vận mệnh em, như anh thấy đấy. Từ cá nhân em, em suy ra, những người có quyền lực như anh chị của em, không phải không có nhiều người dựa vào quyền lực để tham nhũng, buôn quan bán tước; nhưng cũng có rất nhiều người tốt, sống giản dị, họ ban phát ân huệ như quán tính của người tiểu nông hàng xóm tốt bụng. Cái dốt nát và khờ khạo của họ trong ban phát ân huệ, nhận ân huệ bắc cầu cho biết bao hậu quả mà chính họ cũng không ngờ. Ông anh giúp cho em hoặc ai đó một lời chào chú Bảy, anh Ba thì biết bao là lợi lộc mà chính ông cũng không biết. Ông nói vài lời như khơi khơi với tay trưởng phòng nhà đất, thế là tay nọ vận dụng ít luật và thông tư, quyết định… trong rừng luật lệ để hóa giá cho ông căn biệt thự đắc địa với giá tượng trưng, hay cho người quen của ông anh miếng đất làm nhà có hai mặt tiền… rồi có cơ hội ông anh lại giúp cho con trai tay trưởng phòng nọ cơ hội tuyển thẳng đại học, cơ cấu nhân sự lãnh đạo tương lai vì hạt giống tốt; giúp ân huệ hay trả ơn ân huệ ban này, sở nọ vài cô chiêu, cậu ấm văn dốt vũ dát đi Tây, đi Mỹ vài năm sau đó đem tài năng về thay cha chú lãnh đạo đất nước! Em thấy họ quá tốt bụng để vô tình làm rất nhiều việc gây hậu quả xấu mà lòng họ vẫn thanh thản. Các ông cán lớn bé phân phát, trao đổi cho nhau ân huệ và quyền lực. Hàng triệu triệu các trao đổi nhân danh lý tưởng đồng chí, đồng giai cấp, đồng đội, đồng hương, đồng môn, đồng khóa… đã tạo nên tấm lưới phủ khắp khắp ân tình “ha hả” của người chiến thắng. Trận mưa móc ân huệ đó có thể có người lợi dụng, có người ngây thơ, trên một cái nền luật pháp phức tạp, giải thích kiểu gì cũng được. Luật pháp là sản phẩm của lý trí, nhưng áp dụng nó vào thực tế thì đầy cảm tính, tùy dụng ý của lắm người nhiều quyền lực, hoặc không biết luật.

 Đấy, anh chị của em là bước thang cho em có ngày hôm nay. Dĩ nhiên em phải có dụng tâm khai thác vị trí “em ông trưởng phòng tổ chức”. Anh chị ấy là người tốt nhưng dốt. Xã hội ta có cả trăm ngàn người như vậy, họ tốt quá với tinh thần tiểu nông, muôn ngàn thứ ân huệ họ vung vãi đã chận đứng biết bao cơ hội đi lên của những người trí thức, tài năng có thực học. Việc này khủng khiếp hơn thời phong kiến ở VN nhiều, luật lệ về “phạm húy” với triều đình xưa còn có chỗ cho trạng nguyên chân đất có tài làm tể tướng, chứ bây giờ người tài ở ngoài “hoàng tộc” thì chỉ có đứng bên rìa! Cả triệu dân nghèo, dân chiến bại, dân ngoài “hoàng tộc”… đâu có đường mà đi lên hả bác? Tấm lưới thiên la địa võng cho và nhận ân huệ đó tạo nên một triều đình phong kiến mới, đó là chiến hào mới bảo vệ “hoàng tộc” và đế chế đỏ...

   Đó là giai đoạn đầu của mối tình gượng giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch tập trung, khoảng mươi lăm năm. Nhưng đến nay thì đã khác hẳn. Thế hệ các người tốt từ tiền cách mạng hay chiến trường trở về đã qua. Thế hệ ấy phần lớn là nguồn trí thức giai đoạn cuối của Nho, giai đoạn đầu của Tây, hoặc những nông dân chân đất ngời ngời nghĩa khí thiết tha yêu nước. Nay thì thế hệ đó đã già nua và suy tàn. Thế hệ tiếp nối là lớp thế tử con cái các quan to đi học xa trở về liên kết nhau, thứ nữa là những con người ba-mươi-tháng-tư một thời giúp việc cho anh Ba anh Bảy, chúng lớn lên nhờ ân huệ đàn anh, nhưng chúng khác đàn anh, chúng là bọn thực dụng, chúng hiểu rõ giá trị khổng lồ của quyền lực và ân huệ được tính bằng tiền. Chúng tiếp cận và nhanh chóng học hỏi cái gian xảo của kinh tế tư bản nhiều hơn là tinh hoa của nền kinh tê tư bản! Đàn anh của chúng ban phát và nhận ân huệ thì nay chúng rao bán, dùng ân huệ đó mà lôi bè, kết cánh tạo nên thành từng mảng sâu bọ, bềnh bồng vật vờ trong đời sống xã hội. Ban đầu là trạng thái “dấm dúi”, “thậm thò thậm thụt”, như bác đã định chung cho em mươi triệu sáng nay vậy. Hi hi. Từ anh công an giao thông nhuần nhuyễn hất tờ bạc vào xắc-cốp khi đứng chốt kiểm tra, đến anh cán bộ quận hất lẹ vào hộc bàn khi chứng bản sao giấy tờ, đến anh bác sĩ làm bộ ngơ ngác khi người nhà bệnh nhân dúi vào túi áo bờ-lu… Ôi, mỗi ngành nghề tự khinh bỉ mình khi phải tự luyện cách để có những đồng tiền như vậy, phải biết dọa, biết đe, biết treo, biết nhử… tinh vi như anh chàng dùng nhựa mủ mít để bắt ve sầu, hay anh bán dầu rót dầu vào miệng chai mà không ra ngoài một giọt trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử.

Buớc xa hơn là ban phát vị trí làm ra tiền nhiều ít, thì có giá thấp cao; thế mới có cảnh mua quan bán chức. Bác ạ, người ta bảo tình cảnh đó là do kinh tế thị trường, chứ trước kia tất cả đều xếp hàng tem phiếu, thì làm gì cho có chỗ cho tham nhũng. Cái cảnh quê em ngày ấy, cuối đông cung cấp phiếu cho các hộ mua vải may quần áo mới cho lũ trẻ đón xuân, chỉ bán toàn một thứ vải trắng sọc xanh, sáng mùng một đón năm mới, cả làng, cả phố đâu đâu cũng nhan nhản màu trắng sọc xanh. Tức cười, có ai tranh nhau tham nhũng thêm vài mét vải trắng sọc xanh đâu bác nhỉ? Qui luật kinh tế thị trường có luật lệ của nó, luật lệ càng chặt chẽ thì tự do càng có giá trị.

Nay văn bản dưới luật hằng hà sa số, cán xấu thì giải thích luật tùy mức độ chung chi. Đấy bác ạ, luật lệ và hiện trạng kinh tế của ta là như vậy, tất cả mọi người đều biết, đều thấy hằng ngày nhưng lùng nhùng không lối thoát. Cừu nào thì sói nấy, dân trí ta mấy trăm năm nay, ngoài việc học căm thù giặc để giành độc lập, vẫn còn mông muội như thời Tự Đức. Chưa khai được dân trí thì mãi mãi chỉ là trò “dịch chủ tái nô” mà chủ mới cướp bóc tinh vi, thủ đoạn và khoa học hơn chủ cũ nhiều!

 Gã ngật ngưỡng giải thích cái thế giới sống mà thế hệ gã đã và đang bơi lội qua, gã đã bơi đến điểm cao nhìn lại. Từ ngày mới quen tôi thích tính chất phản tỉnh, lột tả “rát rạt” của gã. Gã với tay cầm chai rượu rót hai ly đầy, nhìn tôi ái ngại như nhìn một người anh già yếu còm cõi, gã tuôn ra như không kìm được:
 - Lắm lúc nhìn các bác, các đơn vị sản xuất chầu chực, chờ duyệt cái này, giải quyết cái nọ. Rõ khổ. Cột cũng tụi này mà tháo cũng tụi này! Biết cả, biết cả. Mỗi công-ten-nơ hai-mươi-phít, bốn-mươi-phít chung cho hải quan kiểm hóa bao nhiêu, trả tiền xe dịch vụ chở mấy ông ấy bao nhiêu, chung cho công an dọc đường bao nhiêu, khi trễ tàu phải vận chuyển trong giờ hành chánh phải mua đường cho công an giao thông dẫn lộ bao nhiêu, cho thêm cho thằng nâng hạ để nó chịu làm là bao nhiêu, cho lưu kho, lưu bãi, ngay cả cho ông bảo vệ giữ cái cần gạt trước ụ tàu… Các ông thiếu một khâu không chung chi thì đừng trách. Tất cả là hợp tác, luật lệ đứng ngoài, mọi người đều có lợi trong tầm mức trò chơi này cho phép.  Hình ảnh ấy như tiếng rú, gào của bầy linh cẩu trên thảo nguyên, lẽo đẽo bám sát cho đến khi con linh dương gục ngã, không có một hiệp hội ngành nghề nào làm vòng rào che chắn cho chú linh dương xiêu vẹo trên thảo nguyên đầy tiếng rú man rợ của bầy linh cẩu! Rồi mỗi con một cú táp.

Già nửa chai Chivas và sau mấy giờ gã khao khát tâm sự, giải bày, tôi cảm thấy thương gã. Thương thằng em hoang tàng, chợt lê lết về ổ rơm tình nghĩa ngày nào mà tâm sự như xưng tội với chính lương tâm. Gã có vẻ thấm rượu hay u uất trong lòng; mắt ti hí mà vằn gân đỏ, chẳng biết bởi rượu hay bởi tủi thân.

 - Bác còn nhớ chuyện em kể về cậu Út em, ông giáo làng gàn bướng đến chết trong cuộc đấu tố, cậu là tay sai cho Tây vì biết tiếng Pháp. Cậu đọc Quốc văn Giáo khoa thư, và giảng cho em cách tu thân, sửa xấu có tốt “Người kia có ba lọ, một đựng đậu đen, một đựng đậu trắng, và một lọ không. Hằng ngày, tự xét nếu nghĩ làm một việc xấu thì bỏ vào lọ không một hạt đậu đen, ngược lại là ý nghĩ hay công việc làm tốt thì bỏ vào một hột đậu trắng… Cứ thế, cháu à, số đậu trắng sẽ càng ngày càng tăng…” Bác nghĩ xem, cả lũ bọn em đang sống, từ sáng sớm cho đến đêm về an giấc, sẽ có bao nhiêu hạt đậu đen bỏ vào lọ?

Tội nghiệp ông-cậu-Quốc-văn-giáo-khoa-thư của em bị chúng nhốt bỏ đói trong đình làng buộc phải khai gian, tố ông Chánh, khai học tiếng Pháp là để phục vụ cho Tây. Họ cấm mọi người bén mảng gần nơi nhốt cậu. Mấy ngày sau cậu chết đói trong đình, mẹ em lấy chiếu bó xác cậu chôn ngoài bãi sậy.

 - Tất cả mọi người, mọi nơi trong cái xứ sở này đều như vậy. Có nhiều mặt tích cực âm thầm lẻ loi thì ta không biết được. Chú tự dằn vặt thì có ích gì?

Gã không phải là người xấu, cái cách gã soi rọi vào các hành vi lệch lạc của mình là thái độ phản tỉnh của ít người mà ta gặp được trong thế giới quan chức. Gã và thế hệ của gã trưởng thành trong xã hội không dễ gì có nhiều cơ hội bứt phá để vươn lên. Gã xoay chai rượu gần cạn, đôi mắt đờ đẫn nhìn… tôi cảm thấy xót xa cho xã hội chúng tôi đang sống, cho cái nắng ngầy ngật này xen tiếng cười thỉnh thoảng ré lên, của mấy cô gái ở các phòng bên, bị mấy tay khách sờ mó lung tung. Gã nhìn tôi áy náy điều gì:
 - Bác à, với tuổi bác, cảnh ngộ sống đang khó khăn lúc này, tôi biết bác nghĩ gì. Ờ, khi trên xe, bác có hỏi em về cái Trại nuôi heo ngày ấy. Em có nói, rồi em sẽ kể cho bác nghe, ngoài bác ra em chả có thể kể với ai, ngay cả với vợ em, không kể với bác lòng em sao nặng nề quá. Hẳn bác con nhớ đám cán bộ kéo về huyện heo hút ấy nghiên cứu về tình hình chẳng đi đến đâu, rồi từ Giám đốc đến công nhân ăn mòn dần vào cái trại heo từ thiện ấy. Không có vốn, không chuyên môn, dốt nát và quản lý tồi…

-  Chú lại chà xát không thương tiếc.

- Thì em đã nói với bác làm việc ở cơ quan đồng lương không đủ sống, mà lại sống được thì sống nhờ vào đâu? Ban phát và nhận ân huệ, vị trí nào có ân huệ đó, đem cho và đòi nhận lại bổng lộc trực tiếp hay gián tiếp, một nhân viên gác cổng cơ quan cũng đòi như vậy. Bởi đâu mà những người làm việc trong hệ thống công quyền có cái suy nghĩ lệch lạc đó? Công việc họ phải làm, họ ăn lương đâu phải là công trạng, tại sao cứ làm việc gì thì vòi trả công. Ai ai cũng thấy tôi có quyền hưởng, quyền đòi, quyền kể lể mọi thứ công lao… trong khi, thực ra đó chỉ là công việc của một công dân chân chính trong một đất nước độc lập. Đồng lương không đủ sống mà xây nhà cửa, xe cộ, con cái du học… lấy đâu ra? Áy náy, bèn vẽ vời vở kịch chứng minh “trúng số”, “nuôi ba con heo trên sân thượng”… Cả xã hội, trừ những con người lao động chân chính ở nông thôn, khắp khắp cùng nhau đóng một vở kịch dài che giấu một lương tâm bất ổn. Như thế là xã hội tồn tại không lành mạnh, bệnh hoạn! Nếu cơ quan có người lãnh đạo tốt thì có cơ may phát triển, nếu họ có tà tâm thì họ sẽ tìm mọi cách xoáy tài sản công, cần thì họ chạy chính sách để xoáy. Bác sẽ bảo làm sao mà chạy chính sách? Ôi, nơi nào người lãnh đạo trên dốt, đám tham mưu dưới tham, ai ai cũng có quyền ký, có ký là có ăn, mà không ai chịu trách nhiệm, và quan trọng nhất mọi sự không được công khai, minh bạch… thì chính sách nào mà chúng không chạy được.  

 - Thế còn cái trại nuôi heo kia thì ăn vào cái gì?

 - Ha Ha! Làm phân ăn phân, làm heo ăn heo. Ăn vào heo, vào thịt, vào giống, vào thực phẩm heo…Đường chính ngạch không được thì đi đường tà ngạch. Ôi bác ơi, tâm đã tà thì nhìn vào đâu mà chẳng thấy ra “ngõ ngách” để đi. Còn luật lệ, chính sách thì rối mù đầy ngõ ngách để có “kẽ hở” mà chui… Bác sẽ hỏi, nói như cậu không có người tốt à? Có chứ, có nhiều người tốt, họ ngây thơ tốt, họ tê liệt tốt và… họ trót lỡ tốt! Bao nhiêu người câm nín chịu đựng, sẵn sàng nuôi con ếch ộp bên bờ ao, con heo nhỏ dưới gầm giường ngủ giữa phố xá chật chội với ước mơ nuôi con ăn học sao cho nó có cơ hội đổi đời. Và cũng có những ông thánh sống, hy sinh cả đời vì niềm tin, sống theo thói quen, tin theo thói quen, nói theo thói quen…
- Chú trở lại đi chú Thông, xa quá rồi. Tại sao trại heo phá sản, giải thể?  Rồi các chị “” người dân tộcRa Đê làm y tá phát thuốc cho bà con đã ra sao?

 - Đã là heo bệnh thì không được bán ra thị trường, có hại cho người tiêu dùng! Vậy là xẻ thịt, “xử lý nội bộ” giá tượng trưng, bán ra thị trường thì giá lại cao gấp mười. Bác thấy con heo “lắc đầu” mà thương, đang nhơn nhởn trong bầy, tắm xong da hồng phấn căng tràn sức sống, chợt ngày kia cứ đứng một góc “lắc đầu”, đập đầu vào máng vào vách, mắt đờ đẫn buồn…

Rồi ngày kia, tay giám đốc trại heo gọi em lên văn phòng. Hắn đon đả rót trà, mời thuốc rồi nói xa xa, gần gần là hắn biết tôi cũng kiếm được kha khá trong cái việc “xử lý nội bộ” cái bệnh heo “lắc đầu”… và cuối cùng hắn nói toạc ra: “Này cậu Thông, mình nói thật, mình sắp về thăm quê cuối tháng, cậu xem xoay cho mình ít để sắm ít quà thơm thảo nhá. Chỗ anh em nói ít hiểu nhiều nhá.”  - “V.â.n.g…vâng thủ trưởng yên tâm, để em lo”. Ừa, rồi thì sau đó một tuần, tay giám đốc ký cho mình quyết định xẻ thịt “xử lý nội bộ” ba chú heo tơ mơn mởn hồng phấn bị “lắc đầu”. Sau khi tay giám đốc đi thăm quê về, kinh nghiệm quan trường cho hắn biết chìa khóa ở đâu để gọi: “Vừng ơi! Mở cửa”.  Hắn biết khởi đầu qui trình ban phát và nhận ân huệ, để sắp xếp chỗ tiến thân, hay thoát thân. Thế nên, heo “lắc đầu” nhiều hơn,”quyết định xử lý nội bộ” dày hơn. Cái loại “xử lý nội bộ” là toa thuốc thần kỳ của khoa học quản lý nhân loại! Là tấm khăn nhung đen của các tay ảo thuật gia, nó thiên biến vạn hóa, đổi trắng thay đen. Như cái khăn nhà ảo thuật, đây nè ba chú heo được phủ khăn nhung “xử lý nội bộ”.  A lê hấp! Nhà ảo thuật dở khăn ra, ba chú heo biến mất, trong tay nhà ảo thuật là bì thư dày với mươi triệu cho giám đốc về thăm quê! Ôi, bác ơi, chiếc khăn nhung giải quyết nội bộ đó nó ôm choàng cả đất nước này: ghế quan chức, qui hoạch đất đai, bằng cấp, dự án bán vịt trời, mua máy bay, tàu thủy nằm ụ, khai thác mỏ khoáng sản, xẻ núi làm thủy điện … Từ con rận cho đến con voi, đều được đắp kín trong tấm khăn “nội bộ”, nào ai biết, nào ai hay.

- Tôi nhớ sau ngày tôi đi xa, ông Sính có nói, là có ban bệ nghiên cứu khoa học gì đó có về trại heo để xem bệnh heo “lắc đầu”…?

 - Bày trò! Ở cái huyện đất đỏ heo hút trơn trợt, mịt mù bụi khói này, thằng nào nó thèm mò tới. Chúng bày ra ban này, hội nọ để có cớ để đăng ký đề tài, báo cáo láo kiếm chút chút thôi mà! Mấy tay thú y, kỹ sư chăn nuôi, trưởng ban, trưởng phòng lập đề án, xin kinh phí, kéo nhau xí xọ xuống một hai ngày, rảo qua rảo lại, xem xem ngó ngó, rồi chiều về nơi quạnh hiu này bèn bày đồ nhậu, khí lạnh cao nguyên cùng rượu nồng, mồi bắt…

 - Lại, lòng lợn mắm tôm, rượu đế. Tôi xen vào với gã cho vui chuyện…

 - Thì đại khái thế, rồi sớm mai xìa giấy công tác ký xác nhận để về thanh toán công tác phí; rồi đề nghị xí nghiệp hợp đồng dịch vụ nghiên cứu chuyên sâu bệnh heo “lắc đầu”. Rồi xin tạm ứng nghiên-cứu-phí, rồi bì thư… bày mọi thứ để moi tiền của công, cái thứ cha chung! Họ lưu tâm mọi thứ, chỉ trừ một thứ: Đó là làm sao cho trại heo phát triển.

 - Chú Thông à, vậy là không tìm ra gốc của bệnh “lắc đầu” trong trại heo sao chú? Tôi nhớ, hình ảnh mấy “chị Sơ” da ngăm đen, môi dày, gốc người dân tộc Ra dê, trước là nữ tu tập sự ở trạm y tế từ thiện của buôn làng.  Cách mạng về, họ là công nhân của trại heo, vẫn ngồi ở trạm, mặc thường phục nhưng các chị chít một chiếc khăn xanh che mái tóc như hình ảnh các xơ trước kia. Trạm chỉ còn chiếc tủ kính nhỏ với ít thuốc cấp phát cho các bệnh thông thường. Các “chị Sơ” vẫn ngồi trước cửa trạm, mỗi sáng, với mươi bà con dân tộc để gùi bên cạnh, ngồi nhìn về phía nhà nguyện nhỏ bằng tôn phía trước mà mơ nghe tiếng đọc kinh hay tiếng chuông ngân nga ngày nào…

  Gã rót hai ly rượu, chai Chivas cạn gần đáy. Giọng gã lè nhè, mệt mỏi:
 -  Bác với em là tình nghĩa cơ hàn. Bác xem, nếu em không quen biết bác, thì bác thử nói xem, sáng nay gặp em bác sẽ làm gì?

 -  Nếu chú Thông là người xa lạ, theo lệ thường thì anh sẽ gởi bì thư ra chung chi cho chú và chú sẽ giải quyết nếu thấy vừa lòng. Nói thật với chú, phải chung chi, hối lộ quyền thế cũng mất phẩm cách lắm chú ạ, nhưng có còn con đường nào khác để đi nếu không phải tự đánh mất phẩm giá mình như vậy? 

- Dẫu sao thì công ty của bác vẫn còn lãi hơn là… phạt trễ tàu, tiền gia công chuyển trễ thì không có tiền lương cho công nhân; ngân hàng sẽ gây khó; xe công-ten-nơ đòi bồi thường vì neo đậu mà không lên hàng… Chừng ấy thứ mất cả trăm mà chung có mười thì lời chán! Phải không nào?

 - Nhưng… Tôi ngần ngừ. Tôi muốn nói lên cái cảm giác như khi xem phim cảnh bầy linh cẩu xua con linh dương đến cùng kiệt sức khi muốn chạy thoát thân trên thảo nguyên cháy rát nắng hạ! 

 - Em biết, bác cũng như những người làm ăn nghĩ gì khi bị ép phải chi thì tự tính nhẩm số sẽ phải mất trừ cho số phải chi để thấy còn hời, còn hí hửng vui vì bị thương thay vì chết. Người dân cứ xem cái chuyện chung chi như cái việc phải làm để được tồn tại; và tự an ủi để so hôm nay với cái thời ngày ngày xếp hàng lãnh tem phiếu, thì hạnh phúc hơn nhiều. Cái cách làm tính trừ ngược đó làm người người hớn hở khoe khoang về nền kinh tế VN mở cửa tiến bộ vượt bậc, về hạnh phúc, về an ninh! Ta luôn so với cùng kỳ mươi năm trước chẳng hạn, hay so ta với mấy nước nghèo khổ ở Phi châu… Kẻ chi tiền cho tham nhũng và người nhận tiền đều có lương tâm thanh thản, chỉ có nhà nước và luật pháp tan hoang! Cả hai đều thấy mình dẫu sao cũng còn tồn tại được trong xã hội này. Chỉ có lòng tự trọng và tự tin vào bản thân thì bị hao mòn dần mà không có cơ hội phục hồi. Cả đất nước này mỗi ngày mọi nơi đều vơi dần hai phẩm chất quí giá đó. Một dân tộc mà ngày ngày hao mòn lòng tự tin và tự trọng thì đất nước sẽ đi về đâu?

 - Nhưng, chúng ta nói về trại heo…Tôi kéo gã trở về.

 - Thì vẫn là việc ấy, em muốn cùng bác nhìn về cái toàn cảnh đám mây đen “úm ba la” của tấm vải đen ảo thuật đang dần dần trùm lên xã hội mà chúng ta đang sống. Chúng ta, tất cả bên thắng và bên bại sau mấy mươi năm lăn xả vào chém giết nhau, nay đều trở thành lũ ma trơi, múa may, ăn ngủ, làm tiền, làm tình… và luôn bất an. Luôn luôn bất an từ mọi phía, luôn luôn thấy mình đang xúc phạm những người chung quanh, và đang bị xúc phạm. Bạn em nó bảo đó là cái giá dân tộc này phải trả cho một cuộc chiến oan khiên hơn ba triệu vong linh oan uổng từ Bắc chí Nam: Lũ người còn sống, thì sống vật vờ và hành động như mê ngủ trong cảnh ngộ: Tự đánh mất lòng tự tin và tự trọng!

 - Về việc này, có lẽ tôi không suy nghĩ như chú, chú Thông à. Cái giá mà dân tộc ta phải trả cho để có được độc lập và thống nhất đất nước rất là to lớn. Xứng đáng cho mọi hy sinh, không có hy sinh nào vô nghĩa cho cái giá đó. Nhưng thử xem để đến đích Độc Lập, Thống Nhất, ngoài cách  ta đã làm mấy mươi năm qua  ấy, có còn giải pháp nào khác hay không?  Và, điều đáng nói nhất là: Độc lập, thống nhất để đất nước ra thế này sao? Chú quay về chuyện trại heo…

 - Khi làm bảo vệ trại heo, một lần xẻ thịt heo liên hoan, em cắt dọc lổ tai chú heo, cứt ráy đen dơ dáy bám đầy các hốc tai. Tai heo sâu và nhiều hốc, ngoài cạn trong sâu, vừa rưới nước sôi lên vừa cạo sạch lớp lông che khuất lỗ tai heo, em chợt nhớ đến trò chơi lúc trẻ khi sơ tán ở Hòa Bình, lấy mấy trái bời lời xanh xanh bỏ vào tai dê xem nó ngứa ngáy, lắc đầu rảy hạt bay xa. Mấy thứ cứt ráy dẻo quánh, đen rức, đóng quanh các hốc tai heo màu đen nhơn nhớt ấy làm em liên tưởng đến những hạt đậu đen, hay mấy con ve ú nung núc bâu bên tai trâu bò… Lúc ấy em vừa về xí nghiệp, mới dựng chòi ở tạm, và bác gặp em khi vào làm bảo vệ, vợ lao công vệ sinh chuồng trại. Ban đầu, em nghiêng tai heo thử bỏ vào dăm hạt đậu đen, nó cứ thế lắc đầu, hạt đậu lùng bùng như viên bi da bốn băng va đập tứ phía, hạt đậu quến vào cứt ráy, có lắc, có văng va vào vách, tai lùng bùng mà không bắn ra ngoài được, đứng yên thì nó lầy nhầy như cứt ráy, làm sao ai khám ra trừ phi bóp nát, miết hai ngón tay vào đống nhớt nhèo đen quánh gớm ghiếc đó. Em lén lén làm thử vài lần, thấy ngon ăn, em từ từ lấn tới…

 -  Em túc tắc tùy nhu cầu rót đậu đen vào tai heo, và heo cứ lắc đầu được đem xẻ thịt. Qua chị gái, em tận dụng sở trường của em, em đem quà đến các gia đình em cần,… Em tranh thủ phiếu giới thiệu mua gạch mua ngói, mua xi, mua sắt… dùng không hết thì bán, thì cho, thì nhận… Bác ạ, em lên cao, em mở rộng ảnh hưởng to chừng nào thì đàn heo teo tóp chừng ấy. Chúng nó từ từ “lắc đầu” chán nản bao nhiêu thì em hứng khởi bấy nhiêu, gần mươi năm đó em xong đại học tại chức, em học chuyên tu xuất-nhập-khẩu, em xây nhà trên tỉnh, vợ con em thì như bác thấy… Trại heo tất yếu phải phá sản và giải thể thôi! Không ai buồn gì việc ấy, chẳng ai trách nhiệm gì, có chăng là các “chị Sơ” và mấy bà con dân tộc bó gối ngồi cạnh gùi tre trống hoác, ngồi xúm tụm bên nhau mơ màng buồn nhớ tiếng chuông chiều nơi nhà nguyện!

Làm gì nhau nào?  Bác thấy em xấu xa lắm phải không?  Em cũng thấy em thật xấu xa, em thật hèn, nhưng em biết rất rõ cái hèn của em, đó là cơ hội cho gia đình em đổi đời. Bác đừng làm bộ ngạc nhiên, em biết bác thấy rõ mồn một cái bước đi tự hủy của xã hội ta đang sống. Cái con đường tắt muốn tiến thân là phải tìm cho ra cái dây chuyền cho và nhận ân huệ, và tìm cho ra chỗ ném vào đó những hạt đậu đen để nó phát huy. Ai ai cũng biết, cũng nói như ngủ mê: Chúng ta phải làm gương cho dân, chúng ta phải sống và làm việc theo pháp luật, nhưng muốn tồn tại và tiến thân thì bọn họ phải tìm cho ra kẽ hở của pháp luật. Gọi là kẽ hở là do kẻ có quyền lực mà dụng tâm không chính, do quyền tự do ngôn luận không có, do tấm màn ảo-thuật-nội-bộ bọc kín mọi ung nhọt, do mọi sự không quang minh, do thượng bất chính, hạ bất minh. Họ tìm cho ra từ các câu trích, các văn bản a,b,c tréo ngoe, từ địa phương này qua địa phương khác, từ quyết định trung ương khác với quyết định địa phương… Miễn là tìm cho ra một chỗ để nhét vào đó cái ý đồ đen tối của mình. Thế đấy, trong vai trò và vị trí hèn kém như em, em cũng tìm ra cái lỗ tai heo để nhét vào đó những hạt đậu đen kia mà bác! 

Giọng gã trầm xuống, như ngắt ngứ ở cổ, mắt mờ đục vằn tia đỏ, làm tôi liên tưởng cặp mắt trên đầu con heo luộc trên bàn cúng. Gã tiếp:
 - A ha, người ta bảo xã hội này dung túng và nuôi dưỡng cái xấu. Em không nghĩ vậy, vẫn có những người rất lý tưởng, rất tốt; với họ động từ chỉ được chia cho hai thì: quá khứ vẻ vang, tương lai sẽ tươi sáng!!  Làm sao để tương lai tươi sáng? Họ chỉ có ước mơ và lòng nhiệt huyết, nhưng họ bảo thủ và cố chấp.

Tinh thần tiểu nông của họ làm sao mà chấn hưng đại nghiệp? Không mong học cho có căn cơ phát triển mà chỉ mong “đi tắt đón đầu”, sao cho học ít thời gian và ít đầu tư cho nghiên cứu, mà phải kiếm cách hơn người!. Không dám dùng người tài nếu không cùng phe phái. Bởi đa nghi húy kỵ và tiểu tâm nên xa lánh hiền tài. Bác thử nhìn xem, năm bảy-lăm, chưa cần kể đến ai thắng ai thua, việc thống nhất cả giang sơn gấm vóc từ Bắc chí Nam, là cơ hội ngàn vàng của lịch sử đất nước ngàn năm có một. Đất đai sông núi là một, triệu triệu nhân tài Bắc Nam là một, tài nguyên văn hóa xã hội là một… Cả trăm năm vùi đầu vào chống ngoại bang và chém giết lẫn nhau, bao triệu người đã phơi xương trắng núi sông để có được giấc mơ thống nhất này!  Đuổi sạch ngoại xâm và thống nhất đất nước về một mối là giấc mơ ngàn năm của người dân Việt từ Bắc chí Nam. Chiến thắng để thống nhất chỉ là khởi đầu cho ước mơ đó. Vấn đề là sẽ làm gì để đáp ứng mong mỏi của cả dân tộc với hy sinh ngàn ngàn lớp lớp máu xương?   Oan khiên nghiệp chướng nào mà bọn vua quan bán nước của thời Nguyễn không biết cùng cả nước chấn hưng dân trí, dân sinh… mà chỉ bo bo xây thành, be bờ bảo vệ “hoàng tộc”! Rồi nay cũng vậy nữa sao”

  Gã lầm bầm như độc thoại, cặp mắt gần như khép kín.

 - Bác à, hôm nay em vui vì gặp lại bác, gần hai mươi năm rồi chứ ít gì. Lắm khi, trong những lúc sa thấp nhất trong cái hèn để ngoi mình vượt lên khỏi phận kém cỏi, em chợt nhớ ông cậu Út Quốc-văn-giáo-khoa-thư của em. Cách giáo dục trong mấy mươi năm qua là đập nát, đánh đổ nhào hết các giá trị đạo đức dạy làm người tử tế, người lương thiện của quốc-văn giáo-khoa-thư và thay vào đó một thúng đậu màu nhờ nhờ, nói trắng cũng được, nói đen cũng xong… Cái “chuẩn” mới là tạo ra những hạt đậu màu nhờ nhờ quến trong các thứ cứt ráy dốt nát, tham ô, bảo thủ, độc quyền: Trắng đen, xấu tốt đâu có khác nhau gì đâu bác? Nếu cứ thế, rồi không phải chỉ có đàn heo mơn mởn ở Trại heo “lắc đầu”, lủi thủi vào lò sát sinh, mà sẽ có bao núi sông, rừng vàng biển bạc của cha ông ta sẽ từ từ “lắc đầu” và bị xóa sổ.

 Im lặng trầm chìm trong không gian úa màu nắng quái xuyên qua khung cửa kính mờ, gã tần ngần như muốn nói điều gì.

- Em sẽ nói nốt với bác phần cuối câu chuyện ngày nào. Lúc đầu làm việc ấy em thấy bất an, và lắm khi ray rứt, xấu hổ… Bây giờ có học hỏi, có đi đó đây, em mới thấy việc như thế nó quá xoàng, nó được nâng cấp lên hàng trăm ngàn lần… và nó sẽ còn tăng nhiều lần gấp bội:  Chồng chéo hơn, tinh vi hơn! Làm sao cái trại heo từ thiện, trạm phát thuốc cho bà con dân tộc đó, và tiếng chuông kinh keng của nhà nguyện nhỏ bằng tôn rách nát đó còn tồn tại được?… khi mà nó đã vào tầm ngắm của lòng tham và quyền lực. Giáo dục và thực tế xã hội không đồng bộ đó nó sẽ cung ứng cho xã hội hàng tỷ tỷ hạt đậu đen. Luật pháp đâu có thiếu, gương tốt của cả mấy ngàn năm lịch sử dân tộc đâu có hiếm, nhưng nay cơ chế quản lý không quang minh, người hiểu biết không có quyền và không có cơ hội nói điều phải trái. Người cầm quyền tự làm, tự xử dụng công cụ tuyên truyền để tự khen, tự sướng và tự huênh hoang! Không cần phản biện, không biết lắng nghe…  

Cách quản lý dốt, không quang minh cộng với tấm màn ảo thuật “nội bộ” đã tạo ra hàng tỉ cái “lỗ tai heo” quến đầy cứt ráy. Cứ thế, cứ thế, có cơ hội đến là có bọn nguời ném những hạt đậu đen vào lỗ tai… trong xã hội ta đang sống, và xã-hội oan-khiên khốn-khổ sẽ như bầy heo thịt sẽ “lắc đầu”, và đập đầu vào vách phản đối, cứ phản đối trong câm nín rồi chúng mày sẽ bị đưa đi xẻ thịt, mà đâu có được quyền nói lên nguyên cớ nỗi đau, nỗi uất của mất mát, oan khiên… Cứ lắc đầu và chờ chết!

Bác ạ, rồi mọi sự cứ thế tự động, cái guồng máy ấy nó tự mãn là nó be bờ, nó kiểm soát hoàn hảo, nó rầm rập nuốt chửng mọi thứ trên đường nó tiến, nghiền nát cả chân lý và lòng lương thiện.

Rồi các thế hệ tiếp nối của con em, con cháu bác… Chúng nó sẽ ra sao?  Người ta đâu có dạy cho nó làm người tử tế và lương thiện, để mỗi ngày tìm bỏ những hạt đậu trắng vào lọ; người ta dạy cho chúng trút cả đậu trắng đen vào “một lọ màu pha sẵn” và cố học cách để tìm ra một vài cái lỗ hở trong xã hội để ném những hạt đậu màu ấy vào đó mà tiến thân, sống qua ngày.

- Bác nhỉ, vậy rồi sẽ ra sao? Dân nghèo, đất nước nghèo nàn lạc hậu của mình rồi sẽ về đâu? 

 Chiều đã xuống sâu, ngoài kia xa lộ ầm ầm xe cộ vang đến như tiếng sóng bể. Gã dốc cạn chai Chivas còn hai ly lưng lửng, ngước cổ đánh ực một tiếng rõ kêu.


Đầu gã như đổ xuống, đôi mắt ti hí thẫn thờ rơm rớm nước mắt. Tôi muốn với tay ôm gã như ôm đứa em trai của tôi đã gục ngã trong chiến tranh Bắc Nam, gục chết trong chiến hào mà chẳng biết vì sao. Bình yên đã về trên quê hương đã hơn ba-mươi-năm rồi, nay kẻ thắng người bại đã rõ, giang sơn đã gồm thâu một mối… Dân tộc ta, đất nước ta đã được gì? và sao gã vẫn còn sụt sùi trong nước mắt đắng cay?

Nguyễn Quang Tuyến 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét