Trong lãnh vực thể thao, có thể nói Brazil là trung tâm thể thao thế giới vì sắp có đến hai sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu được liên tiếp tổ chức tại quốc gia này. World Cup 2014 đang chuẩn bị diễn ra vào tháng 6 tới đây và đến 2016, Thế vận hội mùa hè được tổ chức tại thành phố du lịch Rio de Janeiro. Để tổ chức được hai sự kiện thể thao lớn đó chỉ cách nhau trong khoảng thời gian hai năm là một công việc rất khó khăn và vì thế cũng không thể tránh khỏi những chỉ trích, đôi lúc kín đáo đôi lúc lại rất gay gắt.
Tháng trước, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA lên tiếng tỏ ý quan ngại rằng một vài sân vận động có thể sẽ không hoàn tất kịp cho giải World Cup vào tháng 6. Và mới đây, trong tuần vừa qua, chính phó chủ tịch của Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) John Coats, qua các hệ thống truyền thông quốc tế, đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích các giới chức Brazil quá chậm trễ trong việc chuẩn bị cho Thế vận hội 2016 tại Rio. Những lời chỉ trích này làm tăng thêm sự nghi ngờ về khả năng của thành phố Rio trong việc tổ chức Thế vận hội mà không cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Trong khi chuẩn bị cho hai sự kiện thể thao lớn này, Brazil đã gặp rất nhiều trở ngại, từ sự chậm trễ công việc xây cất, tổng chi phí tăng quá cao, đến những cuộc biểu tình lên đến hàng triệu người, những vụ đình công của công nhân và một vài tai nạn gây tử vong xảy ra tại công trường xây dựng.
Trong những trở ngại xung quanh việc chuẩn bị cho Thế vận hội 2016, điều IOC quan tâm nhất là những công trình xây dựng mà họ nói rằng cần phải đẩy mạnh cho nhanh hơn cho kịp với thời gian tổ chức. Việc xây dựng vận động trường Deodoro, nơi sẽ diễn ra 11 cuộc tranh tài thể thao và được xem là địa điểm tổ chức quan trọng thứ nhì chỉ sau Công viên Thế vận hội (Olympic Park), chỉ mới bắt đầu một cách chậm chạp. Khu vực tổ chức đua thuyền buồm, chèo thuyền (rowing), bơi xuồng (canoeing) và triathlon (ba môn phối hợp) – bị ô nhiễm nước rất nặng. Rồi bộ môn golf, lần đầu tiên được trở lại thi đấu sau hơn một thế kỷ vắng mặt tại các Thế vận hội, thì nay trên sân thi đấu vẫn chưa được trồng cỏ.
Trong một diễn biến khá hiếm hoi khác đã góp phần tạo thêm căng thẳng giữa Ủy ban Tổ chức Thế vận hội tại địa phương và IOC là 18 liên đoàn thể thao quốc tế đã đồng thanh công khai lên tiếng lo ngại về sự chuẩn bị của thành phố Rio, với một vài liên đoàn yêu cầu phải có một kế hoạch khác trong trường hợp Rio không đủ khả năng tổ chức.
Thị trưởng thành phố Rio, Eduardo Paes, liền ngay sau đó đã phản pháo lại về những lời than phiền của những liên đoàn thể thao trên, nói rằng những liên đoàn này đã đòi hỏi quá nhiều thứ không cần thiết. Chẳng hạn như Liên đoàn Quần vợt đòi xây những sân thi đấu với sức chứa 20.000 chỗ ngồi, trong khi Rio nói rằng 10.000 là quá đủ nếu không muốn nói là quá lớn. Xây lớn quá sau này người ta không biết phải sử dụng sao cho thích hợp.
Thị trưởng của Rio đưa ra một thí dụ điển hình đó là vận động trường hình tổ chim “Birds’ Nest” tại Bắc Kinh với sức chứa 90.000 chỗ ngồi, và công bằng mà nói, quả thật là một công trình độc đáo được nói tới rất nhiều trong thời gian thi đấu kéo dài mấy tuần lễ của Thế vận hội Mùa hè 2008, nhưng nay đang bỏ trống, không được chăm sóc và tu bổ đúng mức và trong tình trạng bị hư hại nặng.
Do đó, những trục trặc trong việc chuẩn bị cho Thế vận hội Rio 2016 đến từ cả hai phía. Những đòi hỏi của IOC thiếu thực tế, trong khi Rio, vì muốn được mang danh hiệu là thành phố đầu tiên của khu vực Nam Mỹ được quyền tổ chức Thế vận hội, đã hứa hẹn đủ thứ mà không thể đạt được.
Năm 1948, ngay sau Thế chiến II, IOC đã tổ chức một “Thế vận hội nhà nghèo” tại London vì biết rằng chẳng có quốc gia nào còn dư dả tài chánh. Trong suốt thế kỷ 20, hầu hết các Thế vận hội được tổ chức ở những thành phố đã có sẵn những phương tiện cho việc tranh tài thể thao, hoặc cần thì cho xây thêm một số công trình một cách hợp lý.
Nhưng nay thì mọi việc đều khác. IOC đòi cho được những công trình xây dựng quá cỡ và những phí tổn tổ chức mà chỉ những tay lãnh tụ độc tài hay những nhà nước toàn trị mới dám chấp nhận. Kết quả là IOC (và cả FIFA nữa) đang từ từ tiến đến cái mức là không còn mấy quốc gia có nền kinh tế ổn định và một ngân sách chi tiêu minh bạch sẽ chịu chấp nhận mọi đòi hỏi của họ.
Rio là một thành phố lý tưởng, độc đáo, đầy màu sắc và sinh động. Nếu IOC muốn tổ chức Thế vận hội ở đấy, thì cứ tổ chức nhưng với phong cách và khả năng của Brazil. Chấp nhận cả mặt tốt lẫn mặt xấu của nó. IOC phải hiểu là tổ chức một sự kiện thể thao lớn như thế thì phải có qua có lại và nên thông cảm với người dân sở tại.
Nhưng hiện nay IOC lại nhìn một cách khác, và nếu những đòi hỏi của họ là phải có đủ mọi thứ mà không đạt được, thì họ sẽ trừng phạt bằng cách làm bẽ mặt quốc gia hay thành phố tổ chức qua các phương tiện truyền thông quốc tế.
Hãy lấy Hoa Kỳ làm thí dụ, quốc gia này sẽ không chịu uốn mình trước IOC. Kế hoạch hợp lý của Hoa Kỳ để được đứng ra tổ chức lại là mang Thế vận hội Mùa đông trở lại thành phố Salt Lake City, nơi đã có sẵn cơ sở được xây dựng từ năm 2002.
Tuy nhiên, đưa Thế vận hội về lại một thành phố cũ như thế đối với IOC chắc chắn là không hào hứng và hấp dẫn chút nào. Nếu Hoa Kỳ muốn được tổ chức Thế vận hội thì bắt buộc phải xây dựng tất cả lại từ đầu, hoặc ở Reno/Squaw Valley hoặc Denver/Aspen, cho dù những nơi thi đấu có thể cách xa nhau cả trăm dặm. Đó quả thật là một sự phung phí hàng tỉ bạc vô lý.
IOC cần phải hiểu điều này và phải thay đổi thái độ của họ. Nếu không thì không chỉ Thế vận hội Rio 2016 mà những Thế vận hội sau đó họ sẽ còn phải tiếp tục họp báo và than thở.
- Huy Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét