Chúng ta có thể tự hào về vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Đẹp cách qui mô vĩ đại, Việt Nam không sánh bằng thế giới, nhưng đẹp duyên dáng, đẹp rung động lòng người, đẹp níu chân du khách, tôitin không nơi nào bằng Việt Nam. Suốt dãy Trường Sơn thăm thẳm, suốt bờ biển xanh trên nghìn cây số, sông nước, bình nguyên, cao nguyên, đã tạo cho Việt Nam bao nhiêu danh lam thắng tích, càng đi càng thấy Quê Hương đẹp vô vàn.
Mấy năm vừa qua, Quảng Bình, Thanh Hóa lại tìm ra thêm những hang động mới (Động Tiên Sơn). Cả nước ngày nay đổ xô vào khai thác du lịch, nghĩa là khai thác vẻ đẹp của Quê Hương. Tỉnh nào cũng Sơn Thủy Hữu Tình, miền Nam núi non ít, sông nước nhiều, tuy cảnh trí không “hoành tráng” như miền Bắc, nhưng có một nơi đã đi vào văn học từ mấy trăm năm nay: Đất Hà Tiên. Thi Đàn Chiêu Anh Các đã có bài vịnh:
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh
Tiêu Tự Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim xanh
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sững muôn năm cũng để dành
Mạc Thiên Tích
(Hà Tiên Thập Cảnh)
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh
Tiêu Tự Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim xanh
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sững muôn năm cũng để dành
Mạc Thiên Tích
(Hà Tiên Thập Cảnh)
Rời Kỷ Niệm Đường của thi sĩ Đông Hồ, tôi giục anh xe ôm phóng nhanh, đi Thạch Động Thôn Vân. Đây là cảnh thứ 5 trong thập cảnh Hà Tiên. Tôi ngao du theo ngẫu hứng, tùy cơ ứng biến, nên không phải theo thứ tự trước sau, cũng có thể chỉ thăm một vài cảnh mà thôi.
Thạch Động cách trung tâm thị xã khoảng 3 km. Ra khỏi phố xá, con đường đất đỏ không rộng, chạy về hướng một ngọn núi không cao, chơ vơ giữa đồng. Anh xe nói: “Con đường này chạy qua Miên bên kia đó chú”. Tôi vỗ vỗ cho xe dừng, chụp một vài ảnh từ xa, cảnh thật vắng vẻ yên tịnh. Ngọn núi không có dáng núi vôi miền Bắc, nhưng trông rất đường bệ vì một mình một cõi. Tôi hình dung hang động sẽ là nơi Tiên Cảnh đúng với lời ca ngợi của nhà thơ họ Mạc mấy trăm năm trước.
Lúc đến nơi, hình ảnh hang động trong tôi thay đổi dần, từ thần tiên về trần tục. Động không cao, đường lên không khó, quành qua lại là thấy cửa hang. Tam cấp xếp bằng đá chẻ thẳng băng, hai bên có tay vịn sắt uốn, sơn trắng đỏ tưởng như đường lên một khu giải trí. Một số nhân công đang phá chân núi làm mặt bằng xây dựng thêm những công trình phụ.
Cửa động như cổng chùa, tường xây sơn màu giả gỗ, hai câu đối bằng Hán tự chạy dọc hai bên, phía trên có ba chữ: Tiên Sơn Tự. Ngay trên cổng chùa còn có lan can gác lửng, đây rõ ràng là nơi ở của một cư sĩ tại gia.
Nhìn quanh không có ai, tôi lần vào trong, động không lớn, ngôi chùa nằm chính giữa với bao nhiêu thiết kế linh tinh chung quanh, tôi hoàn toàn mất đi những háo hức lúc đầu… Ví thử đường lên cứ lần theo thế tự nhiên kiểu đường từng lên Yên Tử hay chùa Hương, cửa động cứ để như trời sinh, cảnh sẽ đẹp biết bao. Thế mới xứng với người xưa truyền tụng:
Hang sâu thăm thẳm mây vun lại
Cửa động thênh thênh gió thổi qua.
Cửa động thênh thênh gió thổi qua.
Nay hang đã đầy, cửa động đã bít, thật tiếc thay.
Một nhà sư bước ra, thầy Thích Minh Luân, trù trì, tôi hỏi thăm:
- Thưa thầy, cảnh có vẻ vắng, thường mùa nào đông du khách?
- Mùa lễ hội thì không chỗ chen chân, nhà chùa đang mở rộng bãi đậu xe.
- Hội vào tháng nào thưa thầy?
- Ngày vía Địa Tạng cuối mùa Vu Lan.
Tôi nghĩ rồi cũng giống như nhiều nơi khác, ngày Hội là ngày hội chợ, buôn bán, ăn uống vui chơi, nghĩa là dịp tiêu tiền và kiếm tiền. Thiền môn là nơi thanh tịnh, nhưng thế giới động nên chùa chiền cũng động theo.
Mấy trăm năm trước, động nuốt mây (thôn vân) có thể là thật, bởi cảnh trí còn trinh nguyên, vắng bóng người, tới mùa mây phủ, hơi núi tỏa, gió lùa qua hang động, thì rõ ràng là “thôn vân”. Bây giờ hang không chỗ cho ánh sáng vào, không chỗ cho gió qua, thì làm gì còn “thôn vân”. Trong động có một hang sâu thăm thẳm, gọi là hang Thạch Sanh. Tương truyền có nhiều người xuống thám hiểm rồi không thấy lên, có người lấy một trái dừa khô khắc chữ làm dấu vứt xuống, ít lâu sau trái dừa trôi ra biển. Tất cả chỉ là huyền thoại. Ngày nay miệng hang đã bị lấp để tránh nguy hiểm.
Không riêng gì Thạch Động Thôn Vân mà có thể nói hầu hết thắng tích trong nước đều bị xâm phạm nặng nề. Ra Hạ Long, hang Dấu (Đầu) Gỗ, như một khu phố Tàu, đèn màu xanh đỏ, lan can, bàn giấy nhân viên… chẳng còn gì là thiên tạo. Các nơi khác tuy có bàn tay con người sửa sang nhưng chừng mực, do chỗ chưa thấy được giá trị của thiên nhiên, chứ không đến nỗi quá trần tục.
Ai đã đến Paris, đã thăm Thạch Động ở Bois Vincennes thuộc quận 12, sẽ thấy động giả mà như thật trăm phần trăm, trong khi của chúng ta là thật lại đem làm thành giả. Một nền văn hóa ngược đời.
Lúc sanh thời, nhà thơ Đông Hồ cũng đã than phiền chuyện “dại dột” này. Theo thi sĩ Đông Hồ thì chung quanh thiếu gì chỗ xây chùa dựng miễu, việc gì chiếm trong động.
Nếu động Huyền Không (Ngũ Hành Sơn) cũng dựng một ngôi chùa thì cảnh trí sẽ ra sao! Cho dù chùa bằng vàng thì cũng phá hỏng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên mà thôi.
Vậy nhưng, văn hóa địa phương lại ca tụng hết mình, kiểu vẽ rắn thêm chân. Động đá xanh thì bảo đá vôi lại còn liên kết với “lịch sử anh hùng” “chống quân xâm lược” để bù vào chỗ hư hỏng…
Gần Thạch Động, nhìn về hướng Tây Bắc, có một cụm núi không cao, cây cỏ mọc xanh, dân địa phương gọi là Đá Dựng, trước kia, mỗi khi chiều về có hàng ngàn cò trắng đáp xuống, Mạc Thiên Tích ghép hai cảnh đối nhau: Thạch Động Thôn Vân và Châu Nham Lạc Lộ (lạc= rơi, lộ=cò). Thơ vịnh Châu Nham Lạc Lộ của Mạc Thiên Tích:
Biết chỗ mà nương ấy mới khôn
Bay về đầm cũ mấy mươi muôn
Đã dăng chữ nhất dài trăm trượng
Lại sắp bàn vây trắng mấy non
Ngày giữa ba xuân ngân phấn vẫy
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn
Quen cây, chim thể người quen chốn
Dễ đổi ngàn cân một tấc son
Bay về đầm cũ mấy mươi muôn
Đã dăng chữ nhất dài trăm trượng
Lại sắp bàn vây trắng mấy non
Ngày giữa ba xuân ngân phấn vẫy
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn
Quen cây, chim thể người quen chốn
Dễ đổi ngàn cân một tấc son
Trong đá dựng có động thạch nhũ óng ánh dưới ánh đuốc nên gọi Châu Nham (đá quí). Cũng còn điển tích: Khi Mạc Cửu đến khai khẩn đất Hà Tiên có nhặt được tại Đá Dựng một viên ngọc (châu) lớn, nên về sau Mạc Thiên Tích đặt tên núi Châu Nham để tưởng nhớ cha. Lộ còn là tên của làng Kỳ Lộ ghép hai chữ Sa Kỳ (núi) Nhượng Lộ (làng) để chỉ phần đất biên giới Việt – Miên. Nhưng trong dân gian vẫn hiểu lạc lộ là cò đáp.
Ngày nay, không riêng gì “lạc lộ” mà nhiều thứ khác cũng không còn, thi ca chỉ gợi lại mộtthời vang bóng… khiến người đời thêm nuối tiếc nhớ thương.
- Trần Công Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét