Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Tìm hiểu người Việt quốc nội

NGUOIVIETQUOCNOI

Ai cũng biết lập trường bò sát, cúi đầu khuất phục, chấp nhận mất nước, của nhóm “tam xên” lãnh tụ Việt Cộng – Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang; họ không còn cái hào khí “phanh thây, uống máu quân thù” như trong thời nội chiến nữa. Không lãnh tụ nào dám nói đến chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” nữa, vì tiêu thổ (đốt đất) ngày xưa có nghĩa là đốt nhà, đốt ruộng của dân gian, nhưng ngày nay, tiêu thổ lại có nghĩa là đốt dinh thự của các quan lớn Cộng Sản.
Không dám tiêu thổ, không dám kháng chiến, họ cúi đầu thần phục thiên triều Trung Cộng, câm miệng trốn sau hậu trường sân khấu để nhóm diễn viên phụ gượng gạo đóng tuồng yêu nước, bào chữa cho chủ trương “SẼ cương quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải; bảo vệ chủ quyền quốc gia.”
Diễn viên phụ là bà Phạm Chi Lan; hôm Chúa Nhật 5/18, bà Phạm Chi Lan nói với phóng viên BBC, “Việt Nam hết sức cố gắng (tự) kiềm chế, hết sức cố gắng để duy trì hòa bình, duy trì khả năng thương lượng với Trung Quốc, đàm phán với Trung Quốc tới mức tối đa; nhưng Việt Nam chắc chắn không trả giá cho hòa bình bằng cách làm mất chủ quyền của nước mình.”
Không ai nghi ngờ lập trường của bà Chi Lan -một vị nữ lưu học thức và yêu nước- bà không nói dối, không miệng lưỡi chính trị, nhưng ai cũng biết bà nói sai: chủ quyền Việt Nam đã mất, mà không mất để “trả giá cho hòa bình” như bà nghĩ.
Thực trạng bẽ bàng hơn: những nhà lãnh tụ Việt Cộng đang cho không, biếu không cả lãnh thổ, lãnh hải, lẫn chủ quyền Việt Nam.
Bà tưởng là chính phủ Việt Cộng đang tự chế, đang nhịn nhục duy trì hòa bình, để tiếp tục thương lượng với Trung Cộng, trong lúc bọn Sang, Trọng, Dũng chỉ giản dị tuân hành chỉ thị của Trung Cộng diễn trò hải chiến bằng súng nước, và cho người trà trộn vào những đoàn công nhân biểu tình để làm phong trào chống Trung Cộng, mất chính nghĩa bằng hành động cướp bóc, hôi của trong lúc biểu tình.
Màn thứ nhì là các chủ nhân ông những nhà máy ngoại quốc bị đốt phá đóng cửa nghiệp vụ không hoạt động nữa, bỏ đói công nhân thất nghiệp, và đòi bồi thường hầu chứng minh cái giá đắt đỏ của những cuộc biểu tình yêu nước, chống Trung Cộng lấn chiếm biển đảo.
Bà Lan chào đời năm 1945 (69 tuổi), sinh ra và lớn lên trong chế độ Việt Cộng, chịu nhiều ảnh hưởng chính trị của chế độ, nhưng cũng là một chuyên gia kinh tế nổi bật. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và thường bầy tỏ tinh thần yêu nước rất tích cực.
Bà nói với phóng viên BBC, “Việt Nam cũng phải sẵn sàng với những biện pháp khác ‘không hòa bình’ như Trung Quốc đang làm để bảo vệ chủ quyền của mình”; câu nói gỡ gạc, rửa mặt cho “tam xên” bằng viễn ảnh một cuộc chiến tranh bảo vệ Hoàng Sa không bao giờ xẩy ra, ngày nào Việt Cộng còn cầm quyền.
Tự ái quốc gia khiến bà tưởng là Trung Cộng đang hội đàm với Việt Cộng; nhưng thật tế chỉ là cảnh ra lệnh, và nhận lệnh.
Diễn viên phụ thứ nhì là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, 51 tuổi; ông được báo chí trong nước ca tụng ông “từng là du học sinh từ 1982 – 1988 tại Vương quốc Bỉ và có học vị tiến sỹ; nơi làm việc của ông là căn phòng nhỏ ở tầng 2 của một ngôi nhà cổ trong khu Văn phòng Chính phủ, số 1 Hoàng Hoa Thám, cầu thang gỗ cũng nhỏ hẹp, cũ kỹ; phòng làm việc khá giản dị. Trong phòng chỉ có bộ bàn ghế rất bình thường, một con chuột cảm ứng trên bàn và một màn hình lớn treo trên tường.”
Trong một cuộc tiếp xúc với giới khoa học gia, ông Đam nói, “… chúng tôi lo nhiều lắm, lo làm sao đất nước mấy nghìn năm lịch sử như vậy, cha ông gây dựng được đất nước như bây giờ, làm sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của cha ông, làm sao cho đất nước giàu mạnh…”. Ông Đam lo Việt Nam có thể mất nước, vì giàn khoan 981 đã ngự trị ngay trong lãnh hải Việt Nam, ngay bên cạnh Hoàng Sa.
Một nhà khoa học lỡ lời nói “Hoàng Sa – Trường Sa ‘sẽ’ là của Việt Nam”, lập tức Phó thủ tướng Đam nói: “Tôi xin đổi lại một chữ – chữ SẼ. Đúng ra, Hoàng Sa đã là, và đang là của Việt Nam, Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ làm mọi cách để đòi lại. Nếu đời tôi và đời các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta tiếp tục đòi, theo đúng luật pháp quốc tế”.
Không ai nghi ngờ lòng yêu nước của ông Đam, nhưng cũng không ai đồng ý với ông, đẩy trách nhiệm bảo vệ Hoàng Sa cho con, trong lúc ông và đám lãnh tụ đang cầm quyền không có ý chí bảo vệ.
Lối thoát “ngày mai SẼ lấy lại Hoàng Sa” đang giúp nhiều người lương thiện trong quốc nội yên tâm nhắm mắt – chứng minh thái độ nhắm mắt, là rất nhiều người ca ngợi ông Đam; điển hình là 3 trong nhiều email viết cho BBC.
Anh Minh (e-mail: hoangduongminh@gmail.com) – viết vào lúc 07:34 ngày 19-05-2014, một ngày sau ngày Hà Nội đã dẹp tan những cuộc biểu tình yêu nước; “Bài viết về những phát biểu của Phó Thủ tướng rất hay, mong sao nhà nước và Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng để hiện thực những lời gan ruột đó… Việt nam muôn năm!”
Anh Trần văn Duy (e-mail: tranvanduy2011@gmail.com) – viết vào lúc 07:37 ngày 19-05-2014, “Đất nước muốn phát triển giàu mạnh thì mỗi 1 công dân phải làm tốt nhiệm vụ của mình bằng cách làm việc tốt và học tập thật tốt!”
Anh Hoàng Khang (e-mail: thangbom075@gmail.com) viết vào lúc 07:43 ngày 19-05-2014, “Hoàn toàn đồng ý với Phó Thủ tướng. Mỗi người đều phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Phải góp phần làm cho quê hương giàu mạnh. Hoàng sa, Trường sa mãi mãi là của Việt Nam.”
Không ai nghi ngờ được chân tình của anh Minh, anh Duy, và anh Khang, nhưng không ai không buồn vì họ hưởng ứng quyết tâm của Phó thủ tướng Đam NGÀY MAI, CON CHÁU CHÚNG TA SẼ LẤY LẠI HOÀNG SA.
Quyết tâm này cho thấy mọi người đều biết, và đang chấp nhận Hoàng Sa đã mất, và đồng ý viết chúc thư dặn con lấy lại Hoàng Sa.
Diễn viên phụ thứ 3 là ông Lê Lương Minh, Thứ trưởng Ngoại giao, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký Asean.
Hôm 16/5 ông Minh nói với phóng viên báo Wall Street Journal là Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, và kêu gọi khối ASEAN, mạnh dạn bảo vệ Hoàng Sa, trong lúc Việt Nam thiếu mạnh dạn để bảo vệ lãnh hải.
Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng, nói Tổng thư ký Asean Lê Lương Minh đang gửi đi “tín hiệu sai lầm” về cuộc tranh chấp; và Trung Quốc rất bất mãn và cương quyết phản đối.
Hồng Lỗi còn nói: “Chúng tôi kêu gọi Asean trung lập và không can thiệp vào tranh chấp.”
Cũng trong bài báo của Wall Street Journal, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói ông chia sẻ quan điểm của ông Minh cho là “tình hình Hoàng Sa đang rất nguy hiểm”. Không kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan nhưng Natalegawa nói: “Trung Quốc cần thực thi cam kết đã nói là Trung Quốc thi hành tuyên ngôn về ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002.”
Trong lúc đó ông Sek Wannamethee, phát ngôn viên ngoại giao Thái Lan, từ chối không bình luận về lời của ông Minh, và nói rằng đây chỉ là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc – lập luận lặp lại chủ trương chỉ thương thuyết tay đôi của Trung Cộng.
Nói tóm lại, phản ứng tột độ của Việt Cộng trong việc mất nước là đánh bùn sang ao. Bọn lãnh tụ Việt Cộng kêu gọi mọi người giúp, đòi hộ Việt Nam phần lãnh hải giầu tài nguyên Hoàng Sa; và nếu không ai giúp họ, họ sẽ nhờ con họ giúp.
Không những không đòi lại Hoàng Sa, mà Việt Cộng còn cấm người Việt Nam không được đòi Hoàng Sa; hôm Chúa Nhật 5/18 chúng cấm không cho người Việt quốc nội xuống đường, như họ dự tính; Việt Cộng vẫn chỉ sử dụng lực lượng công an, cũng đã đủ bóp chết tiếng nói uất hận của Người Việt quốc nội.
Trong lúc đó đám cán bộ lãnh đạo Việt Cộng vẫn tiếp tục lánh mặt trên sân khấu chính trị, và hả hê với việc hoàn thành công tác “Trung Quốc hóa quần đảo Hoàng Sa” – công tác Tập Cận Bình giao phó cho họ. Thái độ “cấm đòi chủ quyền lãnh hải” là nét chính vẽ lên chân dung thái thú của bọn Dũng, Sang, Trọng.
Người Việt hải ngoại cần tìm hiểu người Việt quốc nội, tìm hiểu tình hình quốc nội để đo chân quốc nội đóng lại đôi giầy “chống Trung Cộng xâm lược” cho vừa khít khao với khả năng quốc nội. Ngoài hình thức biểu tình ủng hộ, đốt nến cầu nguyện, và lên án vai trò “thái thú” của nhóm lãnh đạo Việt Cộng chúng ta còn có thể làm những gì hơn được nữa để phối hợp với nỗ lực quốc nội, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền Việt Nam?

Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét